Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

BÀI HỌC 4

BÀI HÁT 30 Ngài là Cha, là Đức Chúa Trời và là Bạn tôi

Đức Giê-hô-va có lòng trìu mến dịu dàng với anh chị

Đức Giê-hô-va có lòng trìu mến dịu dàng với anh chị

“Đức Giê-hô-va là đấng rất trìu mến dịu dàng”.GIA 5:11, CHÚ THÍCH.

TRỌNG TÂM

Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va sẽ thu hút chúng ta đến gần ngài hơn, giúp chúng ta cảm thấy an toàn, được chăm sóc chu đáo và lại sức.

1. Khi anh chị nghĩ đến Đức Giê-hô-va, hình ảnh nào hiện ra trong trí?

 Đã bao giờ anh chị thử hình dung Đức Giê-hô-va là đấng như thế nào chưa? Khi anh chị cầu nguyện với ngài, hình ảnh nào hiện ra trong trí? Dù Đức Giê-hô-va là đấng vô hình, nhưng Kinh Thánh miêu tả ngài theo nhiều cách. Đức Giê-hô-va được gọi là “vầng dương và tấm khiên” và “ngọn lửa thiêu nuốt” (Thi 84:11; Hê 12:29). Ê-xê-chi-ên miêu tả ngài trong một khải tượng trông giống như kim loại bóng loáng, ngự trên ngai tựa như lam ngọc, bao quanh là cầu vồng rực rỡ (Ê-xê 1:26-28). Những lời miêu tả như thế về Đức Giê-hô-va có lẽ khiến chúng ta kinh ngạc hoặc thậm chí có phần sợ hãi.

2. Điều gì có thể cản trở một số người đến gần Đức Giê-hô-va?

2 Chúng ta không thể nhìn thấy Đức Giê-hô-va, nên có thể khó tin là ngài yêu thương mình. Một số người nghĩ rằng vì quá khứ của họ nên ngài không thể nào yêu thương họ. Có lẽ họ chưa bao giờ có một người cha yêu thương mình. Đức Giê-hô-va hiểu được những cảm xúc như thế, và biết chúng ảnh hưởng đến chúng ta ra sao. Để giúp chúng ta, Đức Giê-hô-va tiết lộ những đức tính tuyệt vời của ngài qua Kinh Thánh.

3. Tại sao chúng ta nên xem xét kỹ về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

3 Từ phù hợp nhất để miêu tả Đức Giê-hô-va là yêu thương (1 Giăng 4:8). Đức Giê-hô-va là hiện thân của tình yêu thương. Đức tính này chi phối mọi điều ngài làm. Tình yêu thương của Đức Chúa Trời nồng ấm và mạnh mẽ đến mức ngài thậm chí còn thể hiện đức tính ấy với những người không yêu mến ngài (Mat 5:44, 45). Bài này sẽ xem xét kỹ về Đức Giê-hô-va và tình yêu thương của ngài. Càng hiểu rõ về Đức Chúa Trời, chúng ta sẽ càng yêu thương ngài hơn.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA YÊU THƯƠNG CHÚNG TA RẤT NHIỀU

4. Lòng trìu mến dịu dàng của Đức Giê-hô-va khiến anh chị cảm thấy thế nào? (Cũng xem hình).

4 “Đức Giê-hô-va là đấng rất trìu mến dịu dàng” (Gia 5:11, chú thích). Trong Kinh Thánh, ngài so sánh chính mình với một người mẹ có lòng trìu mến (Ê-sai 66:12, 13). Hãy hình dung một người mẹ yêu thương chăm sóc đứa con bé bỏng của mình. Cô dịu dàng vỗ về con trên đầu gối và nói với con bằng giọng nhẹ nhàng, mềm mại. Khi con khóc hoặc đau, cô đáp ứng nhu cầu của con. Tương tự, khi đau khổ, chúng ta có thể tin chắc nơi tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Người viết Thi thiên nói: “Khi bao âu lo tràn ngập trong con, ngài đã ủi an và xoa dịu con”.—Thi 94:19.

“Như người mẹ an ủi con mình, ta sẽ luôn an ủi các con” (Xem đoạn 4)


5. Tình yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va có nghĩa gì với anh chị?

5 Đức Giê-hô-va là đấng thành tín (Thi 103:8). Ngài không từ bỏ chúng ta khi chúng ta làm điều sai. Hết lần này đến lần khác, dân Y-sơ-ra-ên đã khiến Đức Giê-hô-va thất vọng. Nhưng khi họ ăn năn, ngài bày tỏ tình yêu thương không lay chuyển với họ qua những lời sau: “[Các con] đã nên quý giá trước mắt ta, đã được trân trọng, và ta yêu thương [các con]” (Ê-sai 43:4, 5). Tình yêu thương của Đức Chúa Trời không thay đổi. Chúng ta có thể luôn tin chắc nơi tình yêu thương ấy. Ngay cả nếu chúng ta mắc phải những sai lầm nghiêm trọng, Đức Giê-hô-va cũng không từ bỏ chúng ta. Khi ăn năn và trở về với Đức Giê-hô-va, chúng ta sẽ thấy ngài vẫn yêu thương mình. Ngài hứa là sẽ “rộng lòng thứ tha” (Ê-sai 55:7). Kinh Thánh nói rằng sự tha thứ của Đức Giê-hô-va “mang lại kỳ thanh thản”.—Công 3:19.

6. Chúng ta học được gì về Đức Giê-hô-va qua Xa-cha-ri 2:8?

6 Đọc Xa-cha-ri 2:8. Vì yêu thương chúng ta, Đức Giê-hô-va nhạy bén nhận ra cảm xúc của chúng ta và muốn bảo vệ chúng ta. Ngài đau lòng khi chúng ta đau khổ. Vì thế, chúng ta có thể cầu nguyện với lòng tin chắc: “Xin gìn giữ con như thể con ngươi mắt ngài” (Thi 17:8). Mắt là bộ phận nhạy cảm và quý giá của cơ thể. Thế nên, khi so sánh chúng ta với con ngươi mắt ngài, thì như thể Đức Giê-hô-va đang nói: “Hỡi dân ta, bất cứ ai làm hại các con là đụng đến điều quý giá đối với ta”.

7. Tại sao chúng ta cần củng cố lòng tin chắc nơi tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

7 Đức Giê-hô-va muốn chúng ta tin chắc ngài yêu thương mỗi chúng ta. Nhưng ngài biết rằng vì những điều đã trải qua trong quá khứ nên có lẽ anh chị băn khoăn liệu ngài có thể nào yêu thương mình không. Hoặc anh chị đang đối mặt với những tình huống thử thách lòng tin chắc nơi tình yêu thương của Đức Giê-hô-va. Điều gì sẽ giúp anh chị củng cố lòng tin chắc ấy? Đó là xem cách Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với Chúa Giê-su, những tín đồ được xức dầu và tất cả chúng ta.

ĐỨC GIÊ-HÔ-VA THỂ HIỆN TÌNH YÊU THƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?

8. Tại sao Chúa Giê-su tin chắc Cha yêu thương ngài?

8 Trong hàng thiên niên kỷ, Đức Giê-hô-va và Con yêu dấu của ngài đã có lòng trìu mến và tình yêu thương sâu đậm với nhau. Mối quan hệ của hai đấng ấy là lâu nhất trong vũ trụ. Đức Giê-hô-va bày tỏ tình yêu thương với Chúa Giê-su, như được ghi nơi Ma-thi-ơ 17:5. Đức Giê-hô-va đã có thể chỉ cần nói: “Đây là người mà ta hài lòng”. Tuy nhiên, ngài muốn chúng ta biết ngài yêu thương Chúa Giê-su nhiều đến mức nào nên ngài gọi Chúa Giê-su là “Con yêu dấu của ta”. Đức Giê-hô-va thật tự hào về Chúa Giê-su, đặc biệt vì người Con ấy sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình (Ê-phê 1:7). Chúa Giê-su không bao giờ nghi ngờ việc Cha yêu thương mình. Tình yêu thương ấy có thật đến mức ngài có thể cảm nhận được từ trong lòng. Nhiều lần Chúa Giê-su đã bày tỏ lòng tin chắc là Cha yêu thương ngài.—Giăng 3:35; 10:17; 17:24.

9. Cụm từ nào miêu tả tình yêu thương của Đức Giê-hô-va dành cho các tín đồ được xức dầu? Hãy giải thích. (Rô-ma 5:5)

9 Đức Giê-hô-va cũng khẳng định tình yêu thương với những tín đồ được xức dầu. (Đọc Rô-ma 5:5). Hãy lưu ý cụm từ “được đổ vào”. Một tài liệu tham khảo cho biết cụm từ này miêu tả tình yêu thương của ngài như thể là “chảy vào chúng ta như một dòng suối”. Quả là một hình ảnh sống động để nhấn mạnh tình yêu thương dồi dào của Đức Giê-hô-va dành cho các tín đồ được xức dầu! Họ biết là mình ‘được Đức Chúa Trời yêu thương’ (Giu 1). Sứ đồ Giăng nói lên cảm xúc của họ khi viết: “Hãy xem tình yêu thương của Cha đối với chúng ta lớn dường bao, ấy là chúng ta được gọi là con cái Đức Chúa Trời!” (1 Giăng 3:1). Nhưng có phải Đức Giê-hô-va chỉ yêu thương các tín đồ được xức dầu không? Không. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài yêu thương tất cả chúng ta.

10. Bằng chứng rõ ràng nhất cho thấy Đức Giê-hô-va yêu thương anh chị là gì?

10 Bằng chứng rõ ràng nhất về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va là gì? Đó chính là việc cung cấp giá chuộc, là hành động yêu thương cao cả nhất trong vũ trụ! (Giăng 3:16; Rô 5:8). Đức Giê-hô-va đã ban Con yêu quý của ngài, để cho Con ấy chịu chết vì cả nhân loại hầu chúng ta có thể được tha tội và làm bạn với ngài (1 Giăng 4:10). Càng suy ngẫm về giá rất cao mà Đức Giê-hô-va và Chúa Giê-su đã trả, chúng ta càng hiểu rõ hai đấng ấy yêu thương mỗi chúng ta đến mức nào (Ga 2:20). Giá chuộc không chỉ được trả để đáp ứng tiêu chuẩn công chính của Đức Giê-hô-va. Đó là món quà của tình yêu thương. Đức Giê-hô-va đã chứng tỏ ngài yêu thương chúng ta bằng cách hy sinh điều quý giá nhất của ngài là Chúa Giê-su. Đức Giê-hô-va đã để Con ngài chịu đau khổ và chết cho chúng ta.

11. Chúng ta học được gì từ Giê-rê-mi 31:3?

11 Như chúng ta đã thấy, Đức Giê-hô-va không giữ cảm xúc cho riêng mình nhưng bày tỏ tình yêu thương một cách trìu mến. (Đọc Giê-rê-mi 31:3). Đức Giê-hô-va đã kéo chúng ta đến với ngài vì yêu thương chúng ta. (So sánh Phục truyền luật lệ 7:7, 8). Không ai và không điều gì có thể ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu thương của ngài (Rô 8:38, 39). Tình yêu thương ấy khiến anh chị cảm thấy thế nào? Hãy đọc Thi thiên 23 và xem tình yêu thương cũng như sự quan tâm dịu dàng của Đức Giê-hô-va đã tác động thế nào đến Đa-vít, và có thể tác động ra sao đến tất cả chúng ta.

TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA KHIẾN ANH CHỊ CẢM THẤY THẾ NÀO?

12. Hãy tóm tắt nội dung của Thi thiên 23.

12 Đọc Thi thiên 23:1-6. Thi thiên 23 là bài hát thể hiện lòng tin chắc nơi tình yêu thương và sự quan tâm dịu dàng của Đức Giê-hô-va. Người viết bài Thi thiên là Đa-vít miêu tả mối quan hệ mật thiết giữa ông và Đấng Chăn Giữ là Đức Giê-hô-va. Đa-vít cảm thấy an toàn khi để ngài hướng dẫn, và ông hoàn toàn nương cậy ngài. Đa-vít biết rằng tình yêu thương của Đức Giê-hô-va sẽ theo ông suốt cuộc đời. Điều gì khiến ông tin chắc như thế?

13. Tại sao Đa-vít tin chắc nơi sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va?

13 “Tôi sẽ chẳng thiếu chi”. Đa-vít cảm thấy được chăm sóc chu đáo vì Đức Giê-hô-va luôn cung cấp những điều ông cần. Đa-vít cũng hưởng được tình bạn và ân huệ của ngài. Đó là lý do ông tin chắc là dù tương lai có như thế nào, Đức Giê-hô-va sẽ tiếp tục chăm lo cho mọi nhu cầu của ông. Nhờ tin chắc nơi tình yêu thương dịu dàng của ngài, Đa-vít không lo lắng mà cảm thấy hạnh phúc và thỏa nguyện sâu xa.—Thi 16:11.

14. Đức Giê-hô-va có thể yêu thương chăm sóc chúng ta như thế nào?

14 Đức Giê-hô-va yêu thương chăm sóc chúng ta, đặc biệt là khi chúng ta gặp vấn đề trong đời sống. Chị Claire, a phụng sự ở Bê-tên hơn 20 năm, cảm thấy bất lực khi gia đình chị gặp hết vấn đề này đến vấn đề khác. Cha của chị bị đột quỵ, còn em gái thì bị khai trừ. Cơ sở kinh doanh nhỏ của gia đình cũng bị phá sản và họ mất nhà. Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với họ như thế nào? Chị Claire nói: “Đức Giê-hô-va lo sao cho gia đình tôi luôn có điều mình cần mỗi ngày. Hết lần này đến lần khác, ngài cung cấp nhiều hơn những gì tôi mong đợi! Tôi thường nghĩ đến những lúc mình cảm nghiệm được tình yêu thương dịu dàng của Đức Giê-hô-va, và luôn trân trọng những giây phút đó. Những ký ức ấy giúp tôi tiếp tục chịu đựng thử thách”.

15. Nhờ đâu Đa-vít cảm thấy lại sức? (Cũng xem hình).

15 “Ngài khiến tôi lại sức”. Đôi khi Đa-vít cảm thấy khốn khổ vì tất cả những vấn đề và thử thách mà ông gặp (Thi 18:4-6). Nhưng tình yêu thương và sự chăm sóc dịu dàng của Đức Giê-hô-va khiến Đa-vít lại sức. Ngài dẫn người bạn đang kiệt sức này tới “đồng cỏ tươi xanh” và “chốn nghỉ ngơi bên dòng nước đầy tràn”. Nhờ thế, Đa-vít có lại sức lực và tiếp tục phụng sự ngài với niềm vui.—Thi 18:28-32.

Ngay cả khi Đa-vít đang chạy trốn, tình yêu thương và sự chăm sóc dịu dàng của Đức Giê-hô-va khiến ông được lại sức (Xem đoạn 15)


16. Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va đã giúp anh chị được lại sức như thế nào?

16 Ngày nay cũng thế, “nhờ lòng yêu thương thành tín của Đức Giê-hô-va, chúng ta chưa đến chỗ diệt vong” khi đối mặt với thử thách và vấn đề trong đời sống (Ai 3:22; Cô 1:11). Hãy xem trường hợp của chị Rachel. Chị vô cùng đau lòng khi chồng rời bỏ chị và Đức Giê-hô-va trong đại dịch COVID-19. Đức Giê-hô-va đã làm gì cho chị? Chị kể: “Đức Giê-hô-va lo sao cho tôi cảm thấy được yêu thương. Ngài ban những người bạn luôn dành thời gian với tôi, mang cho tôi thức ăn, gửi những tin nhắn và câu Kinh Thánh khích lệ, mỉm cười với tôi và thường xuyên nhắc tôi nhớ rằng Đức Giê-hô-va đang chăm sóc tôi. Tôi luôn cảm tạ Đức Giê-hô-va vì đã ban cho mình một đại gia đình yêu thương”.

17. Tại sao Đa-vít “chẳng sợ bị hại”?

17 “Con chẳng sợ bị hại, bởi ngài luôn kề bên”. Tính mạng của Đa-vít nhiều lần bị lâm nguy, và ông phải đương đầu với nhiều kẻ thù hùng mạnh. Tuy nhiên, tình yêu thương của Đức Giê-hô-va khiến ông cảm thấy an toàn và được che chở. Đa-vít có thể cảm nhận ngài ở cùng ông trong mọi tình huống, và điều đó giúp ông an tâm. Vì thế, ông có thể hát: “[Đức Giê-hô-va] giải thoát tôi khỏi mọi nỗi sợ” (Thi 34:4). Dù có những lúc Đa-vít cảm thấy sợ hãi, nhưng tình yêu thương của ngài giúp ông chiến thắng nỗi sợ ấy.

18. Làm thế nào việc biết Đức Giê-hô-va yêu thương mình giúp anh chị vững vàng khi sợ hãi?

18 Làm thế nào việc biết Đức Giê-hô-va yêu thương mình giúp chúng ta vững vàng khi đương đầu với những tình huống đáng sợ? Một tiên phong tên là Susi cho biết cảm xúc của vợ chồng chị khi con trai họ tự tử: “Khi bi kịch bất ngờ ập đến, một người có thể cảm thấy bất lực. Nhưng lòng trìu mến dịu dàng của Đức Giê-hô-va đã khiến chúng tôi cảm thấy an toàn và được che chở”. Chị Rachel được đề cập ở trên nhớ lại: “Tối nọ, khi lòng tôi quặn thắt và tôi cảm thấy lo lắng sợ hãi, tôi kêu rên với Đức Giê-hô-va. Ngay sau đó, tôi cảm nhận ngài xoa dịu lòng mình và giúp tôi bình tĩnh, giống như một người mẹ vỗ về đứa con bé bỏng, rồi tôi ngủ thiếp đi. Tôi sẽ không bao giờ quên giây phút đó”. Một trưởng lão tên là Tasos bị giam bốn năm trong tù vì từ chối nhập ngũ. Anh cảm nghiệm được tình yêu thương và sự chăm sóc của Đức Giê-hô-va như thế nào? Anh cho biết: “Đức Giê-hô-va đã ban cho những điều tôi cần và nhiều hơn thế. Nhờ vậy, tôi càng tin chắc mình có thể hoàn toàn tin cậy ngài. Ngoài ra, qua thần khí, Đức Giê-hô-va ban cho tôi niềm vui dù phải sống trong môi trường gây nản lòng. Qua đó, tôi tin chắc là càng làm việc với Đức Giê-hô-va, tôi càng cảm nghiệm được tình yêu thương của ngài. Thế nên, tôi bắt đầu làm tiên phong đều đều khi còn ở tù”.

HÃY ĐẾN GẦN ĐỨC CHÚA TRỜI CÓ LÒNG TRÌU MẾN DỊU DÀNG

19. (a) Biết Đức Chúa Trời yêu thương chúng ta có thể tác động thế nào đến lời cầu nguyện của chúng ta? (b) Sự miêu tả nào về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va động đến lòng anh chị? (Xem khung “ Những lời cho thấy tình yêu thương nồng ấm của Đức Giê-hô-va”).

19 Những kinh nghiệm được xem xét trong bài này chứng tỏ Đức Giê-hô-va, “Đức Chúa Trời của sự yêu thương”, ở cùng chúng ta! (2 Cô 13:11). Ngài quan tâm đến mỗi cá nhân chúng ta. Chúng ta tin chắc là mình “được tình yêu thương thành tín của ngài bao bọc” (Thi 32:10). Càng suy ngẫm về cách Đức Giê-hô-va thể hiện tình yêu thương với mình, chúng ta càng xem ngài là đấng có thật và cảm thấy gần gũi hơn với ngài. Chúng ta có thể thoải mái cầu nguyện và nói cho ngài biết mình rất cần tình yêu thương của ngài. Chúng ta có thể chia sẻ mọi lo âu với Đức Giê-hô-va, tin chắc ngài hiểu và muốn trợ giúp mình.—Thi 145:18, 19.

20. Tại sao tình yêu thương của Đức Giê-hô-va kéo anh chị đến gần ngài hơn?

20 Giống như ngọn lửa ấm áp vào ngày trời lạnh thu hút chúng ta đến gần, tình yêu thương nồng ấm của Đức Giê-hô-va kéo chúng ta đến với ngài. Tình yêu thương ấy dù mạnh mẽ nhưng cũng dịu dàng. Vậy, hãy đón nhận tình yêu thương nồng ấm của Đức Giê-hô-va. Mong sao tất cả chúng ta đáp lại tình yêu thương của ngài bằng cách nói: “Tôi yêu thương Đức Giê-hô-va”!—Thi 116:1.

ANH CHỊ TRẢ LỜI THẾ NÀO?

  • Anh chị miêu tả thế nào về tình yêu thương của Đức Giê-hô-va?

  • Tại sao anh chị có thể tin chắc Đức Giê-hô-va yêu thương mình rất nhiều?

  • Tình yêu thương của Đức Giê-hô-va khiến anh chị cảm thấy thế nào?

BÀI HÁT 108 Tình yêu thương thành tín của Đức Chúa Trời

a Một số tên đã được thay đổi.