Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao chúng tôi lúc nào cũng cãi nhau?

Tại sao chúng tôi lúc nào cũng cãi nhau?

Giới trẻ thắc mắc

Tại sao chúng tôi lúc nào cũng cãi nhau?

Trong cảnh bên dưới, Rachel đã góp phần vào cuộc tranh cãi qua ba cách. Bạn có biết đó là gì không? Hãy ghi câu trả lời bên dưới và kiểm tra lại bằng khung “Đáp án” ở cuối bài.

Đó là tối thứ tư. Rachel, 17 tuổi, đã làm xong việc nhà và cuối cùng em cũng được nghỉ ngơi! Em bật TV và ngã người xuống chiếc ghế mình yêu thích.

Ngay lúc ấy, mẹ em xuất hiện nơi cửa và trông bà không được vui. Bà nói: “Rachel, sao lại xem TV? Sao không giúp em làm bài? Con với cái, chẳng bao giờ chịu nghe lời!”.

Rachel càu nhàu thành tiếng: “Lại cằn nhằn nữa rồi”.

Mẹ em nghiêng người về phía trước: “Cô nói gì đó?”.

“Đâu có gì”, Rachel thở dài, mắt nhìn lên ngao ngán.

Bây giờ mẹ em rất tức giận. Bà bảo: “Dám nói với mẹ bằng giọng đó hả?”.

Rachel đáp trả: “Chứ mẹ nói với con bằng giọng gì?”.

Thế là hết nghỉ ngơi. . .  Một cuộc tranh cãi khác đã bắt đầu.

1. ․․․․․

2. ․․․․․

3. ․․․․․

Bạn có thấy cảnh ở trên trông rất quen không? Bạn và cha mẹ có thường cãi nhau không? Nếu có, hãy dành ít phút để phân tích tình huống. Vấn đề nào thường gây xung đột nhất? Hãy đánh dấu những vấn đề của bạn—hoặc ghi ra nơi phần “Vấn đề khác”.

◯ Bạn bè

◯ Giải trí

◯ Người khác phái

◯ Thái độ

◯ Trang phục

◯ Việc nhà

◯ Giờ phải có mặt ở nhà

◯ Vấn đề khác

Dù vấn đề là gì, cãi cọ thường gây ra căng thẳng cho bạn cha mẹ. Dĩ nhiên bạn có thể cố im lặng và làm ra vẻ đồng ý với mọi điều cha mẹ nói. Nhưng Đức Chúa Trời có muốn bạn làm thế không? Không. Kinh Thánh quả có khuyên bạn: “Hãy tôn-kính cha mẹ” (Ê-phê-sô 6:2, 3). Nhưng Kinh Thánh cũng khuyến khích bạn phát huy khả năng suy xét (Châm-ngôn 1:1-4). Khi làm điều này, tất nhiên bạn sẽ có những ý kiến riêng, và một số có thể khác với cha mẹ. Tuy nhiên, trong những gia đình áp dụng nguyên tắc Kinh Thánh, cha mẹ và con cái có thể nói chuyện với nhau một cách ôn hòa—ngay cả khi bất đồng ý kiến.—Cô-lô-se 3:13.

Làm thế nào bạn có thể nói ra cảm nghĩ mà không làm cho cuộc nói chuyện bình thường trở thành cuộc xung đột dữ dội? Thật dễ để nói rằng: “Đó là tại cha mẹ. Lúc nào họ cũng cằn nhằn tôi!”. Nhưng hãy suy nghĩ: Liệu bạn có thể điều khiển được người khác, kể cả cha mẹ không? Thật ra, người duy nhất mà bạn có thể thay đổi chính là bạn. Và điều đáng mừng là nếu bạn làm phần mình để giảm bầu không khí căng thẳng, rất có thể cha mẹ bạn giữ được bình tĩnh và lắng nghe ý kiến của bạn.

Vậy, hãy xem bạn có thể làm gì để không cãi cọ nữa. Hãy áp dụng những đề nghị sau. Bạn có thể làm cha mẹ, ngay cả bạn nữa, ngạc nhiên về kỹ năng giao tiếp mới của bạn.

(Đề nghị: Đánh dấu điểm nào mà bạn cần cải thiện).

Suy nghĩ trước khi đáp. Kinh Thánh nói: “Người công chính nghĩ suy rồi mới đáp” (Châm-ngôn 15:28, Các Giờ Kinh Phụng Vụ). Khi cảm thấy bị công kích, bạn đừng thốt lên ý nghĩ đầu tiên nảy ra trong trí. Chẳng hạn, mẹ bạn nói: “Sao con không rửa bát? Chẳng bao giờ biết nghe lời!”. Câu trả lời hấp tấp có lẽ là: “Sao mẹ cằn nhằn hoài vậy?”. Thế nhưng, hãy vận dụng khả năng suy xét. Hãy cố hiểu cảm xúc ẩn sau lời ấy của mẹ bạn. Thông thường, không nên hiểu theo nghĩa đen những câu có cụm từ như “lúc nào cũng”, “chẳng bao giờ”. Tuy nhiên, các từ ấy biểu thị một cảm xúc. Đó có thể là gì?

Có lẽ mẹ của bạn bực bội, cảm thấy phải gánh quá nhiều việc nhà. Có thể bà chỉ muốn chắc chắn là có sự hỗ trợ của bạn. Hoặc, thành thật mà nói, có lẽ bạn thường không chịu làm việc nhà. Dù trường hợp nào đi nữa, câu: “Sao mẹ cằn nhằn hoài vậy?” sẽ chẳng có lợi gì, mà chỉ dẫn đến cãi cọ! Vậy, sao không làm cho mẹ bạn yên tâm? Chẳng hạn, bạn có thể nói: “Mẹ ơi, đừng lo. Con sẽ rửa bát ngay”. Hãy thận trọng: Đừng nói với giọng châm chọc. Lời đáp biểu lộ sự cảm thông có thể làm giảm căng thẳng giữa hai người.

Dưới đây, hãy ghi một lời của cha hoặc mẹ có thể khiến bạn tức giận.

․․․․․

Giờ đây, hãy lưu tâm đến cảm xúc ẩn sau câu nói đó và suy nghĩ một lời đáp biểu lộ sự cảm thông.

․․․․․

Nói năng lễ độ. Qua kinh nghiệm, Michelle học được tầm quan trọng về cách nói với mẹ. Bạn ấy cho biết: “Bất kể vấn đề là gì, mẹ luôn không thích cách tôi nói”. Nếu đó là trường hợp của bạn, hãy học cách nói năng nhẹ nhàng, từ tốn và tránh tỏ thái độ khó chịu (Châm-ngôn 30:17). Nếu cảm thấy sắp mất tự chủ, bạn hãy cầu nguyện thầm ngắn gọn với Đức Chúa Trời (Nê-hê-mi 2:4). Dĩ nhiên, mục tiêu không phải là nhờ Đức Chúa Trời giúp để “cha mẹ ngưng cằn nhằn”, nhưng giúp bạn tự chủ để không đổ thêm dầu vào lửa.—Gia-cơ 1:26.

Trong khoảng trống dưới đây, hãy ghi ra vài lời nói và hành động mà bạn nên tránh.

Lời nói:

․․․․․

Nét mặt và cử chỉ

․․․․․

Lắng nghe. Kinh Thánh cho biết: “Hễ lắm lời, vi-phạm nào có thiếu” (Châm-ngôn 10:19). Vậy, hãy để cha mẹ nói, và bạn chăm chú lắng nghe. Hãy tắt nhạc, để sách hoặc tạp chí sang một bên, và nhìn cha mẹ. Đừng ngắt lời để bào chữa cho hành động của bạn. Hãy im lặng lắng nghe. Sau đó, khi cha mẹ đã nói xong, bạn sẽ có nhiều cơ hội để đặt câu hỏi hay giải thích quan điểm của mình. Trái lại, nếu bạn khăng khăng nói ra ý kiến của mình ngay lúc đó, có thể bạn chỉ làm vấn đề tệ hơn. Ngay cả khi bạn có những điều khác muốn nói, thời điểm này có lẽ là “kỳ nín-lặng”.—Truyền-đạo 3:7.

Sẵn sàng xin lỗi. Luôn thích hợp để nói: “Con xin lỗi” về bất cứ điều gì bạn đã làm góp phần gây ra cuộc tranh cãi (Rô-ma 14:19). Bạn cũng có thể xin lỗi khi có bất cứ mâu thuẫn nào. Nếu cảm thấy khó nói trực tiếp, hãy cố gắng ghi ra cảm xúc của bạn. Sau đó, hãy “đi hai dặm” bằng cách thay đổi bất cứ thái độ nào đã góp phần gây ra xung đột (Ma-thi-ơ 5:41). Chẳng hạn, nếu tranh cãi xảy ra vì bạn chần chừ chưa làm một việc nhà nào đó, sao không làm cha mẹ ngạc nhiên bằng cách chu toàn việc ấy? Dù bạn không thích việc đó, chẳng phải làm xong công việc thì tốt hơn là đối mặt với vấn đề khi cha mẹ thấy công việc vẫn còn đấy?—Ma-thi-ơ 21:28-31.

Suy cho cùng, khi cố gắng giải quyết hoặc tránh xung đột, đời sống bạn sẽ dễ chịu hơn. Thật thế, Kinh Thánh cho biết: “Người nhân hậu làm ích cho bản thân” (Châm-ngôn 11:17, GKPV). Vậy, hãy nghĩ đến những lợi ích bạn có thể nhận được khi làm phần mình để giảm sự căng thẳng giữa bạn và cha mẹ.

Những gia đình hạnh phúc cũng có xung đột, nhưng họ biết làm thế nào để giải quyết vấn đề cách ôn hòa. Hãy thực tập những kỹ năng được trình bày trong bài này. Bạn có lẽ sẽ thấy mình có thể thảo luận với cha mẹ ngay cả những vấn đề khó nói, mà không cãi nhau!

VÀI ĐIỀU ĐỂ SUY NGHĨ

● Tại sao một số bạn trẻ thường cho rằng biết tranh cãi là hay?

● Tại sao Đức Giê-hô-va xem người hay tranh cãi là “kẻ điên-cuồng”?—Châm-ngôn 20:3.

[Khung/​Hình nơi trang 19]

Ý KIẾN CỦA VÀI BẠN TRẺ

“Tôi phải thừa nhận rằng dù đã đi làm và tự túc về tài chính, tôi vẫn sống trong nhà của mẹ và phải nghe bà. Mẹ đã chăm sóc tôi nhiều năm, thế nên khi bà kiểm soát tôi, chẳng hạn về giờ phải có mặt ở nhà, tôi hoàn toàn thông cảm.”

“Nếu cha mẹ và tôi không đồng ý về vấn đề nào đó, chúng tôi cầu nguyện, tìm thông tin và bàn bạc với nhau. Bằng cách này chúng tôi luôn tìm ra cách giải quyết chung. Nếu chúng ta luôn để Đức Giê-hô-va hướng dẫn, thế nào vấn đề cũng được giải quyết.”

[Hình]

Daniel

Cameron

[Khung nơi trang 21]

ĐÁP ÁN

1. Dùng lời châm chọc (“Lại cằn nhằn nữa rồi”) chỉ đổ thêm dầu vào lửa, khiến mẹ bạn càng bực bội hơn.

2. Nét mặt của Rachel chỉ gây rắc rối cho mình

3. Đáp lại cách xấc xược (“Chứ mẹ nói với con bằng giọng gì?”) hầu như luôn gây tác dụng ngược.

[Khung nơi trang 21]

DÀNH CHO BẬC CHA MẸ

Hãy xem cảnh mở đầu của bài. Bạn có nhận ra những điều mà mẹ Rachel đã làm dẫn đến cãi cọ không? Làm thế nào bạn có thể tránh cãi nhau với con? Bạn hãy nhớ một số điểm sau đây:

Tránh nói những câu nhận xét chung chung: “Con lúc nào cũng...” hoặc “Con chẳng bao giờ...”. Những câu như thế chỉ khiến người nghe lo tìm cách chống đỡ. Xét cho cùng, những lời ấy có thể chỉ là phóng đại và con bạn biết điều đó. Có thể con bạn cũng biết rằng bạn thốt ra những lời ấy vì giận dữ, hơn là vì chúng lơ là trách nhiệm.

Thay vì nói những câu cộc lốc lên án con, hãy cố gắng cho biết hành động của con tác động thế nào đến bạn. Chẳng hạn: “Khi con... ba/mẹ cảm thấy...”. Bạn biết không, trong thâm tâm con cái thật ra quan tâm đến cảm xúc của bạn. Khi cho con biết bạn cảm thấy thế nào, con bạn dễ muốn hợp tác hơn.

Dù có lẽ khó, hãy nén cảm xúc cho đến khi bạn bình tĩnh (Châm-ngôn 10:19). Nếu vấn đề gây ra tranh cãi liên quan đến việc nhà, hãy nói chuyện với con. Ghi ra cụ thể những điều con phải làm, và nếu cần, cho con biết rõ hậu quả khi không thực hiện những điều đó. Hãy kiên nhẫn lắng nghe ý kiến của con, dù bạn nghĩ đó là sai. Phần lớn thanh thiếu niên phản ứng tốt với người biết lắng nghe hơn là người thuyết giảng.

Trước khi vội vã cho rằng tinh thần phản nghịch của thế gian đang kiểm soát con bạn, hãy hiểu rằng phần lớn những gì bạn thấy chỉ là một phần trong quá trình phát triển tự nhiên của con. Có lẽ con bạn tranh cãi về một điều gì đó chỉ để chứng tỏ nó đang trưởng thành. Vậy, hãy cố tránh cãi cọ. Hãy nhớ là cách bạn phản ứng trước sự khiêu khích sẽ là một cách để dạy con. Hãy tỏ ra kiên nhẫn và chịu đựng, bạn sẽ nêu gương tốt cho con.—Ga-la-ti 5:22.

[Hình nơi trang 20]

Tranh cãi với cha mẹ giống như chạy trên máy tập thể dục—phải dùng nhiều sức lực nhưng không đi đến đâu