Khi mất người thân
Khi mất người thân
Vào khoảng 7 giờ tối thứ ba, ngày 17-7-2007, tại sân bay sầm uất nhất của Brazil, ngay trung tâm thành phố São Paulo, một máy bay chở khách đã trượt khỏi đường băng, băng qua đại lộ và đâm sầm vào một kho hàng. Có khoảng 200 người tử vong trong tai nạn đó.
Tai nạn máy bay này được xem là lớn nhất ở Brazil. Thảm họa trên để lại nỗi đau khôn nguôi cho những ai mất người thân vào tối hôm ấy. Trong số đó có bà Claudete. Khi bà đang xem truyền hình thì chương trình thời sự đưa tin về tai nạn máy bay này. Đó chính là chuyến bay của con trai bà, Renato. Anh ấy mới 26 tuổi và chỉ còn khoảng ba tháng nữa là tới ngày cưới của anh. Bà cuống cuồng tìm cách liên lạc với con qua điện thoại di động, nhưng mãi vẫn không nghe được tiếng con trai. Thế là bà ngã quỵ xuống sàn, nước mắt không ngừng tuôn trào.
Vào tháng Giêng năm 1986, một tai nạn giao thông đã cướp đi người chồng sắp cưới của chị Antje. Vừa nghe tin, chị như chết lặng. Chị cho biết: “Lúc đầu tôi không chịu tin. Tôi cứ nghĩ đó chỉ là một cơn ác mộng, và khi thức giấc thì mọi việc sẽ trở lại bình thường. Cả người tôi run rẩy và ruột đau như thắt”. Suốt ba năm sau đó, chứng trầm cảm luôn đeo đẳng chị. Dù hơn 20 năm đã trôi qua, nhưng mỗi khi nhớ lại chị vẫn rùng mình.
Khi mất người thân trong những hoàn cảnh bất ngờ và đau thương như trên, người ta thường rơi vào tâm trạng khủng hoảng, khó tin, tê tái tâm hồn và tuyệt vọng. Không bút mực nào tả được những cảm xúc kinh khủng đó. Ngay cả khi biết trước rằng người thân sẽ ra đi, chẳng hạn vì bị bệnh nặng lâu ngày, chúng ta vẫn đau đớn không kém. Dù cho có chuẩn bị tinh thần đi nữa, không ai có thể bình thản đón nhận cái chết của người thân. Trường hợp của chị Nanci chứng minh điều này. Đời sống của mẹ chị khép lại vào năm 2002 sau một thời gian dài nằm bệnh. Thế nhưng, vào ngày mẹ chị nhắm mắt, chị đã sụm gối xuống và ngồi thừ trên sàn bệnh viện như người mất hồn. Dường như cuộc đời chị không còn ý nghĩa gì nữa. Đã 5 năm trôi qua mà chị vẫn rơi lệ mỗi khi nhớ đến mẹ.
Bác sĩ Holly G. Prigerson cho biết: “Người ta không thể xóa bỏ nỗi mất mát, họ chỉ có thể sống với nó”. Dù sự mất mát này đến bất ngờ hoặc đã được dự báo trước, hẳn bạn thắc mắc: Đau buồn có gì sai không? Làm sao đương đầu với nỗi đau khi mất người thân? Có bao giờ được gặp lại người đã khuất không? Bài kế tiếp sẽ giải đáp những thắc mắc này và những câu hỏi khác của bạn.
[Nguồn tư liệu nơi trang 3]
EVERTON DE FREITAS/AFP/Getty Images