MỘT SỰ THIẾT KẾ?
Cơ quan phát sáng của mực ống Hawaii
Là động vật săn mồi về đêm, mực ống Hawaii tự phát sáng—không phải để được chú ý, nhưng để ngụy trang—hòa lẫn với ánh trăng và ánh sao trời. Bí quyết của mực ống Hawaii chính là “người bạn” vi khuẩn phát quang nằm trong cơ thể của nó. Cơ thể chúng ta cũng có sự tương tác này nhưng theo cách thức khác. Đó là để giúp ích cho sức khỏe của chúng ta.
Hãy suy nghĩ điều này: Mực ống Hawaii sống ở bờ biển nước trong thuộc quần đảo Hawaii. Ánh sáng từ mặt trăng và ngôi sao chiếu xuống mực ống lẽ ra tạo thành cái bóng ở phía dưới mực ống và động vật biển khác có thể nhìn thấy nó. Nhưng vì mực ống phát ra ánh sáng phía dưới, bắt chước ánh sáng đêm xung quanh cả về cường độ và bước sóng. Thế là động vật biển săn mồi không thể nhìn thấy nó. Bộ phận “kỹ thuật cao” này của mực ống là cơ quan phát sáng, trong đó chứa các vi khuẩn phát ra ánh sáng vừa đủ để ngụy trang cho chủ nhân.
Có lẽ vi khuẩn ấy cũng giúp mực ống điều chỉnh việc thức ngủ của nó. Điều này gây hứng thú cho các nhà nghiên cứu. Lý do là vì mực ống Hawaii không phải là loài duy nhất có mối tương quan giữa vi khuẩn và chu kỳ 24 giờ, tức nhịp điệu thường nhật. Chẳng hạn ở động vật có vú, vi khuẩn giúp tiêu hóa thức ăn có lẽ cũng liên hệ đến chu kỳ 24 giờ. Việc rối loạn chu kỳ ấy có liên quan với bệnh trầm cảm, tiểu đường, béo phì và rối loạn giấc ngủ. Do đó, việc nghiên cứu hệ thống tương tác giữa vi khuẩn và mực ống có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sức khỏe con người.
Bạn nghĩ sao? Cơ quan phát sáng của mực ống Hawaii là do tiến hóa? Hay do được thiết kế?