XÂY ĐẮP TỔ ẤM | CHA MẸ
Dạy con biết vâng lời
THÁCH THỨC
Bạn và đứa con bốn tuổi không ai nhường ai và con bạn có vẻ luôn “trên cơ”.
-
Mỗi khi bạn bảo con làm điều gì đó mà nó không muốn thì nó giả điếc.
-
Mỗi khi bạn bảo con đừng làm điều nào mà nó muốn thì nó “làm trận làm thượng”.
Bạn băn khoăn: “Có phải con mình đang trong giai đoạn phát triển? Mình có nên hy vọng rằng con sẽ thay đổi?”.
Bạn có thể dạy con mình biết cách vâng lời. Nhưng trước khi thảo luận về điều này, hãy xem một nguyên nhân khiến con bạn hư như thế.
TẠI SAO?
Khi con mới chào đời, bạn luôn bên con 24/24. Bạn đáp ứng mọi nhu cầu của con. Chỉ cần con khóc là bạn tất tả chạy đến. Dĩ nhiên, điều này là hợp lý và cần thiết. Một trẻ sơ sinh hoặc một em bé cần được cha mẹ túc trực bên cạnh.
Nhưng sau nhiều tháng như thế, hiển nhiên đứa bé sẽ xem mình là người chủ trong nhà, còn cha mẹ là đầy tớ phục vụ nó. Sau đó, thường thì đến hai tuổi, đứa bé nhận ra một thực tại phũ phàng: “Quyền hành” nho nhỏ của nó đã tan thành mây khói. Cha mẹ không còn chiều ý nó nữa; cha mẹ muốn con phải theo ý họ. Con trẻ vô cùng sửng sốt trước điều này! Một số em phản ứng bằng cách “làm trận làm thượng”. Những đứa khác thì thách thức quyền hành của cha mẹ bằng cách không chịu vâng lời.
Trong giai đoạn quan trọng này, cha mẹ cần đảm nhận một vai trò mới, đó là người có quyền đưa ra chỉ dẫn rõ ràng cho con. Nhưng nói sao nếu con lờ đi hoặc không chịu nghe lời chỉ dẫn ấy, như bối cảnh được đề cập ở đầu bài?
BẠN CÓ THỂ LÀM GÌ?
Nắm quyền. Chỉ khi nào con cái thấy bạn nắm quyền thì chúng mới chấp nhận vai trò của bạn. Do đó, bạn nên thể hiện uy quyền của mình cách phải lẽ. Trong những thập niên gần đây, một số người được gọi là chuyên gia cho rằng từ “uy quyền” nghe có vẻ hà khắc. Thậm chí một người còn nói uy quyền của cha mẹ là “không đúng nguyên tắc xử thế” và “trái đạo đức”. Nhưng nếu cha mẹ không nắm quyền và dễ dãi, thì con cái có thể bối rối, thích được nuông chiều và muốn gì được nấy. Điều này không giúp con trở thành người trưởng thành có trách nhiệm.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 29:15.
Sửa phạt. Một từ điển định nghĩa sự sửa phạt là “việc huấn luyện sinh ra sự vâng lời hoặc tự chủ, thường dưới dạng luật lệ và hình phạt nếu những luật lệ bị vi phạm”. Dĩ nhiên, việc sửa phạt nên phải lẽ và không cay nghiệt. Mặt khác, cũng không nên mập mờ hoặc thiếu hợp lý, điều này làm con trẻ không có động lực để thay đổi.—Nguyên tắc Kinh Thánh: Châm-ngôn 23:13.
Rõ ràng. Một số bậc cha mẹ chỉ xin con hãy vâng lời mình (“Mẹ muốn con dọn dẹp phòng con, được không?”). Có lẽ họ cảm thấy điều này chứng tỏ mình nói năng lịch sự. Tuy nhiên, chiến thuật ấy có thể đặt cha mẹ vào tình thế dễ quy phục, rồi để mặc con cân nhắc lợi hại của lời yêu cầu ấy, và quyết định có nên làm hay không. Thay vì từ bỏ uy quyền, hãy bảo con làm điều gì đó cách rõ ràng.—Nguyên tắc Kinh Thánh: 1 Cô-rinh-tô 14:9.
Kiên định. Nếu bạn nói “không” thì hãy là không. Cả hai vợ chồng nên nhất quán với nhau. Nếu bạn đã quyết định trừng phạt con trong trường hợp con không vâng lời thì hãy làm điều đó. Không cần phải thương lượng hoặc cứ giải thích cho con biết lý do bạn quyết định như thế. Nếu bạn nói “có” là có, “không” là không, cả bạn và con sẽ dễ cư xử với nhau hơn.—Gia-cơ 5:12.
Yêu thương. Gia đình không phải là nơi quá dễ dãi, cũng không phải quá độc tài. Gia đình là sự sắp đặt của Đức Chúa Trời, qua đó con cái có thể được hướng dẫn cách yêu thương để trở thành người trưởng thành. Trong giai đoạn này, sự sửa phạt sẽ dạy con bạn biết vâng lời và giúp con cảm thấy an tâm trong vòng tay yêu thương của bạn.