Bệnh do côn trùng lây truyền—Một vấn nạn ngày càng nghiêm trọng
Bệnh do côn trùng lây truyền—Một vấn nạn ngày càng nghiêm trọng
LÚC ẤY LÀ GIỜ ĐI NGỦ trong một gia đình ở Châu Mỹ La Tinh. Người mẹ âu yếm đắp chăn cho cậu con trai bé bỏng và chúc con ngủ ngon. Nhưng rồi trong bóng tối, một con rệp đen bóng, dài chưa đầy ba centimét, lẻn bò ra từ một cái kẽ trên trần nhà ngay phía trên giường. Nó rơi trúng mặt cậu bé đang ngủ mà không hề bị phát hiện, và chích vòi vào lớp da mềm của cậu bé chẳng hay biết gì. Trong khi thỏa thuê hút máu, con rệp còn thải ra phân chứa đầy ký sinh trùng. Vừa ngủ, cậu bé vừa lấy tay gãi mặt, khiến vết đốt bị nhiễm chất thải có vi trùng.
Hệ quả của chỉ một lần đụng độ này là cậu bé bị nhiễm bệnh trùng mũi khoan (Chagas). Sau một hoặc hai tuần, em bị sốt cao và cơ thể sưng phù lên. Nếu em vượt qua được, thì ký sinh trùng có thể vẫn sống trong cơ thể, xâm nhập tim, hệ thần kinh và các mô nội tạng. Trong một thời gian dài có khi tới 10 hoặc 20 năm, có thể không có triệu chứng gì xảy ra. Nhưng sau đó, cơ thể em có thể phát sinh những tổn thương trong đường tiêu hóa, trong não, và cuối cùng em có thể chết vì suy tim.
Câu chuyện giả tưởng này mô tả rất sát thực tế cách lây nhiễm bệnh Chagas. Ở Châu Mỹ La Tinh, hàng triệu người có nguy cơ bị cú chích tử thần này.
Những kẻ đồng hành nhiều chân
“Hầu hết các bệnh sốt nặng ở người đều do vi trùng truyền từ côn trùng gây ra”, theo Encyclopœdia Britannica (Bách khoa tự điển Anh Quốc). Người ta thường dùng từ “côn trùng” không những để chỉ những loài côn trùng thực thụ, tức động vật sáu chân như ruồi, bọ chét, muỗi, chấy rận và bọ cánh cứng, mà cả các loài tám chân như mạt và ve. Các nhà khoa học liệt chung tất cả các loài này vào lớp động vật chân đốt—lớp lớn nhất trong thế giới động vật, gồm ít nhất một triệu loài đã được biết đến.
Phần lớn các loài côn trùng đều vô hại đối với người, và một số còn rất có lợi. Nếu không có chúng, nhiều loại cây cỏ, là nguồn thực phẩm cho người và thú vật, sẽ không thể thụ phấn hoặc kết quả. Một số loài côn trùng còn giúp tái chế chất thải. Nhiều loài côn trùng chỉ ăn thực vật, nhưng có loài ăn các loại côn trùng khác.
Dĩ nhiên, cũng có loại côn trùng gây phiền toái cho người và thú vật bởi những cú chích đau điếng hoặc chỉ đơn thuần bởi số lượng vô số của chúng. Một số còn phá hoại mùa màng. Nhưng tệ hơn nữa là các loại côn trùng gây dịch bệnh và tử vong. Theo ông Duane Gubler, thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Hoa Kỳ, bệnh do côn trùng lan truyền “là nguyên nhân gây ra tỉ lệ bệnh tật và tử vong ở người cao hơn hết
thảy các nguyên nhân khác cộng lại từ thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 20”.Hiện nay, cứ khoảng 6 người có 1 người bị nhiễm bệnh do côn trùng lây truyền. Ngoài việc gây đau đớn, các dịch bệnh này còn gây thiệt hại nặng nề về tài chính, đặc biệt là cho các nước đang phát triển—những nước thiếu khả năng tài chính để đương đầu với dịch bệnh nhất. Chỉ một cơn dịch thôi vẫn có thể rất tốn kém. Được biết, một trận dịch ở miền tây Ấn Độ vào năm 1994 đã làm thất thoát hàng tỉ Mỹ kim cho nền kinh tế trong nước và thế giới. Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), các nước nghèo nhất thế giới sẽ không thể phát triển kinh tế nếu chưa kiểm soát được các vấn đề sức khỏe như thế.
Cách côn trùng truyền bệnh cho chúng ta
Côn trùng truyền bệnh qua hai cách chính. Thứ nhất là bằng cách lan truyền vi trùng dính bên ngoài cơ thể chúng. Giống như người ta mang đất vào nhà khi đi giày bẩn vào, cũng vậy “ruồi nhà có thể mang hàng triệu vi trùng dính nơi chân chúng, và khi đủ nhiều, các vi trùng đó có thể gây bệnh”, theo cuốn Encyclopœdia Britannica. Chẳng hạn, ruồi có thể dính đầy vi trùng khi đậu vào phân, rồi sau đó truyền vi trùng khi bay đậu vào thức ăn hay đồ uống của chúng ta. Chính qua cách này mà con người bị nhiễm những chứng bệnh gây suy nhược và tử vong như thương hàn, kiết lỵ và cả dịch tả. Ruồi cũng có vai trò trong việc truyền bệnh đau mắt hột, nguyên nhân gây mù mắt hàng đầu trên thế giới. Bệnh đau mắt hột có thể làm mù vì nó khiến giác mạc, phần trong suốt nằm trước tròng đen, bị hóa sẹo. Trên thế giới có khoảng 500 triệu người mang bệnh này.
Gián vốn sinh sôi trong nơi dơ bẩn, cũng bị nghi là tác nhân truyền bệnh do mang vi trùng bên ngoài cơ thể chúng. Ngoài ra, các chuyên gia cũng liên kết sự bùng phát gần đây của bệnh suyễn, đặc biệt là ở trẻ em, với chứng dị ứng gián. Chẳng hạn, hãy hình dung Ashley, một em gái 15 tuổi đã nhiều đêm bị khó thở vì bệnh suyễn. Khi bác sĩ sắp sửa nghe phổi em, một con gián rớt ra khỏi áo Ashley và chạy băng qua giường khám bệnh.
Những mầm bệnh mang bên trong
Khi côn trùng có siêu vi, vi khuẩn hay ký sinh trùng làm ổ trong cơ thể chúng, chúng có thể truyền bệnh qua cách thứ hai—chích hoặc những cách khác tương tự. Chỉ một số ít loài côn trùng truyền bệnh cho người qua cách này. Chẳng hạn, tuy có tới hàng ngàn giống muỗi, nhưng chỉ có muỗi Anopheles truyền bệnh sốt rét, bệnh truyền nhiễm gây tử vong đứng hàng thứ hai trên thế giới (sau lao phổi).
Tuy nhiên, các giống muỗi khác cũng truyền nhiều bệnh khác. WHO báo cáo: “Trong số các loài côn trùng truyền bệnh, muỗi là loài nguy hiểm nhất, có thể truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và sốt vàng da, là ba nguyên nhân khiến
hàng triệu người chết và hàng trăm triệu người mắc bệnh mỗi năm”. Ít nhất 40 phần trăm dân số thế giới có nguy cơ bị nhiễm sốt rét, và 40 phần trăm có nguy cơ bị nhiễm sốt xuất huyết. Ở nhiều nơi, một người có thể bị mắc cả hai.Dĩ nhiên, muỗi không phải là côn trùng duy nhất mang mầm bệnh trong cơ thể chúng. Ruồi Xê-xê (Tsetse) truyền các động vật nguyên sinh gây bệnh ngủ cho hàng trăm ngàn người, và khiến cả cộng đồng dân đành phải bỏ các cánh đồng màu mỡ của họ. Ruồi đen đã cướp đi thị lực của khoảng 400.000 người Châu Phi do truyền giun ký sinh gây bệnh mù sông. Ruồi cát có thể truyền động vật nguyên sinh gây bệnh leishmania, một nhóm bệnh gây tàn tật, biến dạng và thường dẫn đến tử vong, hiện có tới hàng triệu người trên thế giới thuộc mọi lứa tuổi mắc phải các chứng bệnh này. Bọ chét có mặt ở khắp mọi nơi, có thể mang sán dây, mầm bệnh viêm não, bệnh sốt thỏ (tularemia), và cả dịch hạch, thường khiến người ta liên tưởng đến đại dịch Tử Thần Đen (Black Death) thời Trung Cổ, đã cướp đi một phần ba dân số Châu Âu hoặc hơn thế nữa chỉ trong vòng sáu năm.
Chấy rận, mạt và ve có thể lây truyền nhiều bệnh, trong đó có các dạng của bệnh sốt ban. Ve ở các xứ ôn đới trên thế giới có thể mang mầm bệnh Lyme gây suy nhược—bệnh do côn trùng lây truyền phổ biến nhất ở Hoa Kỳ và Châu Âu. Một nghiên cứu của Thụy Điển cho thấy các loài chim di trú có thể mang ve đi xa hàng ngàn dặm, vì vậy đưa các mầm bệnh trong ve đến những vùng mới. Theo cuốn Britannica, “ve truyền nhiều bệnh cho người hơn bất kỳ loài động vật chân đốt nào khác (trừ muỗi)”. Trên thực tế, mỗi con ve có thể mang tới ba loại vi
sinh vật gây bệnh, và có thể truyền tất cả vi sinh vật đó trong chỉ một lần cắn!“Kỳ nghỉ” khỏi bệnh tật
Mãi cho đến gần đây vào năm 1877, khoa học mới chứng minh rằng côn trùng truyền bệnh. Từ đó, nhiều chiến dịch lớn nhằm khống chế hoặc loại trừ các loài côn trùng truyền bệnh đã được thực hiện. Vào năm 1939, thuốc trừ sâu DDT được bổ sung vào kho vũ khí, và đến thập niên 1960 các bệnh do côn trùng lây truyền không còn bị xem là hiểm họa lớn đối với sức khỏe cộng đồng nữa, trừ những nước ở Châu Phi. Người ta không còn chú trọng đến việc kiểm soát các tác nhân truyền bệnh, mà chỉ tập trung dùng thuốc điều trị các trường hợp nguy cấp. Việc nghiên cứu các loài côn trùng và môi trường sinh sôi của chúng cũng giảm dần. Bên cạnh đó, nhiều loại thuốc mới được phát hiện, và dường như khoa học có thể tìm được “thuốc tiên” để chữa trị mọi thứ bệnh tật. Thế giới được hưởng “kỳ nghỉ” khỏi bệnh truyền nhiễm. Nhưng kỳ nghỉ này kéo dài chẳng được bao lâu. Bài tiếp theo sẽ cho biết tại sao.
[Câu nổi bật nơi trang 3]
Ngày nay, cứ mỗi 6 người có 1 người bị nhiễm bệnh do côn trùng lây truyền
[Hình nơi trang 3]
Rệp
[Hình nơi trang 4]
Ruồi nhà mang mầm bệnh nơi chân chúng
[Các hình nơi trang 5]
Nhiều côn trùng mang mầm bệnh trong cơ thể
Ruồi đen mang mầm bệnh mù sông
Muỗi mang mầm bệnh sốt rét, sốt xuất huyết và sốt vàng da
Chấy rận có thể truyền bệnh sốt ban
Bọ chét mang mầm bệnh viêm não và các bệnh khác
Ruồi Xê-xê (Tsetse) truyền bệnh ngủ
[Nguồn tư liệu]
WHO/TDR/LSTM
CDC/James D. Gathany
CDC/Dr. Dennis D. Juranek
CDC/Janice Carr
WHO/TDR/Fisher
[Nguồn hình ảnh nơi trang 4]
Clemson University - USDA Cooperative Extension Slide Series, www.insectimages.org