Nuôi dạy con cái trong một thế giới buông thả
Nuôi dạy con cái trong một thế giới buông thả
Bạn có bao giờ nhìn thấy một đứa trẻ nằng nặc đòi món đồ chơi mà cha mẹ không muốn mua? Hoặc một đứa trẻ muốn chạy đi chơi nhưng cha mẹ thì bảo: “Ở yên đó!”? Bạn có thể hiểu rằng trong những trường hợp như thế, cha mẹ chỉ muốn điều tốt nhất cho con cái. Tuy nhiên, vì chúng cứ vòi vĩnh hoài nên cuối cùng cha mẹ thường nhượng bộ và chiều theo ý của con.
Dường như nhiều bậc cha mẹ tin rằng người cha người mẹ tốt thì phải chiều theo ý của con mình trong hầu hết mọi chuyện. Thí dụ, tại Mỹ, một cuộc thăm dò được tiến hành trên 750 trẻ em ở độ tuổi 12 đến 17. Khi được hỏi các em phản ứng thế nào nếu cha mẹ nói “không”, gần 60% trả lời là các em tiếp tục xin. Khoảng 55% cho biết “chiêu” này thường hiệu quả. Các bậc cha mẹ có thể nghĩ rằng sự dễ dãi là cách bày tỏ tình yêu thương. Nhưng có thật như thế không?
Chúng ta hãy xem một câu châm ngôn có từ rất lâu rồi: “Nếu cưng chiều kẻ nô lệ ngay từ thuở nhỏ, cuối cùng nó sẽ trở nên bạc nghĩa” (Châm-ngôn 29:21, Nguyễn Thế Thuấn). Đành rằng con trẻ không phải là nô lệ. Nhưng chắc chắn bạn đồng ý là nguyên tắc này vẫn được áp dụng trong việc nuôi dạy con cái. Nuông chiều và cho con cái mọi thứ chúng muốn có thể khiến chúng trở nên “bạc nghĩa” khi lớn lên—hư hỏng, ngang bướng và vô ơn.
Ngược lại, Kinh Thánh khuyên các bậc cha mẹ: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo” (Châm-ngôn 22:6). Các bậc cha mẹ khôn ngoan làm theo lời khuyên này. Họ đưa ra những luật rõ ràng, nhất quán và hợp lý, rồi bắt buộc con trẻ vâng theo. Họ không lẫn lộn giữa tình yêu thương và sự dễ dãi, cũng không chiều theo ý con chỉ vì chúng cứ nhõng nhẽo, vòi vĩnh hoặc giận dỗi. Ngược lại, họ đồng tình với lời nói khôn ngoan sau của Chúa Giê-su: “Phải thì nói phải, không thì nói không” (Ma-thi-ơ 5:37, Bản Dịch Mới). Vậy thì, dạy dỗ con cái bao hàm điều gì? Chúng ta hãy cùng xem một minh họa sống động.
“Mũi tên nơi tay dõng-sĩ”
Cách Kinh Thánh minh họa mối quan hệ giữa cha mẹ với con cái cho thấy rõ trẻ con cần sự hướng dẫn của cha mẹ. Thi-thiên 127:4, 5 nói: “Con trai sanh trong buổi đang-thì, khác nào mũi tên nơi tay dõng-sĩ. Phước cho người nào vắt nó đầy gùi mình!”. Con trẻ được ví như mũi tên, còn cha mẹ chính là người dõng sĩ. Một người bắn cung biết mũi tên không thể nào tự nhiên trúng đích. Tương tự thế, các bậc cha mẹ yêu thương nhận ra rằng nuôi dạy con cái không phải là chuyện muốn sao cũng được. Họ muốn con cái đạt đến “đích”: trở thành những người có trách nhiệm, sống hạnh phúc và thỏa nguyện. Họ cũng muốn con mình có những quyết định đúng, sống khôn ngoan và tránh những vấn đề không cần thiết, cũng như đạt được những mục tiêu quan trọng. Nhưng chỉ muốn như thế thôi thì chưa đủ.
Để bay trúng đích, mũi tên cần phải như thế nào? Người ta phải chuẩn bị mũi tên kỹ lưỡng, bảo vệ nó cẩn thận cũng như giương mạnh cung và nhắm thẳng đến mục tiêu. Tương tự thế, con cái cần được chuẩn bị kỹ, được bảo vệ và hướng dẫn để thành công trên đường đời. Chúng ta hãy lần lượt xem xét ba khía cạnh của việc nuôi dạy con cái.
Chuẩn bị mũi tên kỹ lưỡng
Mũi tên của các người bắn cung vào thời Kinh Thánh được chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Thân của tên có lẽ được làm bằng loại gỗ nhẹ. Người ta phải dùng tay chuốt nó càng thẳng càng tốt. Mũi của tên phải thật nhọn. Còn đuôi tên có gắn lông chim để ổn định hướng bay, giúp nó đi thẳng.
Cha mẹ muốn con cái họ giống như những mũi tên thẳng—trở thành người chính trực và không bị lầm đường lạc lối. Thế nên, bậc cha mẹ khôn ngoan sẽ không nhắm mắt làm ngơ trước lỗi lầm nghiêm trọng của con, nhưng yêu thương giúp đỡ con mình sửa chữa và vượt qua những sai lầm đó. Với bất cứ đứa trẻ nào, cha mẹ cũng luôn cần phải làm thế vì “sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ” (Châm-ngôn 22:15). Vì thế, Kinh Thánh khuyên các bậc cha mẹ hãy sửa phạt con cái (Ê-phê-sô 6:4). Thật vậy, sự sửa phạt đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành và uốn nắn tâm trí cũng như tính cách của trẻ.
Không ngạc nhiên gì khi Châm-ngôn 13:24 nói: “Người nào kiêng roi-vọt ghét con trai mình; song ai thương con ắt cần lo sửa-trị nó”. Trong câu này, roi vọt tượng trưng cho một cách để sửa sai, dù dưới hình thức nào đi nữa. Khi sửa trị cách yêu thương, cha mẹ cố gắng sửa sai lỗi lầm của con. Đây là những lỗi mà nếu để ăn sâu vào lòng con trẻ, chúng có thể khiến các em đau khổ khi lớn lên. Thật vậy, không sửa trị đồng nghĩa với việc ghét con, nhưng sửa trị mới chính là hành động yêu thương.
Bậc cha mẹ yêu thương cũng giúp con trẻ hiểu lý do họ đặt ra các luật lệ. Vì thế, sự sửa phạt không chỉ là đưa ra mệnh lệnh và thi hành biện pháp trừng phạt, mà quan trọng hơn nữa là giúp con hiểu tại sao có luật ấy. Nhờ đó, con cái có thể hành động cách khôn ngoan. Kinh Thánh cho biết: “Ai giữ luật-pháp là con trai khôn-ngoan”.—Châm-ngôn 28:7.
Người bắn cung gắn chặt lông chim vào tên để chúng có thể bay thẳng sau khi được bắn. Tương tự, những dạy dỗ của Kinh Thánh—đến từ Đấng thiết lập gia đình—có thể ở cùng con trẻ ngay cả sau khi các em rời nhà, và tiếp tục mang lại lợi ích cho suốt cả cuộc đời các em (Ê-phê-sô 3:14, 15). Tuy nhiên, làm sao cha mẹ có thể chắc chắn rằng những dạy dỗ đó thật sự “gắn chặt” vào lòng con mình?
Hãy chú ý đến lời khuyên Đức Chúa Trời dành cho các bậc cha mẹ người Do Thái vào thời Môi-se: “Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi; khá ân-cần dạy-dỗ điều đó cho con-cái ngươi” (Phục-truyền Luật-lệ Ký 6:6, 7). Vì thế, cha mẹ cần làm hai điều. Trước hết, họ cần tự học và áp dụng Lời Đức Chúa Trời cho chính mình, càng ngày càng yêu mến luật pháp Ngài (Thi-thiên 119:97). Rồi họ mới có thể áp dụng phần thứ hai của câu Kinh Thánh này: “ân-cần dạy-dỗ” con cái mình luật pháp của Đức Chúa Trời. Điều này có nghĩa là khắc ghi giá trị của những luật lệ đó vào lòng con trẻ qua những cách dạy dỗ hữu hiệu và thường xuyên lặp đi lặp lại.
Rõ ràng, dạy dỗ con cái các nguyên tắc Kinh Thánh và yêu thương sửa sai lỗi lầm nghiêm trọng của các em không bao giờ là chuyện lỗi
thời. Đây là những cách thiết yếu để chuẩn bị cho con cái, các “mũi tên” quý giá, có thể bay thẳng và đúng hướng trong chuyến hành trình vào đời.Bảo vệ mũi tên
Chúng ta hãy trở lại minh họa được ghi nơi Thi-thiên 127:4, 5. Hãy lưu ý là người bắn cung đã đựng các mũi tên “đầy gùi mình”. Sau khi được chuẩn bị, mũi tên cũng phải tiếp tục được bảo vệ. Vì thế, người bắn cung phải đựng chúng trong cái gùi, hay bao tên. Nhờ đó, chúng sẽ không bị hư hoặc gãy. Điều đáng chú ý là Kinh Thánh đã tiên tri rằng Đấng Mê-si giống như một mũi tên nhọn, được Cha ngài “giấu. . . trong bao tên” (Ê-sai 49:2). Giê-hô-va Đức Chúa Trời, Người Cha vô cùng yêu thương, đã thật sự bảo vệ con yêu dấu của Ngài là Chúa Giê-su khỏi mọi nguy hại cho đến đúng thời điểm mà Đấng Mê-si phải chết như được tiên tri. Thậm chí sau đó, Đức Chúa Trời còn bảo vệ Chúa Giê-su khỏi cái chết vĩnh viễn, làm sống lại và mang ngài về trời để sống bất tử.
Tương tự, các bậc cha mẹ tốt muốn bảo vệ con cái của họ khỏi những nguy hiểm trong thế giới bại hoại này. Cha mẹ có thể phải cấm một số hoạt động khiến con cái rơi vào những ảnh hưởng không cần thiết và tai hại. Thí dụ, cha mẹ khôn ngoan nên xem trọng nguyên tắc này: “Bạn-bè xấu làm hư thói-nết tốt” (1 Cô-rinh-tô 15:33). Khi giữ cho con cái không giao du với những người thiếu tôn trọng các tiêu chuẩn đạo đức của Kinh Thánh, cha mẹ sẽ giúp con không phạm phải những sai lầm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng, hoặc thậm chí gây nên cái chết.
Con trẻ không luôn luôn quý sự che chở của cha mẹ. Thật thế, đôi khi chúng có thể còn tỏ ra bực bội, vì bảo vệ con cái thường có nghĩa là bạn phải nói “không” trong nhiều trường hợp. Một tác giả nổi tiếng viết những sách về việc nuôi dạy con cái đã bình luận như sau: “Dù con cái không luôn luôn bày tỏ sự quý trọng và có thể cũng không cám ơn bạn vào lúc đó, nhưng chúng thật sự muốn bạn che chở và sắp xếp cho đời sống của chúng. Chúng ta có thể làm thế bằng cách sử dụng quyền hành của cha mẹ để đặt ra giới hạn trong lối cư xử của con”.
Thật vậy, cách thiết yếu để cho thấy bạn yêu con là bảo vệ chúng khỏi những điều có thể cướp mất sự bình an và tính ngây thơ, cũng như sự trong sạch của con trước mặt Đức Chúa Trời. Dần dần con cái có thể hiểu được lý do tại sao có các luật lệ, và sẽ biết ơn sự che chở đầy yêu thương của bạn.
Nhắm mũi tên
Hãy lưu ý Thi-thiên 127:4, 5 ví cha mẹ như “dõng-sĩ”. Có phải điều này nghĩa là chỉ người cha mới có thể thi hành tốt vai trò làm cha mẹ không? Không phải vậy. Nguyên tắc trong minh họa này áp dụng cho cả cha lẫn mẹ—cũng như cho cha mẹ đơn chiếc (Châm-ngôn 1:8). Từ “dõng-sĩ” cho thấy người bắn cung phải có sức mạnh đáng kể để bắn tên ra khỏi cung. Vào thời Kinh Thánh, một vài phần của cung thường được bọc đồng, và người lính phải “giương cung” (theo nguyên ngữ là “đạp chân lên cung”)—có lẽ dùng chân đè lên phần giữa hoặc giữ một đầu cung để ông có thể căng dây cung (Giê-rê-mi 50:14, 29). Rõ ràng, người bắn cung cần dùng sức mạnh và nỗ lực kéo căng dây về phía sau để bắn tên đến mục tiêu!
Tương tự, nuôi dạy con cái đòi hỏi nhiều nỗ lực. Chúng không thể tự nuôi nấng mình, giống như mũi tên không thể tự bay đến trúng đích. Đáng buồn thay, nhiều cha mẹ ngày nay dường như không sẵn lòng dốc hết nỗ lực để nuôi dạy con cái đúng cách. Họ chọn cách dễ dàng hơn. Đó là để cho ti-vi, trường học và bạn bè dạy con cái mình về điều đúng điều sai, cũng như về tiêu chuẩn đạo đức và tính dục. Họ cho con cái bất cứ điều gì chúng muốn. Và khi thấy khó để nói “không”, họ đành chấp nhận—thường biện minh là vì không muốn làm con cái tổn thương. Trên thực tế, sự dễ dãi của họ lại gây tổn hại lâu dài cho con.
Nuôi dạy con cái là công việc khó nhọc. Hết lòng làm công việc này dưới sự hướng dẫn của Lời Đức Chúa Trời đòi hỏi nhiều nỗ lực, nhưng phần thưởng thì vô giá. Tạp chí Parents cho biết: “Các cuộc nghiên cứu. . . nhận thấy rằng những đứa trẻ được nuôi dạy bởi cha mẹ yêu thương và biết sử dụng quyền hành—ủng hộ con cái nhưng luôn giữ vững các giới hạn đặt ra—thì học hành xuất sắc, biết hòa đồng, có lòng tự trọng và hạnh phúc hơn những đứa trẻ có cha mẹ quá dễ dãi hoặc quá khắt khe”.
Còn có một phần thưởng lớn hơn nữa. Chúng ta đã xem phần đầu của Châm-ngôn 22:6: “Hãy dạy cho trẻ-thơ con đường nó phải theo”. Những lời tiếp theo của câu này thật ấm lòng: “Dầu khi nó trở về già, cũng không hề lìa-khỏi đó”. Có phải câu châm ngôn được Đức Chúa Trời soi dẫn này đảm bảo rằng cha mẹ sẽ luôn thành công trong việc nuôi dạy con? Không nhất thiết như thế. Con bạn có quyền tự do và sẽ tự quyết định khi lớn lên. Nhưng câu này cho cha mẹ một lời đảm bảo đầy yêu thương. Đó là gì?
Nếu dạy dỗ con cái dựa trên lời khuyên của Kinh Thánh, bạn đang tạo ra một môi trường tốt nhất đem lại kết quả tuyệt vời—nhìn thấy con bạn lớn lên thành người có trách nhiệm, sống hạnh phúc và thỏa nguyện (Châm-ngôn 23:24). Vậy, hãy quyết tâm chuẩn bị những “mũi tên” quý giá của bạn, bảo vệ và nhắm chúng thẳng đến mục tiêu. Bạn sẽ không bao giờ hối tiếc!
[Hình nơi trang 13]
Cha mẹ có yêu thương không khi chiều theo mọi ý muốn của con?
[Hình nơi trang 15]
Cha mẹ yêu thương nên giải thích lý do khi đặt ra các luật lệ trong gia đình
[Hình nơi trang 15]
Bậc cha mẹ tốt phải bảo vệ con cái khỏi những nguy hiểm trong thế giới bại hoại này
[Hình nơi trang 16]
Nuôi dạy con cái là công việc khó nhọc, nhưng phần thưởng thì vô giá