Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Làm sao để giúp người đau buồn?

Làm sao để giúp người đau buồn?

“Nếu tôi giúp được bất cứ điều gì thì hãy cho tôi biết”. Chúng ta thường nói câu đó với bạn bè hay bà con vừa mất người thân. Chúng ta thật lòng muốn làm bất cứ điều gì để giúp. Nhưng có bao giờ họ gọi chúng ta và nói: “Tôi vừa nghĩ ra một việc mà bạn có thể giúp”? Thật hiếm khi. Thế nên, chúng ta cần chủ động nếu thật sự muốn giúp và an ủi người đau buồn.

Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh cho biết: “Lời nói ra đúng lúc đúng thời như táo vàng trên khay bạc chạm trổ” (Châm ngôn 15:23; 25:11). Người có sự khôn ngoan thì biết nên và không nên nói gì, nên và không nên làm gì. Sau đây là một số đề nghị từ Kinh Thánh mà người đau buồn thấy được an ủi khi chúng ta làm để giúp họ.

Nên làm gì?

Lắng nghe. Kinh Thánh khuyên: “Phải mau nghe” (Gia-cơ 1:19). Một trong những điều hữu ích nhất để chia buồn với những ai mất người thân là lắng nghe. Có lẽ người đau buồn muốn nói về người quá cố, về tai nạn hay căn bệnh đã gây ra cái chết, hoặc giãi bày cảm xúc. Vậy hãy hỏi xem họ có muốn nói về những điều ấy không, rồi để họ quyết định. Nhớ lại lúc cha qua đời, một anh trẻ nói: “Khi người khác hỏi về sự việc đã xảy ra, rồi thật sự lắng nghe thì điều đó giúp ích cho tôi rất nhiều”. Hãy lắng nghe với sự kiên nhẫn và cảm thông, đừng nghĩ rằng bạn phải đưa ra lời khuyên hay giải pháp. Hãy để họ giãi bày bất cứ điều gì họ muốn.

Trấn an. Hãy nói rằng họ đã cố hết sức (hoặc nói điều gì khác mà bạn biết là có thật và tích cực). Cho họ biết rằng những cảm xúc như buồn nản, tức giận hay cảm thấy có lỗi không phải là bất thường. Hãy kể cho họ nghe về những người đã vượt qua nỗi đau mất người thân. Một câu châm ngôn trong Kinh Thánh nói rằng những “lời tốt lành” như thế “chữa lành xương cốt”.—Châm ngôn 16:24; 1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:11, 14.

Luôn ở bên. Hãy luôn ở bên người đau buồn, không chỉ trong những ngày đầu khi bạn bè và bà con có mặt đông đủ, nhưng ngay cả những tháng sau, khi mọi người đã trở về với đời sống thường nhật. Điều đó chứng tỏ bạn là “người bạn chân thật”, sẵn sàng giúp đỡ bạn mình trong “lúc khốn khổ” (Châm ngôn 17:17). Chị Teresea, người từng mất con do tai nạn giao thông, kể lại: “Bạn bè đã lo sao cho chúng tôi không còn thời gian trống và không phải ở nhà một mình vào buổi tối. Điều này đã giúp chúng tôi đương đầu với cảm giác trống trải”. Trong nhiều năm sau, những dịp đặc biệt như kỷ niệm ngày cưới hoặc ngày mất người thân có thể là thời điểm vô cùng khó khăn đối với người còn lại. Vậy, hãy ghi lại những ngày đó, và khi những ngày ấy đến gần, bạn có thể hỗ trợ họ về mặt tinh thần nếu cần.

Nếu bạn thấy có việc gì cần làm, đừng chờ người đau buồn nhờ nhưng hãy chủ động giúp

Chủ động khi có thể. Bạn có thể làm giùm việc vặt nào? Họ có cần ai trông coi con không? Bạn bè và người thân của họ từ xa đến thăm có cần chỗ ở không? Những người vừa mất người thân thường bị khủng hoảng, chính họ không biết phải làm gì thì làm sao có thể cho người khác biết phải giúp gì. Vì thế, nếu bạn thấy có việc gì cần làm, đừng chờ họ nhờ nhưng hãy chủ động giúp (1 Cô-rinh-tô 10:24; so sánh 1 Giăng 3:17, 18). Một phụ nữ mất chồng nhớ lại: “Nhiều người hỏi: ‘Tôi giúp được gì không?’. Nhưng một chị đồng đạo không cần hỏi gì. Chị ấy đi ngay vào phòng ngủ, lột hết chăn, gối, tấm trải giường bẩn mà chồng tôi đã nằm, rồi đem đi giặt. Một chị khác thì lấy thùng nước và dụng cụ lau dọn, rồi chà tấm thảm mà anh ấy nôn mửa trên đó. Vài tuần sau, một trưởng lão trong hội thánh đã mang dụng cụ đến nhà tôi khi còn mặc bộ đồ đi làm, anh nói: ‘Tôi biết thế nào cũng có thứ bị hư. Cần sửa cái gì nào?’. Anh ấy đã sửa cánh cửa bị long bản lề và một bóng điện trong nhà tôi. Tôi rất biết ơn anh ấy!”.—So sánh Gia-cơ 1:27.

Tỏ lòng hiếu khách. Kinh Thánh nhắc chúng ta: “Đừng quên tỏ lòng hiếu khách” (Hê-bơ-rơ 13:2). Chúng ta nên đặc biệt tỏ lòng hiếu khách đối với những người đau buồn. Thay vì mời chung chung, hãy định ngày giờ cụ thể. Nếu họ từ chối, đừng dễ dàng bỏ cuộc. Có lẽ bạn cần nài nỉ một chút. Rất có thể họ từ chối lời mời của bạn vì sợ không kiềm chế được cảm xúc trước mặt người khác, hoặc cảm thấy có lỗi nếu thưởng thức một bữa ăn ngon hay vui vẻ với bạn bè trong lúc này. Hãy nhớ đến Ly-đi, một phụ nữ hiếu khách được ghi lại trong Kinh Thánh. Sau khi được bà mời đến nhà, ông Lu-ca kể lại: “Bà ép mời nên chúng tôi đến”.—Công vụ 16:15.

Kiên nhẫn và thấu cảm. Đừng ngạc nhiên trước những gì người đau buồn nói. Hãy nhớ rằng có lẽ họ đang tức giận và cảm thấy có lỗi. Nếu họ trút hết cảm xúc lên bạn thì bạn nên thấu hiểu và kiên nhẫn để không đáp lại với giọng bực bội. Kinh Thánh khuyên: “Hãy mặc lấy lòng trắc ẩn dịu dàng, sự nhân từ, khiêm nhường, mềm mại và kiên nhẫn”.—Cô-lô-se 3:12, 13.

Viết thư chia buồn. Người ta thường ít nghĩ đến giá trị của một bức thư hoặc tấm thiệp chia buồn. Chúng có lợi ích gì? Chị Cindy có mẹ qua đời vì bệnh ung thư cho biết: “Một người bạn đã viết cho tôi bức thư rất cảm động. Điều này giúp ích rất nhiều vì tôi có thể đọc đi đọc lại bức thư đó”. Một bức thư hay tấm thiệp động viên không cần dài nhưng phải chân thành (Hê-bơ-rơ 13:22). Bạn có thể viết rằng mình nghĩ đến họ và kể lại một kỷ niệm đặc biệt mình từng có với người quá cố, hoặc cho biết người ấy đã ảnh hưởng đến đời sống bạn như thế nào.

Cầu nguyện cùng họ. Chớ xem nhẹ lợi ích của việc cầu nguyện cùng người đau buồn và cầu nguyện cho họ. Kinh Thánh nói: “Lời cầu nguyện tha thiết của người công chính có hiệu lực mạnh mẽ” (Gia-cơ 5:16). Chẳng hạn, khi nghe bạn cầu nguyện cho họ, người đau buồn có thể vơi bớt những cảm xúc tiêu cực, chẳng hạn như cảm giác có lỗi.—So sánh Gia-cơ 5:13-15.

Không nên làm gì?

Sự có mặt của bạn ở bệnh viện có thể an ủi người đau buồn

Không nên ngại đến thăm họ vì sợ không biết nói hay làm gì. Có lẽ chúng ta tự nhủ: “Chắc lúc này họ cần ở một mình”. Nhưng có khi chúng ta không đến thăm họ vì sợ sẽ nói hay làm điều gì không nên. Tuy nhiên, người mất người thân sẽ càng cảm thấy cô độc và đau buồn hơn nếu bị bạn bè, bà con hay anh em đồng đạo xa lánh. Hãy nhớ rằng để thể hiện lòng tử tế thì không cần những hành động lớn lao và lời nói hoa mỹ (Ê-phê-sô 4:32). Chính sự có mặt của bạn đã là niềm an ủi. (So sánh Công vụ 28:15). Nhớ lại ngày con gái qua đời, chị Teresea nói: “Trong vòng một giờ, bạn bè của chúng tôi đến đầy phòng đợi ở bệnh viện, tất cả trưởng lão và vợ họ đều có mặt. Có những chị chưa kịp gỡ ống cuốn tóc ra. Một số người vẫn đang mặc bộ đồ đi làm. Họ bỏ dở mọi việc để đến ngay. Rất nhiều người nói với chúng tôi rằng họ không biết nói sao, nhưng điều đó không quan trọng. Chỉ cần họ có mặt là đủ rồi”.

Không nên khuyên họ đừng đau buồn. Thay vì nói: “Thôi, đừng khóc nữa”, có lẽ tốt hơn nên để họ khóc. Nhớ lại ngày chồng mình qua đời, chị Katherine nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là để cho người đau buồn bộc lộ cảm xúc và thật sự dốc đổ nó ra”. Không nên bảo người đau buồn phải cảm thấy thế này hay thế kia. Cũng không nên giấu cảm xúc của mình vì sợ nếu thể hiện thì họ sẽ buồn hơn. Thay vì thế, Kinh Thánh khuyên: ‘Hãy khóc với người đang khóc’.—Rô-ma 12:15.

Không nên vội khuyên họ bỏ đi quần áo hay đồ dùng cá nhân của người quá cố khi họ chưa sẵn sàng. Có lẽ bạn nghĩ nên bỏ đi những kỷ vật của người đã khuất vì chúng sẽ làm cho nỗi đau kéo dài. Nhưng câu nói “xa mặt cách lòng” có lẽ không áp dụng ở đây. Có thể người đau buồn cần một thời gian để “chia tay” người đã khuất. Hãy nhớ Kinh Thánh miêu tả phản ứng của tộc trưởng Gia-cốp khi lầm tưởng con ông đã bị thú dữ ăn thịt. Sau khi thấy cái áo đẫm máu của con, ông “khóc con trong nhiều ngày. Tất cả con trai, con gái đều cố gắng an ủi ông, nhưng ông không chịu”.—Sáng thế 37:31-35.

Không nên nói: “Bạn có thể sinh một đứa con khác”. Một bà mẹ mất con nhớ lại: “Tôi giận khi người ta bảo tôi có thể sinh thêm một đứa khác”. Có lẽ họ có ý tốt, nhưng đối với các bậc cha mẹ mất con thì những lời ấy “như bao nhát gươm đâm”, vì hàm ý là đứa con đã mất có thể được thay thế bằng đứa con khác (Châm ngôn 12:18). Nhưng điều đó là không thể. Tại sao? Vì mỗi đứa con đều đặc biệt đối với cha mẹ.

Không nên cố tránh nói đến người đã khuất. Một người mẹ nhớ lại: “Rất nhiều người không nói về con trai tôi, thậm chí không nhắc đến tên của con tôi là Jimmy. Phải thừa nhận rằng tôi cảm thấy đau lòng khi họ làm thế”. Vậy, không nhất thiết bạn phải đổi đề tài cuộc nói chuyện khi có ai nhắc đến tên người đã khuất. Hãy hỏi xem người đau buồn có muốn nói về người đã mất không. (So sánh Gióp 1:18, 19 và 10:1). Một số người đau buồn thích nghe bạn bè nhắc đến những đức tính đáng quý của người quá cố.—So sánh Công vụ 9:36-39.

Không nên hấp tấp nói: “Như vậy là tốt hơn”. Cố nói điều gì đó tích cực về sự ra đi của người đã khuất không phải lúc nào cũng “an ủi người buồn nản” còn lại (1 Tê-sa-lô-ni-ca 5:14). Nhớ về ngày mẹ qua đời, một phụ nữ trẻ kể: “Nhiều người nói: ‘Mẹ chị không còn đau đớn nữa’ hoặc ‘Ít ra mẹ chị đã được yên nghỉ’, nhưng tôi đâu muốn nghe những lời như thế”. Nói như vậy chẳng khác nào gián tiếp bảo người đau buồn không nên buồn, hoặc cho rằng sự mất mát không có gì lớn. Trong khi đó, họ đang rất buồn vì vô cùng thương nhớ người thân yêu.

Tốt hơn không nên nói: “Tôi biết bạn cảm thấy thế nào”. Thật sự chúng ta không biết. Chẳng hạn, làm sao chúng ta biết cảm xúc của những bậc cha mẹ mất con nếu chưa từng trải qua nỗi mất mát tương tự? Ngay cả nếu đã trải qua, chúng ta cũng nên ý thức rằng cảm xúc của mỗi người mỗi khác. (So sánh Ai Ca 1:12). Nhưng nếu thích hợp, hãy kể lại mình đã vượt qua nỗi đau mất người thân yêu như thế nào. Một phụ nữ có con gái bị giết đã cảm thấy được an ủi khi một người mẹ khác kể lại làm sao chị ấy trở lại đời sống bình thường sau khi con gái qua đời. Chị nói: “Người mẹ đó đã không mở đầu bằng câu: ‘Tôi biết chị cảm thấy thế nào’. Chị ấy chỉ kể lại những gì chị đã trải qua và để tôi tự liên kết với trường hợp của mình”.

Để giúp một người đau buồn, chúng ta cần có lòng trắc ẩn, sự tinh tế và tình yêu thương chân thật. Đừng chờ họ tìm đến bạn. Đừng chỉ hỏi: “Tôi có thể giúp việc gì?”, nhưng hãy tự tìm ra việc mình có thể giúp, rồi chủ động làm.

Giờ đây, hãy trở lại với một số câu hỏi chưa được giải đáp: “Kinh Thánh cho biết gì về niềm hy vọng sống lại? Hy vọng này có nghĩa gì với bạn và người thân đã qua đời? Làm sao chúng ta biết hy vọng đó là chắc chắn?”.