Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Một ngày đầy niềm trông mong và hy vọng

Một ngày đầy niềm trông mong và hy vọng

Lễ mãn khóa thứ 130 của Trường Ga-la-át

Một ngày đầy niềm trông mong và hy vọng

Rõ ràng, lễ mãn khóa thứ 130 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh là một ngày đầy niềm trông mong và hy vọng. Vào thứ bảy, ngày 12-3-2011, hơn 8.500 người tham dự lễ mãn khóa, bao gồm các học viên cùng gia đình và bạn bè của họ. Mọi người nóng lòng mong đợi, không chỉ về buổi lễ mà còn về tương lai của những giáo sĩ đã được huấn luyện kỹ lưỡng. Đó là những người sắp được phái đi khắp nơi trên thế giới để dạy sự thật trong Kinh Thánh cho người khác.

‘Phước thay cho mọi kẻ trông-đợi Đức Giê-hô-va!’

Lời đầy an ủi này, được trích từ Ê-sai 30:18, là chủ đề bài giảng của anh Geoffrey Jackson, thành viên Hội đồng Lãnh đạo của Nhân Chứng Giê-hô-va và chủ tọa chương trình. Với những lời nồng ấm, pha chút hài hước, anh chúc mừng các học viên đã sống sót qua khóa học đầy thử thách và bảo đảm là họ cũng sẽ còn sống qua ngày hào hứng này. Các học viên có thể có những mong đợi hợp lý nào về tương lai? Anh khai triển ba ý tưởng thực tế từ Ê-sai 30:18-21.

Trước tiên, anh Jackson nói: “Anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ lắng nghe lời cầu nguyện của anh chị”. Anh nhấn mạnh lời cam đoan nơi câu 19: “Khi ngươi kêu, [Đức Chúa Trời] chắc sẽ làm ơn”. Anh lưu ý là trong nguyên ngữ Hê-bơ-rơ, đại từ “ngươi” trong câu này ở dạng số ít, không phải số nhiều. Điều đó có nghĩa là Đức Giê-hô-va xem xét lời cầu nguyện của từng cá nhân. Anh nói: “Như một người Cha, Đức Giê-hô-va không hỏi: ‘Sao ngươi không mạnh mẽ như người khác?’. Thay vì thế, Ngài chăm chú lắng nghe lời cầu nguyện của mỗi người và đáp lời họ”.

Thứ nhì, anh diễn giả công nhận rằng chúng ta sẽ gặp khó khăn. Anh nói: “Đức Giê-hô-va không hứa là cuộc sống sẽ dễ dàng, nhưng Ngài sẽ giúp chúng ta”. Như câu 20 cho thấy, Đức Giê-hô-va tiên tri là khi dân Y-sơ-ra-ên bị vây hãm, sự hoạn nạn và khốn khó sẽ trở nên quen thuộc như bánh và nước. Dù vậy, Đức Giê-hô-va luôn sẵn sàng giải cứu dân Ngài. Các học viên Trường Ga-la-át cũng sẽ đối mặt với khó khăn và thử thách, có thể là những điều họ chưa từng nghĩ đến! Anh Jackson nói thêm: “Nhưng các anh chị có thể tin chắc rằng Đức Giê-hô-va sẽ luôn ở bên cạnh để giúp anh chị đối phó với mỗi thử thách”.

Thứ ba, anh Jackson nhắc các học viên nhớ lại câu 20 và 21 khi nói: “Các anh chị sẽ có sự hướng dẫn. Cho nên, hãy tìm kiếm điều đó!”. Anh lưu ý rằng ngày nay, mỗi môn đồ Chúa Giê-su cần lắng nghe kỹ lời Đức Giê-hô-va nói qua Kinh Thánh và các ấn phẩm dựa trên Kinh Thánh. Một cách nồng ấm, anh diễn giả khuyến khích các học viên tiếp tục siêng năng đọc Kinh Thánh mỗi ngày, vì đó là sự sống.

“Phải kính-sợ Đức Giê-hô-va”

Anh Anthony Morris, thành viên Hội đồng Lãnh đạo, giải thích ý nghĩa của cụm từ “kính-sợ Đức Giê-hô-va” (2 Sử-ký 19:7). Trong nguyên ngữ, cụm từ này muốn nói đến ước muốn mãnh liệt làm điều đúng, một sự kính trọng vô cùng sâu xa và chân thành đến nỗi run sợ. Anh Morris khuyên các học viên: “Hãy giữ sự kính sợ như thế trong nhiệm sở của các anh chị”. Bằng cách nào họ có thể biểu lộ lòng kính sợ như thế với Đức Giê-hô-va? Anh diễn giả tập trung vào hai cách thiết thực.

Thứ nhất, anh Morris khuyến khích các học viên áp dụng lời khuyên nơi Gia-cơ 1:19: “Phải mau nghe mà chậm nói”. Anh nói rằng các học viên đã học rất nhiều điều trong suốt khóa học năm tháng, nhưng tại nhiệm sở, họ phải cẩn thận không dùng những gì học được để khoe khoang với người khác. Anh nhắc: “Trước tiên, các anh chị cần lắng nghe. Lắng nghe anh chị trong hội thánh địa phương và những anh có trách nhiệm tại nước mà anh chị phụng sự; lắng nghe những gì họ nói về đất nước và văn hóa ở đó. Đừng ngại nói: ‘Tôi không biết’. Nếu khóa học này có hiệu quả thì càng học nhiều bao nhiêu, anh chị càng nhận thấy mình biết ít bấy nhiêu”.

Thứ nhì, anh Morris đọc Châm-ngôn 27:21: “Lò thử bạc, dót thử vàng; còn sự khen-ngợi thử loài người”. Anh giải thích rằng như vàng và bạc cần được tinh luyện, chúng ta có thể được tinh luyện qua lời khen. Như thế nào? Lời khen của người khác có thể thử tính cách của chúng ta. Nó có thể khiến chúng ta kiêu ngạo và mất đi mối quan hệ với Đức Giê-hô-va, hoặc thúc đẩy chúng ta thừa nhận rằng mình mang ơn Đức Giê-hô-va và càng quyết tâm không bao giờ vi phạm các tiêu chuẩn của Ngài. Vì thế, anh Morris khuyên các học viên tiếp nhận lời khen với thái độ đúng, xem đó là cơ hội chứng tỏ họ có lòng “kính-sợ Đức Giê-hô-va” cách thích đáng.

“Hãy quý trọng sứ mạng của anh chị”

Bài giảng chính của chương trình do thành viên của Hội đồng Lãnh đạo là anh Guy Pierce trình bày. Anh giải thích rằng người ta được phái đi với nhiều sứ mạng khác nhau. Nhiều người tập trung vào việc chữa bệnh về thể chất và tìm các giải pháp chính trị cho các vấn đề toàn cầu. Nhưng “các anh chị thì khác”. Như thế nào?

Trong suốt khóa học, các học viên đã học nhiều về những trường hợp được chữa lành về thể chất. Lúc Chúa Giê-su làm cho một bé gái sống lại, cha mẹ em “rất lấy làm lạ”, hay vui mừng khôn xiết (Mác 5:42). Tương tự, khi những người mù được làm sáng mắt bằng phép lạ, họ mừng rỡ vô cùng. Một lý do mà các phép lạ như thế được thực hiện là để chúng ta thấy những điều Chúa Giê-su sẽ làm trong thế giới mới sắp đến. Lúc đó, “vô-số người” công bình còn sống sót khi hệ thống này bị kết liễu sẽ được chữa lành mọi bệnh tật (Khải-huyền 7:9, 14). Họ sẽ chào đón người thân yêu được sống lại; tất cả sẽ có sức khỏe hoàn hảo. Thật là cảnh tượng vui mừng biết bao!

Tuy nhiên, anh Pierce giải thích, sự chữa lành về thể chất không phải là loại chữa lành quan trọng nhất. Những người đã được Chúa Giê-su chữa bệnh cũng bị bệnh lại, những người được làm cho sống lại cuối cùng cũng chết. Có một công việc quan trọng hơn mà Chúa Giê-su đã thực hiện, đó là chữa lành về thiêng liêng. Các giáo sĩ từ Trường Ga-la-át cũng nhận lãnh sứ mạng này. Họ giúp người ta hòa thuận lại với Đức Chúa Trời và nhờ đó có mối quan hệ mật thiết với Ngài. Chỉ những người được chữa lành về thiêng liêng mới có thể nhận được sự sống vĩnh cửu. Anh Pierce nói: “Việc chữa lành về thiêng liêng ấy đem lại sự ngợi khen cho Đức Giê-hô-va. Đó là điều làm anh chị thành công trong thánh chức”.

Ba phần nổi bật khác

“Đây sẽ là ngày tốt lành không?”. Anh Robert Rains, thành viên của Ủy ban chi nhánh Hoa Kỳ, đã nêu lên câu hỏi thích hợp đó. Anh khuyến khích các học viên cố gắng làm cho mỗi ngày tại nhiệm sở là một ngày tốt lành bằng cách khôn ngoan sử dụng thời giờ, xem xét Kinh Thánh khi gặp lo lắng, và nương cậy nơi Đức Giê-hô-va qua lời cầu nguyện.

“Anh chị sẽ làm điều cũ thành mới không?”. Giảng viên Trường Ga-la-át là anh Mark Noumair đã đưa ra câu hỏi đó trong bài giảng. Anh thảo luận 1 Giăng 2:7, 8, nơi môn đồ Giăng đề cập đến “điều-răn cũ” và “điều-răn mới”. Cả hai điều răn đều nói đến một mệnh lệnh, đó là môn đồ Chúa Giê-su phải yêu thương người khác một cách bất vị kỷ, với tinh thần hy sinh (Giăng 13:34, 35). Mệnh lệnh này cũ vì từ hàng chục năm trước, nó được Chúa Giê-su ban ra cho các môn đồ, nhưng nó mới vì giờ đây các môn đồ phải đương đầu với những thử thách mới và cần thể hiện tình yêu thương theo những cách mới và trọn vẹn hơn. Các giáo sĩ sẽ ở trong hoàn cảnh mới nên họ cần tập thể hiện tình yêu thương theo những cách mới. Bí quyết để làm điều đó là gì?

Anh Noumair khuyên: “Đừng trở thành điều bạn ghét”. Anh cảnh báo rằng nếu thấy một người làm điều chúng ta ghét mà chúng ta lại bắt chước hành vi đó thì chúng ta trở thành điều mình ghét, tự hại chính mình. Ngược lại, chúng ta sẽ chiếu “sự sáng thật” và xua tan sự tối tăm về tâm linh khi tìm những cách mới để thể hiện tình yêu thương trước những tình huống như thế.

“Hãy mang lấy gánh nặng”. Một giảng viên khác của Trường Ga-la-át là anh Michael Burnett đã khai triển chủ đề thực tế này. Anh nói rằng người dân châu Phi đội những vật nặng trên đầu. Họ sử dụng kata, một khăn nhỏ được quấn trên đỉnh đầu, để thoải mái, giữ thăng bằng và nhờ thế bước đi uyển chuyển. Các giáo sĩ sẽ có một gánh trách nhiệm tại nhiệm sở nước ngoài, nhưng họ có một thứ giống như kata, đó là sự giáo dục kỹ lưỡng về Kinh Thánh. Khi áp dụng những gì học được, họ sẽ gánh những trách nhiệm một cách thăng bằng và hiệu quả.

Những kinh nghiệm và phỏng vấn

Sự huấn luyện của Trường Ga-la-át bao gồm việc rao giảng với những hội thánh của Nhân Chứng Giê-hô-va tại địa phương. Anh William Samuelson, giám thị của Ban phụ trách các trường thần quyền, nhắc lại kinh nghiệm của một số học viên trong bài giảng của anh với chủ đề “Chớ nghỉ tay ngươi” (Truyền-đạo 11:6). Bằng những màn diễn lại sống động, các học viên cho thấy họ siêng năng trong thánh chức, tìm dịp để rao giảng về tin mừng trên máy bay, tại nhà hàng và trạm xăng. Họ làm chứng từ nhà này sang nhà kia, làm chứng bán chính thức và viết thư. Rõ ràng, họ đã không nghỉ tay và có những kết quả tuyệt vời.

Sau đó, một thành viên của ban giám sát Trường Ga-la-át là anh Kenneth Stovall phỏng vấn ba anh có nhiều kinh nghiệm trong công việc giáo sĩ. Đó là anh Barry Hill phụng sự tại Ecuador và Cộng hòa Dominican, anh Eddie Moble tại Bờ Biển Ngà và anh Tab Honsberger tại Senegal, Benin và Haiti. Họ cùng góp phần vào bài giảng hay với chủ đề “Hãy thử Đức Giê-hô-va và nhận ân phước” (Ma-la-chi 3:10). Chẳng hạn, anh Hill kể lại vợ chồng anh gặp phải khó khăn như thế nào khi thích nghi với thời tiết thay đổi từ nóng và bụi sang nóng và bùn tại Ecuador. Trong hai năm rưỡi, họ phải dùng xô để tắm. Tuy nhiên, họ không bao giờ có ý muốn rời khỏi đó; họ cảm nhận rằng nhiệm vụ của mình là một ân phước mà Đức Giê-hô-va ban cho. Anh Hill nói: “Đó là cả cuộc sống của chúng tôi”.

Khi chương trình kết thúc, một học viên đại diện cho lớp đọc lá thư rất cảm động bày tỏ lòng biết ơn đối với Trường Ga-la-át. Thư viết: “Đức tin của chúng tôi được gia tăng nhiều, nhưng chúng tôi biết mình vẫn phải tiếp tục trau dồi thêm”. Tất cả học viên nhận bằng tốt nghiệp và được bổ nhiệm đến nhiều quốc gia khác nhau. Anh Jackson kết thúc chương trình bằng cách đảm bảo với các học viên là họ có thể tin chắc Đức Giê-hô-va sẽ trợ giúp họ trong cuộc sống phía trước, nhất là lúc phải đối mặt với khó khăn. Tất cả cử tọa ra về với niềm trông mong và hy vọng tươi sáng hơn. Chắc chắn, Đức Giê-hô-va sẽ dùng các giáo sĩ mới để thực hiện nhiều công việc tốt lành.

[Bảng thống kê/​Các hình nơi trang 31]

SỐ LIỆU THỐNG KÊ

9 quốc gia có học viên tham dự

34,0 số tuổi trung bình

18,6 số năm trung bình đã làm báp-têm

13,1 số năm trung bình trong thánh chức trọn thời gian

[Bản đồ]

(Để có thông tin đầy đủ, xin xem ấn phẩm)

Học viên được phái đến những quốc gia được liệt kê bên dưới

NHIỆM SỞ

ARGENTINA

ARMENIA

BURKINA FASO

BURUNDI

CONGO (KINSHASA)

CỘNG HÒA SÉC

HAITI

HỒNG KÔNG

INDONESIA

KENYA

LITHUANIA

MALAYSIA

MOZAMBIQUE

NEPAL

PAPUA NEW GUINEA

RU-MA-NI

SENEGAL

ANZANIA

UGANDA

ZIMBABWE

[Hình nơi trang 31]

Khóa tốt nghiệp thứ 130 của Trường Kinh Thánh Ga-la-át của Hội Tháp Canh

Trong danh sách dưới đây, hàng được đánh số từ trước ra sau, và tên được liệt kê từ trái sang phải.

(1) Molina, Z.; Bassolino, S.; Alatsis, C.; Arroyo, A.; Niño, L.; Merkling, S.; Clark, M.

(2) Little, C.; Tibaudo, S.; Jakobsson, S.; Moreno, J.; Rodriguez, A.; Lee, K.; Cárdenas, H.; Aguilar, L.

(3) Clairbush, A.; Polley, A.; Caldwell, S.; Adame, J.; Hildebrandt, S.; Shoemaker, I.; Grohman, N.; Galvez, G.

(4) Clark, J.; Bassolino, A.; Packham, K.; Adame, J.; Knaus, M.; Niño, M.; Moreno, R.; Galvez, J.

(5) Rodriguez, D.; Geynes, M.; Molina, J.; Aguilar, A.; Alatsis, I.; Manno, A.; Grohman, R.; Packham, J.

(6) Geynes, S.; Cárdenas, M.; Arroyo, C.; Manno, C.; Merkling, J.; Lee, H.; Clairbush, X.; Jakobsson, P.

(7) Little, J.; Hildebrandt, B.; Shoemaker, M.; Knaus, K.; Caldwell, J.; Tibaudo, F.; Polley, C.