Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

CÂU CHUYỆN CUỘC ĐỜI

Một hành trình phụng sự đầy thỏa nguyện

Một hành trình phụng sự đầy thỏa nguyện

Năm 1951, tôi vừa mới đến Rouyn, một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Quebec, Canada. Tôi gõ cửa căn nhà mà mình được cho địa chỉ. Anh Marcel Filteau, a một giáo sĩ tốt nghiệp trường Ga-la-át, đã ra mở cửa. Anh ấy 23 tuổi và cao ráo, còn tôi thì mới 16 tuổi và thấp hơn nhiều. Tôi đưa cho anh ấy xem lá thư chỉ định nhiệm sở tiên phong của mình. Anh ấy đọc, rồi nhìn tôi và nói: “Mẹ em có biết em đến đây không?”.

LỚN LÊN TRONG MỘT GIA ĐÌNH CHIA RẼ VỀ TÔN GIÁO

Tôi sinh năm 1934. Cha mẹ tôi là người nhập cư gốc Thụy Sĩ, định cư ở Timmins, một thị trấn mỏ ở Ontario, Canada. Khoảng năm 1939, mẹ tôi bắt đầu đọc tạp chí Tháp Canh và tham dự buổi nhóm họp của Nhân Chứng Giê-hô-va. Mẹ dẫn tôi và sáu anh chị em của tôi đi cùng. Chẳng bao lâu sau, mẹ trở thành Nhân Chứng.

Cha tôi không vui trước quyết định đó, nhưng mẹ yêu mến và quyết tâm theo chân lý. Mẹ làm thế ngay cả trong những năm đầu của thập niên 1940 khi công việc của Nhân Chứng Giê-hô-va bị cấm đoán ở Canada. Dù cha nói năng thậm tệ với mẹ, nhưng mẹ luôn tôn trọng và đối xử tử tế với cha. Gương của mẹ giúp anh em chúng tôi cũng chấp nhận chân lý. Điều tốt là theo thời gian, thái độ của cha thay đổi và ông bắt đầu đối xử với mẹ con chúng tôi tử tế hơn.

BẮT ĐẦU PHỤNG SỰ TRỌN THỜI GIAN

Vào mùa hè năm 1950, tôi tham dự Hội nghị Thần quyền Tăng tiến ở thành phố New York. Sau khi gặp các anh chị đến từ khắp nơi trên thế giới và nghe các màn phỏng vấn hào hứng của các học viên tốt nghiệp Trường Ga-la-át, tôi được thúc đẩy để phụng sự Đức Giê-hô-va nhiều hơn! Lúc đó, tôi đã quyết tâm phụng sự trọn thời gian hơn bao giờ hết. Ngay sau khi trở về nhà, tôi nộp đơn xin làm tiên phong đều đều. Văn phòng chi nhánh Canada đã viết thư trả lời và đề nghị là trước hết tôi nên báp-têm. Tôi đã làm thế vào ngày 1-10-1950. Một tháng sau, tôi trở thành tiên phong đều đều và nhiệm sở đầu tiên của tôi là Kapuskasing. Thị trấn này cách nơi tôi ở lúc đó nhiều cây số.

Phụng sự ở Quebec

Vào mùa xuân năm 1951, văn phòng chi nhánh khuyến khích những Nhân Chứng có thể nói tiếng Pháp xem xét việc chuyển đến tỉnh nói tiếng Pháp là Quebec. Nhu cầu ở đó rất lớn. Từ nhỏ, tôi đã nói được cả tiếng Pháp và tiếng Anh, vì thế tôi hưởng ứng lời kêu gọi ấy và được chỉ định đến Rouyn. Tôi không quen ai ở đó. Tất cả những gì mà tôi có là một địa chỉ, như tôi đã kể ở trên. Nhưng mọi việc diễn ra tốt đẹp. Anh Marcel và tôi trở thành bạn tốt, và tôi vui mừng phụng sự ở Quebec trong bốn năm. Trong khi phụng sự ở đó, tôi được bổ nhiệm làm tiên phong đặc biệt.

GA-LA-ÁT VÀ NHỮNG ƯỚC VỌNG BỊ TRÌ HOÃN

Lúc ở Quebec, tôi rất vui khi nhận được lời mời tham dự khóa thứ 26 của Trường Ga-la-át ở South Lansing, New York. Tôi tốt nghiệp vào ngày 12-2-1956 và được bổ nhiệm đến nơi mà ngày nay là Ghana, b Tây Phi. Nhưng trước khi tới đó, tôi trở lại Canada và đợi cho đến khi có giấy tờ cần thiết để chuyển tới Ghana. Tôi tưởng là chỉ mất vài tuần.

Cuối cùng, tôi phải đợi bảy tháng ở Toronto mới nhận được giấy tờ đó. Trong thời gian ấy, tôi được gia đình bác Cripps tử tế cho ở nhờ và tôi đã làm quen con gái của họ là Sheila. Chúng tôi yêu nhau. Ít lâu trước khi tôi định cầu hôn, tôi nhận được thị thực để đi đến Ghana. Sheila và tôi cầu nguyện về điều này và quyết định là tôi nên đến nhiệm sở đó. Nhưng chúng tôi sẽ viết thư cho nhau và xem liệu chúng tôi có thể kết hôn trong tương lai hay không. Đó không phải là quyết định dễ dàng, nhưng hóa ra là quyết định đúng.

Sau một tháng di chuyển bằng tàu hỏa, tàu chở hàng và máy bay, tôi đã đến được Accra, Ghana. Tại đây, tôi được bổ nhiệm làm giám thị địa hạt. Nhiệm vụ này đòi hỏi tôi phải đi khắp Ghana và hai nước láng giềng là Bờ Biển Ngà và Togoland (nay là Togo). Phần lớn thời gian tôi di chuyển một mình bằng xe Jeep mà chi nhánh cung cấp. Tôi vui thích từng giây phút làm nhiệm vụ đó!

Vào những ngày cuối tuần, tôi phục vụ các hội nghị vòng quanh. Chúng tôi không có Phòng hội nghị. Vì thế, các anh em sẽ dựng một mái che tạm bằng những cây tre và phủ lên đó những cành chà là để che nắng cho cử tọa. Vì khu vực ăn uống không có tủ lạnh, nên anh em phải để sẵn các con vật ở đó và làm thịt chúng khi cần để cung cấp thức ăn cho những người tham dự.

Chúng tôi có một số kinh nghiệm hài hước tại các hội nghị này. Có lần, khi một giáo sĩ khác là anh Herb Jennings c đang trình bày bài giảng thì một con bò bị sổng ra từ khu vực ăn uống. Nó chạy ngang qua trước bục. Lúc đó, anh Herb ngừng nói và con bò dường như không biết đi hướng nào. Nhưng bốn anh khỏe mạnh đã kiểm soát được nó và mang nó trở lại khu vực ăn uống trong tiếng reo hò của cử tọa.

Trong những ngày giữa tuần, tôi chiếu bộ phim của chúng ta là Xã hội thế giới mới đang hoạt động tại các ngôi làng gần đó. Để làm thế, tôi treo một tấm vải trắng vào giữa hai cái cột hoặc hai thân cây và chiếu phim trên đó. Người dân trong các ngôi làng rất thích thú! Đối với nhiều người, đây là bộ phim đầu tiên họ được xem. Họ vỗ tay nhiệt tình khi thấy cảnh người ta báp-têm. Bộ phim này thật sự đã giúp người xem nhận ra rằng chúng ta là một tổ chức hợp nhất trên toàn thế giới.

Chúng tôi kết hôn tại Ghana năm 1959

Sau khoảng hai năm ở châu Phi, tôi rất háo hức khi được tham dự hội nghị quốc tế năm 1958 tại thành phố New York. Tôi rất vui khi được gặp Sheila. Cô ấy đang làm tiên phong đặc biệt ở Quebec và đã xuống thành phố này để dự hội nghị. Trước đó, chúng tôi giữ liên lạc với nhau qua thư từ, nhưng giờ lại được ở bên nhau. Vì thế, tôi đã cầu hôn cô ấy và cô ấy đồng ý. Tôi viết thư cho anh Knorr d và hỏi xem liệu Sheila có thể tham dự trường Ga-la-át và đến châu Phi cùng tôi được không. Anh ấy đồng ý. Cuối cùng, Sheila đã đến Ghana. Chúng tôi kết hôn ở Accra vào ngày 3-10-1959. Chúng tôi cảm thấy Đức Giê-hô-va thật sự ban phước cho mình vì đã đặt ngài lên hàng đầu trong đời sống.

CÙNG NHAU PHỤNG SỰ Ở CAMEROON

Làm việc tại chi nhánh Cameroon

Năm 1961, chúng tôi được bổ nhiệm đến Cameroon. Các anh đã chỉ định tôi giúp thành lập văn phòng chi nhánh mới, nên tôi rất bận rộn. Là tôi tớ chi nhánh mới, tôi phải học nhiều điều. Sau đó, vào năm 1965, chúng tôi được biết Sheila có thai. Phải thừa nhận là mất một thời gian chúng tôi mới hình dung được việc mình sẽ trở thành cha mẹ. Nhưng lúc bắt đầu hào hứng về nhiệm vụ mới này và lên kế hoạch trở về Canada, chúng tôi phải chịu sự mất mát to lớn.

Sheila bị sẩy thai. Bác sĩ cho chúng tôi biết rằng thai nhi là con trai. Việc này đã xảy ra hơn 50 năm trước, nhưng chúng tôi không bao giờ quên được. Dù rất đau lòng, chúng tôi tiếp tục phụng sự ở nhiệm sở nước ngoài mà mình yêu thích.

Cùng với Sheila tại Cameroon năm 1965

Tại Cameroon, các anh em thường bị ngược đãi vì lập trường trung lập về chính trị. Tình hình đặc biệt căng thẳng trong những cuộc bầu cử tổng thống. Ngày 13-5-1970, điều mà chúng tôi lo sợ nhất đã xảy ra. Đó là Nhân Chứng Giê-hô-va chính thức bị cấm hoạt động ở nước này. Chính quyền tịch thu cơ sở chi nhánh mới và xinh đẹp mà chúng tôi dọn vào chỉ 5 tháng trước. Trong vòng một tuần, tất cả các giáo sĩ, kể cả vợ chồng chúng tôi, đều bị trục xuất khỏi Cameroon. Thật khó để xa rời anh em ở đây vì chúng tôi rất yêu quý họ và cũng lo không biết chuyện gì sẽ xảy ra với họ.

Trong sáu tháng sau đó, chúng tôi ở tại văn phòng chi nhánh Pháp. Tại đây, tôi tiếp tục cố gắng hết sức để chăm lo cho nhu cầu của anh em ở Cameroon. Vào tháng 12 của năm đó, chúng tôi được bổ nhiệm đến chi nhánh Nigeria, là chi nhánh bắt đầu coi sóc công việc ở Cameroon. Các anh chị ở Nigeria đã nồng nhiệt chào đón chúng tôi, và chúng tôi vui thích phụng sự ở đó một vài năm.

QUYẾT ĐỊNH KHÓ KHĂN

Năm 1973, chúng tôi phải đưa ra một quyết định rất khó khăn. Sheila đã gặp vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe trong một thời gian. Khi chúng tôi ở New York để dự hội nghị, cô ấy đã bị suy sụp và nói với tôi: “Em không thể tiếp tục được nữa. Em không còn sức lực và lúc nào cũng đau bệnh”. Sheila đã cùng tôi phụng sự ở Tây Phi hơn 14 năm. Tôi rất tự hào vì cô ấy luôn trung thành, nhưng chúng tôi cần thực hiện một số điều chỉnh. Sau khi thảo luận hoàn cảnh của mình và cầu nguyện tha thiết về vấn đề này, chúng tôi quyết định là sẽ trở về Canada để có thể chăm sóc sức khỏe tốt hơn cho Sheila. Rời khỏi nhiệm sở giáo sĩ và ngưng phụng sự trọn thời gian là quyết định khó khăn và đau lòng nhất mà chúng tôi phải đưa ra từ trước đến nay.

Sau khi trở về Canada, tôi nhận được công việc từ một người bạn lâu năm. Anh ấy là chủ đại lý xe hơi trong một thị trấn ở phía bắc của Toronto. Vợ chồng chúng tôi đã thuê một căn hộ, mua đồ nội thất cũ và bắt đầu cuộc sống mới mà không nợ nần. Chúng tôi muốn giữ đời sống đơn giản, hy vọng một ngày có thể trở lại phụng sự trọn thời gian. Thật ngạc nhiên là điều đó đã trở thành hiện thực sớm hơn chúng tôi tưởng.

Tôi bắt đầu làm tình nguyện viên vào các ngày thứ Bảy tại công trình xây cất Phòng hội nghị mới ở Norval, Ontario. Theo thời gian, tôi được mời làm giám thị Phòng hội nghị. Sức khỏe của Sheila đã tốt hơn, và chúng tôi cảm thấy cô ấy có thể đảm nhận được nhiệm vụ mới này. Vì thế, chúng tôi chuyển đến chỗ ở tại Phòng hội nghị vào tháng 6 năm 1974. Chúng tôi thật hạnh phúc khi được phụng sự trọn thời gian trở lại!

Thật vui là sức khỏe của Sheila tiếp tục khá hơn. Vì thế, hai năm sau, chúng tôi chấp nhận một nhiệm sở trong công việc vòng quanh. Vòng quanh đó ở Manitoba, một tỉnh thuộc Canada được biết đến là có mùa đông lạnh giá. Tuy nhiên, chúng tôi rất thích được kết hợp nồng ấm với anh em ở đó. Chúng tôi học được rằng điều quan trọng không phải là nơi phụng sự, mà là tiếp tục phụng sự dù mình ở bất cứ nơi đâu.

RÚT RA BÀI HỌC QUAN TRỌNG

Sau vài năm trong công việc vòng quanh, chúng tôi được mời phụng sự ở Bê-tên Canada vào năm 1978. Không lâu sau, tôi học một bài học đắt giá nhưng quan trọng. Tôi được chỉ định làm bài giảng một tiếng rưỡi bằng tiếng Pháp tại buổi họp đặc biệt ở Montreal. Đáng buồn là bài giảng của tôi không duy trì được sự chú ý của cử tọa, và một anh thuộc Ban Công tác đã cho tôi lời khuyên về bài giảng đó. Lẽ ra tôi nên nhận ra điều mà hiện nay mình đã biết rất rõ, đó là mình không phải là diễn giả giỏi. Nhưng tôi đã không phản ứng tốt trước lời khuyên đó. Cá tính của chúng tôi dường như đối lập nhau. Tôi cảm thấy anh ấy phê bình quá đáng mà chẳng khen lời nào cả. Tôi đã sai lầm khi đánh giá lời khuyên dựa trên cách khuyên và quan điểm của mình về người cho lời khuyên.

Tôi rút ra bài học quý giá sau khi trình bày một bài giảng bằng tiếng Pháp

Vài ngày sau, một thành viên của Ủy ban Chi nhánh nói chuyện với tôi về vấn đề đó. Tôi thừa nhận là mình đã không phản ứng tốt trước lời khuyên và bày tỏ sự hối hận. Sau đó, tôi nói chuyện với anh đã cho mình lời khuyên về bài giảng. Anh ấy tử tế chấp nhận lời xin lỗi của tôi. Trải nghiệm này dạy tôi bài học về sự khiêm nhường mà tôi không bao giờ quên (Châm 16:18). Tôi đã cầu nguyện với Đức Giê-hô-va nhiều lần về điều này, và quyết tâm không bao giờ có thái độ tiêu cực khi nhận được lời khuyên.

Đến nay, tôi đã phụng sự ở Bê-tên Canada hơn 40 năm, và kể từ năm 1985, tôi có đặc ân phục vụ trong Ủy ban Chi nhánh. Vào tháng 2 năm 2021, người vợ yêu dấu của tôi qua đời. Ngoài việc chịu đựng sự mất mát này, tôi cũng đang gặp vấn đề về sức khỏe. Nhưng việc phụng sự Đức Giê-hô-va giúp tôi bận rộn và hạnh phúc đến mức ‘hầu như không để ý đến ngày tháng trôi qua’ (Truyền 5:20). Dù tôi gặp một số khó khăn trong đời sống, nhưng niềm vui thì vượt trội. Việc đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu trong đời sống và phụng sự trọn thời gian trong 70 năm đã mang lại sự thỏa nguyện sâu xa. Tôi cầu xin rằng các anh chị trẻ luôn đặt Đức Giê-hô-va lên hàng đầu, vì tôi tin chắc họ cũng sẽ có đời sống hào hứng và thỏa nguyện, là điều chỉ có được khi phụng sự Đức Giê-hô-va.

a Xem tự truyện của anh Marcel Filteau “Đức Giê-hô-va là nơi nương náu và sức mạnh của tôi” trong Tháp Canh ngày 1-2-2000.

b Đến năm 1957, khu vực này của châu Phi là thuộc địa của Anh và được gọi là Bờ Biển Vàng.

c Xem tự truyện của anh Herbert Jennings ‘Ngày mai sẽ ra thế nào, chúng ta chẳng biết’ trong Tháp Canh ngày 1-12-2000.

d Anh Nathan Knorr dẫn đầu công việc của chúng ta vào lúc đó.