Ðội cận vệ của hoàng đế được nghe tin mừng
Ðó là năm 59 CN. Dưới sự áp giải của những người lính đã thấm mệt sau chuyến hành trình, đoàn tù nhân tiến vào Rô-ma qua cổng Porta Capena. Cung điện của hoàng đế Nê-rô nằm trên đồi Palatine được những lính cận vệ, với các thanh gươm giấu trong áo choàng, canh giữ *. Ðại đội trưởng Giu-lơ giải đoàn tù nhân đi qua Quảng trường Rô-ma và lên đồi Viminal. Họ đi qua khu vườn có nhiều bàn thờ các thần của La Mã, và qua thao trường, nơi quân binh diễn tập.
Trong số tù nhân có sứ đồ Phao-lô. Vài tháng trước, khi Phao-lô đang ở trên con thuyền chòng chành trong bão tố, một thiên sứ của Ðức Chúa Trời nói với ông: “Anh phải đứng trước mặt Sê-sa” (Công 27:24). Có phải Phao-lô sắp trải nghiệm điều đó? Khi quay lại nhìn về phía thủ đô của đế quốc La Mã, hẳn ông nhớ đến những lời mà Chúa Giê-su đã nói với ông ở Tháp Antonia tại Giê-ru-sa-lem. Ngài nói: “Hãy giữ vững lòng can đảm! Anh đã làm chứng cặn kẽ về tôi ở thành Giê-ru-sa-lem thế nào thì cũng phải làm chứng như vậy ở thành Rô-ma”.—Công 23:10, 11.
Có lẽ Phao-lô chú ý đến Castra Praetoria, một đồn lũy lớn, có tường bằng gạch đỏ, trên đỉnh là những công sự và tòa tháp. Sống trong đồn lũy này gồm đội quân cận vệ của hoàng đế và lực lượng cảnh binh thành phố. Có 12 đơn vị cận vệ và một số đơn vị cảnh binh đóng tại Rô-ma, nên số binh lính và kỵ binh sống trong đồn lũy có thể lên đến hàng ngàn *. Castra Praetoria là một sự nhắc nhở về quyền lực lớn mạnh của hoàng đế. Vì lính cận vệ chịu trách nhiệm về tù nhân từ các tỉnh, nên Giu-lơ dẫn tù nhân của ông đi qua một trong bốn cổng chính của Rô-ma. Sau chuyến hành trình hiểm nguy, cuối cùng ông và đoàn tù nhân cũng đến nơi đã định.—Công 27:1-3, 43, 44.
SỨ ÐỒ PHAO-LÔ RAO GIẢNG MÀ “KHÔNG BỊ AI NGĂN CẤM”
Trong chuyến hành trình, qua khải tượng, Ðức Chúa Trời cho Phao-lô biết rằng tất cả những người trên tàu sẽ được sống sót sau một trận đắm tàu. Sau đó, dù bị rắn độc cắn nhưng ông không hề hấn gì. Phao-lô chữa khỏi bệnh cho người dân trên đảo Man-ta, họ bắt đầu nói ông là một vị thần. Có lẽ những tin tức này lan ra trong vòng những lính cận vệ mê tín.
Phao-lô đã gặp anh em ở Rô-ma, vì họ ‘đến tận Chợ Áp-bi-u và Ba Quán đón ông’ (Công 28:15). Nhưng là tù nhân, làm thế nào ông có thể thực hiện ước nguyện công bố tin mừng ở Rô-ma? (Rô 1:14, 15). Một số ý kiến cho rằng tù nhân bị giải đến tướng lĩnh của đội quân cận vệ. Nếu vậy, rất có thể Phao-lô được giải đến gặp tướng Afranius Burrus, người có lẽ có quyền lực thứ hai, chỉ sau hoàng đế *. Dù gì đi nữa, thay vì ở dưới sự kiểm soát của đại đội trưởng, giờ đây Phao-lô bị một binh lính canh chừng. Phao-lô được phép tự sắp xếp chỗ ở, tiếp khách và rao giảng cho người đến thăm mà “không bị ai ngăn cấm”.—Công 28:16, 30, 31.
PHAO-LÔ LÀM CHỨNG CHO NGƯỜI LỚN LẪN KẺ NHỎ
Là người được giao nhiệm vụ xét xử, có lẽ Burrus thẩm vấn sứ đồ Phao-lô ở cung điện hay tại doanh trại của lính cận vệ trước khi trình vụ việc lên hoàng đế Nê-rô. Phao-lô không bỏ lỡ cơ hội có một không hai để ‘làm chứng cho cả người lớn lẫn kẻ nhỏ’ (Công 26:19-23). Chúng ta không biết Burrus đã xét xử thế nào, nhưng Phao-lô không bị tù trong doanh trại của lính cận vệ *.
Nhà thuê của Phao-lô đủ lớn để ông tiếp đón “cộng đồng Do Thái” và làm chứng cho họ cũng như cho nhiều người khác “đến nhà trọ của ông”. Lính cận vệ canh giữ Phao-lô cũng lắng nghe ông ‘làm chứng cặn kẽ từ sáng đến tối’ về Nước Trời và Chúa Giê-su cho những người Do Thái.—Công 28:17, 23.
Mỗi ngày, đội quân cận vệ làm việc trong cung điện đổi ca vào giờ thứ tám. Lính canh giữ Phao-lô cũng đổi ca đều đặn. Trong suốt hai năm Phao-lô bị giam, các lính canh nghe ông đọc những lá thư gửi cho anh em ở Ê-phê-sô, Phi-líp, Cô-lô-se và các tín đồ người Hê-bơ-rơ. Họ cũng chứng kiến ông tự tay viết thư cho một tín đồ tên là Phi-lê-môn. Như được nhắc trong lá thư ấy, Phao-lô chú ý đến một đầy tớ bỏ trốn là Ô-nê-sim. “Trong thời gian bị xiềng xích, [Phao-lô] trở nên như cha của người” và gửi người về cho chủ (Phi-lê 10). Chắc chắn, Phao-lô cũng quan tâm đến những lính canh (1 Cô 9:22). Chúng ta có thể hình dung ông đã hỏi lính canh về mục đích của các bộ phận áo giáp, rồi dùng thông tin đó trong một minh họa rất hữu ích.—Ê-phê 6:13-17.
“GIẢNG LỜI ÐỨC CHÚA TRỜI MÀ KHÔNG SỢ HÃI GÌ”
Thời gian ở tù cho Phao-lô cơ hội góp phần vào “sự tiến triển của tin mừng” trong vòng đội quân cận vệ và người khác (Phi-líp 1:12, 13). Các quân binh sống trong Castra Praetoria có mối quan hệ rộng trong đế quốc La Mã, cũng như với hoàng đế và người nhà của hoàng đế. Người nhà của hoàng đế bao gồm người thân, đầy tớ và nô lệ, trong đó có một số người trở thành tín đồ đạo Ðấng Ki-tô (Phi-líp 4:22). Gương dạn dĩ làm chứng của Phao-lô đã giúp anh em ở Rô-ma can đảm “giảng lời Ðức Chúa Trời mà không sợ hãi gì”.—Phi-líp 1:14.
Gương làm chứng của Phao-lô ở Rô-ma cũng thúc đẩy chúng ta ‘giảng lời Ðức Chúa Trời cả khi thuận tiện lẫn khi khó khăn’ (2 Ti 4:2). Một số người trong chúng ta sống trong cảnh tù túng, như trong viện dưỡng lão, bệnh viện hoặc thậm chí bị tù vì đức tin. Dù bị hạn chế phần nào, chúng ta vẫn có thể rao giảng, chẳng hạn như nhân viên chăm sóc hay người cung cấp các dịch vụ khác. Khi can đảm tận dụng mọi cơ hội làm chứng, chúng ta trực tiếp cảm nghiệm rằng ‘lời của Ðức Chúa Trời không thể bị trói buộc’.—2 Ti 2:8, 9.
^ đ. 2 Xin xem khung “Ðội quân cận vệ của hoàng đế trong thời Nê-rô”.
^ đ. 4 Mỗi đơn vị có thể có đến 1.000 lính.
^ đ. 7 Xin xem khung “Sextus Afranius Burrus”.