Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bắt chước đấng hứa ban sự sống vĩnh cửu

Bắt chước đấng hứa ban sự sống vĩnh cửu

“Là con cái yêu dấu của Đức Chúa Trời, anh em hãy bắt chước ngài”.Ê-PHÊ 5:1.

1. Khả năng nào có thể giúp chúng ta bắt chước các đức tính của Đức Chúa Trời?

Đức Giê-hô-va ban cho chúng ta một món quà, đó là khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác. Chúng ta có thể tưởng tượng ở một chừng mực nào đó về tình huống mà mình chưa bao giờ gặp phải. (Đọc Ê-phê-sô 5:1, 2). Làm thế nào chúng ta có thể dùng món quà này một cách khôn ngoan? Chúng ta nên làm gì để khả năng này không gây hại cho mình?

2. Nỗi đau khổ của chúng ta ảnh hưởng đến Đức Giê-hô-va như thế nào?

2 Chắc chắn, chúng ta vui mừng khi Đức Chúa Trời hứa ban sự bất tử ở trên trời cho những tín đồ trung thành được xức dầu và sự sống vĩnh cửu trên đất cho “các chiên khác” trung thành của Chúa Giê-su (Giăng 10:16; 17:3; 1 Cô 15:53). Dĩ nhiên, sự sống bất tử trên trời và sự sống vĩnh cửu trên đất sẽ không có những đau khổ. Nhưng cuộc sống của chúng ta ngày nay thì khác. Đức Giê-hô-va biết những nỗi đau mà chúng ta đang gặp phải, như ngài từng biết dân Y-sơ-ra-ên chịu khổ thế nào khi họ làm nô lệ ở Ai Cập. Quả thật, “hễ khi dân Ngài bị khốn-khổ, chính Ngài cũng khốn-khổ” (Ê-sai 63:9). Nhiều thế kỷ sau, người Do Thái sợ hãi khi kẻ thù chống đối việc họ tái thiết đền thờ, nhưng Đức Chúa Trời phán: “Ai đụng đến các ngươi tức là đụng đến con ngươi mắt Ngài” (Xa 2:8). Như một người mẹ yêu thương đứa con bé bỏng, Đức Giê-hô-va yêu thương dân ngài và muốn hành động vì lợi ích của họ (Ê-sai 49:15). Theo một nghĩa nào đó, Đức Giê-hô-va có thể đặt mình vào vị trí của người khác, và ngài ban cho chúng ta khả năng đó.—Thi 103:13, 14.

CHÚA GIÊ-SU PHẢN CHIẾU TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI NHƯ THẾ NÀO?

3. Điều gì cho thấy Chúa Giê-su có lòng trắc ẩn?

3 Chúa Giê-su cảm nhận được nỗi đau của người khác dù ngài chưa từng ở trong hoàn cảnh của họ. Chẳng hạn, những thường dân vào thời Chúa Giê-su rất sợ giới lãnh đạo tôn giáo, những người đã lừa gạt và đặt trên vai dân chúng nhiều luật lệ do con người đặt ra (Mat 23:4; Mác 7:1-5; Giăng 7:13). Dù không bao giờ sợ hãi hoặc bị lừa gạt nhưng Chúa Giê-su có thể hiểu được cảm xúc của dân chúng. Vì vậy, “khi thấy đoàn dân đông, ngài động lòng thương xót vì họ bị hà hiếp và bỏ rơi như chiên không có người chăn” (Mat 9:36). Giống như Cha ngài, Chúa Giê-su bày tỏ tình yêu thương và lòng trắc ẩn.—Thi 103:8.

4. Việc chứng kiến nỗi đau của người khác tác động thế nào đến Chúa Giê-su?

4 Khi nhìn thấy người ta khốn khổ, Chúa Giê-su được thôi thúc bày tỏ tình yêu thương với họ. Qua đó, ngài phản chiếu hoàn hảo tình yêu thương của Cha. Sau một chuyến rao giảng rộng lớn, Chúa Giê-su và các sứ đồ định đến nơi hẻo lánh để nghỉ ngơi một chút. Nhưng vì thương xót đoàn dân đông đang đợi ngài, Chúa Giê-su đã dành thời gian để “dạy họ nhiều điều”.—Mác 6:30, 31, 34.

LÀM THẾ NÀO CHÚNG TA CÓ THỂ BẮT CHƯỚC TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA?

5, 6. Để bắt chước tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta phải đối xử với người lân cận như thế nào? Hãy minh họa. (Xem hình nơi đầu bài).

5 Chúng ta có thể bắt chước tình yêu thương của Đức Chúa Trời trong cách đối xử với người lân cận. Để minh họa: Giả sử một tín đồ trẻ, tạm gọi là Alan, đang suy nghĩ về một anh lớn tuổi thấy khó đọc vì mắt kém và khó đi bộ rao giảng từng nhà. Alan nhớ đến những lời của Chúa Giê-su: “Anh em muốn người ta làm gì cho mình, hãy làm như vậy cho họ” (Lu 6:31). Vì thế, Alan tự hỏi: “Mình muốn người ta làm gì cho mình?”. Anh trả lời thẳng thắn là: “Mình muốn người ta chơi bóng với mình!”. Nhưng anh lớn tuổi đó sẽ không thể chơi bóng đúng không? Lời của Chúa Giê-su ngụ ý rằng chúng ta phải tự hỏi: “Mình muốn người lân cận làm gì cho mình nếu mình ở trong hoàn cảnh đó?”.

6 Dù chưa lớn tuổi, nhưng Alan có khả năng tưởng tượng những tình huống mà mình chưa từng trải qua. Alan quan sát anh lớn tuổi ấy và lắng nghe với lòng quan tâm. Dần dần, Alan hiểu rằng sẽ khó cho anh lớn tuổi ấy đọc Kinh Thánh và đi bộ rao giảng từng nhà. Khi cảm nhận được những khó khăn của anh ấy, Alan biết mình cần phải giúp gì, và anh muốn làm mọi điều có thể để giúp anh ấy. Chúng ta có thể làm tương tự. Để bắt chước tình yêu thương của Đức Chúa Trời, chúng ta phải đặt mình vào hoàn cảnh của người khác.—1 Cô 12:26.

Bắt chước Đức Giê-hô-va qua việc thể hiện tình yêu thương (Xem đoạn 7)

7. Làm thế nào chúng ta có thể hiểu được nỗi đau của người khác?

7 Đúng là không phải lúc nào cũng dễ để hiểu được nỗi đau mà người khác đang chịu đựng. Nhiều người phải đương đầu với những khó khăn mà chúng ta chưa từng gặp. Một số chịu nỗi đau về thể chất vì bị chấn thương, mắc bệnh hoặc lão hóa. Số khác đối mặt với nỗi đau về tinh thần vì bị trầm cảm, mắc chứng hoảng sợ hoặc bị ngược đãi trong quá khứ. Cũng có những người sống trong gia đình không cùng tôn giáo hoặc đơn thân nuôi con. Ai cũng phải đối mặt với vấn đề nào đó, và thường thì chúng ta chưa từng trải qua vấn đề mà người khác phải đương đầu. Trong trường hợp đó, làm thế nào chúng ta có thể bắt chước tình yêu thương của Đức Chúa Trời? Bằng cách chăm chú lắng nghe cho đến khi hiểu được cảm xúc của người khác, ít nhất là một phần. Điều này sẽ thôi thúc chúng ta bắt chước tình yêu thương của Đức Giê-hô-va qua việc hành động để đáp ứng nhu cầu của người ấy. Nhu cầu của mỗi người mỗi khác, nhưng chúng ta có thể khích lệ họ về thiêng liêng và hỗ trợ họ qua một số cách thực tế.—Đọc Rô-ma 12:15; 1 Phi-e-rơ 3:8.

BẮT CHƯỚC SỰ NHÂN TỪ CỦA ĐỨC GIÊ-HÔ-VA

8. Điều gì đã giúp Chúa Giê-su biểu lộ lòng nhân từ?

8 Con Đức Chúa Trời nói: ‘Đấng Tối Cao nhân từ với kẻ gian ác và vô ơn’ (Lu 6:35). Chúa Giê-su đã bắt chước sự nhân từ của Đức Chúa Trời. Điều gì giúp Chúa Giê-su đối xử nhân từ với người khác? Đó là ngài suy nghĩ trước về lời nói và hành động của mình có thể ảnh hưởng thế nào đến cảm xúc của người khác. Chẳng hạn, có một phụ nữ mang tiếng là người tội lỗi đến gần Chúa Giê-su. Bà khóc đến nỗi nước mắt của bà làm ướt chân ngài. Chúa Giê-su nhận thấy bà đã ăn năn về tội lỗi của mình, và ngài biết bà sẽ đau lòng đến mức nào nếu ngài đối xử thiếu nhân từ với bà. Thay vì xua đuổi, Chúa Giê-su đã khen và tha thứ cho bà. Khi một người Pha-ri-si tỏ vẻ bất bình về chuyện xảy ra, Chúa Giê-su cũng nói với ông một cách nhân từ.—Lu 7:36-48.

9. Điều gì có thể giúp chúng ta bắt chước sự nhân từ của Đức Chúa Trời? Hãy cho ví dụ.

9 Làm thế nào chúng ta có thể bắt chước sự nhân từ của Đức Chúa Trời? Chúng ta cần suy nghĩ trước khi mình nói hoặc làm một điều gì đó, nhờ thế chúng ta có thể mềm mại với người khác và không làm họ tổn thương. Sứ đồ Phao-lô viết rằng tín đồ đạo Đấng Ki-tô “không cần phải cãi cọ, nhưng cần phải mềm mại với mọi người” (2 Ti 2:24). Chẳng hạn, hãy nghĩ xem làm thế nào chúng ta có thể đối xử nhân từ trong những tình huống sau: Tại nơi làm việc, người quản lý của mình không hoàn thành tốt công việc. Chúng ta sẽ phản ứng ra sao? Một anh đi nhóm họp sau vài tháng vắng mặt. Chúng ta sẽ nói gì với anh ấy? Trong thánh chức, một chủ nhà nói: “Bây giờ tôi không có thời gian để nói chuyện”. Chúng ta có thông cảm không? Trong gia đình, người vợ hỏi: “Tại sao anh không nói cho em biết kế hoạch vào thứ bảy này?”. Người chồng sẽ phản ứng cách nhân từ không? Khi đặt mình vào hoàn cảnh của người khác và cố gắng suy nghĩ trước những điều mình nói có thể ảnh hưởng ra sao đến họ, chúng ta có thể biết cách để nói và hành động nhân từ giống như Đức Giê-hô-va.—Đọc Châm-ngôn 15:28.

BẮT CHƯỚC SỰ KHÔN NGOAN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

10, 11. Điều gì có thể giúp chúng ta bắt chước sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời? Hãy cho ví dụ.

10 Khả năng hình dung về những biến cố mà mình chưa từng trải qua cũng có thể giúp chúng ta bắt chước sự khôn ngoan của Đức Giê-hô-va, đồng thời thấy trước được kết quả có thể xảy ra nếu mình hành động như thế. Khôn ngoan là một trong những đức tính chính của Đức Giê-hô-va, và nếu muốn, ngài có thể thấy trước kết quả của hành động nào đó một cách chi tiết. Chúng ta không có khả năng thấy trước mọi điều như Đức Chúa Trời, nhưng chúng ta nên suy nghĩ những gì mình sắp làm có thể đưa đến kết quả nào. Dân Y-sơ-ra-ên đã không nghĩ đến hậu quả họ có thể phải gánh chịu khi bất tuân với Đức Chúa Trời. Dù Đức Chúa Trời đã làm nhiều điều cho dân Y-sơ-ra-ên, Môi-se vẫn biết rằng họ sẽ làm điều ác trước mắt Đức Giê-hô-va. Môi-se đã đọc những lời sau trong một bài ca cho toàn thể dân Y-sơ-ra-ên nghe: “[Họ] là một dân mất trí, trong lòng không có thông-minh! Chớ chi họ khôn-ngoan và hiểu được, ước gì nghĩ đến sự cuối cùng vẫn đợi họ!”.—Phục 31:29, 30; 32:28, 29.

11 Để bắt chước sự khôn ngoan của Đức Chúa Trời, chúng ta nên suy nghĩ, thậm chí hình dung trước hành động của mình có thể dẫn đến hậu quả gì. Chẳng hạn, nếu đang hẹn hò, chúng ta cần nhận ra sự hấp dẫn giới tính mạnh đến mức nào. Chúng ta sẽ không bao giờ muốn nghĩ đến hay làm bất cứ điều gì có thể gây nguy hại cho mối quan hệ quý giá của chúng ta với Đức Giê-hô-va. Thay vì thế, hãy hành động phù hợp với những lời được soi dẫn sau: “Người khôn-ngoan thấy điều tai-vạ, và ẩn mình; nhưng kẻ ngu-muội cứ đi luôn, và mắc phải vạ”.—Châm 22:3.

TRÁNH NHỮNG SUY NGHĨ CÓ HẠI

12. Việc suy nghĩ có thể gây hại cho chúng ta như thế nào?

12 Một người khôn ngoan sẽ nhận ra việc suy nghĩ có thể giống như một ngọn lửa. Nếu lửa được dùng đúng cách thì có thể hữu ích, chẳng hạn trong việc nấu ăn. Nhưng nếu không được kiểm soát thì lửa sẽ rất nguy hiểm, dẫn đến cháy nhà, gây thiệt hại về người và của. Tương tự, việc suy nghĩ sẽ hữu ích khi điều đó giúp chúng ta bắt chước Đức Giê-hô-va. Nhưng việc suy nghĩ có thể gây hại nếu nó nuôi dưỡng những ước muốn vô luân. Chẳng hạn, nếu chúng ta có thói quen nghĩ đến những hành vi sai trái thì điều này có thể khiến chúng ta làm những điều mà mình tưởng tượng. Thật vậy, việc buông mình trong những suy nghĩ vô luân có thể khiến một người chết về thiêng liêng!—Đọc Gia-cơ 1:14, 15.

13. Có lẽ Ê-va đã hình dung một đời sống như thế nào?

13 Hãy xem trường hợp của người đàn bà đầu tiên là Ê-va. Bà đã ấp ủ ước muốn ăn trái của “cây biết điều thiện và điều ác” mà Đức Giê-hô-va cấm (Sáng 2:16, 17). Con rắn nói với bà: “Hai ngươi chẳng chết đâu; nhưng Đức Chúa Trời biết rằng hễ ngày nào hai ngươi ăn trái cây đó, mắt mình mở ra, sẽ như Đức Chúa Trời, biết điều thiện và điều ác”. Ê-va “thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt”. Kết quả là gì? Ê-va “bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa” (Sáng 3:1-6). Đối với Ê-va, dường như có điều gì đó hấp dẫn trong ý tưởng mà Sa-tan đưa ra. Bà hình dung đời sống sẽ tốt đẹp hơn nhiều nếu tự quyết định điều thiện và điều ác. Lối suy nghĩ như thế thật tai hại biết bao! Bởi người chồng tội lỗi của Ê-va là A-đam mà “tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết”.—Rô 5:12.

14. Kinh Thánh giúp chúng ta tránh những hành vi sai trái như thế nào?

14 Tội lỗi mà Ê-va phạm trong vườn Ê-đen không liên quan đến quan hệ tình dục. Tuy nhiên, Chúa Giê-su cảnh báo về việc tiếp tục nghĩ đến những hình ảnh vô luân. Ngài nói: “Hễ ai cứ nhìn một phụ nữ và sinh lòng tham muốn thì trong lòng đã phạm tội ngoại tình với người ấy” (Mat 5:28). Ngoài ra, Phao-lô cũng cảnh báo: “Đừng toan tính làm thế nào để thỏa mãn những ham muốn xác thịt”.—Rô 13:14.

15. Chúng ta nên tích trữ loại của cải nào, và tại sao?

15 Một suy nghĩ nguy hiểm khác là tưởng tượng mình sẽ trở nên giàu có trong khi lại không quan tâm nhiều đến Đức Chúa Trời. Thật ra, “trong suy nghĩ của người giàu, của cải đó là một bức tường cao” (Châm 18:11, Đặng Ngọc Báu). Chúa Giê-su kể một câu chuyện cho thấy tình trạng đáng buồn của một người “tích lũy của cải cho mình mà không giàu có đối với Đức Chúa Trời” (Lu 12:16-21). Đức Giê-hô-va vui mừng khi chúng ta làm những điều đẹp lòng ngài (Châm 27:11). Khi tích trữ “của cải ở trên trời”, chúng ta sẽ hạnh phúc biết bao vì được ngài chấp nhận! (Mat 6:20). Chắc chắn là không điều gì quý giá bằng mối quan hệ mà chúng ta có với Đức Giê-hô-va.

KIỂM SOÁT SỰ LO LẮNG

16. Một cách để kiểm soát sự lo lắng là gì?

16 Hãy hình dung chúng ta sẽ lo lắng đến mức nào nếu dành hầu hết sức lực để tích trữ “của cải ở trên đất” (Mat 6:19). Chúa Giê-su đã dùng một minh họa để cho thấy “những mối lo lắng trong đời này và sự cám dỗ của giàu sang” có thể bóp nghẹt lời giảng về Nước của Đức Chúa Trời (Mat 13:18, 19, 22). Dù có thể không lo lắng về tiền bạc, một số người lại luôn tưởng tượng về những chuyện xấu có thể xảy đến với họ. Tuy nhiên, nếu không kiểm soát những mối lo lắng, chúng ta có thể bị nguy hại cả về thể chất lẫn thiêng liêng. Hãy tin cậy Đức Giê-hô-va và nhớ rằng “sự buồn-rầu ở nơi lòng người làm cho nao-sờn; nhưng một lời lành khiến lòng vui-vẻ” (Châm 12:25). Những lời tốt lành đầy khích lệ của những người hiểu chúng ta có thể khiến lòng chúng ta vui mừng. Tâm sự với những người có cùng quan điểm với Đức Chúa Trời, như cha mẹ, bạn đời hoặc một người bạn đáng tin cậy, có thể giúp chúng ta vơi bớt sự lo lắng.

17. Đức Giê-hô-va giúp chúng ta đối phó với lo lắng như thế nào?

17 Không ai hiểu những mối lo lắng của chúng ta bằng Đức Giê-hô-va. Phao-lô viết: “Đừng lo lắng bất cứ điều gì, nhưng trong mọi việc, hãy dùng lời cầu nguyện, nài xin và tạ ơn mà trình lời thỉnh cầu của anh em cho Đức Chúa Trời; rồi sự bình an của Đức Chúa Trời, là điều không ai hiểu thấu, sẽ bảo vệ lòng và trí của anh em qua Đấng Ki-tô Giê-su” (Phi-líp 4:6, 7). Hãy nghĩ đến những người đang giúp để bảo vệ chúng ta khỏi sự nguy hiểm về thiêng liêng, trong đó có anh em đồng đạo, trưởng lão, đầy tớ trung tín, thiên sứ, Chúa Giê-su và chính Đức Giê-hô-va.

18. Sự suy nghĩ có thể giúp chúng ta ra sao?

18 Như vừa thảo luận, khả năng suy nghĩ có thể giúp chúng ta bắt chước những đức tính của Đức Chúa Trời, chẳng hạn như tình yêu thương (1 Ti 1:11; 1 Giăng 4:8). Chúng ta sẽ hạnh phúc nếu bày tỏ tình yêu thương chân thật, suy nghĩ về hậu quả của những việc mình làm và tránh lo lắng, là điều sẽ cướp mất niềm vui của chúng ta. Vậy hãy tận dụng khả năng mà Đức Chúa Trời ban cho để hình dung về hy vọng trước mắt và bắt chước tình yêu thương, sự nhân từ, sự khôn ngoan cũng như sự vui mừng của Đức Giê-hô-va.—Rô 12:12.