Giải nghĩa thuật ngữ
Cám ơn quý vị đã quan tâm đến việc đưa tin về các hoạt động của Nhân Chứng Giê-hô-va. Tài liệu này giúp hỗ trợ việc đánh vần và dùng các thuật ngữ liên quan đến tổ chức tôn giáo của chúng tôi. Nếu quý vị có bất cứ câu hỏi nào về một chủ đề mà chưa được đề cập trong tài liệu này, xin liên hệ với văn phòng chi nhánh của Nhân Chứng Giê-hô-va.
anh. Là một người nam đã báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Từ này không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
Bê-tên, thành viên Bê-tên, gia đình Bê-tên. Từ “Bê-tên” trong tiếng Hê-bơ-rơ có nghĩa là “nhà Đức Chúa Trời”. Đây là tên gọi dành cho các cơ sở mà Nhân Chứng Giê-hô-va sử dụng để hướng dẫn và hỗ trợ các hoạt động thiêng liêng dựa trên Kinh Thánh của mỗi nước hoặc khu vực. Các Nhân Chứng phục vụ tại những cơ sở này thuộc một tổ chức tôn giáo và được biết đến là “thành viên Bê-tên”. Họ không được trả lương. Nói chung, họ được gọi là “gia đình Bê-tên” vì giống như một gia đình, họ sống, thờ phượng và làm việc cùng nhau tại những cơ sở đó. Cụm từ “thành viên Bê-tên” không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
Buổi họp công cộng. Là buổi họp hằng tuần của hội thánh, thường được tổ chức vào cuối tuần. Phần đầu chương trình là bài giảng 30 phút dựa trên Kinh Thánh dành cho công chúng. Sau đó là Phần học Tháp Canh. Phần này thảo luận một bài trong ấn bản học hỏi Tháp Canh, kéo dài một tiếng gồm phần câu hỏi và trả lời về một chủ đề dựa trên Kinh Thánh. Giống như mọi buổi họp khác của Nhân Chứng Giê-hô-va, buổi họp này cũng miễn phí và không quyên tiền.
buổi họp giữa tuần. Là buổi họp hằng tuần của hội thánh, thường được tổ chức vào một buổi tối trong tuần. Chương trình nhóm họp gồm có ba phần, và được gọi là Lối sống và thánh chức. Mục tiêu của buổi họp này là giúp các Nhân Chứng trở thành những tôi tớ phụng sự hữu hiệu hơn của Đức Chúa Trời. Giống như mọi buổi họp khác của Nhân Chứng Giê-hô-va, buổi họp này cũng miễn phí và không quyên tiền.
chị. Là một người nữ đã báp-têm trở thành Nhân Chứng Giê-hô-va. Từ này không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
Chúa Giê-su Ki-tô. Là Con một của Đức Chúa Trời (Giăng 3:16). Nhân Chứng Giê-hô-va xem Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Lãnh Đạo của họ, và họ cố gắng bắt chước gương mẫu cũng như làm theo sự dạy dỗ của ngài. Các Nhân Chứng xem Chúa Giê-su là người vĩ đại nhất đã từng sống, là Nhân Chứng quan trọng nhất của Đức Giê-hô-va và là người mà Đức Chúa Trời dùng để giải cứu nhân loại.—Ê-sai 9:6, 7; Khải huyền 1:5.
công việc rao giảng. Nói đến công việc chia sẻ thông điệp Kinh Thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Họ làm theo mệnh lệnh của Chúa Giê-su là chia sẻ ‘tin mừng về Nước Trời’ với người ta trên “khắp đất để làm chứng cho muôn dân”.—Ma-thi-ơ 24:14; 28:19.
đoàn thể anh em. Cụm từ này nói đến đoàn thể anh em quốc tế của Nhân Chứng Giê-hô-va (cả nam lẫn nữ).—1 Phi-e-rơ 5:9.
Ga-la-át, Trường Ga-la-át. Tên viết tắt của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh, được thành lập vào năm 1943, lúc đầu chỉ đào tạo giáo sĩ. Hiện nay, khóa học kéo dài 5 tháng này dành cho những Nhân Chứng Giê-hô-va được mời tham dự.
giám thị vòng quanh. Là một trưởng lão có kinh nghiệm phụng sự dưới sự hướng dẫn của văn phòng chi nhánh (cùng với vợ, nếu đã kết hôn). Anh đều đặn thăm từng hội thánh trong một vòng quanh, thường là hai lần mỗi năm. Ngoài việc khích lệ những người kết hợp với hội thánh, anh cũng cung cấp sự khích lệ và những chỉ dẫn cho trưởng lão cũng như phụ tá hội thánh. Anh chuẩn bị một chương trình gồm sự chỉ dẫn dành cho mỗi hội thánh. Cụm từ này không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
giáo sĩ: Là một Nhân Chứng đã báp-têm được Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va bổ nhiệm đến những nơi khác nhau trên thế giới. Các giáo sĩ sẵn sàng rời nhà của họ và có lẽ chuyển đến nước khác để giúp chia sẻ tin mừng về Nước Trời.—Ma-thi-ơ 24:14.
Giê-hô-va. Là danh riêng của Đức Chúa Trời toàn năng và Đấng Tạo Hóa được nói đến trong Kinh Thánh (Thi thiên 83:18). Từ “Giê-hô-va” không nên được dùng để thay thế khi nói đến một Nhân Chứng Giê-hô-va.
Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Là một nhóm nhỏ các trưởng lão được bổ nhiệm để chăm sóc nhu cầu tâm linh cho Nhân Chứng Giê-hô-va trên khắp thế giới. Thường viết tắt là “Hội đồng Lãnh đạo”. Họ trực tiếp tham gia vào việc chuẩn bị ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Dù dẫn đầu trong việc điều phối hoạt động quốc tế của các Nhân Chứng, nhưng Hội đồng Lãnh đạo xem Chúa Giê-su Ki-tô là Đấng Lãnh Đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va. Văn phòng của Hội đồng Lãnh đạo được đặt tại trụ sở trung ương ở Warwick, New York, Hoa Kỳ.
hội nghị quốc tế. Là buổi họp kéo dài ba ngày dành cho việc thờ phượng và nhận những chỉ dẫn dựa trên Kinh Thánh. Hội nghị này do Nhân Chứng Giê-hô-va sắp đặt và được tổ chức vài năm một lần ở những thành phố khác nhau trên khắp thế giới. Các Nhân Chứng từ các nước được mời tham dự với tư cách là đại biểu. Bất cứ người địa phương nào cũng có thể đến dự. Mục đích của hội nghị này là giúp những người tham dự đến gần hơn với Đức Chúa Trời và củng cố sự hợp nhất toàn cầu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Các hội nghị quốc tế thường được tổ chức ở những cơ sở được thuê và diễn ra từ thứ Sáu đến Chủ Nhật. Mọi người được vào cửa miễn phí, không quyên tiền.
hội nghị vòng quanh. Là buổi họp kéo dài một ngày gồm nhiều hội thánh thuộc Nhân Chứng Giê-hô-va tham dự và được tổ chức hai lần mỗi năm. Các hội nghị vòng quanh được chuẩn bị với mục đích giúp người ta đến gần hơn với Đức Chúa Trời, và bất cứ ai cũng có thể đến dự. Chương trình bao gồm những gợi ý nhằm giúp cử tọa thuộc mọi lứa tuổi nhận được lợi ích từ lời khuyên của Kinh Thánh. Chương trình cũng có những màn trình diễn cho thấy cách áp dụng bài học từ Kinh Thánh vào đời sống hằng ngày. Sự kiện này thường được tổ chức tại Phòng hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va hoặc tại một cơ sở được thuê, hay cũng có thể được xem trực tuyến. Sự kiện này thường được tổ chức vào cuối tuần. Mọi người được vào cửa miễn phí, không quyên tiền.
hội nghị vùng. Là buổi họp hằng năm kéo dài ba ngày gồm nhiều hội thánh thuộc một khu vực tham dự để khích lệ về thiêng liêng. Bất cứ ai cũng có thể đến dự. Chương trình bao gồm những gợi ý nhằm giúp cử tọa thuộc mọi lứa tuổi nhận được lợi ích từ lời khuyên của Kinh Thánh. Sẽ có những màn trình diễn nói về các tình huống thường ngày và các lời tường thuật trong Kinh Thánh, cho thấy cách áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh. Sự kiện này thường diễn ra tại những địa điểm lớn và được thuê, chẳng hạn như đấu trường, sân vận động và trung tâm hội nghị. Những hội nghị vùng nhỏ hơn cũng có thể được tổ chức tại Phòng hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va gần đó. Sự kiện này thường được tổ chức trực tiếp từ thứ Sáu đến Chủ Nhật. Trong những năm gần đây, một người có thể xem chương trình được thu sẵn trên trực tuyến. Giống như mọi buổi họp khác của Nhân Chứng Giê-hô-va, buổi họp này cũng miễn phí và không quyên tiền.
hội nghị. Xem mục: hội nghị vòng quanh.
hội nghị vùng. Xem mục: hội nghị quốc tế và hội nghị vùng
hội thánh. Là một nhóm các Nhân Chứng được tổ chức và đều đặn nhóm lại để thờ phượng. Một hội đồng trưởng lão được chỉ định để san sẻ trách nhiệm điều khiển các chương trình dạy dỗ dựa trên Kinh Thánh và đưa ra chỉ dẫn về thiêng liêng cho hội thánh hoặc từng cá nhân. Bất cứ ai cũng có thể đến dự các buổi họp này. Buổi họp này miễn phí và không quyên tiền.
Kinh Thánh—Bản dịch Thế Giới Mới. Là tên đầy đủ của phần Kinh Thánh tiếng Hê-bơ-rơ (“Cựu ước”) và phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (“Tân ước”) do Nhân Chứng Giê-hô-va dịch và xuất bản. Cũng được gọi là Bản dịch Thế Giới Mới.
Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Đấng Ki-tô. Là lễ tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su Ki-tô được tổ chức hằng năm. Lễ này cũng được gọi là Bữa Ăn Tối Của Chúa, Tiệc thánh của Chúa, Bữa Tiệc Ly, Lễ Tưởng Nhớ hoặc Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su. Nhân Chứng Giê-hô-va xem lễ này là sự kiện quan trọng nhất trong năm và cũng là lễ tôn giáo duy nhất mà Chúa Giê-su lệnh cho các môn đồ ngài phải cử hành.—Lu-ca 22:19, 20.
người công bố. Là người tham gia chia sẻ thông điệp Kinh Thánh cùng với một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va. Để hội đủ điều kiện làm công bố, một người cần hiểu và tin những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh cũng như sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Người công bố không được trả lương và không phải là người làm thuê cho hội thánh hay bất cứ tổ chức nào liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va. Từ này không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
Nhân Chứng Giê-hô-va. Là một nhóm tôn giáo thuộc đạo Đấng Ki-tô gồm những tín đồ thờ phượng Giê-hô-va Đức Chúa Trời và tích cực đẩy mạnh việc giáo dục Kinh Thánh qua những hình thức khác nhau. Mục tiêu của công việc giáo dục Kinh Thánh là chia sẻ tin mừng về chính phủ Nước Trời (Ma-thi-ơ 24:14). Tên gọi này giúp phân biệt họ với các tôn giáo khác. Tên gọi này không chỉ đề cập đến đấng mà họ đại diện, mà còn đề cập đến công việc phục vụ mà họ tình nguyện làm nhân danh Đức Chúa Trời. Trước khi được xem là Nhân Chứng Giê-hô-va, một người cần có sự hiểu biết chính xác về những sự dạy dỗ cơ bản trong Kinh Thánh, hội đủ điều kiện để tham gia công việc rao giảng cùng với một hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va và báp-têm để biểu trưng sự dâng mình cho Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Nếu tên gọi này xuất hiện lần đầu tiên trong một bài thì nên dùng tên đầy đủ và chính thức là “Nhân Chứng Giê-hô-va”. Một từ có thể được dùng để thay thế là “các Nhân Chứng”. Khi đề cập đến một cá nhân, hãy dùng “một Nhân Chứng” hoặc “một Nhân Chứng Giê-hô-va”.—Ê-sai 43:10.
Phòng hội nghị của Nhân Chứng Giê-hô-va. Là một nơi thờ phượng lớn thuộc quyền sở hữu của Nhân Chứng Giê-hô-va. Nơi này được gọi là “Phòng hội nghị” và được sử dụng cho những dịp nhóm lại định kỳ với sự tham gia của nhiều hội thánh trong khu vực được chỉ định.
Phòng Nước Trời của Nhân Chứng Giê-hô-va. Là một nơi tại địa phương, được một hoặc nhiều hội thánh dùng để thờ phượng. Nơi này thường được gọi là “Phòng Nước Trời”. Xin tránh dùng từ “nhà thờ”.
phụ tá hội thánh. Là một nam Nhân Chứng trưởng thành về thiêng liêng được bổ nhiệm để hỗ trợ các trưởng lão trong việc chăm sóc hội thánh. Để làm phụ tá hội thánh, anh cần tiếp tục hội đủ tiêu chuẩn dựa trên Kinh Thánh được liệt kê nơi 1 Ti-mô-thê 3:8-10, 12, 13 và Tít 2:6-8. Phụ tá hội thánh chăm lo nhiều việc cần thiết cho hội thánh. Các phụ tá hội thánh không được trả lương và không phải là người làm thuê cho hội thánh hay bất cứ tổ chức nào liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va. Hầu hết các phụ tá hội thánh đều làm việc ngoài đời để chu cấp cho bản thân và gia đình. Với thời gian, một số phụ tá có thể hội đủ điều kiện để làm trưởng lão. Cụm từ này không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
Tháp Canh—Thông báo Nước của Đức Giê-hô-va. Là tên đầy đủ của một tạp chí chính thức do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản và phân phát. Cũng được gọi là Tháp Canh. Tên gọi này đến từ ý tưởng là tạp chí giúp người đọc nhận ra ý định của Đức Chúa Trời sắp trở thành hiện thực (Ma-thi-ơ 24:42). Ấn bản công cộng Tháp Canh được dùng để mời người chú ý nhận miễn phí. Ấn bản học hỏi Tháp Canh được dùng để thảo luận mỗi tuần trong phần câu hỏi và trả lời tại các hội thánh trên khắp thế giới. Tạp chí Tháp Canh được xuất bản liên tục kể từ năm 1879. Đây là một trong những tạp chí được lưu hành rộng rãi nhất trên thế giới.
tiên phong. Tên gọi này được dùng để nói đến một Nhân Chứng đã báp-têm, cố gắng dành một số giờ nhất định để chia sẻ thông điệp Kinh Thánh. Từ này thường được dùng để gọi tắt cho cụm từ “tiên phong đều đều”, là người dành ra 600 tiếng mỗi năm (50 tiếng mỗi tháng). Đôi khi, từ này được dùng để nói đến “tiên phong phụ trợ”, là người dành ra 15 tiếng hoặc 30 tiếng một tháng hay nhiều tháng liên tục. Các tiên phong không được trả lương và không phải là người làm thuê cho hội thánh của họ hay bất cứ hiệp hội nào liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va. Hầu hết các tiên phong đều làm việc ngoài đời để chu cấp cho bản thân. Từ này không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
Tỉnh Thức! là một tạp chí do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản và phân phát. Tạp chí này lần đầu được xuất bản vào năm 1919 có tên là Thời Đại Hoàng Kim (The Golden Age), và được đổi thành An Ủi (Consolation) vào năm 1937. Tên gọi Tỉnh Thức! được chọn làm tựa kể từ số ra mắt ngày 22-8-1946. Tên gọi này được chọn để nhấn mạnh rằng độc giả nên ý thức về tầm quan trọng của những biến cố trên thế giới. Đây là một trong những tạp chí được lưu hành rộng rãi nhất trên thế giới.
trưởng lão. Là một nam Nhân Chứng thành thục về thiêng liêng được bổ nhiệm để dạy dỗ và chăm sóc giáo dân. Một trưởng lão cần tiếp tục hội đủ tiêu chuẩn dựa trên Kinh Thánh như được nói nơi 1 Ti-mô-thê 3:1-7; Tít 1:5-9; Gia-cơ 3:17, 18; và 1 Phi-e-rơ 5:2. Các trưởng lão không được trả lương và không phải là người làm thuê cho hội thánh hay bất cứ tổ chức nào liên quan đến Nhân Chứng Giê-hô-va. Hầu hết các trưởng lão đều làm việc ngoài đời để chu cấp cho bản thân và gia đình. Các Nhân Chứng không có hàng giáo phẩm và không có sự phân biệt giữa họ với các thành viên khác trong hội thánh. Từ này không được sử dụng như một tước vị tôn kính.
rao giảng. Xem mục: công việc rao giảng.
văn phòng chi nhánh. Là trung tâm hành chính địa phương của một Ủy ban Chi nhánh, được dùng để hỗ trợ và giám sát các hoạt động tôn giáo của Nhân Chứng Giê-hô-va tại một nước hoặc nhiều hơn. Đôi khi từ này được gọi tắt là “chi nhánh”.
vòng quanh. Gồm các hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va trong một khu vực được chỉ định.
Ủy ban Chi nhánh. Khi một văn phòng chi nhánh được thành lập thì một Ủy ban Chi nhánh gồm có ba trưởng lão hoặc hơn được chỉ định để trông nom các hoạt động trong nước hoặc trong những quốc gia mà chi nhánh chăm sóc.
GHI CHÚ: Khi báo cáo về Nhân Chứng Giê-hô-va, xin dùng tên đầy đủ trong lần đề cập đầu tiên. Để biết thêm thông tin, xin xem mục: Nhân Chứng Giê-hô-va.