Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Kinh Thánh có cho biết toàn bộ sự thật về Chúa Giê-su?

Kinh Thánh có cho biết toàn bộ sự thật về Chúa Giê-su?

Có thể nào Chúa Giê-su không chết tại Gô-gô-tha như Kinh Thánh đã nói, nhưng vẫn còn sống? Có thể nào ngài kết hôn với bà Ma-ri Ma-đơ-len và đã có con? Hoặc có lẽ ngài là một người siêu phàm sống đời khổ hạnh, từ chối hưởng lạc thú trên đất? Phải chăng ngài dạy các giáo lý khác với những gì chúng ta đọc trong Kinh Thánh?

Các lời suy đoán như thế lại xuất hiện trong những năm gần đây, một phần là vì các bộ phim và tiểu thuyết nổi tiếng cổ vũ những ý niệm đó. Ngoài tiểu thuyết hư cấu, còn có nhiều sách và bài viết tập trung vào những ngụy thư có từ thế kỷ thứ hai và thứ ba công nguyên (CN), cho rằng chúng tiết lộ các sự kiện không có trong bốn sách của Kinh Thánh nói về cuộc đời và công việc rao giảng của Chúa Giê-su khi sống trên đất (thường được gọi là các sách Phúc âm). Những lời này có đúng không? Chúng ta có thể tin chắc là Kinh Thánh cho biết toàn bộ sự thật về Chúa Giê-su không?

Để trả lời những câu hỏi này, chúng ta hãy xem xét ba điều cơ bản. Thứ nhất, chúng ta cần biết thông tin quan trọng về những người đã viết các sách Phúc âm, họ viết khi nào. Thứ hai, chúng ta cần tìm hiểu ai đã cho ra đời các bản Kinh Thánh chính điển và như thế nào. Thứ ba, chúng ta cần biết một số thông tin căn bản về các ngụy thư, chúng khác với những sách chính điển ra sao *.

Khi nào phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được viết ra và do ai viết?

Theo một số tài liệu, sách Phúc âm Ma-thi-ơ được viết ra vào đầu năm thứ tám sau khi Chúa Giê-su chết, tức khoảng năm 41 CN. Nhiều học giả cho rằng sách được viết ra sau này, nhưng nói chung người ta đều đồng ý là các sách trong phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp (thường được gọi là Tân ước) được viết vào thế kỷ thứ nhất CN.

Những người chứng kiến cuộc đời, cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su vẫn còn sống vào lúc đó. Họ có thể xác nhận lời tường thuật trong các sách Phúc âm. Họ cũng có thể dễ dàng chỉ ra bất kỳ điểm nào không chính xác. Giáo sư F. F. Bruce nhận xét: “Một điểm mạnh trong công việc rao giảng của các tông đồ thời đầu là nói với lòng tin chắc dựa trên những điều mà người nghe đã biết; họ không chỉ nói: “Chúng tôi đã chứng kiến những điều này”, nhưng cũng nói: ‘Như chính anh em đều biết’ (Công-vụ 2:22)”.

Ai là những người đã viết phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp? Họ gồm một số người trong 12 sứ đồ (tông đồ) của Chúa Giê-su. Các sứ đồ này và những người viết khác (chẳng hạn như Gia-cơ, Giu-đe và có lẽ Mác) đã có mặt vào ngày Lễ Ngũ Tuần năm 33 CN, khi hội thánh của Chúa Giê-su được thành lập. Tất cả những người viết, kể cả Phao-lô, đã hợp tác chặt chẽ với hội đồng lãnh đạo thời ban đầu của các môn đồ Chúa Giê-su. Hội đồng này gồm các sứ đồ và các trưởng lão tại thành Giê-ru-sa-lem.—Công-vụ 15:2, 6, 12-14, 22; Ga-la-ti 2:7-10.

Chúa Giê-su giao cho các môn đồ nhiệm vụ rao giảng và dạy dỗ mà ngài đã khởi xướng (Ma-thi-ơ 28:19, 20). Thậm chí ngài nói: “Ai nghe các ngươi, ấy là nghe ta” (Lu-ca 10:16). Hơn nữa, ngài hứa với họ rằng thánh linh, tức một lực đến từ Đức Chúa Trời, sẽ cho họ khả năng cần thiết để làm công việc ấy. Vì thế, khi các sách đến từ các sứ đồ và những anh em đồng đạo thân cận với họ—những người có bằng chứng rõ ràng được thánh linh Đức Chúa Trời tác động—các môn đồ Chúa Giê-su thời ban đầu hiển nhiên chấp nhận chúng thuộc phần chính điển của Kinh Thánh.

Một số người viết Kinh Thánh xác nhận những người viết khác cũng được Đức Chúa Trời soi dẫn. Chẳng hạn, sứ đồ Phi-e-rơ đã đề cập đến các lá thư của Phao-lô và xem chúng tương đương với “các phần Kinh-thánh khác” (2 Phi-e-rơ 3:15, 16). Còn Phao-lô thì công nhận các sứ đồ và những môn đồ khác nói tiên tri được Đức Chúa Trời tác động.—Ê-phê-sô 3:5.

Vì thế, có bằng chứng thuyết phục cho thấy các sách Phúc âm đáng tin cậy và xác thực. Chúng không phải là những chuyện truyền thuyết hoặc cổ tích. Các sách này cẩn thận ghi lại lịch sử, dựa trên lời của những người tận mắt chứng kiến, do những người được thánh linh Đức Chúa Trời tác động để viết ra.

Ai đã chọn các sách chính điển

Một số tác giả cho rằng các sách chính điển của phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp đã được chọn lựa hàng thế kỷ sau khi giáo hội nắm quyền dưới sự dẫn dắt của hoàng đế Constantine. Tuy nhiên, sự thật lại khác.

Thí dụ, hãy lưu ý những gì vị giáo sư về lịch sử giáo hội là ông Oskar Skarsaune đã nói: “Một sách có thuộc phần Tân ước hay không thì không hề do bất kỳ công đồng hoặc cá nhân nào quyết định... Các tiêu chuẩn về vấn đề này tương đối cởi mở và hợp lý: Các sách có từ thế kỷ thứ nhất CN được xem là do các tông đồ hoặc do các anh em đồng đạo của họ viết và tỏ ra đáng tin cậy. Các sách, những lá thư hoặc “các Phúc âm” khác được viết sau đó không được kể vào phần chính điển... Quá trình thẩm định này đã hoàn tất một khoảng thời gian dài trước Constantine, cũng như trước khi giáo hội được nắm quyền khá lâu. Những người sẵn sàng hy sinh tính mạng vì niềm tin của mình, chứ không phải giáo hội, mới có quyền cho biết đâu là phần Tân ước”.

Ông Ken Berding, một phó giáo sư chuyên về phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp, đưa ra lời bình luận về cách có được phần chính điển: “Giáo hội không đem những sách họ thích vào phần Kinh Thánh chính điển; nói đúng hơn giáo hội đã công nhận những sách mà các môn đồ Chúa Giê-su luôn xem là Lời Đức Chúa Trời”.

Tuy nhiên, có phải chỉ những môn đồ khiêm nhường của Chúa Giê-su sống vào thế kỷ thứ nhất mới chọn các sách chính điển? Kinh Thánh cho biết có một điều quan trọng, mạnh mẽ hơn nhiều đã tác động đến họ.

Theo Kinh Thánh, một trong những món quà tuyệt diệu mà Đức Chúa Trời dùng thánh linh ban cho hội thánh các môn đồ Chúa Giê-su trong những thập niên đầu là “nhận ra được những lời đến từ Đức Chúa Trời” (1 Cô-rinh-tô 12:4, 10, NW). Vì thế, một số môn đồ Chúa Giê-su được ban cho khả năng đặc biệt để nhận ra sự khác nhau giữa những lời thật sự được Đức Chúa Trời soi dẫn và những lời không được soi dẫn. Ngày nay, các môn đồ Chúa Giê-su cũng tin rằng các câu trong Kinh Thánh là được soi dẫn.

Rõ ràng dưới sự hướng dẫn của thánh linh, Kinh Thánh chính điển đã có vào giai đoạn đầu của hội thánh môn đồ Chúa Giê-su. Từ nửa cuối thế kỷ thứ hai CN, một số tác giả đã bình luận về tính xác thực của các sách Kinh Thánh. Tuy nhiên, những tác giả này không quyết định sách nào thuộc Kinh Thánh chính điển, nhưng chỉ xác nhận những gì Đức Chúa Trời đã chấp nhận qua những người đại diện Ngài, những người được thánh linh hướng dẫn.

Các bản chép tay thời xưa cũng cung cấp bằng chứng thuyết phục để xác nhận Kinh Thánh chính điển mà đa số người ta ngày nay chấp nhận. Có hơn 5.000 bản chép tay thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp bằng nguyên ngữ, kể cả những bản có từ thế kỷ thứ hai, thứ ba. Chính những sách này (không phải các ngụy thư) được xem là xác thực suốt những thế kỷ đầu CN. Do đó, chúng được sao chép và lưu hành rộng rãi.

Tuy nhiên, bằng chứng trong Kinh Thánh là bằng chứng quan trọng nhất. Những sách chính điển hòa hợp với “các sự dạy-dỗ có ích” mà chúng ta thấy trong phần còn lại của Kinh Thánh (2 Ti-mô-thê 1:13). Các sách này thúc giục độc giả yêu thương, thờ phượng và phụng sự Giê-hô-va Đức Chúa Trời. Chúng lên án sự mê tín dị đoan, thờ ma quỷ và các tạo vật. Các sách này chính xác về lịch sử và chứa đựng những lời tiên tri đến từ Đức Chúa Trời. Chúng cũng khuyến khích độc giả yêu thương người đồng loại. Các sách thuộc phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp có những đặc điểm như thế. Còn các ngụy thư thì sao?

Các ngụy thư có sự khác biệt nào?

Các ngụy thư rất khác với các sách chính điển. Chúng có từ giữa thế kỷ thứ hai, sau sách Kinh Thánh chính điển khá lâu. Những gì các ngụy thư viết về Chúa Giê-su và đạo mà ngài sáng lập không hòa hợp với toàn bộ Kinh Thánh được soi dẫn.

Chẳng hạn, ngụy thư Phúc âm của Thô-ma viết những lời kỳ dị của Chúa Giê-su như ngài nói là sẽ biến bà Ma-ri thành một người đàn ông để cho bà vào nước Thiên Đàng. Tiền ngụy thư Phúc âm của Thô-ma mô tả Chúa Giê-su lúc nhỏ là đứa bé độc ác, gây ra cái chết cho đứa bé khác. Ngụy thư Công vụ của Phao-lô và Công vụ của Phi-e-rơ nhấn mạnh việc hoàn toàn kiêng cử quan hệ tình dục và ngay cả mô tả các sứ đồ cố thuyết phục phụ nữ ly thân với chồng mình. Phúc âm của Giu-đa mô tả Chúa Giê-su cười các môn đồ vì họ cầu nguyện với Đức Chúa Trời trong bữa ăn. Những ý niệm như thế rất mâu thuẫn với những điều tìm thấy trong các sách chính điển.—Mác 14:22; 1 Cô-rinh-tô 7:3-5; Ga-la-ti 3:28; Hê-bơ-rơ 7:26.

Nhiều ngụy thư phản ánh niềm tin của người theo thuyết Ngộ Đạo (Gnostic), những người cho rằng Đấng Tạo Hóa Giê-hô-va, không phải là Đức Chúa Trời tốt lành. Họ cũng tin rằng sự sống lại không hiểu theo nghĩa đen, tất cả những gì thuộc thế giới vật chất là xấu xa, Sa-tan tạo ra hôn nhân và sinh sản.

Người ta cho rằng một số ngụy thư do các nhân vật trong Kinh Thánh viết ra nhưng không chính xác. Liệu có âm mưu đen tối nào nhằm loại những sách này ra khỏi Kinh Thánh không? Một chuyên gia về ngụy thư là M. R. James cho biết: “Không ai tranh luận về việc loại trừ ngụy thư khỏi Tân ước: chính những sách này đã tự làm điều đó”.

Những người viết Kinh Thánh cảnh báo sẽ có sự bội đạo

Trong các sách chính điển, chúng ta tìm thấy một số lời cảnh báo là sẽ có sự bội đạo, gây bại hoại cho hội thánh của môn đồ Chúa Giê-su. Thật vậy, sự bội đạo đã xuất hiện vào thế kỷ thứ nhất, nhưng các sứ đồ đã ngăn chặn không cho nó lan rộng (Công-vụ 20:30; 2 Tê-sa-lô-ni-ca 2:3, 6, 7; 1 Ti-mô-thê 4:1-3; 2 Phi-e-rơ 2:1; 1 Giăng 2:18, 19; 4:1-3). Những lời cảnh báo này giúp hiểu thêm về các sách bắt đầu viết ra sau khi các sứ đồ qua đời. Chúng mâu thuẫn với sự dạy dỗ của Chúa Giê-su.

Đành rằng, những tài liệu như thế có vẻ xưa, được các học giả và sử gia xem trọng. Tuy nhiên, hãy xem xét điều này: Nói sao nếu các học giả thu thập những cuốn sách hiện nay không đáng tin cậy, có lẽ họ lượm lặt từ các tờ báo không có uy tín và các ấn phẩm của những tôn giáo cực đoan, rồi bỏ vào một phòng khóa lại? Qua một thời gian, liệu những điều ghi trong các sách này sẽ xác thực và đáng tin cậy không? Sau 1.700 năm, liệu những lời dối trá, không có ý nghĩa trong những trang giấy này lại đúng với hiện thực chỉ vì chúng có từ rất xưa?

Dĩ nhiên là không! Điều này cũng tương tự với việc cho rằng Chúa Giê-su kết hôn với Ma-ri Ma-đơ-len và những câu kỳ dị khác trong các ngụy thư. Tại sao lại tin vào các tài liệu như thế khi đã tìm được những tài liệu đáng tin cậy? Tất cả những gì Đức Chúa Trời muốn chúng ta biết về Con Ngài đều có trong Kinh Thánh, chứa đựng những lời đáng tin cậy.

^ đ. 4 Từ “chính điển” ám chỉ các sách trong Kinh Thánh, có bằng chứng rõ ràng là được Đức Chúa Trời soi dẫn, tức hướng dẫn người ta viết ra. Có 66 sách được đa số công nhận là chính điển, trọn vẹn và không thể thiếu trong Lời Đức Chúa Trời.