Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Tại sao chúng ta cử hành Bữa Ăn Tối của Chúa?

Tại sao chúng ta cử hành Bữa Ăn Tối của Chúa?

“Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”.—1 CÔ 11:24.

1, 2. Chúa Giê-su đã làm gì vào tối ngày 14 Ni-san năm 33 CN? (Xem hình nơi đầu bài).

Màn đêm buông xuống, ánh trăng tròn nhẹ nhàng tỏa khắp Giê-ru-sa-lem. Đó là tối ngày 14 Ni-san năm 33 CN. Chúa Giê-su và các sứ đồ đã cử hành Lễ Vượt Qua, kỷ niệm sự kiện dân Y-sơ-ra-ên được giải thoát khỏi ách nô lệ ở Ai Cập khoảng 15 thế kỷ trước. Giờ đây, cùng với 11 sứ đồ trung thành, Chúa Giê-su thiết lập bữa ăn đặc biệt, một bữa ăn tưởng nhớ cái chết mà Chúa Giê-su sắp trải qua trước khi ngày hôm đó kết thúc *.—Mat 26:1, 2.

2 Chúa Giê-su dâng lời chúc tạ và chuyền bánh không men cho các sứ đồ, rồi nói: “Hãy cầm lấy ăn đi”. Ngài cũng cầm lấy ly rượu, rồi lại dâng lời tạ ơn và nói: “Tất cả anh em hãy uống đi” (Mat 26:26, 27). Sau đó, Chúa Giê-su không chuyền món nào nữa cho các sứ đồ trung thành, nhưng ngài có nhiều điều để nói với họ trong đêm quan trọng ấy.

3. Bài này sẽ thảo luận những câu hỏi nào?

3 Chúa Giê-su đã thiết lập Lễ Tưởng Niệm sự chết của ngài, cũng được gọi là Bữa Ăn Tối của Chúa (1 Cô 11:20). Về điều này, một số người có thể thắc mắc: Tại sao tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su? Bánh và rượu tượng trưng cho điều gì? Chúng ta chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm như thế nào? Ai nên dùng món biểu tượng? Các tín đồ đạo Đấng Ki-tô hưởng ứng thế nào trước những điều Kinh Thánh nói về hy vọng của mình?

TẠI SAO TƯỞNG NHỚ CÁI CHẾT CỦA CHÚA GIÊ-SU?

4. Cái chết của Chúa Giê-su mở ra cho chúng ta cơ hội nào?

4 Là con cháu A-đam, chúng ta đều bị di truyền tội lỗi và sự chết (Rô 5:12). Không người bất toàn nào có thể trả cho Đức Chúa Trời giá chuộc mạng sống của mình hoặc người khác (Thi 49:6-9). Tuy nhiên, qua cái chết, Chúa Giê-su đã trả một giá chuộc duy nhất được chấp nhận: Đó là thân thể hoàn toàn và huyết ngài đổ ra. Khi dâng cho Đức Chúa Trời giá trị của giá chuộc, Chúa Giê-su mở ra cho chúng ta cơ hội được giải thoát khỏi tội lỗi và sự chết, đồng thời nhận được món quà là sự sống vĩnh cửu.—Rô 6:23; 1 Cô 15:21, 22.

5. (a) Làm sao chúng ta biết Đức Chúa Trời và Đấng Ki-tô yêu thương loài người? (b) Vì sao chúng ta nên có mặt tại buổi lễ tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su?

5 Khi cung cấp giá chuộc, Đức Chúa Trời chứng tỏ ngài yêu thương thế gian loài người (Giăng 3:16). Khi hy sinh mạng sống, Chúa Giê-su cho thấy bằng chứng ngài cũng yêu thương chúng ta. Trong thời gian hiện hữu với tư cách là “thợ cái” của Đức Chúa Trời trước khi làm người, Chúa Giê-su đã ‘vui-thích nơi con-cái loài người’ (Châm 8:30, 31). Vì vậy, lòng biết ơn Đức Chúa Trời và Con ngài nên thôi thúc chúng ta có mặt tại buổi lễ tưởng nhớ cái chết của Chúa Giê-su. Khi làm thế, chúng ta vâng theo mệnh lệnh: “Hãy tiếp tục làm việc này để nhớ đến tôi”.—1 Cô 11:23-25.

CÁC MÓN BIỂU TƯỢNG TƯỢNG TRƯNG CHO ĐIỀU GÌ?

6. Chúng ta nên xem bánh và rượu trong Lễ Tưởng Niệm như thế nào?

6 Khi thiết lập Lễ Tưởng Niệm, Chúa Giê-su không làm phép lạ biến bánh và rượu thành thịt và huyết của ngài theo nghĩa đen. Thay vì thế, ngài nói về bánh rằng: “Bánh này tượng trưng cho thân thể tôi”. Còn về rượu, ngài nói: “Rượu này tượng trưng cho huyết của tôi, là ‘huyết của giao ước’ sẽ đổ ra vì nhiều người” (Mác 14:22-24). Rõ ràng, bánh và rượu nên được xem là các món biểu tượng.

7. Bánh được dùng tại Lễ Tưởng Niệm tượng trưng cho điều gì?

7 Trong sự kiện vô cùng quan trọng ấy vào năm 33 CN, Chúa Giê-su đã dùng bánh không men còn lại của Lễ Vượt Qua (Xuất 12:8). Trong Kinh Thánh, men đôi khi ám chỉ sự bại hoại hay tội lỗi (Mat 16:6, 11, 12; Lu 12:1). Thế nên, việc Chúa Giê-su dùng bánh không men thật đáng chú ý vì bánh ấy tượng trưng thích hợp cho thân thể không tội lỗi của ngài (Hê 7:26). Loại bánh ấy được dùng tại Lễ Tưởng Niệm.

8. Ly rượu trong Lễ Tưởng Niệm tượng trưng cho điều gì?

8 Rượu Chúa Giê-su dùng vào ngày 14 Ni-san năm 33 CN tượng trưng cho huyết của ngài. Ly rượu trong Lễ Tưởng Niệm ngày nay cũng thế. Tại Gô-gô-tha, một nơi bên ngoài thành Giê-ru-sa-lem, huyết Chúa Giê-su đã đổ ra cho nhiều người “được tha tội” (Mat 26:28; 27:33). Bánh và rượu trong Lễ Tưởng Niệm tượng trưng cho sự hy sinh vô giá mà Chúa Giê-su đã dâng lên vì lợi ích của nhân loại biết vâng lời, và chúng ta biết ơn sự cung cấp đầy yêu thương đó. Vì thế, thật thích hợp khi mỗi cá nhân chúng ta chuẩn bị cho Bữa Ăn Tối của Chúa được cử hành hằng năm.

MỘT SỐ CÁCH ĐỂ CHUẨN BỊ

9. (a) Tại sao theo sát chương trình đọc Kinh Thánh cho Lễ Tưởng Niệm là quan trọng? (b) Bạn cảm thấy thế nào về giá chuộc?

9 Khi theo sát chương trình đọc Kinh Thánh cho Lễ Tưởng Niệm trong sách Tra xem Kinh Thánh mỗi ngày, chúng ta có thể suy ngẫm về những điều Chúa Giê-su đã làm trước khi ngài chết. Làm thế có thể giúp chúng ta chuẩn bị lòng cho Bữa Ăn Tối của Chúa *. Một chị cho biết: “Chúng tôi trông mong đến Lễ Tưởng Niệm. Ngày ấy càng trở nên đặc biệt hơn mỗi năm. Tôi nhớ lại khi đứng trong nhà tang lễ... nhìn người cha yêu dấu, lúc đó tôi tràn đầy lòng biết ơn chân thành về giá chuộc... Dĩ nhiên tôi biết hết các câu Kinh Thánh và cách giải thích. Nhưng khi cảm nhận thực tế phũ phàng của sự chết, lòng tôi vô cùng vui mừng về những điều mà giá chuộc quý báu sẽ thực hiện cho chúng ta”. Đúng vậy, khi chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm, chúng ta nên suy ngẫm xem sự hy sinh của Chúa Giê-su giải thoát chúng ta thế nào khỏi thảm họa của tội lỗi và sự chết.

Dùng công cụ được cung cấp để chuẩn bị lòng cho Lễ Tưởng Niệm (Xem đoạn 9)

10. Việc chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm có thể tác động thế nào đến thánh chức?

10 Chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm có thể bao gồm việc lên kế hoạch để gia tăng thánh chức, có lẽ làm tiên phong phụ trợ trong mùa Lễ Tưởng Niệm. Khi mời học viên Kinh Thánh và người khác đến dự Bữa Ăn Tối của Chúa, chúng ta sẽ có niềm vui vì được nói về Đức Chúa Trời, Con ngài cũng như ân phước dành cho những ai làm hài lòng Đức Giê-hô-va và ngợi khen ngài.—Thi 148:12, 13.

11. Một số tín đồ ở Cô-rinh-tô đã dùng các món biểu tượng cách không xứng đáng như thế nào?

11 Khi chuẩn bị cho Bữa Ăn Tối của Chúa, hãy xem điều sứ đồ Phao-lô viết cho hội thánh đạo Đấng Ki-tô ở Cô-rinh-tô. (Đọc 1 Cô-rinh-tô 11:27-34). Phao-lô cho biết rằng bất cứ ai ăn bánh và uống ly cách không xứng đáng hay bất kính thì “có tội với thân thể và huyết của Chúa”, là Chúa Giê-su Ki-tô. Vì vậy, một tín đồ được xức dầu nên “xét xem mình có xứng đáng không”, chỉ khi đó mới dùng các món biểu tượng. Nếu không, người ấy sẽ “chuốc lấy sự phán xét”. Vì có hành vi sai trái, nhiều tín đồ ở Cô-rinh-tô đã “yếu đuối và bị bệnh, cũng có khá nhiều người bị chết [về mặt thiêng liêng]”. Có lẽ một số người đã ăn uống quá độ trước hoặc trong Lễ Tưởng Niệm, đến nỗi không còn tỉnh táo và cũng không tỉnh thức về mặt thiêng liêng. Những ai dùng món biểu tượng cách không xứng đáng như thế đều không được Đức Chúa Trời chấp nhận.

12. (a) Phao-lô so sánh Lễ Tưởng Niệm với điều gì, và đưa ra lời cảnh báo nào cho những người dùng món biểu tượng? (b) Khi phạm tội trọng, người dùng món biểu tượng nên làm gì?

12 So sánh Lễ Tưởng Niệm với một bữa ăn, Phao-lô đưa ra lời cảnh báo cho những người dùng món biểu tượng: “Anh em không thể vừa uống ly của Đức Giê-hô-va vừa uống ly của ác thần; anh em không thể vừa dự ‘bàn của Đức Giê-hô-va’ vừa dự bàn của ác thần” (1 Cô 10:16-21). Đối với một người dùng món biểu tượng trong Bữa Ăn Tối của Chúa, nếu phạm tội trọng thì nên tìm sự giúp đỡ về mặt thiêng liêng. (Đọc Gia-cơ 5:14-16). Nhưng nếu “hành động chứng tỏ sự ăn năn”, tín đồ được xức dầu ấy không khinh thường sự hy sinh của Chúa Giê-su khi dùng món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm.—Lu 3:8.

13. Tại sao chúng ta được lợi ích khi cầu nguyện về hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho mình?

13 Khi chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm, mỗi cá nhân chúng ta sẽ được lợi ích nhờ việc cầu nguyện và ngẫm nghĩ về hy vọng mà Đức Chúa Trời ban cho mình. Các tôi tớ đã dâng mình cho Đức Giê-hô-va và môn đồ trung thành của Con ngài đều không muốn tỏ ra bất kính với sự hy sinh của Chúa Giê-su. Thế nên, họ sẽ không dùng các món biểu tượng trong Lễ Tưởng Niệm nếu không có bằng chứng rõ ràng cho thấy mình là tín đồ được xức dầu. Vậy, làm thế nào một người xác định mình có được dùng các món biểu tượng hay không?

AI NÊN DÙNG MÓN BIỂU TƯỢNG?

14. Giao ước mới có liên quan gì với việc dùng món biểu tượng của Lễ Tưởng Niệm?

14 Những ai dùng món biểu tượng của Lễ Tưởng Niệm tin chắc rằng họ dự phần trong giao ước mới. Chúa Giê-su nói về rượu: “Ly này tượng trưng cho giao ước mới, được lập bằng huyết tôi” (1 Cô 11:25). Qua nhà tiên tri Giê-rê-mi, Đức Chúa Trời báo trước ngài sẽ lập một giao ước mới khác với giao ước Luật pháp đã lập với dân Y-sơ-ra-ên. (Đọc Giê-rê-mi 31:31-34). Đức Chúa Trời đã lập giao ước mới với dân Y-sơ-ra-ên thiêng liêng (Ga 6:15, 16). Giao ước này có giá trị nhờ sự hy sinh của Đấng Ki-tô và có hiệu lực nhờ huyết ngài đổ ra (Lu 22:20). Chúa Giê-su là Đấng Trung Gian của giao ước mới, và những tín đồ trung thành được xức dầu dự phần trong giao ước này sẽ nhận sản nghiệp trên trời.—Hê 8:6; 9:15.

15. Ai dự phần trong giao ước Nước Trời, và đặc ân nào đang chờ đón nếu họ trung thành?

15 Những người được dùng món biểu tượng của Lễ Tưởng Niệm biết rằng họ dự phần trong giao ước Nước Trời. (Đọc Lu-ca 12:32). Những ai trở thành môn đồ được xức dầu của Chúa Giê-su, trung thành gắn bó và chịu khổ như ngài đều sẽ được cùng ngài cai trị trên trời (Phi-líp 3:10). Vì thuộc về giao ước Nước Trời, những người trung thành được xức dầu sẽ cai trị cùng Đấng Ki-tô với tư cách là vua trên trời đến muôn đời (Khải 22:5). Những người đó đều hội đủ điều kiện để dùng các món biểu tượng trong Bữa Ăn Tối của Chúa.

16. Xin giải thích ngắn gọn ý nghĩa của Rô-ma 8:15-17.

16 Chỉ những người được thần khí chứng nhận là con cái Đức Chúa Trời mới nên dùng các món biểu tượng của Lễ Tưởng Niệm. (Đọc Rô-ma 8:15-17). Hãy lưu ý Phao-lô dùng từ trong tiếng A-ram là “A-ba”, có nghĩa là “Cha ơi!”. Trẻ con có thể dùng từ này để gọi cha, vì đó là tiếng gọi thân thương, vừa thân mật vừa kính trọng. Từ này diễn tả mối quan hệ đặc biệt giữa những người được xức dầu với Đức Giê-hô-va khi thần khí giúp họ “được nhận làm con”. Thần khí cùng với lòng họ chứng nhận và giúp họ nhận ra mình là con cái được xức dầu của Đức Giê-hô-va. Điều đó không có nghĩa là họ không muốn sống trên đất. Họ biết chắc nếu trung thành đến chết, họ sẽ là những người đồng thừa kế với Chúa Giê-su trong Nước Trời. Ngày nay, chỉ có một số người còn sót lại trong 144.000 môn đồ theo dấu chân Đấng Ki-tô, tức những người “được xức dầu bởi Đấng Thánh”, Đức Giê-hô-va (1 Giăng 2:20, cước chú; Khải 14:1). Nhờ thần khí ngài, họ có thể gọi: “A-ba, Cha ơi!”. Đó quả là mối quan hệ quý giá mà họ có với Đức Chúa Trời!

HƯỞNG ỨNG HY VỌNG CỦA BẠN DỰA TRÊN KINH THÁNH

17. Hy vọng của những người được xức dầu là gì, và họ có cái nhìn thế nào về hy vọng đó?

17 Nếu là tín đồ được xức dầu, hy vọng lên trời là một đề tài quan trọng trong lời cầu nguyện riêng của bạn. Khi Kinh Thánh nói về việc được “hứa gả” cho Chàng Rể trên trời, tức Chúa Giê-su Ki-tô, bạn áp dụng điều đó cho chính mình và mong chờ được trở thành một phần “cô dâu” của Đấng Ki-tô (2 Cô 11:2; Giăng 3:27-29; Khải 21:2, 9-14). Khi Đức Chúa Trời bày tỏ tình yêu thương với con cái thiêng liêng qua Lời ngài, bạn sẽ đáp: “Điều này dành cho tôi”. Khi Lời Đức Giê-hô-va đưa ra chỉ dẫn cho con cái được xức dầu của ngài, thần khí thôi thúc bạn vâng lời và tự nhủ: “Điều này áp dụng cho tôi”. Vì thế, thần khí Đức Chúa Trời và lòng bạn cùng chứng nhận rằng bạn có hy vọng lên trời.

18. “Các chiên khác” có hy vọng nào, và bạn cảm thấy thế nào về hy vọng đó?

18 Mặt khác, nếu bạn ở trong số “đám đông” thuộc “các chiên khác”, Đức Chúa Trời đã ban cho bạn hy vọng sống trên đất (Khải 7:9; Giăng 10:16). Bạn muốn sống đời đời trong địa đàng, và vui thích khi suy ngẫm những điều Kinh Thánh nói về đời sống tương lai trên đất. Bạn trông mong hưởng sự bình an dư dật cùng với gia đình và những người công chính. Bạn háo hức chờ đợi thời kỳ khi sự đói kém, nghèo nàn, đau khổ, bệnh tật và sự chết không còn gây họa cho nhân loại nữa (Thi 37:10, 11, 29; 67:6; 72:7, 16; Ê-sai 33:24). Bạn thiết tha mong chờ được chào đón những người chết sống lại với viễn cảnh sống mãi mãi trên đất (Giăng 5:28, 29). Bạn biết ơn dường bao vì Đức Giê-hô-va đã ban phước cho bạn với hy vọng sống trên đất! Dù không dùng các món biểu tượng nhưng việc tham dự Lễ Tưởng Niệm là cách để bạn bày tỏ lòng biết ơn đối với sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô.

BẠN SẼ CÓ MẶT KHÔNG?

19, 20. (a) Làm thế nào hy vọng Đức Chúa Trời ban cho bạn có thể thành hiện thực? (b) Tại sao bạn sẽ tham dự Bữa Ăn Tối của Chúa?

19 Dù có hy vọng sống trên đất hay lên trời, hy vọng đó chỉ thành hiện thực nếu bạn thể hiện đức tin nơi Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Chúa Giê-su Ki-tô và giá chuộc. Khi tham dự Lễ Tưởng Niệm, bạn sẽ có cơ hội suy ngẫm về hy vọng của mình và tầm quan trọng lớn lao của cái chết Chúa Giê-su. Vì vậy, hãy đặt mục tiêu có mặt trong số hàng triệu người sẽ tham dự Bữa Ăn Tối của Chúa sau khi mặt trời lặn vào thứ sáu, ngày 3-4-2015, tại Phòng Nước Trời hay một địa điểm nào khác trên thế giới.

20 Tham dự Lễ Tưởng Niệm có thể giúp bạn gia tăng lòng biết ơn đối với sự hy sinh làm giá chuộc của Chúa Giê-su. Khi lắng nghe kỹ bài diễn văn, bạn có thể được thôi thúc bày tỏ tình yêu thương với người lân cận qua việc chia sẻ điều đã học về tình yêu thương và ý định cao cả của Đức Giê-hô-va đối với nhân loại (Mat 22:34-40). Vậy, hãy quyết tâm có mặt tại Bữa Ăn Tối của Chúa.

^ đ. 1 Với người Do Thái, một ngày bắt đầu sau khi mặt trời lặn, và kết thúc lúc mặt trời lặn hôm sau.