GIẢI THÍCH CÂU KINH THÁNH
Giăng 1:1—“Ban đầu có Ngôi Lời”
Ý nghĩa của Giăng 1:1
Câu Kinh Thánh này tiết lộ những chi tiết về đời sống của Chúa Giê-su Ki-tô trước khi xuống thế làm người (Giăng 1:14-17). Trong câu 14, từ “Ngôi Lời” (tức “Logos”, từ Hy Lạp là ho loʹgos) được dùng như một tước vị. Tước vị “Ngôi Lời” chắc hẳn miêu tả vai trò của Chúa Giê-su trong việc truyền mệnh lệnh và chỉ thị của Đức Chúa Trời cho các tạo vật khác. Trong thời gian làm thánh chức trên đất và sau khi về trời, Chúa Giê-su tiếp tục truyền thông điệp của Đức Chúa Trời.—Giăng 7:16; Khải huyền 1:1.
Từ “ban đầu” nói đến khoảng thời gian Đức Chúa Trời bắt đầu công việc sáng tạo và tạo ra Ngôi Lời. Sau đó, Đức Chúa Trời dùng Ngôi Lời để tạo ra tất cả những vật khác (Giăng 1:2, 3). Kinh Thánh cho biết Chúa Giê-su là “con đầu tiên trong tất cả các tạo vật” và “qua Con ấy mà mọi tạo vật khác được dựng nên”.—Cô-lô-se 1:15, 16.
Cụm từ “Ngôi Lời là một vị thần” cho biết rằng trước khi xuống đất, Chúa Giê-su là một thần linh và có bản tính giống với Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su có thể được miêu tả như thế vì ngài là phát ngôn viên của Đức Chúa Trời và có vị thế đặc biệt là con đầu lòng mà Đức Chúa Trời dùng để tạo ra muôn vật.
Văn cảnh của Giăng 1:1
Sách Giăng tường thuật về đời sống và thánh chức trên đất của Chúa Giê-su. Những câu đầu tiên của chương một cho biết về đời sống trước khi làm người, mối quan hệ đặc biệt với Đức Chúa Trời và vai trò quan trọng của Chúa Giê-su trong cách Đức Chúa Trời thực hiện ý định của ngài đối với nhân loại (Giăng 1:1-18). Những chi tiết này giúp chúng ta hiểu lời nói và hành động của Chúa Giê-su khi ngài làm thánh chức trên đất.—Giăng 3:16; 6:38; 12:49, 50; 14:28; 17:5.
Quan niệm sai về Giăng 1:1
Quan niệm sai: Phần cuối của câu Giăng 1:1 phải được dịch thành “Ngôi Lời là Đức Chúa Trời”.
Sự thật: Dù nhiều dịch giả Kinh Thánh dịch như thế nhưng những dịch giả khác nhận thấy câu đó cần được dịch khác. Trong bản gốc, hai lần từ “Đức Chúa Trời” (từ Hy Lạp là the·osʹ) xuất hiện trong câu Giăng 1:1 có sự khác biệt về mặt ngữ pháp. Lần xuất hiện thứ nhất có mạo từ xác định tiếng Hy Lạp ở phía trước từ này nhưng lần thứ hai thì không có. Nhiều học giả nhận thấy việc không có mạo từ xác định trước từ the·osʹ thứ hai là điều đáng chú ý. Chẳng hạn, bản dịch The Translator’s New Testament nói về điều này như sau: “Thật ra, việc không có mạo từ đứng trước làm cho từ Theos (Đức Chúa Trời) thứ hai trở nên như tính từ và mang ý nghĩa là ‘Ngôi Lời có thần tính’”. b Các học giả c và những bản dịch khác cũng chỉ ra sự khác biệt này.
Quan niệm sai: Câu này dạy rằng Ngôi Lời cũng là Đức Chúa Trời Toàn Năng.
Sự thật: Cụm từ “Ngôi Lời ở với Đức Chúa Trời” cho thấy có hai đấng riêng biệt được nói đến trong câu này. Ngôi Lời không thể vừa “ở với Đức Chúa Trời” lại vừa là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Văn cảnh cũng cho thấy Ngôi Lời không phải là Đức Chúa Trời Toàn Năng. Giăng 1:18 nói rằng “chưa từng có người nào thấy Đức Chúa Trời”. Tuy nhiên, người ta đã thấy Ngôi Lời là Chúa Giê-su, vì Giăng 1:14 nói rằng “Ngôi Lời đã trở thành người phàm và ở giữa chúng ta; chúng ta đã thấy vinh quang của ngài”.
Quan niệm sai: Ngôi Lời luôn luôn hiện hữu.
Sự thật: Từ “ban đầu” trong câu này không thể mang nghĩa là “sự khởi đầu” của Đức Chúa Trời vì ngài không có sự khởi đầu. Giê-hô-va d Đức Chúa Trời hiện hữu “từ trước vô cùng cho đến đời đời” (Thi thiên 90:1, 2). Trái lại, Ngôi Lời là Chúa Giê-su Ki-tô thì có sự khởi đầu. Ngài là “tạo vật đầu tiên của Đức Chúa Trời”.—Khải huyền 3:14.
Quan niệm sai: Việc gọi Ngôi Lời là “một vị thần” cổ xúy việc thờ đa thần.
Sự thật: Từ Hy Lạp được dịch là “Đức Chúa Trời” hay “vị thần” (the·osʹ) tương ứng với từ Hê-bơ-rơ ʼel và ʼelo·himʹ được dùng trong phần Kinh Thánh thường được gọi là Cựu ước. Người ta hiểu những từ Hê-bơ-rơ này có nghĩa cơ bản là “đấng quyền năng; đấng mạnh mẽ”, được dùng để nói về Đức Chúa Trời Toàn Năng, các thần khác và ngay cả con người (Thi thiên 82:6; Giăng 10:34). Ngôi Lời là đấng được Đức Chúa Trời dùng để tạo ra muôn vật nên chắc chắn ngài có thể được xem là đấng quyền năng (Giăng 1:3). Việc miêu tả Ngôi Lời là “một vị thần” cũng phù hợp với lời tiên tri nơi Ê-sai 9:6 báo trước rằng người được chọn của Đức Chúa Trời, tức Đấng Mê-si hay Đấng Ki-tô, sẽ được gọi là “Thần Quyền Năng” (từ Hê-bơ-rơ là ʼEl Gib·bohrʹ) chứ không phải là “Đức Chúa Trời Toàn Năng” (ʼEl Shad·daiʹ như trong Sáng thế 17:1; 35:11; Xuất Ai Cập 6:3; Ê-xê-chi-ên 10:5).
Kinh Thánh không dạy việc thờ đa thần. Chúa Giê-su Ki-tô nói: “Ngươi phải thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ngươi, và chỉ phụng sự một mình ngài mà thôi” (Ma-thi-ơ 4:10). Kinh Thánh cho biết: “Dù trên trời hay dưới đất có những thứ được người ta gọi là thần, và quả thật có nhiều ‘thần’ nhiều ‘chúa’, nhưng đối với chúng ta thì chỉ có một Đức Chúa Trời, là Cha, mọi vật bởi ngài mà ra và chúng ta sống cho ngài; cũng chỉ có một Chúa, là Chúa Giê-su Ki-tô, muôn vật qua ngài mà có và chúng ta sống nhờ ngài”.—1 Cô-rinh-tô 8:5, 6.
a Bản dịch Đặng Ngọc Báu cũng dịch tương tự.
b Bản dịch The Translator’s New Testament, trang 451.
c Học giả Jason David BeDuhn cho biết việc không có mạo từ xác định làm cho hai lần xuất hiện của từ “Đức Chúa Trời” “khác biệt nhau, như trong tiếng Anh, từ ‘a god’ (một vị thần) khác biệt với từ ‘God’ (Đức Chúa Trời)”. Ông nói thêm: “Trong Giăng 1:1, Ngôi Lời không phải là Đức Chúa Trời có một và duy nhất mà là một vị thần hoặc có bản tính giống với Đức Chúa Trời”.—Truth in Translation: Accuracy and Bias in English Translations of the New Testament (Sự chân thật trong dịch thuật: Chính xác và thành kiến trong bản dịch Tân Ước Anh ngữ), trang 115, 122-123.
d Giê-hô-va là danh của Đức Chúa Trời.—Thi thiên 83:18.