Tính tử tế—Thiết yếu trước mắt Đức Chúa Trời
Một thanh niên Nhật Bản cảm động trước lòng tử tế của một bác lớn tuổi hiền hậu. Bác là một giáo sĩ đã nhiều năm không sống tại xứ sở Á Đông này và vẫn nói tiếng Nhật không giỏi. Thế nhưng mỗi tuần bác vẫn đến nhà anh thanh niên để thảo luận Kinh Thánh. Với nụ cười thân thiện và cách cư xử tử tế, bác kiên nhẫn giải đáp nhiều thắc mắc mà chàng trai trẻ tò mò nêu ra.
Cách cư xử tử tế của bác giáo sĩ đã để lại ấn tượng không dễ nhạt phai trong lòng anh thanh niên. Anh nghĩ: “Nếu Kinh Thánh khiến một người tử tế và yêu thương đến thế thì đương nhiên mình nên tìm hiểu”. Suy nghĩ này đã thôi thúc anh tìm hiểu điều hoàn toàn xa lạ với mình. Đúng vậy, sự tử tế thường tác động mạnh mẽ đến lòng người ta hơn là lời nói.
Tử tế như Đức Chúa Trời
Điều tự nhiên là chúng ta sẽ tử tế với những người thân thuộc của mình. Tuy nhiên, tính tử tế là bản chất của Đức Chúa Trời. Chúa Giê-su nói rằng Cha trên trời không chỉ tử tế, hay nhân từ, với những ai thương yêu ngài mà còn với những kẻ “vô ơn”. Chúa Giê-su khuyến khích môn đồ noi theo đức tính này của Đức Chúa Trời: “Anh em phải hoàn hảo như Cha trên trời của anh em, vì ngài là đấng hoàn hảo”.—Lu-ca 6:35; Ma-thi-ơ 5:48; Xuất Ê-díp-tô Ký 34:6.
Vì được tạo ra theo hình ảnh của Đức Chúa Trời, con người có khả năng phản ánh hay biểu lộ tính tử tế (Sáng-thế Ký 1:27). Chúng ta có thể noi theo Đức Chúa Trời và nới rộng phạm vi thể hiện lòng tử tế thay vì chỉ giới hạn trong những người thân thuộc. Kinh Thánh miêu tả tính tử tế là một khía cạnh của bông trái thần khí đáng chuộng, hay lực hoạt động của Đức Chúa Trời (Ga-la-ti 5:22). Vì thế, khi tìm hiểu nhiều hơn về Đức Chúa Trời, Đấng Tạo Hóa, cũng như đến gần ngài hơn thì một người có thể phát huy và trau dồi tính tử tế.
Sự tử tế không chỉ là bản tính tự nhiên mà còn là một đức tính được Đức Chúa Trời quý trọng, nên điều hợp lý là ngài bảo chúng ta “hãy tử tế với nhau” (Ê-phê-sô 4:32). Chúng ta cũng được nhắc nhở: “Đừng quên thể hiện lòng hiếu khách”, hay tử tế với người dưng nước lã.—Hê-bơ-rơ 13:2.
Thế giới ngày nay đầy sự bất nhân và vô ơn, liệu chúng ta có thể tử tế với người khác không, lại còn với cả người dưng? Điều gì có thể giúp chúng ta làm thế? Thật ra, tại sao chúng ta nên quan tâm đến vấn đề đó?
Thiết yếu trước mắt Đức Chúa Trời
Thú vị là sau khi sứ đồ Phao-lô nói tới việc bày tỏ lòng tử tế với người xa lạ, ông nói: “Nhờ làm thế, một số người đã tiếp đãi các thiên sứ mà không hay biết”. Bạn có hình dung được cảm giác của mình khi có cơ hội tiếp đãi các thiên sứ không? Nhưng Phao-lô lại dùng cụm từ “không hay biết”. Nói cách khác, ý ông là nếu chúng ta có thói quen tử tế với người khác, gồm cả những người xa lạ hoặc chưa biết rõ, thì chúng ta có thể được ban thưởng một cách không ngờ.
Đa số bản dịch Kinh Thánh có phần tham chiếu đã liên kết lời của Phao-lô với những lời tường thuật về Áp-ra-ham và Lót nơi Sáng-thế Ký chương 18 và 19. Trong cả hai trường hợp, chúng ta thấy thiên sứ xuất hiện trước mặt họ như những người xa lạ mang theo thông điệp quan trọng. Với trường hợp của Áp-ra-ham, thông điệp báo trước sự ứng nghiệm lời hứa của Đức Chúa Trời về việc có con trai. Còn trường hợp của Lót là thông điệp về sự giải cứu khỏi sự hủy diệt hai thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ sắp sửa xảy ra.—Sáng-thế Ký 18:1-10; 19:1-3, 15-17.
Nếu đọc các câu Kinh Thánh viện dẫn ở trên, bạn sẽ thấy là Áp-ra-ham và Lót đều rộng lòng tử tế với khách qua đường. Dĩ nhiên, vào thời Kinh Thánh thì tỏ lòng hiếu khách với lữ khách hay người đi ngang qua nhà—dù là bạn bè, bà con, hay người lạ—vừa là tập quán, vừa là trách nhiệm. Thật thế, Luật pháp Môi-se đòi hỏi dân Y-sơ-ra-ên không bỏ mặc nhu cầu của những người ngụ cư trong xứ (Phục-truyền Luật-lệ Ký 10:17-19). Dẫu vậy, điều Áp-ra-ham và Lót làm còn vượt trội hơn những đòi hỏi của Luật pháp sau này. Họ đã có sự nỗ lực hiếm thấy khi tử tế với người dưng, và do đó họ được ban phước.
Hành động tử tế của Áp-ra-ham không chỉ mang lại ân phước cho chính ông, là có một con trai, mà còn cho chúng ta nữa. Theo nghĩa nào? Áp-ra-ham và con trai là Y-sác đóng vai trò trọng yếu trong việc thực hiện ý định của Đức Chúa Trời. Họ trở thành những nhân vật chính trong dòng tộc sẽ sinh ra Đấng Mê-si, Chúa Giê-su. Những hành động trung thành của họ cho thấy trước cách Đức Chúa Trời lập nền tảng để giải cứu nhân loại qua tình yêu thương và lòng nhân từ bao la của ngài.—Sáng-thế Ký 22:1-18; Ma-thi-ơ 1:1, 2; Giăng 3:16.
Những lời tường thuật đó gây ấn tượng về điều mà Đức Chúa Trời trông mong nơi những người ngài thương yêu cũng như việc ngài quý mến tính tử tế biết bao. Đây không phải là tính mà chúng ta có thể chọn biểu lộ hay không nhưng là đức tính thiết yếu trước mắt Đức Chúa Trời.
Trau dồi tính tử tế để biết Đức Chúa Trời rõ hơn
Kinh Thánh nói thời chúng ta sẽ có nhiều người “vô ơn, bất trung, thiếu tình thương tự nhiên” (2 Ti-mô-thê 3:1-3). Không lạ gì khi mỗi ngày bạn phải đối mặt với những người như thế. Tuy nhiên, chúng ta không có cớ để cư xử thiếu tử tế với người khác. Môn đồ Chúa Giê-su được nhắc: “Đừng lấy ác trả ác cho ai. Hãy cố gắng làm điều lành theo quan điểm của mọi người”.—Rô-ma 12:17.
Chúng ta có thể dành thời gian và mở rộng tấm lòng để tử tế với nhiều người hơn. Kinh Thánh nói: “Ai yêu thương là... nhận biết [Đức Chúa Trời]”, và một cách thể hiện tình yêu thương là đối xử tử tế với người khác (1 Giăng 4:7; 1 Cô-rinh-tô 13:4). Vâng, đối xử tử tế hay nhân ái với người xung quanh giúp chúng ta biết Đức Chúa Trời rõ hơn và hạnh phúc hơn. Chúa Giê-su nói trong Bài giảng trên núi: “Phúc cho những ai tỏ lòng nhân ái đối với kẻ khác, vì Thượng Đế cũng sẽ tỏ lòng nhân ái đối với họ. Phúc cho những ai có tư tưởng trong sạch, vì sẽ được ở với Thượng Đế”.—Ma-thi-ơ 5:7, 8, Bản Phổ thông.
Khi không chắc nên làm hay nói gì trong một tình huống nào đó, hãy làm và nói điều tử tế
Hãy xem gương của một chị người Nhật là Aki, người nội trợ trẻ có hai con trai. Từ lúc mẹ chị đột ngột qua đời, chị bị trầm cảm nghiêm trọng. Có khi chị cảm thấy tệ đến nỗi phải đi bác sĩ. Sau đó, có một gia đình chuyển đến khu chị sống. Tai nạn vừa cướp đi người cha của gia đình đó, để lại người mẹ cùng năm đứa con thơ. Chị Aki thấy thương họ và mở rộng lòng kết bạn với họ. Khi làm hết khả năng để giúp gia đình đó—chia sẻ thức ăn, quần áo và nhiều thứ khác—chị Aki đã có thể cân bằng lại cảm xúc của mình. Chị thấy lời Kinh Thánh nói quả không sai: “Cho thì hạnh phúc hơn nhận” (Công vụ 20:35). Đúng vậy, biểu lộ lòng tử tế có thể là điều tốt nhất bạn làm được cho bản thân mỗi khi gục ngã.
“Cho Đức Giê-hô-va vay-mượn”
Bạn không cần phải tốn kém nhiều mới có thể biểu lộ lòng tử tế. Việc này cũng không phụ thuộc vào năng lực hay sức mạnh của bạn. Một nụ cười, một lời yêu thương, một cánh tay trợ giúp, một món quà nhỏ có ý nghĩa, hay chỉ là hành động nhường chỗ khi xếp hàng cũng thường được người khác cảm kích. Khi không chắc nên làm hay nói gì trong một tình huống nào đó, hãy làm và nói điều tử tế. Chàng trai được nhắc đến ở đầu bài đã vô cùng cảm động trước sự tử tế vượt qua hàng rào ngôn ngữ của bác giáo sĩ. Thế nên một trong những điều Đức Chúa Trời đòi hỏi nơi những người thờ phượng ngài là họ phải “ưa sự nhân-từ”!—Mi-chê 6:8.
“Một lời tử tế sưởi ấm cả ba tháng mùa đông”. Như lời ý nghĩa này của người Á Đông, một việc làm dù nhỏ nhưng tử tế có thể mang lại lợi ích lâu dài. Khi được thực hiện với động cơ trong sạch, nhất là kèm với tình yêu thương dành cho Đức Chúa Trời, thì việc làm đó sưởi ấm lòng cả đôi bên. Ngay cả khi lòng tử tế của bạn không được cảm kích thì cũng không có nghĩa là vô ích, vì điều đó có giá trị trước mắt Đức Chúa Trời. Kinh Thánh đảm bảo với chúng ta rằng khi đối xử tử tế với người khác thì thật ra chúng ta đang “cho Đức Giê-hô-va vay-mượn” (Châm-ngôn 19:17). Sao bạn không thử tìm cơ hội để thể hiện lòng tử tế với những người xung quanh?