Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

“Chúng ta sẽ ăn gì?”

“Chúng ta sẽ ăn gì?”

“Chúng ta sẽ ăn gì?”

Vào thời Chúa Giê-su, ăn uống là đề tài mà người ta thường xuyên bàn luận đến. Phép lạ đầu tiên của Chúa Giê-su là biến nước thành rượu, và hai dịp khác ngài đã cung cấp thức ăn cho hàng ngàn người chỉ với vài ổ bánh và mấy con cá (Ma-thi-ơ 16:7-10; Giăng 2:3-11). Người ta cũng biết Chúa Giê-su thường dùng bữa với người nghèo và cũng dự tiệc với người giàu. Kẻ thù của ngài đã lợi dụng điểm đó để lên án ngài là kẻ tham ăn mê uống (Ma-thi-ơ 11:18, 19). Dĩ nhiên, Chúa Giê-su không phải là người như thế. Nhưng vì ngài biết người ta rất quan tâm đến việc ăn uống nên đã khéo léo dùng đề tài này làm minh họa cho những sự dạy dỗ sâu sắc hơn về Đức Chúa Trời.—Lu-ca 22:14-20; Giăng 6:35-40.

Thời Chúa Giê-su, người ta thường ăn và uống gì? Họ chuẩn bị thức ăn như thế nào? Có mất nhiều thời gian và công sức hay không? Biết câu trả lời sẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về một số sự kiện và các từ ngữ trong các sách Phúc âm.

Xin cho “hôm nay đồ ăn đủ ngày”

Khi dạy môn đồ cách cầu nguyện, Chúa Giê-su cho thấy không có gì sai khi cầu xin Đức Chúa Trời về những nhu cầu thiết yếu hàng ngày—“đồ ăn đủ ngày” (Ma-thi-ơ 6:11). Trong tiếng Do Thái cổ và Hy Lạp, khi nói “dùng bữa” thì có nghĩa đen là “ăn bánh mì”, vì bánh mì là thực phẩm thông dụng và quan trọng trong các món ăn thời ấy. Để làm bánh mì, người ta thường dùng các loại ngũ cốc như lúa mì, lúa mì spelt, lúa mạch, yến mạch và hạt kê. Vào thế kỷ thứ nhất, phần lớn các món ăn của người Do Thái làm từ những loại này. Các nhà nghiên cứu ước tính là một người có thể ăn khoảng 200kg ngũ cốc trong một năm, và chúng cung cấp một nửa năng lượng cần thiết cho hoạt động hàng ngày.

Người ta có thể mua bánh mì ở chợ, nhưng hầu hết các gia đình tự làm bánh, một công việc đòi hỏi nhiều công sức. Một cuốn sách nói về đời sống Palestine thời xưa (Bread, Wine, Walls and Scrolls) cho biết: “Giữ cho bột không hư trong một thời gian dài là rất khó, và việc các bà nội trợ xay bột mỗi ngày cũng không kém phần khó khăn”. Quá trình xay bột mất bao lâu? Một sử gia nói: “Nếu xay liên tục bằng cối xay tay trong một giờ thì 1kg lúa mì chỉ lấy được 0,8kg bột. Trung bình một người ăn 0,5kg lúa mì một ngày, nên để cung cấp thức ăn cho gia đình có năm, sáu người thì người nội trợ cần phải mất ba tiếng để xay bột”.

Hãy nghĩ đến mẹ Chúa Giê-su là bà Ma-ri. Ngoài công việc nội trợ, bà còn phải cung cấp bánh mì cho chồng, năm con trai và ít nhất hai con gái (Ma-thi-ơ 13:55, 56). Chắc hẳn Ma-ri và những phụ nữ Do Thái khác đã làm việc cần mẫn để chuẩn bị “đồ ăn hàng ngày”.

“Hãy lại mà ăn”

Sau khi được sống lại, Chúa Giê-su hiện ra cho một số sứ đồ xem thấy vào lúc sáng sớm. Các sứ đồ đã đánh cá cả đêm nhưng không thu được gì cả và họ rất mệt mỏi. Thế nên, Chúa Giê-su gọi họ đến và nói rằng: “Hãy lại mà ăn”. Ngài đãi họ cá và bánh mì (Giăng 21:9-13). Dù đây là trường hợp duy nhất sách Phúc âm nói đến bữa ăn sáng, nhưng thông thường người dân thời đó cũng dùng bánh mì, hạt, nho khô hoặc ô-liu vào buổi sáng.

Còn bữa trưa thì sao? Những người lao động thường ăn gì? Một cuốn sách nói về đời sống ở Y-sơ-ra-ên vào thời Kinh Thánh (Life in Biblical Israel) cho biết: “Bữa trưa thường là những món ăn nhẹ gồm bánh mì, ngũ cốc, ô-liu và trái vả”. Có lẽ đó là những thứ mà sứ đồ của Chúa Giê-su đã mang về từ thành Si-kha. Lúc ấy “độ chừng giờ thứ sáu” hoặc giữa trưa, và họ thấy Chúa Giê-su đang nói chuyện với người đàn bà Sa-ma-ri bên giếng nước.—Giăng 4:5-8.

Vào chiều tối, cả gia đình tụ họp để dùng bữa chính. Nói về bữa ăn này, một cuốn sách thảo luận về thời La Mã cai trị Palestine (Poverty and Charity in Roman Palestine, First Three Centuries C.E.) cho biết: “Hầu hết người ta ăn bánh mì hoặc cháo làm từ lúa mạch, nhiều loại ngũ cốc và rau củ, ít khi làm từ lúa mì. Họ thường thêm vào muối, dầu hoặc ô-liu, thỉnh thoảng một loại sốt có mùi nồng, mật ong hoặc nước trái cây ngọt”. Sữa, phô mai, rau, trái cây khô hoặc tươi cũng có thể có trong các bữa ăn. Thời đó có khoảng 30 loại rau như bắp cải, cà rốt, củ cải, hành và tỏi. Và hơn 25 loại trái cây khác nhau như (1) vả, (2) chà là và (3) lựu cũng được trồng ở vùng này.

Hãy hình dung một số món ăn này được bày trên bàn khi Chúa Giê-su đến dự bữa tối với La-xa-rơ, Ma-thê và Ma-ri. Bạn hãy tưởng tượng một mùi thơm lan tỏa khắp phòng khi Ma-ri lấy “dầu cam-tùng-hương” thoa lên chân của Chúa Giê-su. Lúc đó, mùi thơm của thức ăn hòa lẫn với hương thơm của loại dầu đắt tiền.—Giăng 12:1-3.

“Khi ngươi đãi tiệc”

Vào một dịp khác, khi Chúa Giê-su vào “nhà một người kẻ cả dòng Pha-ri-si” để dùng bữa, ngài đã dạy những người có mặt ở đó một bài học quý giá. Ngài phán: “Khi ngươi đãi tiệc, hãy mời những kẻ nghèo-khó, tàn-tật, què, đui, thì ngươi sẽ được phước, vì họ không có thể trả lại cho ngươi; đến kỳ kẻ công-bình sống lại, ngươi sẽ được trả” (Lu-ca 14:1-14). Vậy, nếu người Pha-ri-si mời khách như lời Chúa Giê-su, họ có thể sẽ đãi những gì trong bữa tiệc?

Có lẽ một người giàu đãi loại bánh mì đặc biệt, có nhiều hình dạng và được thêm vào rượu, mật ong, sữa và các gia vị. Bơ và phô mai cứng cũng được bày ra trên bàn. Cũng không thể thiếu ô-liu tươi, ô-liu ngâm muối hoặc dầu ô-liu. Theo cuốn sách nói về thức ăn thời xưa (Food in Antiquity), “một người tiêu thụ 20kg dầu ô-liu mỗi năm, chưa kể đến lượng dầu ô-liu được dùng làm mỹ phẩm và đèn thắp sáng”.

Nếu sống gần biển, dường như người Pha-ri-si sẽ đãi khách cá tươi. Những người sống xa biển thường ăn cá đã ướp muối hoặc giấm. Chủ nhà có lẽ mời khách những món ăn làm từ thịt, là những món người nghèo ít khi được ăn. Ngoài ra, một vài món thông thường hơn thì được làm từ trứng (Lu-ca 11:12). Chúng được tăng thêm hương vị khi được thêm vào các loại thảo mộc và gia vị như bạc hà, thì là, tiểu hồi và mù tạc (Ma-thi-ơ 13:31; 23:23; Lu-ca 11:42). Sau bữa ăn chính, khách có thể thưởng thức món tráng miệng là hạt lúa mì nướng trộn với hạnh nhân, mật ong và gia vị.

Những người dự tiệc dường như cũng được mời dùng nho tươi, nho khô hoặc rượu nho. Có hàng ngàn máy ép nho được tìm thấy ở vùng Palestine, chứng tỏ rượu là loại thức uống được ưa chuộng. Tại một khu vực ở thành phố Gibeon, các nhà khảo cổ khám phá ra 63 hầm chứa rượu nằm trong các tảng đá, có thể chứa đến khoảng 100.000 lít rượu.

“Chớ lo-lắng”

Khi đọc các sách Phúc âm, bạn hãy lưu ý Chúa Giê-su đã nhiều lần đề cập đến việc ăn uống trong minh họa của ngài. Ngoài ra, cũng hãy để ý cách ngài dạy những bài học quan trọng khi dự tiệc. Chắc hẳn Chúa Giê-su và các môn đồ của ngài cũng thích thưởng thức đồ ăn thức uống, đặc biệt khi họp mặt cùng với những người bạn thân thiết, nhưng họ không xem đó là điều chính yếu trong đời sống.

Chúa Giê-su giúp các môn đồ giữ quan điểm thăng bằng về việc ăn uống khi ngài phán: “Các ngươi chớ lo-lắng mà nói rằng: Chúng ta sẽ ăn gì? Uống gì? Mặc gì? Vì mọi điều đó, các dân ngoại vẫn thường tìm, và Cha các ngươi ở trên trời vốn biết các ngươi cần dùng những điều đó rồi” (Ma-thi-ơ 6:31, 32). Các môn đồ đã áp dụng bài học này, và Đức Chúa Trời chăm sóc cho nhu cầu của họ (2 Cô-rinh-tô 9:8). Dù những món ăn của bạn có thể khác với món ăn của những người sống vào thời thế kỷ thứ nhất, nhưng một điều chắc chắn là Đức Chúa Trời sẽ chăm sóc cho bạn nếu bạn đặt ý muốn của Ngài lên hàng đầu trong đời sống.—Ma-thi-ơ 6:33, 34.