Tại sao Chúa Giê-su chết?
Câu trả lời của Kinh Thánh
Chúa Giê-su chết để nhân loại có thể được tha thứ tội lỗi và nhận được sự sống vĩnh cửu (Rô-ma 6:23; Ê-phê-sô 1:7). Cái chết của Chúa Giê-su cũng chứng tỏ con người có thể giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời ngay cả khi đối mặt với những thử thách cam go nhất.—Hê-bơ-rơ 4:15.
Hãy xem làm thế nào cái chết của một người có thể thực hiện được nhiều điều như vậy.
Chúa Giê-su chết để ‘chúng ta được tha thứ tội lỗi’.—Cô-lô-se 1:14.
Người đàn ông đầu tiên, A-đam, được tạo ra một cách hoàn hảo mà không có tội lỗi. Tuy nhiên, ông chọn bất tuân với Đức Chúa Trời. Sự bất tuân của A-đam, hay tội lỗi, ảnh hưởng sâu sắc đến tất cả con cháu ông. Kinh Thánh giải thích: “Bởi sự không vâng lời của một người mà nhiều người trở thành kẻ tội lỗi”.—Rô-ma 5:19.
Chúa Giê-su cũng hoàn hảo nhưng ngài không bao giờ phạm tội. Vì thế, ngài có thể làm “vật tế lễ chuộc tội vì tội của chúng ta” (1 Giăng 2:2, chú thích). Sự bất tuân của A-đam khiến gia đình nhân loại bị tội lỗi thể nào, thì cái chết của Chúa Giê-su xóa bỏ tội lỗi khỏi tất cả những ai thể hiện đức tin nơi ngài thể ấy.
Theo nghĩa nào đó, A-đam bán gia đình nhân loại vào vòng tội lỗi. Qua việc sẵn sàng chịu chết vì chúng ta, Chúa Giê-su chuộc lại nhân loại. Kết quả là “nếu có ai phạm tội thì chúng ta có đấng giúp đỡ đang ở với Cha, đó là Chúa Giê-su Ki-tô, một đấng công chính”.—1 Giăng 2:1.
Chúa Giê-su chết “để ai thể hiện đức tin nơi [ngài] sẽ không bị hủy diệt mà có được sự sống vĩnh cửu”.—Giăng 3:16.
Dù A-đam được tạo ra để sống mãi, nhưng vì phạm tội mà ông phải lãnh án chết. Qua A-đam, “tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết, nên sự chết trải trên mọi người vì hết thảy đều có tội”.—Rô-ma 5:12.
Ngược lại, cái chết của Chúa Giê-su không chỉ xóa bỏ dấu vết của tội lỗi, mà còn xóa bỏ án chết cho tất cả những ai thể hiện đức tin nơi ngài. Kinh Thánh nói tóm gọn như sau: “Như tội lỗi và sự chết làm vua thì lòng nhân từ bao la cũng làm vua trong sự công chính, dẫn đến sự sống vĩnh cửu qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.—Rô-ma 5:21.
Dĩ nhiên, con người ngày nay vẫn có đời sống ngắn ngủi. Nhưng Đức Chúa Trời hứa rằng ngài sẽ ban cho những người công chính sự sống vĩnh cửu, và làm người chết sống lại để họ cũng hưởng lợi ích từ sự hy sinh của Chúa Giê-su.—Thi thiên 37:29; 1 Cô-rinh-tô 15:22.
Chúa Giê-su “vâng lời cho đến chết”, qua đó chứng tỏ rằng con người có thể trung thành với Đức Chúa Trời trong bất cứ thử thách nào.—Phi-líp 2:8.
Dù có cơ thể và trí óc hoàn hảo, A-đam đã bất tuân với Đức Chúa Trời vì ông ích kỷ, muốn có thứ không thuộc về mình (Sáng thế 2:16, 17; 3:6). Sau này, kẻ thù chính của Đức Chúa Trời là Sa-tan cho rằng không con người nào sẽ vâng lời Đức Chúa Trời một cách bất vị kỷ, đặc biệt là khi tính mạng bị đe dọa (Gióp 2:4). Tuy nhiên, Chúa Giê-su, một con người hoàn hảo, đã vâng lời Đức Chúa Trời và giữ lòng trung thành dù phải trải qua cái chết nhục nhã và đau đớn (Hê-bơ-rơ 7:26). Điều này giải quyết dứt điểm vấn đề: Con người có thể giữ lòng trung thành với Đức Chúa Trời trong bất cứ thử thách nào mà người ấy có thể gặp.
Thắc mắc về cái chết của Chúa Giê-su
Tại sao Chúa Giê-su phải chịu đau đớn và chết để cứu chuộc nhân loại? Tại sao Đức Chúa Trời không đơn giản xóa bỏ án chết?
Trong luật pháp của Đức Chúa Trời có nói rằng “tiền công mà tội lỗi trả là sự chết” (Rô-ma 6:23). Thay vì giấu A-đam điều luật này, Đức Chúa Trời phán với ông rằng án phạt cho sự bất tuân sẽ là cái chết (Sáng thế 3:3). Khi A-đam phạm tội, Đức Chúa Trời, “đấng không thể nói dối”, đã giữ lời (Tít 1:2). A-đam không chỉ truyền cho con cháu tội lỗi mà còn truyền tiền công của tội lỗi, là sự chết.
Dù con người tội lỗi đáng nhận án chết, nhưng Đức Chúa Trời mở rộng “sự giàu có của lòng nhân từ bao la của ngài” đối với họ (Ê-phê-sô 1:7). Sự cung cấp của ngài để cứu chuộc nhân loại, tức là phái Chúa Giê-su xuống làm vật tế lễ hoàn hảo, vừa cho thấy công lý nổi bật, vừa là biểu hiện của lòng thương xót bao la.
Chúa Giê-su chết khi nào?
Chúa Giê-su chết vào “giờ thứ chín”, tính từ lúc mặt trời mọc, hay khoảng 3 giờ chiều vào ngày Lễ Vượt Qua của người Do Thái (Mác 15:33-37, chú thích). Ngày ấy tương ứng với thứ sáu, ngày 1 tháng 4 năm 33 CN, theo lịch hiện đại.
Chúa Giê-su chết ở đâu?
Chúa Giê-su bị hành hình tại “một nơi gọi là Cái Sọ, tiếng Hê-bơ-rơ là Gô-gô-tha” (Giăng 19:17, 18). Vào thời Chúa Giê-su, nơi đó nằm “ngoài cổng thành” của Giê-ru-sa-lem (Hê-bơ-rơ 13:12). Có thể nó ở trên một ngọn đồi, vì Kinh Thánh nói rằng một số người quan sát “từ đằng xa” việc Chúa Giê-su bị hành hình (Mác 15:40). Tuy nhiên, hiện nay không thể xác định chắc chắn vị trí của Gô-gô-tha.
Chúa Giê-su chết như thế nào?
Dù nhiều người tin rằng Chúa Giê-su bị đóng đinh, hay bị hành hình trên thập tự giá, nhưng Kinh Thánh cho biết: “Ngài mang tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ” (1 Phi-e-rơ 2:24, Đặng Ngọc Báu). Những người viết Kinh Thánh dùng hai từ Hy Lạp là stau·rosʹ và xyʹlon để nói đến công cụ hành hình Chúa Giê-su. Nhiều học giả kết luận rằng những từ này nói đến một thanh gỗ hay cây cọc thẳng đứng bằng gỗ.
Nên tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su như thế nào?
Vào đêm mà người Do Thái tổ chức Lễ Vượt Qua hằng năm, Chúa Giê-su thiết lập một nghi lễ đơn giản cùng với các môn đồ và ban cho họ mệnh lệnh: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi” (1 Cô-rinh-tô 11:24). Vài giờ sau, Chúa Giê-su bị giết.
Những người viết Kinh Thánh ví Chúa Giê-su với con chiên được dâng làm vật tế lễ vào Lễ Vượt Qua (1 Cô-rinh-tô 5:7). Như Lễ Vượt Qua nhắc dân Y-sơ-ra-ên nhớ rằng họ được giải thoát khỏi ách nô lệ, Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su nhắc tín đồ đạo Đấng Ki-tô nhớ rằng họ được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết. Lễ Vượt Qua, được tổ chức vào ngày 14 tháng Ni-san theo âm lịch của Kinh Thánh, là ngày lễ hằng năm; tín đồ đạo Đấng Ki-tô thời ban đầu cũng tổ chức Lễ Tưởng Niệm mỗi năm một lần.
Hằng năm, vào ngày tương ứng với ngày 14 tháng Ni-san, hàng triệu người trên thế giới tưởng nhớ sự hy sinh của Chúa Giê-su.