Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có nên thờ phượng tại những nơi linh thiêng?
Hằng năm, hơn sáu triệu người đi đến khu rừng tuyết tùng nằm biệt lập trên bán đảo Shima của Nhật Bản. Họ đến Thần Cung Ise, nơi thờ phượng nữ thần mặt trời Amaterasu Omikami của Thần Đạo trong khoảng 2.000 năm qua. Trước hết, các tín đồ thanh tẩy mình bằng cách rửa tay và miệng. Sau đó, họ đứng trước haiden (sảnh thờ) và thực hiện một nghi lễ bao gồm việc cúi xuống, vỗ tay và cầu nguyện với nữ thần. * Thần Đạo cho phép tín hữu đi theo các đạo khác, và một số tín đồ Phật giáo, Ki-tô giáo và các đạo khác cũng thấy không có vấn đề gì khi thực hiện nghi lễ của Thần Đạo tại đền thờ này.
Phần lớn các tôn giáo chính trên thế giới đều có những nơi linh thiêng, * và hàng triệu người đến những nơi đó. Tại những nước mà Ki-tô giáo chiếm phần lớn, vô số nhà thờ và những nơi linh thiêng được dùng để thờ Chúa Giê-su, Ma-ri và các thánh. Những nơi linh thiêng khác được dựng tại những địa điểm mà người ta cho là các sự kiện trong Kinh Thánh và những “phép mầu” sau này đã xảy ra. Cũng có thể đó là nơi lưu giữ các thánh tích, tức những vật được xem là linh thiêng. Nhiều người đi đến những nơi linh thiêng vì họ tin rằng lời cầu nguyện của mình dễ được nhậm hơn. Những người khác thì nghĩ rằng việc đến được nơi linh thiêng sau những chuyến hành hương dài chứng tỏ lòng thành của mình.
Có phải lời cầu xin của chúng ta dễ được nhậm hơn tại những nơi linh thiêng không? Liệu Đức Chúa Trời có hài lòng trước sự sùng kính của những ai hành hương đến những nơi linh thiêng không? Tín đồ đạo Đấng Ki-tô có nên thờ phượng tại những nơi đó không? Lời giải đáp cho những câu hỏi này không chỉ giúp chúng ta có quan điểm đúng về việc thờ phượng tại những nơi linh thiêng mà còn giúp chúng ta hiểu cách thờ phượng mà Đức Chúa Trời thật sự hài lòng.
THỜ PHƯỢNG “THEO ĐÚNG SỰ THẬT VÀ SỰ HƯỚNG DẪN CỦA THẦN KHÍ”
Cuộc nói chuyện giữa Chúa Giê-su và một phụ nữ người Sa-ma-ri cho chúng ta biết quan điểm của Đức Chúa Trời về việc thờ phượng tại những nơi linh thiêng. Chúa Giê-su đi ngang vùng Sa-ma-ri và nghỉ chân nơi giếng nước ở gần thành Si-kha. Ngài bắt chuyện với một phụ nữ đến giếng múc nước. Khi trò chuyện, người phụ nữ nêu ra một bất đồng lớn giữa dân Do Thái và dân Sa-ma-ri trong vấn đề tôn giáo. Bà nói: “Tổ phụ chúng tôi thờ phượng trên núi này, nhưng các ông lại nói phải thờ phượng tại thành Giê-ru-sa-lem”.—Giăng 4:5-9, 20.
Ngọn núi mà người phụ nữ nhắc đến là núi Ga-ri-xim, cách Giê-ru-sa-lem khoảng 50km về phía bắc. Giăng 4:21). Thật là những lời đáng kinh ngạc, đặc biệt là do một người Do Thái nói ra! Tại sao việc thờ phượng Đức Chúa Trời tại đền thờ ở Giê-ru-sa-lem lại chấm dứt?
Trên núi đó, người Sa-ma-ri từng có một đền thờ, nơi họ ăn mừng các ngày lễ như Lễ Vượt Qua. Nhưng thay vì tập trung vào mối bất đồng gây tranh cãi giữa hai dân tộc, Chúa Giê-su nói với người phụ nữ: “Này chị, hãy tin tôi. Sẽ đến lúc anh chị thờ phượng Cha, không phải trên núi này cũng không phải tại thành Giê-ru-sa-lem” (Chúa Giê-su nói tiếp: “Giờ sắp đến, và thật ra đã đến rồi, khi những người thờ phượng chân chính sẽ thờ phượng Cha theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí, vì Cha tìm kiếm những ai thờ phượng như thế” (Giăng 4:23). Trong nhiều thế kỷ, người Do Thái xem đền thờ nguy nga của họ ở Giê-ru-sa-lem là trung tâm của sự thờ phượng. Họ đổ về đó ba lần mỗi năm để dâng lễ vật cho Đức Chúa Trời của mình là Đức Giê-hô-va (Xuất Ê-díp-tô Ký 23:14-17). Nhưng Chúa Giê-su nói rằng tất cả những điều này sẽ thay đổi và “những người thờ phượng chân chính” sẽ thờ phượng “theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí”.
Đền thờ của người Do Thái là một tòa nhà lớn nằm tại địa điểm cụ thể. Nhưng thần khí và sự thật thì không phải vật chất, cũng không giới hạn tại một nơi chốn nào đó. Như vậy, Chúa Giê-su đang giải thích rằng sự thờ phượng của đạo Đấng Ki-tô chân chính sẽ không phụ thuộc vào bất kỳ tòa nhà hoặc nơi chốn nào, dù là núi Ga-ri-xim, đền thờ ở Giê-ru-sa-lem hay bất cứ nơi thánh nào khác.
Khi trò chuyện với người phụ nữ Sa-ma-ri, Chúa Giê-su cũng nói về “giờ” cho những thay đổi trong việc thờ phượng Đức Chúa Trời “sắp đến”. Đó là khi nào? Giờ đó đến khi Chúa Giê-su hy sinh và chấm dứt hệ thống thờ phượng của người Do Thái dựa trên Luật pháp Môi-se (Rô-ma 10:4). Nhưng Chúa Giê-su cũng nói: “Giờ... đã đến rồi”. Tại sao? Vì là Đấng Mê-si nên lúc đó Chúa Giê-su đang thâu nhóm các môn đồ. Họ sẽ làm theo mệnh lệnh của ngài: “Đức Chúa Trời là thần linh, và những người thờ phượng ngài phải thờ phượng theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí” (Giăng 4:24). Vậy, thờ phượng theo đúng sự thật và sự hướng dẫn của thần khí nghĩa là gì?
Chúa Giê-su đang nói sự thờ phượng của chúng ta phải được thần khí Đức Chúa Trời hướng dẫn, trong đó có việc hiểu Kinh Thánh (1 Cô-rinh-tô 2:9-12). Và sự thật mà Chúa Giê-su nhắc đến là sự hiểu biết chính xác về những điều Kinh Thánh dạy. Do đó, Đức Chúa Trời sẽ chấp nhận cách thờ phượng theo đúng những gì Kinh Thánh dạy và sự hướng dẫn của thần khí, chứ không nhất thiết tại bất kỳ nơi chốn đặc biệt nào.
QUAN ĐIỂM CỦA ĐẠO ĐẤNG KI-TÔ VỀ NHỮNG NƠI LINH THIÊNG
Vậy, tín đồ đạo Đấng Ki-tô nên có quan điểm nào về việc hành hương và thờ phượng tại những nơi linh thiêng? Khi xem xét mệnh lệnh của Chúa Giê-su ở Giăng 4:24, chúng ta có thể thấy rõ Giê-hô-va Đức Chúa Trời xem việc thờ phượng tại bất kỳ nơi linh thiêng nào đều không có gì đặc biệt so với những nơi khác. Ngoài ra, Kinh Thánh cho chúng ta biết quan điểm của Đức Chúa Trời về việc sùng bái hình tượng. Kinh Thánh nói “hãy tránh xa việc thờ thần tượng” và “hãy tránh xa hình tượng” (1 Cô-rinh-tô 10:14; 1 Giăng 5:21). Do đó, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính sẽ không thờ phượng tại bất kỳ nơi nào được cho là thánh hoặc tại một nơi cổ vũ việc sùng bái hình tượng. Vậy, do hiểu được bản chất thật sự của những nơi linh thiêng, tín đồ đạo Đấng Ki-tô chân chính không thờ phượng tại những nơi đó.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Lời Đức Chúa Trời cấm chúng ta đến một địa điểm mình thích để cầu nguyện, học hỏi hoặc suy ngẫm. Một nơi họp mặt trật tự và trang nghiêm sẽ có ích cho việc học và thảo luận những điều tâm linh. Cũng không sai nếu làm gì đó để tưởng niệm một người đã khuất, chẳng hạn như xây một bia mộ. Đây có thể đơn giản chỉ là sự tưởng nhớ hoặc thể hiện tình cảm dành cho người đã khuất. Nhưng việc xem một nơi như thế là thánh hoặc tôn thờ hình tượng, thánh tích tại đó sẽ hoàn toàn trái ngược với những gì Chúa Giê-su dạy.
Vì vậy, bạn không cần phải đến một nơi linh thiêng với hy vọng Đức Chúa Trời sẽ dễ nghe lời cầu nguyện của mình hơn. Với lại, không phải vì bạn hành hương đến một nơi linh thiêng mà Đức Chúa Trời sẽ vui lòng và ban phước lành cho bạn. Kinh Thánh cho biết Giê-hô-va Đức Chúa Trời, “Chúa của trời đất, không ở trong đền thờ do tay người làm nên”. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Đức Chúa Trời xa cách con người. Chúng ta có thể cầu nguyện với Đức Chúa Trời và được ngài lắng nghe ở bất kỳ nơi đâu vì “ngài không ở xa mỗi người trong chúng ta”.—Công vụ 17:24-27.
^ đ. 2 Tại mỗi đền thờ Thần Đạo, nghi lễ có thể khác nhau.
^ đ. 3 Xem khung “ Thế nào là một nơi linh thiêng?”