Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Các cuộc săn lùng phù thủy ở châu Âu

Các cuộc săn lùng phù thủy ở châu Âu

Ở châu Âu vài thế kỷ trước, nỗi sợ hãi phép thuật đã dẫn đến những cuộc săn lùng và tàn sát phù thủy. Những cuộc săn lùng này nở rộ ở Pháp, Đức, phía bắc nước Ý, Thụy Sĩ và vùng Low Countries—gồm Bỉ, Luxembourg và Hà Lan. Sách Các cuộc săn lùng phù thủy ở thế giới phương Tây (Witch Hunts in the Western World) cho biết: “Hàng chục ngàn người ở châu Âu và các nước thuộc địa bị tàn sát; hàng triệu người khác bị tra tấn, bắt giữ, thẩm vấn, thù ghét, kết tội hoặc rơi vào nỗi khiếp sợ” *. Cơn ác mộng này bùng nổ và được nhen nhóm như thế nào?

Tòa án Dị giáo và cuốn Chiếc búa phù thủy

Thế lực chính đứng sau những trang sử đen tối này là Tòa án Dị giáo. Sách Der Hexenwahn giải thích rằng Tòa án Dị giáo được Giáo hội Công giáo Rô-ma thành lập vào thế kỷ 13 “để cải hóa những kẻ bội đạo và ngăn chặn người khác bỏ đạo”. Tòa án Dị giáo hoạt động như lực lượng cảnh sát cho giáo hội.

Vào ngày 5-12-1484, Giáo hoàng Innocent VIII ban hành một sắc lệnh, hay văn kiện, cấm thuật phù phép. Ông cũng ủy quyền cho hai phán quan là Jakob Sprenger và Heinrich Kramer (còn được biết đến với tên La-tinh là Henricus Institoris) để thi hành sắc lệnh. Hai người này viết một cuốn sách có tựa đề Chiếc búa phù thủy (Malleus Maleficarum). Cả Công giáo lẫn Tin Lành đều coi cuốn sách này là thẩm quyền để xét xử những vụ liên quan đến thuật phù phép. Cuốn sách này chứa đựng những câu chuyện hoang đường về phù thủy dựa vào truyền thống dân gian. Nó đưa ra những lý lẽ dựa trên thần học và pháp luật để chống lại thuật phù phép, đồng thời chỉ dẫn cách nhận ra và loại trừ phù thủy. Cuốn Chiếc búa phù thủy được  miêu tả là “cuốn sách tàn ác... tai hại nhất trong nền văn học thế giới”.

Cuốn Chiếc búa phù thủy được miêu tả là “cuốn sách tàn ác... tai hại nhất trong nền văn học thế giới”

Không cần đến bằng chứng để kết tội một người có thực hành thuật phù phép hay không. Cuốn Phù thủy và các phiên tòa xét xử phù thủy (Hexen und Hexenprozesse) cho biết các phiên tòa này “chỉ có mục tiêu là buộc người ta nhận tội bằng cách tố cáo, thuyết phục, gây sức ép hoặc dùng vũ lực”. Tra tấn là hình thức thường được sử dụng.

Cuốn Chiếc búa phù thủy cùng sắc lệnh của Giáo hoàng Innocent VIII đã làm bùng nổ những cuộc săn lùng phù thủy ở khắp châu Âu. Ngoài ra, với sự trợ giúp của công nghệ mới—in ấn—chiến dịch điên cuồng này đã lan rộng, thậm chí vượt Đại Tây Dương để đến châu Mỹ.

Những ai là bị cáo?

Hơn 70% bị cáo là phụ nữ—đặc biệt là góa phụ—những người thường không có ai bênh vực. Nạn nhân cũng bao gồm người già, người nghèo và những phụ nữ bào chế thảo dược, đặc biệt nếu những thuốc này không hiệu nghiệm. Không ai được đảm bảo là an toàn, bất kể giàu hay nghèo, nam hay nữ, thấp hèn hay có địa vị.

Những người bị cho là phù thủy bị cáo buộc đủ thứ tội ác. Theo tạp chí Damals của Đức, phù thủy bị cho là “gây ra băng giá và nạn ốc sên, sâu bọ hủy hoại hạt giống và trái cây trên đất”. Nếu mưa đá phá hại mùa màng, bò không cho sữa, một người đàn ông hoặc phụ nữ không thể sinh con, thì lỗi đều đổ trên đầu các phù thủy!

Các nghi can bị đem lên cân vì người ta cho rằng phù thủy rất nhẹ hoặc không có trọng lượng

Làm sao để nhận diện các phù thủy? Một số nghi can bị trói lại và thả vào một khoảng nước được cho là “thánh”. Nếu chìm thì họ sẽ được kết luận là vô tội và được kéo lên. Nếu nổi, họ sẽ bị buộc tội là phù thủy và bị hành quyết tại chỗ hoặc giải đến tòa. Các nghi can bị đem lên cân vì người ta cho rằng phù thủy rất nhẹ hoặc không có trọng lượng.

Dựa trên cuốn Các cuộc săn lùng phù thủy ở thế giới phương Tây, một cách khác để nhận diện phù thủy là tìm “dấu của Quỷ”, tức “dấu ấn do Quỷ để lại khi kết ước với phù thủy”. Những người thi hành nhiệm vụ sẽ tìm dấu này “bằng cách cạo hết lông và tóc, rồi kiểm tra từng ngóc ngách trên cơ thể của bị cáo”—trước công chúng! Sau đó, họ sẽ đâm một mũi nhọn vào bất cứ vết tích nào tìm được, chẳng hạn như vết chàm, mụn cơm hoặc sẹo. Nếu vết đâm không có cảm giác hoặc không chảy máu, vết tích ấy sẽ bị xem là dấu của Sa-tan.

Chính quyền Công giáo lẫn Tin Lành đều đẩy mạnh những cuộc săn lùng phù thủy, và tại một số vùng, các nhà cầm quyền Tin Lành còn xử các phù thủy khắc nghiệt hơn cả Công giáo. Nhưng với thời gian, lẽ phải bắt đầu thắng thế. Ví dụ, vào năm 1631, Friedrich Spee, một linh mục dòng Tên từng hộ tống nhiều “người bị kết tội là phù thủy” đến địa điểm để treo lên thiêu sống, nói rằng theo quan điểm của ông thì không ai trong số họ là có tội. Ông còn cảnh báo là nếu những cuộc săn lùng phù thủy tiếp diễn thì xứ sẽ trở nên trống không! Trong thời gian ấy, các bác sĩ dần nhận ra rằng những triệu chứng như co giật có liên hệ tới sức khỏe chứ không phải do quỷ nhập. Trong thế kỷ 17, số các phiên tòa xét xử phù thủy giảm xuống rõ rệt và đến cuối thế kỷ thì hoàn toàn không còn.

Chúng ta học được gì từ thời kỳ đen tối này? Một bài học then chốt là: Khi những người tự nhận là môn đồ Đấng Ki-tô bắt đầu thay thế những sự dạy dỗ thanh sạch của Chúa Giê-su Ki-tô bằng những giáo lý giả dối và sự mê tín, họ mở đường cho những tội ác khủng khiếp hoành hành. Kinh Thánh đã báo trước về việc những kẻ bất trung sẽ gây sỉ nhục cho đạo Đấng Ki-tô chân chính: ‘Đường lối của sự thật sẽ bị phỉ báng’.—2 Phi-e-rơ 2:1, 2.

^ đ. 2 Thuộc địa của các nước châu Âu bao gồm châu Mỹ.