Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI TRANG BÌA | KHI NGƯỜI THÂN YÊU QUA ĐỜI

Đương đầu với nỗi đau buồn

Đương đầu với nỗi đau buồn

Người ta đưa ra nhiều lời khuyên về đề tài này. Nhưng không phải lời khuyên nào cũng có ích. Chẳng hạn, một số người có thể khuyên bạn đừng khóc và đừng bộc lộ cảm xúc theo bất cứ cách nào. Những người khác có lẽ lại thúc giục bạn bộc lộ hết cảm xúc. Kinh Thánh đưa ra cái nhìn thăng bằng hơn, phù hợp với những nghiên cứu gần đây.

Trong một số nền văn hóa, đàn ông bị xem là yếu đuối nếu khóc. Nhưng chúng ta có cần phải cảm thấy xấu hổ nếu khóc, ngay cả khi khóc trước mặt người khác không? Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần công nhận rằng nước mắt là một phần bình thường của sự thương tiếc. Và chính nhờ cảm xúc đau buồn ấy mà với thời gian bạn có thể gượng dậy, dù nỗi mất mát vô cùng lớn lao. Ngược lại, việc đè nén cảm xúc đau buồn có thể gây hại nhiều hơn là lợi. Kinh Thánh không đồng ý với quan điểm cho rằng việc rơi lệ vì đau buồn là sai hay thiếu bản lĩnh. Chẳng hạn, hãy nhớ đến Chúa Giê-su. Dù có quyền năng làm người chết sống lại, nhưng khi bạn thân của Chúa Giê-su là La-xa-rơ chết, ngài vẫn khóc trước mặt mọi người!—Giăng 11:33-35.

Khi thương tiếc người thân, chúng ta cũng có thể cảm thấy tức giận, đặc biệt trong trường hợp người thân chết bất thình lình. Có nhiều lý do khiến chúng ta cảm thấy giận dữ khi người thân mất, ví dụ như những lời nhận xét thiếu suy nghĩ và vô căn cứ của một người được kính nể. Một người Nam Phi tên Mike kể: “Khi ba mất, tôi chỉ mới 14 tuổi. Trong đám tang, vị mục sư Anh giáo nói rằng: ‘Chúa cần những người tốt nên ngài đem họ đi sớm hơn’. * Điều này khiến tôi tức giận vì chúng tôi rất cần ba. Giờ thì đã 63 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn thấy đau lòng”.

Còn về mặc cảm tội lỗi thì sao? Đặc biệt là trong trường hợp người thân chết bất ngờ, một người có thể cứ mãi dằn vặt: “Giá như mình làm điều này điều kia thì sự cố ấy đã không xảy ra”. Hoặc có lẽ vào lần gặp cuối cùng, bạn đã cãi nhau với người đã khuất. Điều này có thể làm tăng thêm cảm giác tội lỗi.

Nếu những cảm xúc tội lỗi và tức giận như thế đang xâm chiếm bạn, điều quan trọng là không nên kìm nén những cảm xúc đó. Hãy nói chuyện với một người bạn biết lắng nghe. Người ấy sẽ trấn an bạn rằng những cảm xúc tiêu cực như thế là bình thường khi mất đi người thân yêu. Kinh Thánh nhắc nhở chúng ta: “Bằng-hữu thương-mến nhau luôn luôn; và anh em sanh ra để giúp-đỡ trong lúc hoạn-nạn”.—Châm-ngôn 17:17.

Đấng Tạo Hóa, Giê-hô-va Đức Chúa Trời là Bạn tốt nhất của những ai mất người thân. Hãy trút đổ nỗi lòng mình với ngài qua lời cầu nguyện vì ‘ngài quan tâm đến bạn’ (1 Phi-e-rơ 5:7). Hơn nữa, ngài hứa với tất cả những ai làm thế rằng tâm trí và cảm xúc của họ sẽ được xoa dịu bởi “sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu” (Phi-líp 4:6, 7). Cũng hãy để Đức Chúa Trời giúp bạn chữa lành bằng những lời an ủi của ngài trong Kinh Thánh. Hãy ghi ra các câu Kinh Thánh khích lệ. (Xem  khung bên dưới). Bạn cũng có thể học thuộc lòng vài câu đó. Suy ngẫm những câu ấy có thể giúp ích rất nhiều khi bạn ở một mình vào ban đêm và thấy khó ngủ.—Ê-sai 57:15.

Gần đây, một người đàn ông 40 tuổi, tạm gọi là Jack, đã mất đi người vợ yêu dấu của mình. Vợ ông qua đời vì bệnh ung thư. Jack nói rằng có những lúc anh cảm thấy vô cùng cô đơn. Nhưng việc cầu nguyện đã giúp anh. Anh kể lại: “Khi cầu nguyện với Đức Giê-hô-va, tôi không bao giờ thấy cô độc. Tôi thường giật mình thức giấc vào ban đêm và không thể ngủ tiếp được. Sau khi đọc và suy ngẫm về những ý tưởng khích lệ trong Kinh Thánh, rồi trút hết những cảm xúc trong lòng qua lời cầu nguyện, tôi cảm thấy tĩnh tâm lại và hết sức bình an. Tôi thấy nhẹ nhõm và có thể đi vào giấc ngủ”.

Mẹ của chị Vanessa qua đời do mắc bệnh. Chị cũng cảm nghiệm sức mạnh của lời cầu nguyện. Chị nói: “Vào những thời điểm khó khăn nhất, tôi chỉ gọi tên của Đức Chúa Trời và tuôn trào nước mắt. Đức Giê-hô-va lắng nghe những lời cầu nguyện của tôi và luôn cho tôi sức mạnh cần thiết”.

Một số nhà tư vấn khuyên những ai đang vật lộn với sự sầu khổ thì hãy giúp đỡ người khác và tình nguyện dành thời gian tham gia các hoạt động phục vụ cộng đồng. Làm thế có thể mang lại niềm vui và giúp dịu bớt nỗi đau buồn (Công vụ 20:35). Nhiều tín đồ đạo Đấng Ki-tô mất người thân đã cảm nghiệm rằng việc giúp đỡ người khác mang lại niềm an ủi lớn lao cho mình.—2 Cô-rinh-tô 1:3, 4.

^ đ. 5 Đây không phải là điều Kinh Thánh dạy. Kinh Thánh cho biết có ba nguyên nhân gây ra cái chết.—Truyền-đạo 9:11; Giăng 8:44; Rô-ma 5:12.