Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Việc các ngươi làm sẽ được phần thưởng”

“Việc các ngươi làm sẽ được phần thưởng”

“Việc các ngươi làm sẽ được phần thưởng”

Dẫn đầu đội quân, vua A-sa tiến nhanh xuống thung lũng trải dài từ vùng cao nguyên của xứ Giu-đa đến miền duyên hải. Đến chỗ mở rộng của thung lũng, A-sa dừng lại, không thể tin vào mắt mình: Phía dưới là trại quân địch vô cùng rộng lớn! Đội quân Ê-thi-ô-bi có một triệu lính, gần gấp đôi lực lượng của A-sa.

Đối mặt với trận chiến sắp xảy ra, A-sa bận làm gì? Ra lệnh cho các tướng lĩnh? Động viên đội quân? Viết thư cho gia đình? Không đâu. Đứng trước tình huống cam go này, A-sa đã cầu nguyện.

Trước khi nói về lời cầu nguyện của ông và điểm lại diễn biến của trận chiến đó, chúng ta hãy xem A-sa là người như thế nào. Điều gì khiến ông hướng đến Đức Giê-hô-va? Ông có lý do để tin lời cầu nguyện của mình được ngài đáp lại không? Câu chuyện của A-sa cho chúng ta biết gì về cách Đức Giê-hô-va giúp cho công việc của tôi tớ ngài đạt được kết quả tốt?

MỘT VỊ VUA SỐT SẮNG

Từ khi nước Y-sơ-ra-ên bị phân chia thành hai vương quốc, các thực hành ngoại giáo bắt đầu lan tràn khắp Giu-đa. Hai mươi năm sau đó, khi A-sa lên ngôi vua năm 977 TCN, ngay cả vương triều cũng bị sự thờ phượng thần sinh sản của người Ca-na-an xâm nhập. Nhưng theo lời tường thuật được soi dẫn về triều vua A-sa, vị vua này “làm điều thiện và ngay-thẳng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của người”. Ông “cất bỏ các bàn-thờ của thần ngoại-bang và những nơi cao, đập-bể các trụ-thờ, và đánh đổ những tượng A-sê-ra” (2 Sử 14:2, 3). A-sa cũng tống khứ khỏi xứ các “bợm vĩ-gian [“những đàn ông làm điếm”, Bản Dịch Mới]”, là những kẻ nhân danh tôn giáo để có những hành vi giao hợp trái tự nhiên. Không những thế, ông còn thúc giục dân chúng “tìm-cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời của tổ-phụ chúng” cũng như “làm theo luật-pháp và điều-răn của Ngài”.—1 Vua 15:12, 13; 2 Sử 14:4.

Hài lòng trước sự sốt sắng của A-sa đối với sự thờ phượng thật, Đức Giê-hô-va ban thưởng cho ông, làm cho vương quốc của ông được thái bình. Vì thế, vị vua này có thể nói: “Chúng ta có tìm-kiếm Giê-hô-va Đức Chúa Trời của chúng ta; chúng ta có tìm được Ngài, Ngài đã ban cho chúng ta bình-an bốn phía”. Dân chúng tận dụng cơ hội này để làm cho các thành của vương quốc Giu-đa vững chắc. Kinh Thánh tường thuật: “Chúng bèn xây-cất và được thành-công”.—2 Sử 14:1, 6, 7.

TRÊN CHIẾN TRƯỜNG

Nghĩ đến lòng sốt sắng của A-sa, chúng ta không ngạc nhiên trước việc ông cầu nguyện khi đối đầu với đội quân lớn nhất của con người mà Kinh Thánh đề cập đến. A-sa biết rằng Đức Chúa Trời ban thưởng cho những ai hành động vì đức tin. Trong lời cầu nguyện, vị vua này đã cầu xin sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va. A-sa ý thức rằng nếu ông nương cậy nơi Đức Chúa Trời và có sự giúp đỡ của ngài, thì dù quân địch có hùng mạnh đến mấy cũng không là vấn đề. Cuộc chiến này liên quan đến danh của Đức Giê-hô-va, vì thế A-sa kêu cầu ngài dựa trên cơ sở này. Ông cầu nguyện: “Giê-hô-va Đức Chúa Trời chúng tôi ôi! Xin hãy giúp-đỡ chúng tôi, vì chúng tôi nương-cậy nơi Chúa; ấy là nhân danh Chúa mà chúng tôi đến đối-địch cùng đoàn quân nầy. Đức Giê-hô-va ôi! Ngài là Đức Chúa Trời chúng tôi; chớ để loài người thắng hơn Chúa!” (2 Sử 14:11). Điều này giống như A-sa nói rằng: “Lạy Đức Giê-hô-va, quân Ê-thi-ô-bi tuyên chiến với Cha. Xin đừng để loài người nhỏ bé đánh bại những người mang danh Cha mà khiến danh Cha bị ô nhục”. Vậy, “Đức Giê-hô-va bèn đánh dân Ê-thi-ô-bi tại trước mặt dân Giu-đa và vua A-sa; quân Ê-thi-ô-bi chạy trốn”.—2 Sử 14:12.

Ngày nay, dân của Đức Giê-hô-va đối mặt với nhiều kẻ thù lớn mạnh. Chúng ta không chiến đấu với chúng bằng vũ khí trên chiến trường theo nghĩa đen. Tuy nhiên, chúng ta có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ giúp mọi tôi tớ trung thành giành thắng lợi trong trận chiến về thiêng liêng vì danh ngài. Có thể chúng ta phải chiến đấu để kháng cự lối sống buông thả lan tràn khắp nơi, chống lại sự yếu kém của bản thân hoặc bảo vệ gia đình khỏi những ảnh hưởng xấu. Dù đương đầu với vấn đề gì đi chăng nữa, chúng ta cũng nhận được sự khích lệ qua lời cầu nguyện của A-sa. Chiến thắng của ông là chiến thắng của Đức Giê-hô-va. Tất cả những người nương cậy nơi Đức Chúa Trời đều có thể được thắng lợi như thế. Không thế lực nào của loài người có thể chống lại Đức Giê-hô-va!

SỰ KHÍCH LỆ VÀ LỜI CẢNH BÁO

Từ chiến trường trở về, A-sa gặp A-xa-ria. Nhà tiên tri này vừa khích lệ vừa cảnh báo ông: “Hỡi A-sa, cả Giu-đa, và Bên-gia-min, hãy nghe lời ta: Các ngươi theo Đức Giê-hô-va chừng nào, thì Đức Giê-hô-va ở với các ngươi chừng nấy; nếu các ngươi tìm Ngài, ắt sẽ gặp Ngài được; nếu các ngươi lìa-bỏ Ngài, thì Ngài sẽ lìa-bỏ các ngươi... Hãy mạnh lòng, tay các ngươi chớ nhát-sợ, vì việc các ngươi làm sẽ được phần thưởng”.—2 Sử 15:1, 2, 7.

Những lời này làm vững mạnh đức tin của chúng ta. Qua đó, chúng ta biết Đức Giê-hô-va ở cùng chúng ta, miễn là chúng ta trung thành phụng sự ngài. Khi kêu cầu ngài giúp đỡ, chúng ta tin chắc ngài lắng nghe chúng ta. A-xa-ria nói: “Hãy mạnh lòng”. Thật vậy, làm điều đúng đòi hỏi chúng ta phải rất can đảm, nhưng chúng ta biết rằng mình có thể làm được nhờ sự trợ giúp của Đức Giê-hô-va.

Bà của A-sa là Ma-a-ca dựng “tượng Át-tạt-tê”, nên A-sa phải phế bỏ “chức thái-hậu” của bà. Đây quả là một quyết định khó, nhưng ông đã làm được, đồng thời thiêu hủy luôn tượng thờ của bà (1 Vua 15:13). A-sa đã được ban phước vì sự quyết tâm và lòng can đảm. Chúng ta cũng phải quyết tâm gắn bó với Đức Giê-hô-va và các tiêu chuẩn công chính của ngài, bất kể người thân của mình có trung thành với ngài hay không. Nếu làm thế, Đức Giê-hô-va sẽ ban thưởng cho chúng ta vì chúng ta giữ lòng trung thành.

Phần thưởng của A-sa bao gồm đặc ân được chứng kiến nhiều người Y-sơ-ra-ên từ vương quốc phía bắc bội đạo đổ về Giu-đa khi họ nhận ra Đức Giê-hô-va ở cùng ông. Họ quý trọng sự thờ phượng thanh sạch đến nỗi đã bỏ nhà cửa để đến sống trong vòng tôi tớ của Đức Giê-hô-va. Sau đó, A-sa và tất cả người Giu-đa vui mừng kết ước với nhau là sẽ hết lòng tìm kiếm Đức Giê-hô-va. Kết quả là gì? Đức Giê-hô-va “cho họ gặp được [ngài] và ban cho họ bình an mọi bề” (2 Sử 15:9-15, BDM). Chúng ta thật vui mừng biết bao khi những người yêu mến sự công chính chấp nhận sự thờ phượng thanh sạch!

Tuy nhiên, nhà tiên tri A-xa-ria cũng đưa ra lời cảnh báo: “Nếu các ngươi lìa-bỏ [Đức Giê-hô-va], thì Ngài sẽ lìa-bỏ các ngươi”. Mong sao điều này không bao giờ xảy ra với chúng ta, vì hậu quả sẽ thật thảm khốc! (2 Phi 2:20-22). Kinh Thánh không cho biết tại sao Đức Giê-hô-va cảnh báo A-sa điều này, nhưng chúng ta biết là vị vua này đã không nghe theo lời cảnh báo.

“VUA CÓ CƯ-XỬ CÁCH DẠI-DỘT”

Năm thứ 36 đời vua A-sa trị vì, vua Ba-ê-sa của nước Y-sơ-ra-ên có những hành động thù địch chống lại Giu-đa. Có lẽ để ngăn chặn dân của ông tỏ lòng trung thành với A-sa và sự thờ phượng thanh sạch, Ba-ê-sa bắt đầu củng cố thành phố biên giới là Ra-ma, cách Giê-ru-sa-lem 8km về phía bắc. Thay vì tìm kiếm sự trợ giúp của Đức Chúa Trời như ông đã làm khi đối mặt với quân Ê-thi-ô-bi, A-sa tìm kiếm sự trợ giúp của loài người. Ông gửi quà cho vua Sy-ri, nhờ ông ta tấn công vương quốc Y-sơ-ra-ên ở phía bắc. Sau vài lần quân Sy-ri tấn công, Ba-ê-sa đành phải bỏ thành Ra-ma.—2 Sử 16:1-5.

Đức Giê-hô-va không hài lòng về A-sa và ngài phái nhà tiên tri Ha-na-ni đến nói cho ông biết điều đó. Từng chứng kiến Đức Giê-hô-va đánh thắng quân Ê-thi-ô-bi, lẽ ra A-sa phải biết rằng “con mắt của Đức Giê-hô-va soi-xét khắp thế-gian, đặng giúp sức cho kẻ nào có lòng trọn thành đối với Ngài”. Có thể A-sa nhận được lời khuyên không tốt hoặc có thể ông cho rằng Ba-ê-sa và đội quân của ông ta chẳng có gì đáng sợ nên ông tự mình giải quyết được. Dù gì đi nữa, A-sa đã hành động theo quan điểm của con người và không nương cậy nơi Đức Giê-hô-va. Ha-na-ni nói: “Trong việc nầy vua có cư-xử cách dại-dột, nên từ rày về sau vua sẽ có giặc-giã”.—2 Sử 16:7-9.

Nghe xong, A-sa nổi giận và bỏ tù nhà tiên tri Ha-na-ni (2 Sử 16:10). Có phải A-sa nghĩ: “Mình đã trung thành nhiều năm rồi, mình có đáng bị khiển trách như thế không?”. Liệu có phải vì lúc này tuổi cao tác lớn mà ông không còn minh mẫn nữa? Kinh Thánh không nói rõ.

Năm thứ 39 đời vua A-sa trị vì, ông bị đau chân rất nặng. Kinh Thánh cho biết: “Trong cơn bịnh người không tìm-kiếm Đức Giê-hô-va, nhưng tìm-kiếm những thầy thuốc”. Dường như vào lúc đó, A-sa lơ là việc chăm sóc sức khỏe tâm linh. A-sa chết vào năm thứ 41 đời ông trị vì, có lẽ ông ra đi trong tình trạng yếu về thể chất lẫn tâm linh.—2 Sử 16:12-14.

Dù có lỗi lầm, nhưng dường như các đức tính tốt và lòng sốt sắng của A-sa đối với sự thờ phượng thanh sạch thì vượt trội hơn. Ông không bao giờ ngưng phụng sự Đức Giê-hô-va (1 Vua 15:14). Vậy, cuộc đời của ông dạy chúng ta điều gì? Nó giúp chúng ta nhận ra rằng chúng ta cần nhớ lại Đức Giê-hô-va đã giúp chúng ta thế nào trong quá khứ, vì sự hồi tưởng như vậy có thể thúc đẩy chúng ta cầu xin sự trợ giúp của ngài mỗi khi gặp thử thách. Ngoài ra, chúng ta không nên cho rằng mình đã trung thành phụng sự nhiều năm rồi nên không cần lời khuyên của ai. Dù chúng ta trung thành bao nhiêu năm đi nữa, Đức Giê-hô-va vẫn khiển trách nếu chúng ta phạm sai lầm. Chúng ta cần khiêm nhường chấp nhận sự sửa dạy để chúng ta được lợi ích. Trên hết, câu chuyện này dạy chúng ta rằng bao lâu chúng ta còn gắn bó với Cha trên trời thì bấy lâu ngài ở cùng chúng ta. Con mắt Đức Giê-hô-va soi khắp thế gian để tìm kiếm những người trung thành với ngài. Ngài ban thưởng cho họ bằng cách dùng quyền năng của ngài để giúp sức cho họ. Đức Giê-hô-va đã làm thế với A-sa và ngài cũng làm thế với chúng ta.

[Câu nổi bật nơi trang 9]

Đức Giê-hô-va ban thưởng cho những người chiến đấu về thiêng liêng

[Câu nổi bật nơi trang 10]

Cần có lòng can đảm để làm điều đúng trước mắt Đức Giê-hô-va