Cống dẫn nước ở Rome—Công trình đáng khâm phục
Trong tất cả các kỳ công về kỹ thuật cổ đại, những cống dẫn nước ở thành Rome là một trong những công trình vượt trội nhất. Quan tổng đốc và người được giao trách nhiệm giám sát nước, ông Sextus Julius Frontinus (35—khoảng 103 CN) viết: “Hãy xem, các kim tự tháp [Ai Cập] vô dụng và những công trình của Hy Lạp, mặc dù nổi tiếng nhưng không có tác dụng gì so với một loạt cấu trúc thiết yếu giúp dẫn được rất nhiều nước” *.
Tại sao cần có cống dẫn nước?
Các thành cổ đại thường được xây dựng gần một nơi cung cấp nước dồi dào và Rome cũng không phải là ngoại lệ. Đầu tiên, sông Tiber, các suối và giếng gần đó có khả năng cung cấp đủ nước. Tuy nhiên, từ thế kỷ thứ tư trước công nguyên (TCN), Rome phát triển nhanh chóng nên cần thêm nước.
Vì ít người có nước trong nhà của mình, nên người Rome xây hàng trăm nhà tắm riêng và công cộng. Nhà tắm công cộng đầu tiên trong thành Rome nhờ cống Aqua Virgo dẫn nước vào, dâng hiến vào năm 19 TCN. Marcus Agrippa, bạn thân của Sê-sa Au-gut-tơ, là người xây dựng cống dẫn nước này, đã bỏ ra phần lớn gia tài của mình để sửa chữa và mở rộng hệ thống cung cấp nước ở Rome.
Nhà tắm cũng trở thành nơi gặp nhau, những nhà tắm lớn hơn có cả vườn và thư viện. Sau khi người ta rời khỏi nhà tắm, nước trong cống dẫn (không khóa lại được) chảy ra cống rãnh nên liên tục làm cho những thứ phế thải chảy đi, kể cả chất thải từ các nhà xí nối với nhà tắm.
Xây dựng và bảo trì
Khi nghe cụm từ “cống dẫn nước ở Rome”, bạn có nghĩ đến những hình cung đồ sộ chạy dài xa tít tắp? Thực tế, hình cung chiếm chưa đến 20% của tổng cộng các cống dẫn đó, phần to hơn được đặt dưới mặt đất. Thiết kế tiết kiệm hơn này
không chỉ bảo vệ cống dẫn không bị xói mòn mà còn giảm tối đa việc ảnh hưởng đến những cánh đồng và vùng lân cận. Chẳng hạn, cống Aqua Marcia được hoàn thiện năm 140 TCN, dài khoảng 92km nhưng chỉ có khoảng 11km hình cung.Trước khi xây dựng một cống dẫn nước, những người thiết kế đánh giá chất lượng nguồn nước tiềm năng bằng cách phân tích độ trong, tốc độ chảy và vị của nó. Họ cũng lưu ý đến tình trạng sức khỏe của dân cư trong vùng sử dụng nguồn nước ấy. Khi một địa điểm được phê chuẩn, người giám định xác định đường chảy, độ dốc cũng như tính toán độ lớn và chiều dài của cống dẫn. Nô lệ đáp ứng nhu cầu về nhân lực. Phải mất nhiều năm để hoàn thiện cống dẫn nước nên hao tốn nhiều tiền của, đặc biệt là nếu cần có những hình cung.
Hơn nữa, các cống dẫn cần phải được bảo trì và bảo vệ. Để bảo trì cống, có lần thành Rome thuê 700 người để làm việc này. Việc bảo trì cũng được tính đến trong khâu thiết kế. Chẳng hạn, phần cống nằm dưới đất có các miệng và trục cống để dễ dàng đi vào. Khi những hạng mục chính cần được sửa chữa, các kỹ sư có thể tạm thời cho nước đi hướng khác khỏi đoạn bị hỏng.
Cống dẫn nước của thành Rome
Đến đầu thế kỷ thứ ba CN, 11 cống dẫn chính đã cung cấp nước cho thành Rome. Đầu tiên, cống Aqua Appia, được xây dựng năm 312 TCN và dài hơn 16km một chút, phần lớn nằm dưới mặt đất. Cống Aqua Claudia vẫn còn được bảo tồn một phần, dài khoảng 69km với 10km hình cung, một số cao 27m!
Các cống nước của thành này dẫn được bao nhiêu nước? Rất nhiều! Cống Aqua Marcia được đề cập ở trên, hàng ngày dẫn được khoảng 190 triệu lít vào Rome. Khi đến vùng thành phố (nhờ lực hấp dẫn), nước chảy đến những bể lớn, rồi đến các ống dẫn để chuyển nước đến bể phân phối khác hoặc những địa điểm sử dụng nước. Một số người ước tính rằng hệ thống phân phối nước ở Rome gia tăng đến mức hàng ngày hẳn cung cấp 1.000 lít nước cho mỗi người dân.
Sách Roman Aqueducts & Water Supply cho biết, khi đế quốc La Mã phát triển, “các cống dẫn nước đi bất cứ nơi nào La Mã đi”. Du khách ở Bắc Phi, Pháp, Tây Ban Nha và Tiểu Á có thể vẫn còn kinh ngạc trước các công trình cổ đại đáng khâm phục này.
^ đ. 2 Người Rome không phải là dân đầu tiên xây dựng được cống dẫn nước. Các nước cổ đại khác như A-si-ri, Ai Cập, Ấn Độ và Ba Tư đã đi trước về lĩnh vực này.