Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Cuốn sách này có phù hợp với khoa học không?

Cuốn sách này có phù hợp với khoa học không?

Cuốn sách này có phù hợp với khoa học không?

Tôn giáo không phải lúc nào cũng ủng hộ khoa học. Trong những thế kỷ qua, một số nhà thần học bác bỏ những khám phá khoa học khi họ thấy những khám phá này đe dọa cách họ diễn giải Kinh-thánh. Nhưng thật ra thì khoa học có phải là kẻ thù của Kinh-thánh không?

NẾU các nhà viết Kinh-thánh đã tán thành những quan niệm khoa học phổ thông vào thời họ, thì hậu quả là sách họ viết có đầy những lỗi lầm khoa học. Tuy nhiên, những người viết Kinh-thánh đã không ủng hộ những khái niệm sai lầm phản khoa học. Ngược lại, những lời họ viết không những chính xác về mặt khoa học mà còn đi ngược lại những niềm tin phổ thông thời bấy giờ.

Hình dạng trái đất ra sao?

Con người đã từng nghĩ ngợi về câu hỏi đó qua hàng ngàn năm. Vào thời xa xưa, phần đông người ta nghĩ rằng trái đất bằng phẳng. Thí dụ, người Ba-by-lôn tin rằng vũ trụ là một hộp vuông hay một căn phòng có đáy là trái đất. Những thầy tu tin Kinh Veda ở Ấn Độ nghĩ rằng trái đất bằng phẳng và dân ở trên một mặt mà thôi. Một bộ lạc ban sơ ở Châu Á hình dung trái đất như một mâm trà lớn.

Cách đây rất lâu, vào thế kỷ thứ sáu TCN, triết gia Hy Lạp là Pythagoras đã đưa ra giả thuyết cho rằng vì mặt trăng và mặt trời có hình cầu, thì trái đất cũng phải có hình cầu nữa. Sau này Aristotle (thế kỷ thứ tư TCN) cũng đồng ý, giải thích rằng những hiện tượng nguyệt thực chứng tỏ trái đất có hình cầu. Bóng của trái đất chiếu trên mặt trăng có đường cong.

Tuy nhiên, khái niệm về trái đất bằng phẳng (chỉ có dân ở trên mặt) đã không bị bác bỏ hoàn toàn. Ai chấp nhận lý thuyết về trái đất tròn thì cũng phải chấp nhận khái niệm hợp lý về điểm đối chân, và một số người đã không muốn chấp nhận. * Lactantius, người biện giải về đạo đấng Christ sống vào thế kỷ thứ tư CN, đã chế nhạo ý kiến đó. Ông lý luận: “Có ai dại đến nỗi tin rằng bước chân con người lại cao hơn đầu họ chăng?... và cây cỏ mọc từ trên xuống dưới? và tin rằng mưa, tuyết và mưa đá rơi từ dưới lên?”2

Khái niệm về điểm đối chân đưa ra một vấn đề nan giải cho một số nhà thần học. Có người đưa ra giả thuyết cho rằng nếu như có người sống ở hai bên đối diện trái đất, thì nhóm người sống bên kia trái đất phải hoàn toàn riêng biệt với người sống ở bên này, vì biển thì quá rộng lớn không băng qua nổi hay xung quanh xích đạo có một vùng nhiệt đới không thể nào vượt qua được. Vậy những người sống bên kia trái đất từ đâu mà ra? Vì quá bối rối nên một số nhà thần học tin rằng không thể nào có người sống bên kia trái đất, hay như Lactantius lý luận, trái đất không bao giờ có thể có hình cầu!

Tuy vậy, khái niệm về trái đất hình cầu đã được phổ biến rộng rãi, và cuối cùng được đa số người chấp nhận. Nhưng chỉ vào đầu thời đại không gian ở thế kỷ 20, loài người mới có thể ra ngoài không gian để quan sát tận mắt, và xác nhận rằng trái đất có hình cầu. *

Và Kinh-thánh nói sao về vấn đề này? Vào thế kỷ thứ tám TCN, khi đa số đều tin trái đất bằng phẳng, nhiều thế kỷ trước khi các triết gia Hy Lạp đưa ra giả thuyết trái đất hình cầu, và hàng ngàn năm trước khi loài người thấy được hình cầu của trái đất trong không gian, nhà tiên tri Hê-bơ-rơ là Ê-sai nói một cách hết sức giản dị: “Ấy là Đấng ngự trên vòng trái đất” (Ê-sai 40:22). Từ Hê-bơ-rơ chugh, ở đây được dịch là “vòng” cũng có thể được dịch là “khối cầu”.3 Những bản Kinh-thánh khác dịch là “vồng cầu” (Trần Đức Huân) và “vòm trời” (Bản Diễn Ý). *

Nhà viết Kinh-thánh là Ê-sai đã tránh viết những điều sai lầm về trái đất. Thay vì thế, lời ông viết không sợ mâu thuẫn với các khám phá của khoa học.

Có gì chống đỡ trái đất?

Vào thời xa xưa, loài người cũng muốn biết những câu hỏi khác về vũ trụ: Trái đất được đặt trên cái gì? Có gì chống đỡ mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao? Họ đã không hiểu gì về trọng lực, quy luật thiên nhiên do Isaac Newton đề ra và công bố vào năm 1687. Họ chưa có khái niệm gì về các thiên thể treo lơ lửng trong không gian. Vì thế, họ thường giải thích rằng trái đất và những thiên thể khác được chống đỡ bởi một chất hoặc một vật cụ thể nào đó.

Thí dụ, một giả thuyết cổ xưa, có lẽ do những người sống trên đảo đặt ra, cho rằng xung quanh trái đất có nước và trái đất nổi trên mặt nước. Những người Ấn Độ giáo tưởng tượng rằng trái đất được đặt trên nhiều cái nền chồng lên nhau, như là trên lưng bốn con voi, bốn con voi đứng trên một con rùa khổng lồ, con rùa đứng trên một con rắn to lớn, và con rắn cuốn mình và nổi trong vũ trụ đầy nước. Empedocles, triết gia Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ năm TCN, tin rằng trái đất được đặt trên một cơn gió lốc, gây ra bởi sự di chuyển của các thiên thể.

Trong những sự tin tưởng đó, quan niệm của Aristotle là có ảnh hưởng mạnh nhất. Dù ông đưa ra giả thuyết cho rằng trái đất có hình cầu, ông không tin rằng trái đất có thể treo lơ lửng trong không gian. Trong chuyên luận của ông, On the Heavens, Aristotle bác bỏ ý niệm cho rằng trái đất nổi trên mặt nước, ông nói: “Không khác gì với trái đất, nước cũng không tự nhiên nổi trên khoảng không: nó phải được đặt trên cái gì đó”.4 Vậy thì trái đất “được đặt trên cái gì”? Aristotle dạy rằng mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao dính vào những quả cầu đặc và trong. Mỗi quả cầu có một quả cầu khác nằm ở bên trong, có trái đất bất động ở tâm điểm. Khi quả cầu này xoay ở trong quả cầu kia, các thiên thể dính với chúng—mặt trời, mặt trăng và các hành tinh—di chuyển trên bầu trời.

Cách giải thích của Aristotle nghe có vẻ hợp lý. Nếu các thiên thể không được gắn chặt vào cái gì đó thì làm thế nào chúng có thể ở trên cao được? Suốt khoảng 2.000 năm, người ta tôn trọng và chấp nhận những quan niệm của Aristotle như sự kiện có thật. Theo bách khoa tự điển The New Encyclopædia Britannica, vào thế kỷ 16 và 17 giáo hội xem những sự dạy dỗ của ông “ngang hàng với tín điều tôn giáo”.5

Với sự phát minh của viễn vọng kính, các nhà thiên văn bắt đầu đặt câu hỏi về giả thuyết của Aristotle. Tuy nhiên, họ vẫn không hiểu được sự việc cho đến khi Sir Isaac Newton giải thích rằng các hành tinh lơ lửng trong không gian, tiếp tục bay theo quỹ đạo nhờ một lực vô hình—trọng lực. Ý kiến này có vẻ kỳ lạ, và một số bạn đồng nghiệp của Newton thấy khó tin rằng không gian trống rỗng, phần lớn không chứa đựng gì cả. *6

Kinh-thánh nói sao về vấn đề này? Cách đây gần 3.500 năm, Kinh-thánh nói hết sức rõ ràng rằng trái đất treo “trong khoảng không-không” (Gióp 26:7). Trong tiếng Hê-bơ-rơ nguyên thủy, chữ được dịch ở đây là “không-không” (beli-mahʹ) có nghĩa đen là “trống rỗng”.7 Kinh-thánh Bản Diễn Ý dùng câu “lơ lững trong không gian”.

Đa số sống vào thời đó đã không hình dung một trái đất “lơ lững trong không gian”. Nhưng vì hiểu biết hơn hẳn thời đại của ông, người viết Kinh-thánh đã ghi lại một câu rất chính xác về khoa học.

Kinh-thánh có phù hợp với y khoa không?

Y khoa hiện đại đã dạy chúng ta rất nhiều về sự truyền nhiễm cũng như cách ngăn ngừa bệnh tật. Nhờ các bước tiến y khoa trong thế kỷ 19 mà giới y sĩ mới bắt đầu tập sát khuẩn—phép vệ sinh làm giảm thiểu sự nhiễm trùng. Vì vậy họ có kết quả mỹ mãn. Trường hợp nhiễm trùng và chết sớm đã giảm bớt rất nhiều.

Tuy nhiên, những thầy thuốc thời xưa đã không hiểu rõ bệnh tật truyền nhiễm như thế nào, và họ cũng không biết tầm quan trọng của vấn đề giữ vệ sinh trong việc ngừa bệnh. Khi so với các tiêu chuẩn hiện đại, không ngạc nhiên gì là nhiều phương điều trị thời ấy trông rất thô sơ.

Một trong những tài liệu y khoa cổ xưa nhất còn tồn tại đến ngày nay là Cuộn giấy Ebers, một tập biên soạn nguồn kiến thức y học của người Ai Cập có từ khoảng năm 1550 TCN. Cuộn giấy này liệt kê khoảng 700 cách điều trị nhiều vấn đề khác nhau “từ việc bị cá sấu cắn đến việc đau móng chân”.8 Bách khoa tự điển Kinh-thánh The International Standard Bible Encyclopaedia nói: “Kiến thức y khoa của các thầy thuốc đó chỉ dựa theo kinh nghiệm của họ mà thôi, nói chung là theo ma thuật và không có căn cứ khoa học gì cả”.9 Đa số các phương thuốc vô hiệu nghiệm, nhưng có một số rất nguy hại. Để chữa vết thương, một phương thuốc họ dùng là trộn phân người với những chất khác và thoa lên.10

Tài liệu này ghi lại những phương thuốc của người Ai Cập được viết cùng khoảng thời gian với những quyển sách đầu của Kinh-thánh, gồm có Luật pháp Môi-se. Môi-se, sinh năm 1593 TCN, lớn lên ở Ai Cập (Xuất Ê-díp-tô Ký 2:1-10). Vì là người nhà của vua Pha-ra-ôn, nên ông “học cả sự khôn-ngoan của người Ê-díp-tô [Ai Cập cổ xưa]” (Công-vụ các Sứ-đồ 7:22). Ông biết về các “thầy thuốc” ở Ai Cập (Sáng-thế Ký 50:1-3). Những cách điều trị nguy hại hay vô hiệu quả của họ có ảnh hưởng đến những sách ông viết không?

Không. Ngược lại, Luật pháp Môi-se bao gồm những quy luật vệ sinh rất tân tiến so với thời bấy giờ. Thí dụ, một luật áp dụng ở các trại đòi hỏi phải lấp phân dưới đất cách xa trại (Phục-truyền Luật-lệ Ký 23:13). Đây là một biện pháp ngừa bệnh hết sức tân tiến. Luật này giữ cho nước không bị ô nhiễm và cũng che chở người dân khỏi bệnh lỵ trực trùng Shigella truyền qua ruồi và những bệnh tiêu chảy khác vẫn còn giết hại hàng triệu người mỗi năm ở những vùng thiếu vệ sinh trầm trọng.

Luật pháp Môi-se cũng đưa ra những quy luật vệ sinh khác nhằm che chở dân Y-sơ-ra-ên khỏi những bệnh truyền nhiễm. Người nào bị bệnh hoặc bị nghi là mắc bệnh truyền nhiễm thì bị cách ly (Lê-vi Ký 13:1-5). Quần áo hay bình lọ nào đụng đến con vật chết (có lẽ vì bệnh tật) phải được rửa sạch trước khi dùng lại hay phải tiêu hủy đi (Lê-vi Ký 11:27, 28, 32, 33). Người nào rờ đến xác chết thì bị xem là ô uế và phải được tẩy sạch, kể cả giặt quần áo và tắm rửa. Trong thời gian bảy ngày bị xem là ô uế, người ấy phải tránh chung đụng với người khác (Dân-số Ký 19:1-13).

Quy chế vệ sinh này phản ảnh sự khôn ngoan vượt quá sự hiểu biết của các thầy thuốc ở những nước xung quanh. Hàng ngàn năm trước khi ngành y học biết được cách mà bệnh tật lan truyền, thì Kinh-thánh đã đưa ra những biện pháp hợp lý để ngừa bệnh. Chúng ta không ngạc nhiên cho lắm là Môi-se đã có thể nói rằng những người Y-sơ-ra-ên nói chung sống vào thời bấy giờ đã thọ 70 hay 80 tuổi * (Thi-thiên 90:10).

Có lẽ bạn sẽ công nhận rằng những lời Kinh-thánh nêu trên đều chính xác về mặt khoa học. Nhưng Kinh-thánh có nói những điều khác mà khoa học không thể xác minh. Có phải điều này nhất thiết có nghĩa là Kinh-thánh mâu thuẫn với khoa học không?

Chấp nhận những điều không thể chứng minh được

Một lời nói không thể chứng minh được không nhất thiết là sai sự thật. Bằng chứng khoa học lệ thuộc vào khả năng của con người để phát hiện ra đầy đủ các chứng cớ và giải thích dữ kiện đúng cách. Nhưng một số sự thật không thể chứng minh được vì bằng chứng xác minh đã không được bảo tồn, bằng chứng sẵn có thì không được rõ hay chưa được phát hiện, hoặc giới khoa học chưa có đủ khả năng hay kiến thức để đi đến một kết luận dứt khoát. Đây có phải là trường hợp của một vài lời trong Kinh-thánh mà chúng ta không có bằng chứng cụ thể không?

Thí dụ, Kinh-thánh nói về những thần linh sống trong lãnh vực vô hình không thể được khoa học xác minh hay bác bỏ. Đây cũng là trường hợp của những phép lạ nói đến trong Kinh-thánh. Một số người vẫn thấy chưa có đủ bằng chứng địa chất hiển nhiên để chứng tỏ Nước Lụt toàn cầu thời Nô-ê đã thật sự xảy ra (Sáng-thế Ký, đoạn 7). Như thế chúng ta có nên kết luận rằng biến cố này đã không xảy ra chăng? Những biến cố lịch sử có thể bị thời gian và những biến đổi làm xóa mờ đi. Vậy hàng ngàn năm biến đổi về địa chất đã có thể xóa bỏ phần lớn bằng chứng về Nước Lụt, có phải vậy không?

Đành rằng Kinh-thánh có nói những điều mà người ta không thể chứng minh hay bác bỏ nếu chỉ xem những bằng chứng cụ thể hiện có. Nhưng chúng ta có nên ngạc nhiên không? Kinh-thánh không phải là sách giáo khoa về khoa học. Tuy vậy, Kinh-thánh quả là một cuốn sách nói sự thật. Chúng ta đã xem xét bằng chứng hùng hồn cho thấy rằng những người viết Kinh-thánh là những người thanh liêm và chính trực. Và khi họ nhắc đến những vấn đề khoa học, những điều họ nói là chính xác và hoàn toàn không bị ảnh hưởng bởi những giả thuyết “khoa học” sai lầm. Cho nên khoa học không là thù địch của Kinh-thánh. Chúng ta có đầy đủ lý do để cân nhắc những lời trong Kinh-thánh với đầu óc cởi mở.

[Chú thích]

^ đ. 7 “Điểm đối chân (antipodes)... là hai địa điểm hoàn toàn ở phía đối diện nhau trên trái đất. Một lằn kẽ giữa hai địa điểm phải xuyên qua tâm trái đất. Từ Hy Lạp dịch là điểm đối chân có nghĩa từ chân này đến chân kia. Khoảng cách tính từ chân của hai người đứng ở điểm đối chân sẽ là ngắn nhất”1 (The World Book Encyclopedia).

^ đ. 9 Nói chính xác thì quả đất là một hình cầu dẹt ở hai cực.

^ đ. 10 Hơn nữa, chỉ một quả cầu mới có hình tròn khi xem từ mọi phía. Một vật phẳng hình đĩa thường trông như một hình bầu dục hơn là một vòng tròn.

^ đ. 17 Rất nhiều người sống vào thời Newton tin rằng vũ trụ chứa đầy chất lỏng—tựa như “nước canh”—và nhờ nước này chảy xoáy thì các hành tinh mới quay tròn.

^ đ. 27 Vào năm 1900, tuổi thọ trung bình ở nhiều nước Âu Châu và ở Hoa Kỳ ít hơn 50 năm. So với thời đó, tuổi thọ trung bình ngày nay đã gia tăng rất nhiều không chỉ vì những tiến bộ về y học nhằm kiểm soát bệnh tật mà cũng vì tiêu chuẩn cao về vệ sinh và mức sống.

[Câu nổi bật nơi trang 21]

Một lời nói không thể được xác minh không nhất thiết là sai sự thật

[Hình nơi trang 18]

Hàng ngàn năm trước khi loài người ra ngoài không gian và thấy trái đất có hình cầu, Kinh-thánh đã nói đến “vòng trái đất”

[Hình nơi trang 20]

Isaac Newton giải thích các hành tinh tiếp tục bay theo quỹ đạo nhờ trọng lực