Dùng thuốc aspirin hàng ngày—Nên hay không?
Dùng thuốc aspirin hàng ngày—Nên hay không?
Sau đây là câu truyện có thật do một bác sĩ kể lại. Nó phản ánh một vấn đề xảy ra quá nhiều lần.
CẢ GIA ĐÌNH đều lo lắng. Giờ đây cả bác sĩ cũng sinh lo. Ông nói: “Nếu ông ấy không ngừng chảy máu liền, thì có thể phải xét đến việc truyền máu”.
Trong nhiều tuần lễ, người đàn ông ấy dần dần mất máu qua đường ruột, và bác sĩ xác định bệnh là viêm dạ dày. Nản chí, vị bác sĩ hỏi: “Ông có chắc là mình không dùng bất cứ thứ thuốc nào không?”
Người đàn ông đáp: “Không. Chỉ có chất tự nhiên này không cần toa bác sĩ để trị chứng viêm khớp của tôi thôi”.
Bỗng nhiên vị bác sĩ vểnh tai lên nghe. “Cho tôi xem nào”. Cẩn thận đọc thành phần thuốc trên nhãn hiệu, ông đã thấy tên chất mà mình muốn tìm. Axit acetylsalicylic! Thế là vấn đề đã được giải quyết. Khi bệnh nhân ngừng dùng hợp chất có aspirin và dùng thêm chất sắt và một ít thuốc chữa dạ dày, thì máu ngừng chảy và lượng huyết cầu trong máu ông dần dần trở lại bình thường.
Bệnh chảy máu do thuốc gây ra
Bệnh chảy máu đường ruột do thuốc gây ra là một bệnh nghiêm trọng ngày nay. Mặc dù có thể quy lỗi cho nhiều thứ thuốc, nhưng đa số trường hợp này bắt nguồn từ những thuốc dùng chữa trị viêm khớp và đau nhức. Những thuốc này bao gồm một loạt thuốc chống viêm nhức không có chất steroid (nonsteroidal anti-inflammatory drugs, hay NSAIDS). Tên thuốc có thể thay đổi tùy theo mỗi nước.
Chất aspirin có trong nhiều thứ thuốc không cần toa bác sĩ, và trong những năm gần đây tại nhiều nước, ngày càng có nhiều người dùng aspirin hàng ngày. Tại sao?
Sẵn sàng dùng aspirin
Vào năm 1995, tờ Harvard Health Letter báo cáo rằng “nhiều người được bảo toàn mạng sống nhờ thường dùng aspirin”. Đơn cử một vài cuộc nghiên cứu khắp thế giới đã được lặp lại nhiều lần kể từ đó, các nhà nghiên cứu kết luận: “Gần như tất cả những người đã từng bị đau tim hay nghẽn mạch máu não, mắc chứng viêm họng, hoặc đã qua một cuộc phẫu thuật cắt nối động mạch vành đều nên dùng nửa viên hoặc một viên aspirin mỗi ngày trừ phi họ gặp dị ứng với thuốc aspirin”. *
Các nhà nghiên cứu khác quả quyết rằng đàn ông trên 50 tuổi có nguy cơ bị đau tim được lợi ích nhờ uống aspirin mỗi ngày, tương tự như thế đối với phụ nữ có cùng nguy cơ. Hơn nữa, có những cuộc khảo cứu cho thấy rằng dùng aspirin mỗi ngày có thể giảm bớt nguy cơ mắc ung thư kết tràng và một liều lượng cao trong một thời gian dài có thể giúp hạ thấp lượng đường trong máu của người bị bệnh tiểu đường.
Aspirin hoạt động như thế nào để mang lại những lợi ích mà các nhà nghiên cứu nêu ra? Mặc dù sự hiểu biết chưa được hoàn chỉnh, bằng chứng cho thấy aspirin làm các tiểu cầu trong máu bớt dính lại với nhau, do đó ức chế tiến trình máu đóng cục. Nếu đúng vậy thì điều này giúp ngăn ngừa sự tắc nghẽn những động mạch nhỏ dẫn về tim và óc, nhờ đó tránh làm các cơ quan trọng yếu bị tổn thương.
Nếu đúng là aspirin có tất cả những lợi ích trên, thì tại sao có người không dùng thuốc này? Một lý do là vẫn còn nhiều điều người ta chưa biết. Thậm chí không ai biết rõ liều lượng lý tưởng là bao nhiêu. Có bác sĩ đề nghị uống một viên chuẩn hai lần một ngày, còn bác sĩ khác thì đề nghị uống cách nhật một viên aspirin loại dành cho em bé. Liều lượng dành cho phụ nữ có nên khác với liều lượng cho nam giới không? Các bác sĩ không biết chắc. Mặc dù loại thuốc viên aspirin tan trong ruột có thể được coi là lợi ích phần nào, nhưng người ta vẫn còn tranh luận về ưu điểm của thuốc aspirin có chất đệm
Lý do cần thận trọng
Nói theo nghĩa hẹp thì aspirin là một chất có trong thiên nhiên—người Mỹ Da Đỏ đã lấy các thành phần của chất aspirin từ vỏ cây liễu—thế nhưng nó có nhiều tác động phụ. Ngoài việc gây chứng chảy máu nơi một số người, aspirin còn có khả năng gây nhiều biến chứng khác, kể cả các dị ứng nơi những người dễ mẫn cảm với aspirin. Không cần phải nói, không phải ai ai cũng có thể dùng thuốc aspirin mỗi ngày.
Tuy nhiên, người nào có nguy cơ đau tim hoặc nghẽn mạch máu não hoặc người có nhân tố rủi ro cao, nên hỏi ý kiến bác sĩ về sự lợi hại của việc dùng aspirin mỗi ngày. Tất nhiên bệnh nhân phải chắc chắn rằng mình không mắc chứng chảy máu, rằng cơ thể chịu được aspirin, và không có vấn đề về dạ dày hay đường ruột. Trước khi bắt đầu dùng aspirin, nên kiểm lại với bác sĩ về các vấn đề khác có khả năng xảy ra hoặc tác động nếu dùng chung với những thuốc khác.
Như đã lưu ý ở trên, aspirin và những thuốc tương tự như aspirin có khả năng đáng kể gây chứng chảy máu. Và bệnh chảy máu có thể không bộc lộ ngay triệu chứng rõ ràng, mà dần dần tích lại qua thời gian. Các thuốc khác cũng cần được cân nhắc cẩn thận, nhất là những thuốc chống viêm nhức. Hãy nhớ báo cho bác sĩ biết nếu bạn dùng bất cứ thuốc nào trong số này. Trong hầu hết các trường hợp nên ngừng thuốc trước khi giải phẫu. Có lẽ ngay cả đều đặn đến phòng xét nghiệm để đếm máu cũng có lợi.
Nếu muốn tránh khỏi các vấn đề trong tương lai, chúng ta nên nghe lời châm ngôn này trong Kinh Thánh: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”. (Châm-ngôn 22:3) Về triệu chứng này, mong rằng chúng ta ở trong số những người khôn ngoan để không bị nguy hại về sức khỏe.
[Chú thích]
^ đ. 11 Tỉnh Thức! không đề nghị dùng bất kỳ phương pháp trị liệu y khoa nào.
[Khung/Hình nơi trang 12, 13]
Ai nên xét việc dùng aspirin mỗi ngày
● Những người mắc bệnh động mạch vành tim hoặc động mạch cảnh bị co khít (những mạch máu chính ở cổ).
● Những người đã từng bị nghẽn mạch máu não vì chứng huyết khối (loại tai biến do máu đóng cục gây ra) hoặc đã từng lên cơn thiếu máu cục bộ (một tai biến ngắn giống như chứng nghẽn mạch máu não).
● Đàn ông trên 50 tuổi, có ít nhất một trong các nhân tố rủi ro gây bệnh tim-mạch, như liệt kê sau đây: hút thuốc, huyết áp cao, tiểu đường, mức cholesterol tổng cộng cao, mức HDL cholesterol thấp, mắc chứng béo phì trầm trọng, uống nhiều rượu, trong gia đình có người mắc bệnh tim mạch sớm (đau tim trước 55 tuổi) hoặc bị nghẽn mạch máu não, và có nếp sống ít hoạt động.
● Phụ nữ trên 50 tuổi, có ít nhất hai nhân tố rủi ro nêu trên.
Có lẽ bạn muốn tham khảo ý kiến bác sĩ của bạn trước khi quyết định về vấn đề này.
[Nguồn tư liệu]
Nguồn: Consumer Reports on Health