Đi đến nội dung

GIỚI TRẺ THẮC MẮC

Làm sao nói “không” với cám dỗ?

Làm sao nói “không” với cám dỗ?

 Một sứ đồ của Chúa Giê-su là Phao-lô viết: “Khi tôi muốn làm điều đúng thì điều xấu ở cùng tôi” (Rô-ma 7:21). Có bao giờ bạn cảm thấy như vậy chưa? Nếu có, bài này sẽ giúp bạn nói “không” với cám dỗ.

 Điều bạn nên biết

 Cám dỗ thường đến từ áp lực bạn bè. Kinh Thánh cho biết: “Kết hợp với người xấu sẽ làm bại hoại đạo đức tốt” (1 Cô-rinh-tô 15:33, chú thích). Áp lực bạn bè hoặc các phương tiện truyền thông có thể làm nảy sinh trong lòng bạn ham muốn xấu, ngay cả khiến bạn “hùa theo đám đông làm điều ác”.​—Xuất Ai Cập 23:2.

 “Chúng ta muốn được người khác yêu mến và không muốn bị cho ra rìa nên thường bắt chước những gì họ làm”.​—Jeremy.

 Hãy thử nghĩ: Tại sao bạn sẽ dễ bị cám dỗ làm điều xấu hơn nếu quá bận tâm đến việc người khác nghĩ gì về mình?​—Châm ngôn 29:25.

 Điểm chính yếu: Đừng chiều theo áp lực bạn bè mà thỏa hiệp những tiêu chuẩn của bạn.

 Điều bạn có thể làm

 Giữ vững lập trường. Nếu không biết rõ mình tin gì, bạn có thể trở thành con rối trong tay người khác. Tốt hơn là làm theo lời khuyên sau của Kinh Thánh: “Hãy xem xét mọi điều để biết chắc có đúng hay không; hãy giữ chắc những điều tốt lành” (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:21). Càng biết rõ mình tin gì, bạn càng dễ giữ vững lập trường và cưỡng lại cám dỗ.

 Hãy thử nghĩ: Tại sao bạn tin rằng tiêu chuẩn đạo đức của Đức Chúa Trời đem lại lợi ích cho bạn?

 “Mình nhận thấy mỗi khi giữ vững lập trường và không chiều theo cám dỗ thì người khác tôn trọng mình hơn”.​—Kimberly.

 Gương trong Kinh Thánh: Đa-ni-ên. Khi còn là một thanh thiếu niên, Đa-ni-ên “đã quyết trong lòng” rằng sẽ vâng theo luật pháp Đức Chúa Trời.​—Đa-ni-ên 1:8.

Nếu không biết rõ mình tin gì, bạn có thể trở thành con rối trong tay người khác

 Hiểu rõ điểm yếu của mình. Kinh Thánh nói đến “những đam mê của tuổi trẻ”, tức là những ham muốn đặc biệt mạnh mẽ trong độ tuổi còn trẻ (2 Ti-mô-thê 2:22). Đó có thể là quan hệ tình dục, muốn bạn bè chấp nhận và có thêm tự do trong khi chưa rèn được tính kỷ luật.

 Hãy thử nghĩ: Kinh Thánh nói rằng “mỗi người gặp thử thách khi bị lôi cuốn và cám dỗ bởi ham muốn của chính mình” (Gia-cơ 1:14). Cám dỗ nào là khó cưỡng lại nhất đối với bạn?

 “Hãy thành thật với bản thân và nhận ra cám dỗ nào là khó cưỡng lại nhất đối với chúng ta. Hãy tìm hiểu về cách kháng cự và ghi ra những điểm mà mình có thể áp dụng. Nhờ vậy, chúng ta sẽ biết cách ứng phó khi đối mặt với cám dỗ ấy”.​—Sylvia.

 Gương trong Kinh Thánh: Đa-vít. Một vài lần ông đã đầu hàng trước áp lực của người khác và ngay cả ham muốn của bản thân. Nhưng Đa-vít đã rút ra bài học và cố gắng cải thiện. Ông cầu nguyện với Đức Giê-hô-va: “Xin tạo nơi con tấm lòng trong sạch; xin đặt trong con tinh thần mới mẻ, tinh thần kiên định”.​—Thi thiên 51:10.

 Làm chủ chính mình. Kinh Thánh nói: “Đừng để điều ác thắng mình” (Rô-ma 12:21). Điều này có nghĩa là bạn không buộc phải khuất phục trước cám dỗ. Bạn có thể chọn chiến thắng cám dỗ.

 Hãy thử nghĩ: Khi đứng trước cám dỗ, bạn có thể làm chủ chính mình và chiến thắng bằng cách nào?

 “Mình thử nghĩ xem việc chiều theo cám dỗ sẽ đem lại cảm giác nào: Mình sẽ thích thú không? Có lẽ có, nhưng chỉ trong chốc lát. Về lâu về dài thì sao? Hẳn là mình sẽ cảm thấy rất tồi tệ. Vậy có đáng không? Không đáng chút nào!”.​—Sophia.

 Gương trong Kinh Thánh: Phao-lô. Phao-lô thừa nhận rằng mình có khuynh hướng xấu nhưng ông đã làm chủ chính mình. Ông nói: “Tôi có kỷ luật nghiêm khắc với thân thể và bắt nó phải phục như nô lệ”.​—1 Cô-rinh-tô 9:27, chú thích.

 Điểm chính yếu: Bạn là người “cầm tay lái”, nên lao vào hoặc tránh xa cám dỗ là quyết định của bạn.

 Hãy nhớ rằng cám dỗ chỉ là tạm thời. Melissa, 20 tuổi, cho biết: “Nhiều thứ từng là cám dỗ lớn cho mình thời còn đi học thì nay không là gì nữa. Suy ngẫm điều này giúp mình hiểu rằng những cám dỗ hiện tại rồi cũng sẽ qua đi, và một ngày nào đó khi nhìn lại, mình sẽ nhận ra là cuộc sống mình hạnh phúc hơn nhiều nhờ kháng cự cám dỗ”.