Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bí quyết giúp gia đình hạnh phúc

Dàn xếp mối bất đồng

Dàn xếp mối bất đồng

Chồng hỏi: “Các con đâu rồi em?”

Vợ đáp: “Đi sắm quần áo rồi.”

Chồng bực mình và lên giọng: “Em nói sao? Sắm quần áo nữa hả? Mới mua tháng trước rồi còn gì!”

Vợ chống chế vì có cảm giác như bị chê trách: “Bây giờ là mùa hạ giá mà! Dù sao đi nữa, các con có xin phép em rồi, và em đã đồng ý.”

Chồng mất bình tĩnh và to tiếng: “Anh không thích các con tiêu tiền mà không hỏi ý anh! Đâu phải em không biết điều đó! Sao em lại tự quyết mà chẳng hề nói với anh một tiếng?”

Theo bạn, qua cuộc đối thoại trên, cặp vợ chồng ấy có vấn đề gì? Rõ ràng là người chồng thiếu tính tự chủ. Bên cạnh đó, họ không thống nhất về quyền hạn của con cái. Ngoài ra, dường như họ cũng không biết cách trò chuyện nên không hiểu ý nhau.

Không có cuộc hôn nhân nào hoàn hảo. Gia đình nào cũng có vấn đề. Điều tối quan trọng là vợ chồng phải tập dàn xếp những mối bất đồng dù lớn hay nhỏ. Vì sao thế?

Với thời gian, những vấn đề không được giải quyết có thể trở thành rào cản tạo khoảng cách giữa hai vợ chồng. Thời xưa, một vị vua khôn ngoan tên Sa-lô-môn đã nhận xét: “Các cuộc cãi vã tựa như then cài cửa lũy đồn” (Châm-ngôn 18:19, Tòa Tổng Giám Mục). Vậy, làm sao có thể tháo “then cài cửa” để trò chuyện cởi mở khi xảy ra bất đồng?

Nếu việc trò chuyện đóng vai trò mấu chốt trong hôn nhân, thì tình yêu thương và lòng tôn trọng cũng không kém phần quan trọng (Ê-phê-sô 5:33). Thật thế, khi có bất đồng, những cặp vợ chồng yêu thương nhau sẽ không nhắc lại chuyện cũ cũng như khơi lại vết thương lòng, nhưng tập trung vào vấn đề trước mắt (1 Cô-rinh-tô 13:4, 5; 1 Phi-e-rơ 4:8). Nếu tôn trọng nhau, họ sẽ để cho người hôn phối tự do bày tỏ cảm nghĩ và cố gắng hiểu người kia thật sự muốn nói gì.

Bốn bước dàn xếp mối bất đồng

Mời bạn tham khảo bốn bước dưới đây và để ý xem làm thế nào những nguyên tắc Kinh Thánh có thể giúp bạn dàn xếp mối bất đồng với tinh thần yêu thương và thái độ tôn trọng.

1. Chọn lúc để bàn bạc vấn đề.

“Phàm sự gì có thì-tiết;. . . có kỳ nín-lặng, có kỳ nói ra” (Truyền-đạo 3:1, 7). Như trong cuộc đối thoại trên, một số vấn đề có thể khiến bạn dễ mất tự chủ. Nếu thế, bạn hãy kiềm lòng để tạm ngưng cuộc nói chuyện, tức “nín-lặng”, trước khi nổi nóng. Bạn có thể giữ cho mối quan hệ giữa vợ chồng không bị rạn nứt nếu làm theo lời khuyên sau đây của Kinh Thánh: “Khởi đầu tranh-cạnh, ấy như người ta mở đường nước chảy; vậy, khá thôi cãi-lẫy trước khi đánh lộn”.—Châm-ngôn 17:14.

Tuy nhiên, cũng có “kỳ nói ra”. Như cỏ dại không được nhổ đi thì sẽ mọc lan tràn, một vấn đề không được giải quyết cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề khác. Vì vậy, đừng bỏ qua vấn đề ấy và hy vọng với thời gian nó sẽ tự biến mất. Nếu đã ngưng cuộc nói chuyện đang có chiều hướng dẫn đến cãi vã, hãy chọn lúc khác để sớm bàn lại vấn đề. Làm thế là thể hiện lòng tôn trọng người bạn đời. Điều này cũng có thể giúp vợ chồng bạn làm theo tinh thần của lời khuyên: “Chớ căm-giận cho đến khi mặt trời lặn” (Ê-phê-sô 4:26). Dĩ nhiên, sau đó bạn phải giữ hẹn.

HÃY THỬ XEM: Định thời điểm cụ thể hằng tuần để bàn bạc những vấn đề trong gia đình. Nếu nhận thấy mình thường dễ cáu gắt vào lúc nào đó, chẳng hạn như khi vừa đi làm về hoặc trước giờ ăn, hãy thỏa thuận với nhau là tránh đề cập bất cứ vấn đề nào vào những lúc như thế. Thay vì vậy, hãy chọn thời điểm khi cả hai đều cảm thấy dễ chịu.

2. Bày tỏ quan điểm cách thật lòng và với thái độ tôn trọng.

“Hãy nói thật với kẻ lân-cận mình” (Ê-phê-sô 4:25). Đối với những người đã lập gia đình, người lân cận gần nhất chính là bạn đời. Vậy, hãy thật lòng với người hôn phối và nói rõ cảm xúc của mình. Chị Mai * đã kết hôn 26 năm nói: “Khi mới lấy nhau, mỗi lần có chuyện, tôi cứ nghĩ chồng tôi đương nhiên phải hiểu hết cảm xúc của tôi lúc ấy. Sau này, tôi nhận ra rằng suy nghĩ đó hoàn toàn không thực tế. Giờ thì tôi cố gắng nói rõ với anh ấy suy nghĩ và cảm xúc của mình”.

Khi giải quyết mối bất đồng, hãy nhớ rằng mục tiêu của bạn không phải là để giành phần thắng, nhưng để người hôn phối hiểu cảm nghĩ của mình. Để làm được điều này, hãy nêu rõ vấn đề, cho biết thời điểm vấn đề nảy sinh, và sau đó bày tỏ cảm xúc của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn thấy khó chịu vì tính bừa bộn của người hôn phối, bạn có thể nhẹ nhàng nói: “Lúc mới đi làm về, anh cởi áo và không nhớ treo lên [cho biết thời điểm vấn đề]. Em cảm thấy phí công dọn dẹp nhà cửa cho gọn ghẽ [nói rõ cảm xúc]”. Sau đó, hãy tế nhị đưa ra giải pháp.

HÃY THỬ XEM: Để sắp xếp ý tưởng trước khi nói chuyện với người hôn phối, hãy ghi ra những điều bạn cho là vấn đề và giải pháp của bạn.

3. Lắng nghe và cố gắng hiểu cảm xúc của người hôn phối.

Môn đồ Gia-cơ từng viết cho anh em đồng đạo rằng họ phải “mau nghe mà chậm nói, chậm giận” (Gia-cơ 1:19). Trong hôn nhân, không gì buồn bằng khi có cảm giác người bạn đời không hiểu được cảm xúc của mình. Vì vậy, đừng làm cho người hôn phối của bạn có cảm giác như thế!—Ma-thi-ơ 7:12.

Anh Quang đã lập gia đình 35 năm cho biết: “Khi bàn bạc với vợ một vấn đề nào đó, tôi cảm thấy khó mà bình tĩnh, nhất là khi thấy vợ không hiểu lối suy nghĩ của mình”. Chị Đài đã kết hôn 20 năm tâm sự: “Tôi thường than phiền với chồng là anh ấy không thật sự lắng nghe khi chúng tôi nói về chuyện nhà”. Thế thì làm sao để vợ chồng hiểu nhau hơn?

Đừng tự cho rằng bạn đã biết suy nghĩ và cảm xúc của người hôn phối. Kinh Thánh nói: “Kiêu ngạo chỉ sinh điều cãi cọ; còn khôn ngoan thuộc về người chịu nghe lời cố vấn” (Châm-ngôn 13:10, Bản Dịch Mới). Hãy biểu lộ lòng tôn trọng bạn đời bằng cách để cho họ nói hết cảm nghĩ và không ngắt lời họ. Sau đó, để chắc chắn là bạn đã hiểu đúng ý, hãy lặp lại những gì bạn vừa nghe nhưng đừng mỉa mai hay châm chọc. Hãy sẵn sàng để người hôn phối góp ý nếu bạn chưa hiểu đúng. Đừng giành phần nói hết, nhưng hãy nhường lời nhau và trò chuyện cho đến khi cả hai đều cảm thấy đã hiểu suy nghĩ và cảm xúc của nhau.

Muốn chăm chú lắng nghe và hiểu quan điểm của người hôn phối, đành rằng bạn cần có tính khiêm nhường và kiên nhẫn, nhưng nếu chủ động bày tỏ lòng tôn trọng như thế, bạn sẽ dễ dàng được người hôn phối tôn trọng hơn.—Ma-thi-ơ 7:2; Rô-ma 12:10.

HÃY THỬ XEM: Khi lặp lại lời người hôn phối nói, đừng lặp lại nguyên văn. Với thái độ đồng cảm, hãy cố gắng diễn lại những gì bạn đã hiểu về lời nói và cảm xúc của người kia.—1 Phi-e-rơ 3:8.

4. Cùng chọn giải pháp.

“Hai người hơn một, vì họ sẽ được công-giá tốt về công-việc mình. Nếu người nầy sa-ngã, thì người kia sẽ đỡ bạn mình lên” (Truyền-đạo 4:9, 10). Khó có thể giải quyết được những vấn đề trong hôn nhân nếu hai vợ chồng không chung sức và hỗ trợ lẫn nhau.

Đức Giê-hô-va đã giao cho người chồng trách nhiệm làm chủ gia đình (1 Cô-rinh-tô 11:3; Ê-phê-sô 5:23). Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chồng chúa vợ tôi. Một người chồng khôn khéo thì không quyết định một cách độc đoán. Anh David đã lấy vợ được 20 năm nói: “Tôi cố gắng tìm điểm chung giữa mình và vợ, rồi đi đến quyết định mà hai bên đều đồng ý”. Chị Tanya đã kết hôn bảy năm nói: “Vấn đề không phải ai đúng ai sai. Đôi khi có nhiều cách để giải quyết một vấn đề. Tôi nhận thấy điều quan trọng nhất là biết nhường nhịn nhau và có tính phải lẽ”.

HÃY THỬ XEM: Tạo cho gia đình có tinh thần hợp tác bằng cách cùng nhau ghi ra các giải pháp cho một vấn đề. Khi đã ghi xong, hãy xem lại và chọn thực hiện giải pháp mà hai bên đều đồng ý. Sau đó, hãy ấn định thời điểm cụ thể để xem cả hai có thực hiện giải pháp đó hay không và hiệu quả thế nào.

Chung vai sát cánh

Nói về hôn nhân, Chúa Giê-su từng dạy: “Loài người không nên phân-rẽ những kẻ mà Đức Chúa Trời đã phối-hiệp!” (Ma-thi-ơ 19:6). Cụm từ “phối-hiệp” được dịch từ chữ Hy Lạp có nghĩa là “đặt dưới cùng một ách”. Thời ấy, ách là một đòn gỗ được đặt trên vai hai con vật để chúng cùng kéo cày hoặc một vật nặng. Nếu không chịu kéo chung thì chúng không thể thực hiện công việc. Hơn nữa, cái ách sẽ cọ trên cổ và gây khó chịu cho chúng. Ngược lại, nếu chịu làm việc chung, chúng có thể kéo được những vật nặng hoặc cày được ruộng.

Tương tự thế, nếu thiếu tinh thần hợp tác, một cặp vợ chồng sẽ gặp khó khăn trong hôn nhân như thể bị cái ách cọ vào cổ. Trái lại, khi hợp sức với nhau, họ có thể giải quyết hầu hết mọi vấn đề và đi đến thành công. Anh Khang, một người chồng có gia đình hạnh phúc, đúc kết như sau: “Suốt 25 năm qua, vợ chồng tôi dàn xếp những mối bất đồng bằng cách thật lòng trò chuyện với nhau, đặt mình vào hoàn cảnh của người kia, cầu xin Đức Giê-hô-va giúp đỡ và áp dụng các nguyên tắc Kinh Thánh”. Bạn hãy thử xem sao.

HÃY TỰ HỎI:

  • Trong những vấn đề cần bàn với người hôn phối, tôi thấy vấn đề nào cần nhất?

  • Làm sao biết chắc là tôi hiểu cảm xúc thật của người hôn phối về việc này?

  • Nếu cứ muốn làm theo ý mình, tôi có thể gây ra những vấn đề nào?

^ đ. 17 Một số tên đã đổi.