BÀI TRANG BÌA
Ba điều tiền không thể mua
Thật nghịch lý khi đối mặt với nguy cơ mất việc, mất nhà, thậm chí mất lương hưu, nhưng người ta vẫn bị ám ảnh về việc mua sắm mọi thứ.
Người như thế dễ là mục tiêu của các nhà quảng cáo. Họ tung ra những chiến dịch có sức cám dỗ, khiến chúng ta nghĩ mình phải có nhà to hơn, xe đắt tiền hơn và áo quần hàng hiệu. Nhưng bạn không có tiền ư? Không vấn đề gì—hãy mua trả góp! Mục tiêu của nhiều người là ra vẻ giàu có dù bị nợ nần chồng chất.
Dĩ nhiên không sớm thì muộn, bạn phải đương đầu với thực tại. Sách nói về bệnh tự yêu mình (The Narcissism Epidemic), cho biết: “Mua sắm trả góp những hàng hóa hào nhoáng để ra vẻ và cảm thấy mình là người thành đạt, giống như việc hít côcain crack hầu làm hưng phấn tâm trạng. Ban đầu hai việc này ít tốn kém và có hiệu quả, nhưng chỉ trong một thời gian rất ngắn. Về lâu về dài, bạn sẽ hết tiền và trầm cảm”.
Kinh Thánh phơi bày sự dại dột của việc “phô trương của cải” (1 Giăng 2:16). Sự thật là nỗi ám ảnh về của cải khiến chúng ta bị phân tâm khỏi những điều quan trọng nhất trong đời sống mà tiền bạc không thể mua. Hãy xem ba điều.
1. SỰ HỢP NHẤT TRONG GIA ĐÌNH
Bình *, một thiếu nữ ở Hoa Kỳ, cảm thấy cha của em chú tâm quá mức đến công việc và tiền bạc. Em ấy nói: “Chúng tôi có dư dật mọi thứ, nhưng cha tôi không bao giờ ở nhà vì luôn đi công tác. Tôi biết đó là vì công việc, nhưng tôi nghĩ ông cũng nên có trách nhiệm với gia đình!”.
Vài điều để suy nghĩ: Sau này, cha của Bình có thể hối tiếc điều gì? Việc quá chú tâm đến vật chất ảnh hưởng thế nào đến mối quan hệ giữa hai cha con? Gia đình cần gì nơi ông nhiều hơn là tiền bạc?
Các nguyên tắc Kinh Thánh:
-
“Sự mê tham tiền bạc là căn nguyên của mọi điều ác. Một số người vì ham mê tiền bạc đã... chuốc lấy cho mình biết bao điều đau khổ”.—1 Ti-mô-thê 6:10, Đặng Ngọc Báu.
-
“Thà một món rau mà thương-yêu nhau, còn hơn ăn bò mập-béo với sự ganh-ghét cặp theo”.—Châm-ngôn 15:17.
Kết luận: Tiền bạc không thể mua sự hợp nhất trong gia đình. Điều đó chỉ có được qua việc dành thời gian cho gia đình, yêu thương và quan tâm một cách thích đáng.—Cô-lô-se 3:18-21.
2. SỰ BẢO ĐẢM THẬT
Sarah, 17 tuổi, nói: “Mẹ luôn bảo rằng tôi cần kết hôn với người giàu có và học nghề, tìm công việc tốt để đảm bảo tương lai. Điều duy nhất mẹ lo nghĩ là ai sẽ chu cấp cho bà”.
Vài điều để suy nghĩ: Khi nghĩ về tương lai, các mối quan tâm chính đáng của bạn là gì? Khi nào mối quan tâm trở thành sự lo lắng thái quá? Làm thế nào mẹ của Sarah có thể có quan điểm cân bằng hơn về sự bảo đảm tài chính?
Các nguyên tắc Kinh Thánh:
-
“Đừng tích trữ của cải ở trên đất nữa, ấy là nơi có sâu bọ, gỉ sét làm hư hại và kẻ trộm có thể vào lấy”.—Ma-thi-ơ 6:19.
-
“Anh em chẳng biết ngày mai đời mình sẽ ra sao”.—Gia-cơ 4:14.
Kết luận: Việc để dành tiền không bảo đảm tương lai. Thật ra, tiền bạc có thể bị mất cắp, không thể xóa bỏ bệnh tật hoặc ngăn ngừa cái chết (Truyền-đạo 7:12). Kinh Thánh dạy rằng sự bảo đảm thật đến từ việc biết về Đức Chúa Trời và ý định của ngài.—Giăng 17:3.
3. SỰ THỎA LÒNG
Thanh, 24 tuổi, cho biết: “Cha mẹ dạy tôi biết sống một cách giản dị. Dù nhiều lúc gia đình chỉ đủ ăn, hai chị em song sinh chúng tôi cảm thấy hạnh phúc”.
Vài điều để suy nghĩ: Tại sao có thể khó thỏa lòng với những nhu cầu cơ bản? Liên quan đến tiền bạc, bạn nêu gương nào cho gia đình?
Các nguyên tắc Kinh Thánh:
-
“Hãy thỏa lòng khi đã có thức ăn, áo mặc và chỗ ở”.—1 Ti-mô-thê 6:8.
-
“Hạnh phúc thay những ai nhận biết mình cần sự hướng dẫn của Đức Chúa Trời”.—Ma-thi-ơ 5:3.
Kết luận: Đời sống không chỉ có tiền và những thứ mà tiền có thể mua. Suy cho cùng, như Kinh Thánh cho biết: “Dù một người giàu có, của cải cũng không mang lại sự sống cho người ấy” (Lu-ca 12:15). Thật vậy, chúng ta cảm thấy thỏa nguyện nhất khi tìm được lời giải đáp cho các câu hỏi như:
-
Tại sao chúng ta hiện hữu?
-
Tương lai sẽ thế nào?
-
Làm sao đáp ứng nhu cầu tâm linh?
Nhà xuất bản tạp chí này, Nhân Chứng Giê-hô-va, rất vui giúp bạn tìm lời giải đáp cho các câu hỏi trên.
^ đ. 8 Các tên trong bài này đã được thay đổi.