ANH HÅKAN DAVIDSSON | CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI
Góp phần lan rộng chân lý trong Kinh Thánh
Tôi sinh ra và lớn lên tại Thụy Điển. Khi ở tuổi thanh thiếu niên, tôi bị ảnh hưởng bởi niềm tin vô thần. Vì thế, khi cha mẹ và em gái tôi bắt đầu học Kinh Thánh với Nhân Chứng Giê-hô-va thì tôi không mấy quan tâm.
Nhưng sau nhiều lần được cha mời, tôi quyết định ngồi học cùng với cha. Tôi rất ấn tượng trước sự chính xác của Kinh Thánh khi đề cập đến khoa học. Với thời gian, tôi được thuyết phục rằng Kinh Thánh là Lời Đức Chúa Trời và Nhân Chứng Giê-hô-va dạy Kinh Thánh một cách chính xác cũng như sống theo tiêu chuẩn trong đó. Tôi báp-têm năm 1970, cùng ngày với cha mình. Vài năm sau đó, mẹ tôi và hai em gái cũng báp-têm.
Nhiều bạn bè của tôi dường như chỉ thích tiệc tùng. Tôi thừa nhận rằng lúc 17 tuổi, tôi đã bị thu hút bởi lối sống tự do của họ. Nhưng tôi thấy cặp vợ chồng dạy tôi Kinh Thánh rất vui mừng và thỏa nguyện khi phụng sự trọn thời gian nên tôi cũng muốn làm thế. Cuối cùng tôi đã bắt đầu phụng sự trọn thời gian ở tuổi 21.
Thánh chức tiên phong mang lại cho tôi niềm vui sâu xa đến nỗi tôi hối tiếc vì đã không bắt đầu sớm hơn. Tôi đặc biệt thích làm chứng ở cảng Göteborg. Tại đây, tôi chia sẻ chân lý với những thủy thủ nói tiếng nước ngoài trên các con tàu chở hàng.
Trong năm thập kỷ qua, tôi có cơ hội giúp mang tin mừng đến cho người thuộc những nhóm ngôn ngữ khác nhau theo một cách rất đặc biệt. Tôi xin chia sẻ mọi chuyện bắt đầu như thế nào.
Được huấn luyện để dùng công nghệ MEPS
Để giúp mình làm tiên phong, tôi đã làm nghề in sắp chữ bán thời gian. Vào thời điểm đó, ngành in đang bước vào một kỷ nguyên mới. Phương pháp sắp chữ bằng chì giờ đây được thay thế bằng phương pháp sắp chữ quang điện tử. Vì thế, tôi đã học cách dùng công nghệ sắp chữ điện tử mới nhất để tạo ra những khung in cho máy in.
Năm 1980, tôi kết hôn với Helene, một tiên phong đều đều. Giống như tôi, Helene thích gặp gỡ người đến từ nhiều nơi trên thế giới và khám phá những nền văn hóa mới. Mục tiêu của chúng tôi là tham dự Trường Ga-la-át và làm giáo sĩ.
Tuy nhiên, nhờ có kinh nghiệm về sắp chữ nên tôi và Helene được mời làm việc tại Bê-tên Thụy Điển. Tổ chức rất quan tâm đến việc áp dụng công nghệ mới để in ấn hiệu quả hơn. Vì thế, vào năm 1983, chúng tôi được mời đến Bê-tên Walkill ở New York để được huấn luyện về hệ thống sắp chữ quang điện tử đa ngôn ngữ (MEPS) a mà anh em của chúng ta đang thiết kế.
Chúng tôi phát hiện ra MEPS là một hệ thống máy tính cho phép nhập ký tự trong nhiều hệ chữ viết hoặc bảng chữ cái khác nhau, ghép phần chữ với các hình minh họa tương ứng và dàn trang để chuẩn bị in ấn. Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp thiết kế hệ chữ viết mới bằng MEPS để ấn phẩm của chúng ta có thể được in trong nhiều ngôn ngữ hơn. Giờ đây, nhiều thập niên sau, Nhân Chứng Giê-hô-va phát hành tài liệu về tin mừng trong hơn một ngàn ngôn ngữ!
Với thời gian, tôi và Helene được bổ nhiệm đến châu Á để giúp có thêm nhiều ngôn ngữ hơn cho MEPS. Chúng tôi rất sẵn sàng và háo hức để giúp tin mừng có trong nhiều ngôn ngữ hơn!
Bị sốc về văn hóa
Năm 1986, vợ chồng tôi đến Ấn Độ. Chúng tôi bị sốc về văn hóa! Khi đến Bombay, nay gọi là Mumbai, chúng tôi choáng ngợp vì mọi thứ xung quanh mình rất xa lạ. Nền văn hóa Thụy Điển và Ấn Độ dường như khác nhau hoàn toàn! Trong tuần đầu tiên, chúng tôi suy nghĩ nhiều đến việc trở về nhà.
Tuy nhiên, sau tuần đầu tiên đó, hai chúng tôi đều có cùng suy nghĩ: “Mình luôn muốn trở thành giáo sĩ. Giờ đây, cuối cùng mình đã nhận được một nhiệm sở tại nước ngoài, làm sao mình bỏ lỡ cơ hội này được? Chúng ta phải vượt qua những trở ngại này”.
Thay vì bỏ cuộc, chúng tôi quyết định học càng nhiều càng tốt về đời sống mới ở Ấn Độ. Khi làm thế, hai chúng tôi nhanh chóng yêu thích đời sống ở đây. Thực tế, chúng tôi đã học được hai ngôn ngữ là tiếng Gujarat và tiếng Punjab.
Chuyển đến Myanmar
Năm 1988, chúng tôi được gửi đến Myanmar, một vùng đất nằm giữa Ấn Độ, Thái Lan và Trung Quốc. Tình hình chính trị ở Myanmar rất căng thẳng và phần lớn đất nước đang trong tình trạng thiết quân luật. Thời điểm đó, MEPS vẫn chưa hỗ trợ bảng chữ cái tiếng Myanmar và cũng không có phần mềm nào khác hỗ trợ bảng chữ cái này. Vì thế, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là giúp thiết kế các ký tự cho hệ chữ viết mới và sau đó mang những tập tin này về Walkill để tải lên MEPS.
Khi ra sân bay, Helene mang trong túi xách những hình vẽ của các ký tự chữ cái. Trong tình cảnh chính trị bất ổn thời ấy, chúng tôi có nguy cơ bị bắt nếu nhân viên hải quan biết được chúng tôi mang theo ấn phẩm tiếng Myanmar. Nhưng khi bị khám xét, Helene chỉ giơ chiếc túi lên. Không một ai để ý đến chiếc túi ấy!
Ngoài những hệ chữ viết mới, các dịch thuật viên ở Myanmar cũng được cung cấp máy tính xách tay, máy in và sự huấn luyện về MEPS. Hầu hết những dịch thuật viên này chưa bao giờ nhìn thấy máy tính, nhưng họ sẵn sàng học những kỹ năng mới. Không lâu sau, họ không còn phải dùng những máy in cũ bên ngoài, là loại máy in phải dùng tay để sắp chữ bằng chì. Nhờ thế, chất lượng các ấn phẩm liền được cải tiến.
Chuyển đến Nepal
Vào năm 1991, chúng tôi được bổ nhiệm đến Nepal để hỗ trợ công việc ở đó. Nước này nằm dọc theo sườn núi phía nam của dãy Himalayas. Vào thời điểm bấy giờ, chỉ có một hội thánh duy nhất trong nước và vài ấn phẩm bằng tiếng Nepal.
Không lâu sau, có thêm nhiều ấn phẩm được dịch và phân phát trong khu vực. Ngày nay có khoảng 3.000 Nhân Chứng trong hơn 40 hội thánh ở Nepal và hơn 7.500 người tham dự Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su năm 2022!
Một sách mỏng trong tiếng Lahu
Giữa thập niên 1990, các giáo sĩ ở thành phố Chiang Mai, Thái Lan, bắt đầu rao giảng cho người thuộc các bộ tộc Lahu sống trên đồi. Những người sống gần biên giới Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam nói tiếng Lahu. Tuy nhiên, lúc đó chúng tôi không có bất cứ ấn phẩm nào trong ngôn ngữ ấy.
Một nam thanh niên đang học Kinh Thánh với các giáo sĩ đã dịch sách mỏng “Này! Ta đang làm mọi vật nên mới” từ tiếng Thái sang tiếng Lahu. Sau đó, anh và những người khác trong làng Lahu quyên góp tiền, rồi gửi sách mỏng và tiền đến văn phòng chi nhánh. Trong lá thư kèm theo, họ viết rằng họ muốn tất cả những người nói tiếng Lahu có thể biết chân lý được nói đến trong sách mỏng đó.
Vài năm sau, vợ chồng chúng tôi có đặc ân huấn luyện các anh chị nói tiếng Lahu biết cách dùng MEPS. Một trong những dịch thuật viên này là một anh mới báp-têm đang làm tại văn phòng dịch thuật ở Chiang Mai. Chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi biết rằng anh chính là nam thanh niên đã dịch sách mỏng “Này!” sang tiếng Lahu!
Năm 1995, vợ chồng tôi trở lại Ấn Độ. Chúng tôi làm việc với các dịch thuật viên tại chi nhánh ở đó để cung cấp cho họ những công cụ MEPS cần thiết nhằm thực hiện công việc. Ngày nay có đủ ấn phẩm trong nhiều ngôn ngữ được nói ở Ấn Độ để giúp người ta học hỏi và tiến bộ đến bước báp-têm.
Một đời sống đầy ân phước
Vợ chồng chúng tôi đã phụng sự tại chi nhánh Anh từ năm 1999. Chúng tôi làm việc với Ban Lập trình MEPS tại trụ sở trung ương. Thật vui biết bao khi dành phần lớn thời gian rao giảng của mình ở Luân Đôn để rao giảng cho cánh đồng tiếng Gujarat và tiếng Punjab! Bất cứ khi nào có ngôn ngữ mới trên jw.org, chúng tôi đều tìm cơ hội để rao giảng cho những người nói ngôn ngữ đó trong khu vực của mình.
Tôi rất vui vì ngay từ đầu đã đặt các mục tiêu thiêng liêng thay vì bắt chước những người bạn chỉ thích tiệc tùng. Nhìn lại quá khứ, vợ chồng tôi không hề hối tiếc vì đã quyết định theo đuổi việc phụng sự trọn thời gian. Chúng tôi rất vui vì đã đến thăm hơn 30 quốc gia và tận mắt chứng kiến tin mừng đang đến với người thuộc mọi nước, mọi chi phái và mọi thứ tiếng!—Khải huyền 14:6.
a Nay gọi là Hệ thống xuất bản điện tử đa ngôn ngữ. MEPS cũng được dùng để sản xuất những ấn bản điện tử.