Cách đánh bại mệt mỏi vì đại dịch
Nỗi lo về đại dịch có khiến bạn cảm thấy mệt mỏi không? Nếu có thì không phải mình bạn cảm thấy vậy. Suốt nhiều tháng qua, người ta trên thế giới phải tập sống chung với nỗi lo về đại dịch. Bác sĩ Hans Kluge, giám đốc khu vực châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết: “Nhiều người phải hy sinh rất nhiều để góp phần khống chế dịch bệnh COVID-19. Điều dễ hiểu là trong những hoàn cảnh như thế, người ta dễ buông xuôi và lơi lỏng trong việc phòng bệnh, đó là dấu hiệu của sự mệt mỏi”.
Nếu phải đương đầu với tình trạng “mệt mỏi vì đại dịch”, bạn đừng nản lòng. Kinh Thánh đang giúp nhiều người đương đầu với thời kỳ căng thẳng hiện nay và sách này cũng có thể giúp bạn.
Mệt mỏi vì đại dịch là gì?
Mệt mỏi vì đại dịch không phải là tình trạng bệnh lý, nhưng là một thuật ngữ để miêu tả phản ứng tự nhiên của người ta khi đối mặt với tình trạng bất ổn và xáo trộn kéo dài do đại dịch. Dù mỗi người phản ứng khác nhau nhưng một số dấu hiệu chung của mệt mỏi vì đại dịch bao gồm:
Cảm thấy uể oải, không có hứng thú
Thói quen ăn uống và ngủ nghỉ bị đảo lộn
Cáu kỉnh
Căng thẳng với những việc trước đây thường làm tốt
Khó tập trung
Cảm thấy bế tắc
Tại sao mệt mỏi vì đại dịch là vấn đề đáng lo ngại?
Mệt mỏi vì đại dịch là mối nguy hại nghiêm trọng cho bản thân và người khác. Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể dần lơ là trong việc theo sát những chỉ dẫn an toàn liên quan đến dịch COVID. Với thời gian, chúng ta có thể trở nên chủ quan với vi-rút này dù cho nó vẫn đang tiếp tục lây lan và gây chết chóc. Vì mệt mỏi trước các hạn chế, chúng ta có khuynh hướng muốn được tự do hơn, là điều có thể đặt mình và người khác vào vòng nguy hiểm.
Trong giai đoạn căng thẳng này, nhiều người cảm nhận được những lời sau của Kinh Thánh là đúng: “Đến ngày khốn khổ mà con nản lòng thì sức lực con ắt sẽ ít ỏi” (Châm ngôn 24:10). Kinh Thánh đưa ra những nguyên tắc giúp chúng ta đối phó với những hoàn cảnh gây nản lòng, bao gồm đại dịch này.
Những nguyên tắc Kinh Thánh nào có thể giúp bạn đánh bại mệt mỏi vì đại dịch?
Giãn cách xã hội, chứ không giãn cách tình bạn
Điều Kinh Thánh nói: “Người bạn chân thật... sinh ra cho lúc khốn khổ”.—Châm ngôn 17:17.
Tại sao quan trọng? Những người bạn thật giúp nhau vững mạnh (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11). Ngược lại, tự cô lập trong thời gian dài có thể gây hại cho sức khỏe.—Châm ngôn 18:1.
Hãy thử cách này: Giữ liên lạc với bạn bè bằng cách nói chuyện qua video, điện thoại hoặc gửi e-mail và tin nhắn. Tìm đến bạn bè để được giúp đỡ khi cảm thấy không vui, và cũng thường xuyên hỏi thăm để biết họ thế nào. Chia sẻ những cách giúp ích cho bạn trong mùa dịch. Tìm cơ hội làm điều tốt cho một người bạn nào đó thì cả hai sẽ thấy vui hơn.
Tận dụng những gì có thể trong hoàn cảnh hiện tại
Điều Kinh Thánh nói: “Hãy tận dụng thì giờ”.—Ê-phê-sô 5:16.
Tại sao quan trọng? Khéo dùng thời gian có thể giúp bạn giữ tinh thần tích cực và tránh lo lắng thái quá.—Lu-ca 12:25.
Hãy thử cách này: Thay vì tập trung vào những gì bạn không còn làm được, hãy nghĩ về những gì bạn có thể làm trong lúc này. Chẳng hạn, có những việc hay sở thích nào mà bây giờ bạn mới có thời gian để làm không? Bạn có thể dành nhiều thời gian hơn cho gia đình không?
Giữ nề nếp
Điều Kinh Thánh nói: “Hãy làm mọi việc... theo trật tự”.—1 Cô-rinh-tô 14:40.
Tại sao quan trọng? Nhiều người cảm thấy vui hơn và bớt căng thẳng khi có một nề nếp trong sinh hoạt hằng ngày.
Hãy thử cách này: Lập một thời gian biểu dựa trên hoàn cảnh hiện tại của bạn. Ghi cụ thể thời gian bạn dành cho việc học, việc làm, việc nhà cũng như việc chăm lo nhu cầu tâm linh. Cũng đừng quên liệt kê những hoạt động bổ ích khác như dành thời gian cho gia đình, sinh hoạt ngoài trời và tập thể dục. Thỉnh thoảng xem lại thời gian biểu của bạn và điều chỉnh nếu cần.
Thích nghi với sự thay đổi mùa
Điều Kinh Thánh nói: “Người khôn khéo thấy nguy hiểm và ẩn mình”.—Châm ngôn 22:3.
Tại sao quan trọng? Tùy vào nơi bạn sống, sự thay đổi mùa có thể khiến bạn ít có cơ hội hưởng được không khí trong lành và ánh nắng, là những điều tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần.
Hãy thử cách này: Khi mùa đông đến gần, hãy bài trí phòng khách hay nơi làm việc sao cho có nhiều ánh nắng nhất. Lên lịch cho những hoạt động ngoài trời mà bạn vẫn có thể làm dù trời lạnh. Nếu được, hãy sắm sửa thêm quần áo ấm để bạn có thể ra ngoài nhiều hơn.
Khi mùa hè đến gần, người ta thường ra ngoài hơn, nên hãy thận trọng. Dự tính trước nơi bạn muốn đi và chọn thời điểm không quá đông người.
Tiếp tục tuân theo những biện pháp an toàn COVID
Điều Kinh Thánh nói: “Kẻ ngu muội thì bất cẩn và quá tự tin”.—Châm ngôn 14:16.
Tại sao quan trọng? COVID-19 là bệnh gây chết người và nếu lơ là cảnh giác, chúng ta có nguy cơ nhiễm bệnh.
Hãy thử cách này: Thường xuyên cập nhật những hướng dẫn đáng tin cậy tại địa phương và xem mình có đang mất cảnh giác hay không. Nghĩ xem hành động của mình ảnh hưởng thế nào đến chính mình, gia đình và người khác.
Củng cố mối quan hệ với Đức Chúa Trời
Điều Kinh Thánh nói: ‘Hãy đến gần Đức Chúa Trời thì ngài sẽ đến gần bạn’.—Gia-cơ 4:8.
Tại sao quan trọng? Đức Chúa Trời có thể giúp bạn đối phó với bất kỳ thử thách nào.—Ê-sai 41:13.
Hãy thử cách này: Mỗi ngày, hãy đọc một phần của Lời ngài là Kinh Thánh. Chương trình đọc Kinh Thánh này có thể giúp bạn làm thế.
Hãy liên hệ với Nhân Chứng Giê-hô-va để biết cách bạn có thể nhận được lợi ích từ những sắp đặt của họ để tiếp tục nhóm lại trong mùa dịch COVID-19. Chẳng hạn, các Nhân Chứng trên toàn cầu dùng cuộc họp video trực tuyến cho các buổi nhóm họp, Lễ Tưởng Niệm sự hy sinh của Chúa Giê-su và hội nghị hằng năm.
Những câu Kinh Thánh giúp đối phó với mệt mỏi vì đại dịch
Ê-sai 30:15: “Thế mạnh các ngươi là sự bình tĩnh và lòng tin cậy”.
Ý nghĩa: Tin cậy lời khuyên của Đức Chúa Trời có thể giúp chúng ta bình tĩnh đối phó với những khó khăn.
Châm ngôn 15:15: “Chuỗi ngày của người buồn phiền đều là xấu cả, nhưng người có lòng hớn hở dự tiệc luôn luôn”.
Ý nghĩa: Tập trung vào những điều tích cực có thể giúp chúng ta duy trì niềm vui bất kể thử thách.
Châm ngôn 14:15: “Kẻ ngây ngô tin hết mọi lời, người khôn khéo cân nhắc từng bước”.
Ý nghĩa: Theo sát những khuyến cáo về sức khỏe và đừng vội tin rằng những hạn chế ấy là không cần thiết.
Ê-sai 33:24: “Không cư dân nào sẽ nói: ‘Tôi đau ốm’”.
Ý nghĩa: Đức Chúa Trời hứa sẽ chấm dứt mọi đau ốm, bệnh tật.