Đưa má bên kia cho người ta vả có nghĩa gì?
Quan điểm của Kinh Thánh
Đưa má bên kia cho người ta vả có nghĩa gì?
Trong Bài giảng trên núi, Chúa Giê-su nói: “Đừng chống-cự kẻ dữ. Trái lại, nếu ai vả má bên hữu ngươi, hãy đưa má bên kia cho họ luôn”.—Ma-thi-ơ 5:39.
Ngài muốn nói gì? Có phải Chúa Giê-su khuyên môn đồ ngài không nên tự vệ? Ngày nay, tín đồ Đấng Christ có nên im lặng chịu đựng và không tìm sự bảo vệ của pháp luật không?
Ý của Chúa Giê-su là gì?
Để hiểu ý của Chúa Giê-su là gì, chúng ta hãy xem xét văn cảnh của câu nói đó và những người nghe ngài giảng. Ngay trước khi Chúa Giê-su đưa ra lời khuyên được trích ở trên, ngài nhắc đến điều mà thính giả đã biết trong Kinh Thánh. Ngài lưu ý: “Các ngươi có nghe lời phán rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng”.—Ma-thi-ơ 5:38.
Chúa Giê-su đang trích các câu nơi Xuất Ê-díp-tô Ký 21:24 và Lê-vi Ký 24:20. Đáng chú ý là theo Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên, việc “mắt đền mắt” chỉ được thực thi sau khi người phạm tội bị xét xử bởi thầy tế lễ và quan án. Họ sẽ xem xét hoàn cảnh và động cơ phạm tội của người ấy.—Phục-truyền Luật-lệ Ký 19:15-21.
Dần dần, người Do Thái áp dụng sai luật này. Sách bình luận Kinh Thánh do ông Adam Clarke viết vào thế kỷ 19 nói: “Dường như người Do Thái dựa vào luật này [mắt đền mắt, răng đền răng] để bào chữa cho việc nuôi lòng oán hận và báo thù một cách tàn nhẫn. Người ta thường báo thù cách dã man, và người bị báo thù chịu hậu quả nặng nề hơn so với những gì họ gây ra”. Tuy nhiên theo Kinh Thánh, con người không được phép báo thù.
Lời dạy của Chúa Giê-su trong Bài giảng trên núi về việc ‘đưa má bên kia cho người ta vả’ phản ánh đúng tinh thần của Luật pháp Đức Chúa Trời ban cho dân Y-sơ-ra-ên. Chúa Giê-su không có ý nói rằng nếu môn đồ ngài bị vả má bên này thì họ đưa luôn má bên kia cho người ta đánh. Vào thời Kinh Thánh được viết ra cũng như thời nay, cái vả không dùng để gây thương tích nhưng là cách để xúc phạm, khiêu khích và gây sự.
Vậy, rõ ràng Chúa Giê-su muốn nói là nếu một người gây sự với người khác bằng cách vả má hay nhiếc móc, thì người bị đối xử như thế không nên trả đũa, để tránh rơi vào vòng oan oan tương báo.—Rô-ma 12:17.
Lời của Chúa Giê-su rất giống với những lời sau của vua Sa-lô-môn: “Chớ nên nói: Tôi sẽ làm cho hắn như hắn đã làm cho tôi; tôi sẽ báo người tùy công-việc của người” (Châm-ngôn 24:29). Môn đồ Chúa Giê-su đưa má bên kia cho người ta vả theo nghĩa là không để người khác lôi mình vào cuộc xung đột.—Ga-la-ti 5:26.
Nói sao về tự vệ?
Đưa má bên kia cho người ta vả không có nghĩa là tín đồ Đấng Christ không được tự vệ khi bị người khác hành hung. Chúa Giê-su không nói chúng ta đừng tự vệ, nhưng ý ngài là chúng ta chớ ra tay trước hoặc đánh trả, và chớ nổi giận rồi báo thù. Bỏ đi để tránh cuộc ẩu đả là khôn ngoan. Thế nhưng cũng nên hành động nhằm bảo vệ mình và báo cho cảnh sát nếu chúng ta là nạn nhân của một tội ác.
Các môn đồ thời ban đầu của Chúa Giê-su áp dụng đúng nguyên tắc ấy khi dùng pháp luật để bảo vệ mình. Chẳng hạn, sứ đồ Phao-lô đã dùng hệ thống pháp luật vào thời ông hầu bảo vệ quyền thi hành sứ mạng mà Chúa Giê-su giao cho môn đồ, đó là rao giảng tin mừng (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Trong chuyến hành trình truyền giáo ở thành Phi-líp, Phao-lô cùng bạn đồng hành là Si-la bị các thượng quan bắt giam và buộc tội vi phạm luật pháp.
Hai người bị đánh đòn trước dân chúng và giam vào ngục mà chưa hề được xét xử. Khi có cơ hội, Phao-lô đã đưa luật pháp ra để bảo vệ quyền của ông là công dân La Mã. Sau khi biết ông là người La Mã, các thượng quan rất sợ, họ xin Phao-lô và Si-la rời khỏi thành mà đừng gây khó dễ cho họ. Vì thế, Phao-lô đã lập khuôn mẫu về việc dựa vào pháp luật để “binh-vực” quyền rao giảng tin mừng.—Công-vụ 16:19-24, 35-40; Phi-líp 1:7.
Như Phao-lô, Nhân Chứng Giê-hô-va đã phải nhiều lần kiện ra tòa án nhằm bảo vệ quyền hoạt động tôn giáo của họ. Thậm chí, điều này cũng xảy ra trong các quốc gia cho rằng công dân của họ có quyền tự do tôn giáo. Trong các vấn đề liên quan đến tội ác và an toàn cá nhân cũng thế, Nhân Chứng Giê-hô-va không đưa má cho người ta vả, tức không chịu đựng mà chẳng làm gì cả. Họ dùng pháp luật để tự bảo vệ.
Là môn đồ Chúa Giê-su, Nhân Chứng Giê-hô-va làm những bước cần thiết để chính quyền công nhận quyền của họ, nhưng biết rằng kết quả chỉ giới hạn. Vì thế, như Chúa Giê-su, họ trao vấn đề trong tay Đức Chúa Trời, tin cậy rằng Ngài biết rõ mọi việc và sẽ xét xử công minh (Ma-thi-ơ 26:51-53; Giu-đe 9). Tín đồ chân chính nhớ rằng sự trả thù thuộc về Đức Giê-hô-va.—Rô-ma 12:17-19.
CÓ BAO GIỜ BẠN THẮC MẮC:
● Môn đồ Chúa Giê-su nên tránh hành động nào?—Rô-ma 12:17.
● Kinh Thánh có cấm việc dùng luật pháp để bảo vệ quyền lợi không ?—Phi-líp 1:7.
● Chúa Giê-su tin cậy điều gì nơi Cha ngài ?—Ma-thi-ơ 26:51-53.