Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Câu hỏi độc giả

Tại sao một số người không ăn mừng Lễ Giáng Sinh?

Tại sao một số người không ăn mừng Lễ Giáng Sinh?

Hằng năm trên khắp thế giới, gần hai tỉ người ăn mừng Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12 và ít nhất 200 triệu người ăn mừng ngày sinh của Chúa Giê-su vào ngày 7 tháng 1. Tuy nhiên, cũng có hàng triệu người khác quyết định không ăn mừng Giáng Sinh. Tại sao vậy?

Có lẽ họ thuộc một tôn giáo không nằm trong khối đạo tự nhận theo Chúa Giê-su. Chẳng hạn, họ theo Do Thái giáo, Ấn Độ giáo, Thần Đạo. Những người khác, người vô thần, người theo thuyết bất khả tri, độc lập tư tưởng hoặc chủ nghĩa nhân văn thế tục, thì xem Lễ Giáng Sinh chỉ là chuyện huyền thoại.

Ngạc nhiên thay, nhiều người tin Chúa Giê-su nhưng lại bác bỏ các truyền thống của Lễ Giáng Sinh. Tại sao? Họ đưa ra bốn lý do.

Thứ nhất, họ không tin Chúa Giê-su sinh vào tháng mười hai hoặc tháng Giêng. Kinh Thánh không cho biết rõ ngày, chỉ nói: “Trong vùng đó cũng có những người chăn chiên [cừu] sống ngoài đồng, thức suốt đêm canh giữ bầy của mình. Thình lình có thiên sứ của Đức Giê-hô-va đứng trước mặt họ,... thiên sứ nói: ‘Hôm nay... có một Đấng Cứu Rỗi được sinh ra cho các anh, ngài là Chúa Ki-tô’”.—Lu-ca 2:8-11.

Những điều xảy ra cho thấy thời điểm Chúa Giê-su sinh ra khoảng chừng đầu tháng mười, khi những người chăn chiên cùng bầy của mình vẫn còn ở ngoài trời vào ban đêm. Vùng quê xung quanh Bết-lê-hem phải chịu thời tiết giá rét nhất vào tháng mười hai và tháng Giêng. Thế nên, bầy chiên phải ở trong chuồng để được che chở và giữ ấm vào ban đêm.

Lý do thứ hai: Sự kiện duy nhất mà Chúa Giê-su chỉ thị cho các môn đồ là tưởng niệm cái chết, chứ không phải ngày sinh của ngài (Lu-ca 22:19, 20). Cũng hãy nhớ rằng sách Phúc âm Mác và Giăng không nói gì về ngày sinh của Chúa Giê-su.

Sự kiện duy nhất mà Chúa Giê-su chỉ thị cho các môn đồ là tưởng niệm cái chết, chứ không phải ngày sinh của ngài

Lý do thứ ba: Không có bằng chứng nào trong lịch sử cho thấy các tín đồ thời ban đầu ăn mừng ngày sinh của Đấng Ki-tô, nhưng nhớ đến cái chết của ngài (1 Cô-rinh-tô 11:23-26). Mãi cho đến hơn 300 năm sau khi Chúa Giê-su chết, các đạo tự nhận theo Chúa Giê-su mới bắt đầu chính thức cử hành Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng 12. Điều đáng chú ý là vào giữa thế kỷ 17, quốc hội đưa ra lệnh cấm ăn mừng Lễ Giáng Sinh ở Anh Quốc. Tại Hoa Kỳ, Cơ quan Lập pháp của bang Massachusetts cũng làm như vậy. Tại sao? Một sách nói về Lễ Giáng Sinh (The Battle for Christmas) viết: “Theo Kinh Thánh và lịch sử, không có gì cho thấy Chúa Giê-su sinh vào ngày 25 tháng 12”. Sách ấy nói tiếp, đối với các tín đồ Thanh giáo thì “Lễ Giáng Sinh chỉ là lễ ngoại giáo, có vẻ thuộc đạo Đấng Ki-tô”.

Điều này dẫn đến lý do thứ tư: Nguồn gốc bại hoại của ngày lễ này. Lễ Giáng Sinh bắt nguồn từ La Mã ngoại giáo, nơi có các lễ hội để tôn vinh thần nông Saturn và thần mặt trời Sol Invictus hay Mithra. Nhà nhân loại học, Christian Rätsch và Claudia Müller-Ebeling, đồng tác giả của cuốn sách nói về Lễ Giáng Sinh ngoại giáo (Pagan Christmas) viết: “Như nhiều phong tục lẫn niềm tin trước thời Chúa Giê-su, buổi lễ xưa ăn mừng sự trở lại hằng năm của mặt trời lại chuyển sang ăn mừng ngày sinh của Đấng Ki-tô”.

Sau khi xem xét những điều được đề cập ở trên, bạn có hiểu tại sao môn đồ thật của Chúa Giê-su không ăn mừng Lễ Giáng Sinh?