Thiếu ngủ—Một tình trạng ngày càng phổ biến?
Thiếu ngủ—Một tình trạng ngày càng phổ biến?
HÀNG triệu người ngày nay đang bị “thiếu nợ” trầm trọng. Tình trạng này có thể là nguyên nhân chính gây ra tai nạn xe cộ, ảnh hưởng xấu đến công ăn việc làm, thậm chí gây đổ vỡ hôn nhân. Nó có thể làm tổn hại sức khỏe và tuổi thọ, làm suy yếu hệ miễn nhiễm khiến cơ thể dễ bị nhiễm bệnh. Các bệnh tiểu đường, bệnh tim, béo phì và một số vấn đề sức khỏe khác cũng liên quan đến nó. Thế nhưng hầu hết các nạn nhân thường không hề hay biết mình đang mắc món nợ này.
“Món nợ” đó chính là nợ giấc ngủ, hay tình trạng thiếu ngủ xảy ra khi một người không có đủ giấc ngủ ngon cần thiết cho cơ thể. Tình trạng này có thể gây ra bởi nguyên nhân chủ quan, tức do lối sống của một người, hoặc nguyên nhân khách quan là bệnh tật.
Theo ước tính của các nhà nghiên cứu y khoa, ngày nay trung bình mỗi đêm chúng ta ngủ ít hơn một giờ so với mức cần thiết. Tuy con số này có vẻ không đáng kể, nhưng món nợ sáu tỉ giờ mỗi đêm này đã trở thành trọng tâm của các cuộc nghiên cứu về các bệnh liên quan đến giấc ngủ, và ảnh hưởng của chúng đến chất lượng đời sống.
Giới y khoa trước đây xem tình trạng thường xuyên không ngủ được nói chung là một rối loạn thường được gọi là chứng mất ngủ. Tuy nhiên, một ủy ban thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ xác nhận có tới 17 chứng rối loạn giấc ngủ khác nhau. Dù sao đi nữa, chứng mất ngủ có thể do rất nhiều nguyên nhân gây ra. Chính vì thế, nó được xem là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe, cũng như sốt có thể là biểu hiện của một sự nhiễm trùng nào đó.
Chỉ cần thỉnh thoảng bị mất ngủ cũng có thể nguy hiểm. Chẳng hạn như trường hợp của anh Tom. Dù là một tài xế xe tải kinh nghiệm, nhưng anh đã lái chiếc xe tải 18 bánh đâm vào con lươn, làm đổ 400 lít a-xít sunfuric lênh láng trên xa lộ chính. Tom thú nhận: “Tôi đã ngủ gục”. Các cuộc khảo sát trên hai xa lộ ở Hoa Kỳ cho thấy khoảng 50 phần trăm các vụ tai nạn dẫn đến tử vong là do người lái buồn ngủ.
Làm việc chung với một người thiếu ngủ cũng nguy hiểm. Nhà nghiên cứu người Úc Ann Williamson cho biết: “Sau 17 đến 19 tiếng *
không ngủ, khả năng hoạt động của [những người tham gia] trong một số cuộc kiểm tra chỉ ở mức tương đương hoặc tệ hơn một người có nồng độ cồn trong máu là 0.05%”. Nói cách khác, những người này làm việc như trong tình trạng có lượng cồn trong máu bằng hoặc hơn mức luật pháp một số nước cho phép đối với người lái xe! Hàng trăm ngàn tai nạn nghề nghiệp và giao thông xảy ra hàng năm do thiếu ngủ đã gây tổn thất nặng nề cho ngành sản xuất và các gia đình trên thế giới.Những nguyên nhân nào góp phần gây ra sự thiếu ngủ? Thứ nhất là hiện tượng xã hội thường được gọi là 24/7, tức hoạt động 24 giờ một ngày và 7 ngày một tuần. Tờ USA Today mô tả hiện tượng này là “một biến động văn hóa đang làm thay đổi lối sống chúng ta”, đồng thời nhận xét rằng “các cửa hàng và dịch vụ hoạt động 24/24 mọc lên như nấm gần đây đang hốt bạc nhờ bẻ kim đồng hồ”. Ở nhiều nước, người ta xem truyền hình suốt đêm và lên mạng Internet vào giờ lẽ ra phải đi ngủ. Một nhân tố khác là các rối loạn cảm xúc, thường đi đôi với tình trạng lo lắng do sự căng thẳng và nhịp độ của đời sống gây ra. Ngoài ra, nhiều bệnh về thể chất cũng đưa đến tình trạng thiếu ngủ.
Nhiều bác sĩ thấy khó thuyết phục bệnh nhân quan tâm đúng mức đến vấn đề thiếu ngủ. Một bác sĩ than phiền có người còn xem sự mệt mỏi kinh niên là “biểu hiện của người có địa vị”. Bên cạnh đó, một người có thể bị thiếu ngủ mà không biết mình đang bị một chứng rối loạn giấc ngủ nghiêm trọng vì sức khỏe của họ chỉ sa sút từ từ. Nhiều người cho rằng ‘Tại già mới thế’ hoặc ‘Có quá nhiều việc phải làm, bỏ hết là xong’ hoặc ‘Có bao giờ tôi nghỉ ngơi đủ đâu mà không mệt mỏi’.
Phục hồi giấc ngủ ngon là quá trình phức tạp. Tuy nhiên, hiểu được chu kỳ của một giấc ngủ ngon và những biểu hiện của tình trạng thiếu ngủ có thể giúp chúng ta có động lực để chấn chỉnh. Nhận ra triệu chứng của những chứng rối loạn giấc ngủ có thể cứu mạng.
[Chú thích]
^ đ. 7 Người ta tin rằng sự mệt mỏi là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều tai nạn khủng khiếp trong thế kỷ 20. Xem Tỉnh Thức! (Anh ngữ) ngày 8-2-2001, trang 6.
[Hình nơi trang 4]
Chỉ cần thỉnh thoảng bị mất ngủ cũng có thể gây tai nạn nghiêm trọng