Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tàu Titanic “con tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử”

Tàu Titanic “con tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử”

Tàu Titanic “con tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử”

NGÀY 10 THÁNG 4 NĂM 1912: Tàu Titanic rời cảng Southampton, Anh Quốc, hướng về New York, Hoa Kỳ.

NGÀY 11 THÁNG 4: Sau khi đón khách ở Cherbourg, Pháp và ở Queenstown (nay gọi là Cobh), Ai Len, tàu Titanic hướng về Đại Tây Dương.

NGÀY 14 THÁNG 4: Khoảng 11g40 tối, tàu Titanic va vào một tảng băng trôi.

NGÀY 15 THÁNG 4: Lúc 2g20 sáng, tàu Titanic chìm, khoảng 1.500 người thiệt mạng.

Tàu Titanic là loại tàu gì? Nguyên nhân nào khiến tàu chìm? Một cuộc viếng thăm Ulster Folk và Transport Museum, bảo tàng gần Belfast, Bắc Ai Len, giúp giải đáp những thắc mắc trên.

Tàu Titanic​—Tại sao đặc biệt?

Theo lời ông Michael McCaughan, người trước đây phụ trách bảo tàng được đề cập ở trên thì tàu Titanic là “con tàu nổi tiếng nhất trong lịch sử”. Nhưng Titanic không phải là con tàu độc nhất vô nhị. Nó đứng thứ hai trong ba con tàu khổng lồ được đóng ở xưởng đóng tàu Harland và Wolff, tại Belfast *. Titanic là một trong những con tàu lớn nhất thời bấy giờ, dài 269m và rộng 28m.

Công ty vận tải White Star dùng những con tàu khổng lồ này để chiếm ưu thế trên Bắc Đại Tây Dương, con đường hàng hải mang nhiều lợi nhuận. Tàu thủy của công ty này không thể cạnh tranh về tốc độ với công ty đối thủ là Cunard. Vì vậy, công ty White Star đã tập trung vào việc đóng những con tàu lớn hơn và sang trọng hơn nhằm thu hút người giàu có và nổi tiếng.

Nhưng Titanic còn có một mục đích khác. Giám đốc những bảo tàng quốc gia ở Bắc Ai Len (National Museums Northern Ireland), ông William Blair nói: “Giữa những năm 1900 và 1914, mỗi năm có gần 900.000 người nhập cư vào Hoa Kỳ”. Việc chở hành khách từ châu Âu đến Hoa Kỳ mang lại nguồn thu nhập lớn nhất cho những công ty hàng hải vượt Đại Tây Dương, và họ cũng muốn dùng Titanic cho mục đích ấy.

Thảm họa

Thuyền trưởng tàu Titanic, ông E. J. Smith, biết những mối nguy hiểm của các tảng băng ở Bắc Đại Tây Dương. Trước đây, ông thường lái tàu Olympic trên đường này. Những con tàu khác đã gửi cho Titanic một số cảnh báo về các tảng băng trôi, nhưng một số lời cảnh báo ấy bị lờ đi hoặc dường như không nhận được.

Đột nhiên, những người đứng trên vọng gác của tàu Titanic cảnh báo về một tảng băng trôi phía trước, nhưng đã quá muộn! Sĩ quan trực đã xoay xở để tránh đâm thẳng vào tảng băng, nhưng không thể tránh việc tàu Titanic va vào cạnh của tảng băng ấy. Thân tàu bị hỏng nặng và nước biển tràn vào một số khoang ở phía trước. Không lâu sau, thuyền trưởng Smith nhận ra là con tàu sẽ chìm. Ông đã gửi tín hiệu SOS và ra lệnh hạ thủy các thuyền cứu đắm.

Tàu Titanic có 16 thuyền cứu đắm và 4 thuyền gập lại được. Sức chứa tối đa của những thuyền này là khoảng 1.170 người. Nhưng có khoảng 2.200 hành khách và những người làm việc trên tàu! Tồi tệ hơn là nhiều thuyền cứu đắm đã chèo đi dù chưa đầy người. Phần lớn người trên các thuyền đó cũng không cố gắng tìm kiếm những người có thể sống sót sau khi nhảy xuống biển. Cuối cùng chỉ có 705 người được cứu!

Kết quả

Sau thảm họa của tàu Titanic, các nhà chức trách trong ngành hàng hải ban hành những quy định nhằm cải thiện tình trạng an toàn trên biển. Một trong những quy định ấy là phải có đủ thuyền cứu đắm cho mọi người trong các chuyến hành trình sau này.

Trong nhiều năm, người ta tin rằng tàu Titanic chìm quá nhanh vì vết cắt lớn ở thân tàu khi va chạm. Tuy nhiên, vào năm 1985, sau khi phát hiện ra tàu Titanic ở dưới đáy biển, những người điều tra đã đưa ra một kết luận khác, đó là nước quá lạnh đã khiến vỏ thép của thân tàu trở nên giòn và dễ gẫy. Không đầy ba tiếng sau vụ va chạm, con tàu vỡ làm đôi và chìm. Tính đến nay, đây là một trong những vụ chìm tàu lớn nhất trong lịch sử hàng hải.

[Chú thích]

^ đ. 8 Tàu Olympic được đóng đầu tiên, Titanic là thứ hai và Britannic là thứ ba.

[Bản đồ nơi trang 20]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Southampton

Cherbourg

Queenstown (Cobh)

ĐẠI TÂY DƯƠNG

Điểm Titanic bị va chạm

New York

[Các hình nơi trang 18, 19]

Tàu Titanic đang được đóng

[Hình nơi trang 19]

Các cánh quạt của tàu Titanic

[Hình nơi trang 19]

Những công nhân đang rời xưởng đóng tàu Harland và Wolff ở Belfast, Ai Len

[Hình nơi trang 20]

Ông E. J. Smith, thuyền trưởng tàu Titanic (bên phải) cùng với ông Herbert McElroy, người phụ trách chính về tài vụ

[Nguồn tư liệu]

© Courtesy CSU Archive/age fotostock

[Nguồn tư liệu nơi trang 18]

Pages 18 and 19: Leaving Southampton, under construction, and shipyard: © National Museums Northern Ireland; propellers: © The Bridgeman Art Library

[Nguồn tư liệu nơi trang 21]

© SZ Photo/Knorr & Hirth/Bridgeman Art Library