Khi con nhỏ bị ung thư
Khi con nhỏ bị ung thư
“Tôi đau đớn tột độ và tuyệt vọng. Trời đất như tối sầm lại. Tôi cảm thấy buồn khổ như con gái nhỏ của mình đã chết rồi”. —Anh Jaílton kể lại cảm xúc khi biết tin con gái bị ung thư.
Nghe tin con bị ung thư có thể khiến bạn choáng váng, thậm chí kinh hãi. Việc trẻ em mắc bệnh này có xảy ra thường xuyên không? Theo Hiệp hội chống Ung thư Quốc tế, dù “ung thư trẻ em chiếm tỷ lệ nhỏ trong các dạng ung thư, mỗi năm có hơn 160.000 trẻ em [trên khắp thế giới] được chẩn đoán bị ung thư, và ở các nước phát triển, đây là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em xếp hàng thứ hai, chỉ sau tai nạn”. Theo Viện Ung thư Quốc gia ở Brazil, tại nước này “ước tính mỗi năm có thêm 9.000 trẻ em bị ung thư”.
Việc con nhỏ bị ung thư, theo sách viết về vai trò của người mẹ khi con bị ung thư (À margem do leito—A mãe e o câncer infantil), đó là “một đòn đau đớn giáng cho mọi thành viên trong gia đình”. Khi được chẩn đoán bị ung thư, bệnh nhân thường phải trải qua phẫu thuật, hóa trị liệu hay xạ trị hoặc cả hai phương pháp, và có thể bị những tác dụng phụ rất khó chịu. Đối với cha mẹ, điều này gây sốc, khiến họ sợ hãi, buồn phiền, cảm thấy có lỗi, tức giận và phủ nhận. Làm thế nào cha mẹ có thể đương đầu với nỗi đau buồn này?
Tất nhiên, phần lớn nguồn an ủi đến từ các bác sĩ chuyên khoa tận tình chăm sóc. Một tiến sĩ y khoa ở thành phố New York, từng điều trị cho nhiều bệnh nhân ung thư, nói: “Các bác sĩ có thể cung cấp thêm thông tin khích lệ, cũng như giải thích và cho biết trước một số tác dụng phụ. Điều này giúp cha mẹ đỡ bị sốc”. Những cha mẹ khác có con bị ung thư cũng có thể là nguồn an ủi. Vì thế, tạp chí Tỉnh Thức! phỏng vấn hai cặp vợ chồng và một người mẹ ở Brazil đã lâm vào hoàn cảnh này.
● Anh Jaílton và chị Néia: “Chúng tôi biết con gái mình mắc bệnh bạch cầu cấp dòng lympho khi bé chỉ mới hai tuổi rưỡi”.
Việc điều trị mất bao nhiêu thời gian?
“Cháu phải điều trị bằng hóa trị liệu gần hai năm rưỡi”.
Cháu bị những tác dụng phụ nào?
“Cháu nôn nhiều và bị rụng tóc. Men răng của cháu xỉn dần. Ba lần cháu bị viêm phổi”.
Điều đó khiến anh chị cảm thấy thế nào?
“Thoạt tiên chúng tôi rất sợ. Nhưng khi thấy sức khỏe của cháu tiến triển khả quan, chúng tôi tin cháu sẽ được chữa khỏi. Giờ đây, cháu gần chín tuổi rồi”.
Điều gì đã giúp anh chị đối phó với cú sốc đó?
“Đó chính là lòng tin cậy nơi Đức Chúa Trời Giê-hô-va, đấng ‘an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn’, như Kinh Thánh ghi nơi 2 Cô-rinh-tô 1:3, 4. Chúng tôi cũng nhận được sự hỗ trợ tuyệt vời của anh em đồng đạo. Họ viết thư khích lệ, gọi điện và cầu nguyện với chúng tôi. Họ cũng cầu nguyện cho chúng tôi, thậm chí giúp đỡ về tài chính. Sau đó, khi con gái chúng tôi chuyển đến một bệnh viện ở bang khác, các Nhân Chứng ở đó đã cung cấp chỗ ở và luân phiên chở vợ chồng tôi đến bệnh viện. Chúng tôi không biết dùng lời nào để diễn đạt hết lòng biết ơn về sự hỗ trợ của các anh chị”.
● Anh Luiz và chị Fabiana: “Vào năm 1992, chúng tôi biết con gái mình mắc một dạng ung thư buồng trứng hiếm thấy và rất nguy hiểm. Lúc ấy cháu chỉ mới 11 tuổi”.
Phản ứng ban đầu của anh chị là gì?
“Chúng tôi phủ nhận sự thật, và không thể tin rằng con gái mình mắc bệnh ung thư”.
Cháu được điều trị thế nào?
“Cháu phải trải qua phẫu thuật và hóa trị liệu. Việc này khiến chúng tôi cạn kiệt cả về thể chất lẫn tinh thần. Cháu bị viêm phổi hai lần. Lần thứ hai, cháu gần như không thể qua khỏi. Cháu cũng thiếu tiểu cầu nên có những lúc bị xuất huyết ở da và mũi. Cháu phải dùng thuốc để giảm bớt hiện tượng này”.
Việc điều trị mất bao nhiêu thời gian?
“Mất khoảng sáu tháng kể từ lần sinh thiết đầu tiên đến đợt hóa trị liệu cuối cùng”.
Con gái anh chị cảm thấy thế nào về căn bệnh và phương pháp điều trị?
“Thoạt tiên, cháu không biết điều gì đang xảy ra. Bác sĩ nói với cháu rằng cháu có ‘quả bi nhỏ ở trong bụng và cần lấy ra’. Cuối cùng,
cháu nhận thấy sự việc có vẻ nghiêm trọng. Cháu hỏi: ‘Bố ơi, có phải con bị ung thư không?’. Khó khăn lắm tôi mới tìm được cách trả lời thích hợp”.Anh chị cảm thấy thế nào khi nhìn con đau đớn?
“Thật khó diễn tả nỗi đau mà chúng tôi phải trải qua. Chẳng hạn, hãy hình dung cảnh tôi nhìn con gái bé bỏng của mình giúp cô y tá tìm ven để hóa trị liệu. Những lúc khó khăn nhất, tôi vào phòng tắm để khóc và cầu nguyện. Một đêm tôi cảm thấy buồn rầu đến mức cầu xin Đức Giê-hô-va cho tôi được chết thay cho con”.
Điều gì đã giúp anh chị đương đầu với nghịch cảnh này?
“Phần lớn sự hỗ trợ đến từ anh em đồng đạo, một số người ở những nơi xa đã gọi điện cho chúng tôi. Một anh bảo tôi lấy Kinh Thánh ra và bằng giọng an ủi, đọc cho tôi nghe vài câu từ sách Thi-thiên. Đó đúng là những câu mà vợ chồng tôi cần, vì con gái chúng tôi đang trải qua một trong những giai đoạn khó khăn nhất của quá trình điều trị”.
● Chị Rosimeri: “Khi con gái tôi bốn tuổi, cháu mắc một dạng bệnh bạch cầu”.
Phản ứng đầu tiên của chị là gì?
“Đối với tôi điều đó thật khó tin. Tôi khóc cả ngày lẫn đêm và nài xin Đức Chúa Trời hỗ trợ. Con gái lớn của tôi cũng đau lòng khi thấy em bệnh nặng. Tôi phải gửi cháu sang bên bà ngoại”.
Con gái chị bị những tác dụng phụ nào?
“Việc hóa trị liệu mỗi ngày khiến cháu thiếu máu. Vì vậy, các bác sĩ cho cháu uống thuốc bổ sung chất sắt và thuốc kích thích tạo hồng cầu để tăng lượng hồng cầu trong máu. Số lượng hồng cầu và bạch cầu trong máu của cháu được kiểm tra thường xuyên. Cháu cũng có những cơn co giật”.
Việc điều trị mất bao nhiêu thời gian?
“Cháu được chữa bằng hóa trị liệu với liều cao trong hai năm bốn tháng. Suốt thời gian ấy, cháu bị rụng tóc và tăng cân nhiều. Dù thế, khiếu khôi hài đã giúp cháu đương đầu với căn bệnh. Sau khoảng sáu năm, các bác sĩ bảo rằng con gái tôi không còn triệu chứng nào của căn bệnh đó nữa”.
Điều gì đã giúp chị đối phó với tình cảnh rất khó khăn này?
“Tôi và con gái nhỏ thường xuyên cầu nguyện. Chúng tôi suy ngẫm về gương các tôi tớ trung thành của Đức Chúa Trời vì họ đã chịu đựng nhiều thử thách khác nhau. Chúng tôi cũng nhớ đến lời của Chúa Giê-su nơi Ma-thi-ơ 6:34, chúng ta không nên chất thêm nỗi lo của ngày mai vào nỗi lo của ngày hôm nay. Chúng tôi cũng nhận nhiều trợ giúp từ anh em đồng đạo, kể cả Ủy ban Liên lạc Bệnh viện tại địa phương. Ngoài ra, các y bác sĩ, là những người thường xuyên đối phó với các trường hợp như thế, cũng tận tình giúp đỡ”.
Có phải bạn từng biết một em nhỏ bị ung thư? Cũng có thể đó chính là con của bạn. Nếu thế, mong sao các phỏng vấn này giúp bạn hiểu rằng nỗi sầu khổ của bạn là bình thường. Kinh Thánh cho biết là “có kỳ khóc” (Truyền-đạo 3:4). Trên hết, hãy tin chắc rằng Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “Đấng nghe lời cầu-nguyện”, sẽ an ủi tất cả những người có lòng thành thật đến với ngài.—Thi-thiên 65:2.
[Khung nơi trang 27]
Những câu Kinh Thánh mang lại an ủi
“Chớ lo lắng về ngày mai, vì ngày mai có điều lo lắng của ngày mai. Ngày nào có đủ nỗi khổ của ngày đó”.—Ma-thi-ơ 6:34.
“Chúc tạ Đức Chúa Trời, Cha của Chúa Giê-su Ki-tô chúng ta, là Cha đầy lòng thương xót và là Đức Chúa Trời ban mọi sự an ủi. Ngài an ủi chúng ta trong mọi hoạn nạn”.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.
“Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su”.—Phi-líp 4:6, 7.
“Hãy trao hết mọi lo lắng cho [Đức Chúa Trời], vì ngài quan tâm đến anh em”.—1 Phi-e-rơ 5:7.
[Khung/Hình nơi trang 28]
Một cách thể hiện tình yêu thương
Các Ủy ban Liên lạc Bệnh viện của Nhân Chứng Giê-hô-va cố gắng thúc đẩy sự hợp tác giữa bác sĩ và bệnh nhân. Họ giúp Nhân Chứng bị bệnh tìm được bác sĩ giỏi và tôn trọng nguyện vọng của người bệnh là làm theo mệnh lệnh kiêng huyết trong Kinh Thánh.—Công vụ 15:20.
[Hình nơi trang 27]
Chị Néia, con gái Sthefany và anh Jaílton
[Hình nơi trang 27]
Anh Luiz, con gái Aline và chị Fabiana
[Hình nơi trang 27]
Con gái Aline và chị Rosimeri