Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

Bản Peshitta bằng tiếng Sy-ri cổ—Cánh cửa giúp hiểu rõ hơn về những bản dịch Kinh Thánh ban đầu

Bản Peshitta bằng tiếng Sy-ri cổ—Cánh cửa giúp hiểu rõ hơn về những bản dịch Kinh Thánh ban đầu

Năm 1892, hai chị em sinh đôi là Agnes Smith Lewis và Margaret Dunlop Gibson đã thực hiện chuyến hành trình dài chín ngày bằng lạc đà, băng qua sa mạc đến Tu viện Saint Catherine, nằm ở chân núi Si-na-i. Tại sao hai phụ nữ gần 50 tuổi này lại thực hiện chuyến đi ấy, dù việc đến vùng đất thời đó được gọi là Đông Phương rất nguy hiểm? Câu trả lời có lẽ sẽ giúp bạn càng tin rằng Kinh Thánh chính xác.

Bà Agnes Smith Lewis và Tu viện Saint Catherine

Không lâu trước khi trở về trời, Chúa Giê-su giao cho các môn đồ nhiệm vụ làm chứng về ngài “tại thành Giê-ru-sa-lem, khắp xứ Giu-đa, Sa-ma-ri, cho đến tận cùng trái đất” (Công vụ 1:8). Các môn đồ đã làm công việc này với lòng sốt sắng và can đảm. Tuy nhiên, công việc truyền giáo của họ tại Giê-ru-sa-lem nhanh chóng gặp phải sự chống đối dữ dội, hậu quả là Ê-tiên đã phải tử vì đạo. Nhiều môn đồ của Chúa Giê-su tìm được nơi ẩn náu tại thành An-ti-ốt, xứ Sy-ri, một trong những thành phố lớn nhất của đế quốc La Mã, cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng 550km về phía bắc.—Công vụ 11:19.

Tại thành An-ti-ốt, các môn đồ tiếp tục truyền giảng “tin mừng” về Chúa Giê-su, và nhiều người không thuộc dân Do Thái đã tin Chúa (Công vụ 11:20, 21). Dù tiếng Hy Lạp là ngôn ngữ phổ biến trong thành An-ti-ốt, nhưng tại những nơi khác thuộc xứ Sy-ri thì dân chúng sử dụng tiếng Sy-ri.

TIN MỪNG ĐƯỢC DỊCH SANG TIẾNG SY-RI CỔ

Vào thế kỷ thứ hai, khi số tín đồ đạo Đấng Ki-tô nói tiếng Sy-ri gia tăng, tin mừng cần được dịch sang tiếng mẹ đẻ của  họ. Vì thế, dường như tiếng Sy-ri, chứ không phải tiếng La-tinh, là ngôn ngữ bản địa đầu tiên được dùng để dịch phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp.

Khoảng năm 170 công nguyên (CN), một nhà văn người Sy-ri tên là Tatian (khoảng 120-173 CN) đã gộp bốn sách phúc âm chính điển thành một sách được viết bằng tiếng Sy-ri hoặc Hy Lạp. Sách này thường được gọi là Diatessaron, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là “từ bốn [Phúc âm]”. Sau này, một người Sy-ri khác tên là Ephraem (310-373 CN) đã biên soạn một sách bình luận về cuốn Diatessaron. Vì thế, đây là bằng chứng cho thấy cuốn Diatessaron đã được sử dụng rộng rãi trong vòng những tín đồ nói tiếng Sy-ri.

Cuốn Diatessaron rất đáng chú ý đối với chúng ta ngày nay. Tại sao? Vào thế kỷ 19, một vài học giả cho rằng đến tận thế kỷ thứ hai, từ 130 đến 170 CN, các sách Phúc âm mới được viết ra, vì thế không thể là những lời tường thuật đáng tin cậy về cuộc đời của Chúa Giê-su. Tuy nhiên, những bản chép tay cổ xưa của sách Diatessaron được phát hiện sau đó chứng thực rằng Phúc âm gồm sách Ma-thi-ơ, Mác, Lu-ca và Giăng đã được lưu hành rộng rãi vào giữa thế kỷ thứ hai. Vì thế, hẳn những sách này phải được viết trước đó. Hơn nữa, khi biên soạn cuốn Diatessaron, Tatian không dùng thêm bất cứ ngụy thư phúc âm nào khác để làm nền tảng, ngoài bốn sách Phúc âm đã được công nhận. Điều này chứng tỏ các ngụy thư phúc âm không được xem là chính điển hoặc đáng tin cậy.

Bản Peshitta tiếng Sy-ri phần Ngũ Thư (464 CN) là bản chép tay có niên đại lâu đời thứ hai của Kinh Thánh

Vào đầu thế kỷ thứ năm, một bản dịch Kinh Thánh trong tiếng Sy-ri đã được sử dụng rộng rãi ở miền bắc Mê-sô-bô-ta-mi. Rất có thể, bản dịch này đã có vào thế kỷ thứ hai hoặc thế kỷ thứ ba CN và gồm tất cả các sách thuộc Kinh Thánh, trừ sách 2 Phi-e-rơ, 2 và 3 Giăng, Giu-đe và Khải huyền. Bản dịch này được biết đến là Peshitta, có nghĩa “Đơn giản” hoặc “Rõ ràng”. Bản Peshitta là một trong những bằng chứng xưa và quan trọng nhất cho thấy thông điệp Kinh Thánh đã được truyền bá từ ban đầu.

Điều thú vị là một trong những bản chép tay của bản Peshitta có ghi thời gian bản này được viết ra, tương đương với năm 459/460 CN, điều này khiến bản chép tay Peshitta trở thành bản Kinh Thánh cổ nhất có niên đại rõ ràng. Vào khoảng năm 508 CN, một bản hiệu đính của bản Peshitta được biên soạn, gồm cả năm sách còn thiếu trước đó. Bản này được gọi là Philoxenian Version.

PHÁT HIỆN THÊM NHỮNG BẢN CHÉP TAY TIẾNG SY-RI CỔ

Đến thế kỷ 19, đa số bản sao tiếng Hy Lạp phần Kinh Thánh tiếng Hy Lạp được biết đến là những bản có từ thế kỷ thứ năm hoặc sau đó rất lâu. Vì thế, các học giả Kinh Thánh đặc biệt chú ý đến những bản có niên đại sớm, chẳng hạn như bản Vulgate trong tiếng La-tinh và bản Peshitta trong tiếng Sy-ri. Vào thế kỷ 19, một số người cho rằng bản Peshitta là bản hiệu đính của bản tiếng Sy-ri cổ hơn. Nhưng họ không tìm được bản cổ như thế. Vì các bản Kinh Thánh tiếng Sy-ri có nguồn gốc từ thế kỷ thứ hai nên sẽ giúp hiểu rõ hơn những bản dịch Kinh Thánh ban đầu, và chắc chắn là tài liệu vô giá cho các học giả Kinh Thánh! Vậy thật sự có bản Sy-ri cổ không?

Bản chép tay được gọi là Sinaitic Syriac. Phần lề thấy được là các dòng chữ thuộc Phúc âm

Tất nhiên là có! Thực tế là hai bản chép tay tiếng Sy-ri đã được tìm thấy. Bản thứ nhất có niên đại từ thế kỷ thứ năm. Đây là một trong nhiều bản chép tay được Bảo tàng Anh Quốc sưu tầm vào năm 1842 từ tu viện ở sa mạc Nitrian thuộc Ai Cập. Bản này được gọi là Curetonian Syriac vì nó do ông William Cureton, người giúp trông coi các bản chép tay trong bảo tàng, phát hiện và xuất bản. Tài liệu quý giá này gồm bốn sách Phúc âm được xếp theo thứ tự: Ma-thi-ơ, Mác, Giăng và Lu-ca.

Bản thứ hai cũng tồn tại đến thời chúng ta là Sinaitic Syriac. Việc phát hiện ra bản này gắn liền  với hành trình của hai chị em sinh đôi thích mạo hiểm được đề cập nơi đầu bài. Dù không có bằng đại học, nhưng Agnes đã học tám thứ tiếng, trong đó có tiếng Sy-ri. Vào năm 1892, Agnes đã phát hiện ra một điều đáng chú ý tại Tu viện Saint Catherine ở Ai Cập.

Trong một chiếc tủ tối tăm, Agnes tìm thấy một bản chép tay tiếng Sy-ri. Theo lời tường thuật của bà, “đó là một cuốn sách nhìn rất khó coi, bụi bặm và hầu hết các trang đã dính vào nhau vì không được lật” trong hàng thế kỷ. Đó là bản chép tay mà văn bản nguyên thủy bị cạo đi và viết lại bằng tiếng Sy-ri có nội dung về các nữ thánh. Tuy nhiên, Agnes để ý thấy có một số hàng chữ bị viết đè lên và từ “của Ma-thi-ơ”, “của Mác” và “của Lu-ca” ở dòng trên cùng. Trên tay bà là bản chép tay gần như hoàn chỉnh của bốn sách Phúc âm trong tiếng Sy-ri! Hiện nay, các học giả tin rằng bản chép tay này được viết vào cuối thế kỷ thứ tư.

Bản Sinaitic Syriac được xem là một trong những bản Kinh Thánh chép tay quan trọng nhất đã được phát hiện, có giá trị tương đương với những bản chép tay trong tiếng Hy Lạp, như bản Codex Sinaiticus và Codex Vaticanus. Ngày nay, nói chung người ta đều cho rằng cả bản Curetonian và Sinaitic đều được sao chép từ những bản Phúc âm cổ tiếng Sy-ri có niên đại từ cuối thế kỷ thứ hai hoặc đầu thế kỷ thứ ba.

“LỜI CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI CHÚNG TA CÒN MÃI ĐỜI ĐỜI!”

Những bản chép tay này có hữu ích cho chúng ta ngày nay không? Chắc chắn có! Hãy xem một ví dụ về phần mà người ta gọi là đoạn kết dài của Phúc âm Mác, trong một số bản Kinh Thánh, phần này xuất hiện ở sau Mác 16:8. Đoạn kết dài có trong bản Greek Codex Alexandrinus vào thế kỷ thứ năm, bản Vulgate trong tiếng La-tinh và một số bản khác. Tuy nhiên, hai bản chép tay có thẩm quyền trong tiếng Hy Lạp có vào thế kỷ thứ tư là Codex Sinaiticus và Codex Vaticanus chỉ kết thúc bằng câu Mác 16:8. Bản Sinaitic Syriac cũng không có đoạn kết dài ấy, điều này bổ sung bằng chứng cho thấy đoạn kết dài đó được thêm vào sau này và không có trong nguyên bản của Phúc âm Mác.

Hãy xem một ví dụ khác. Vào thế kỷ 19, đa số bản dịch Kinh Thánh đều thêm phần ngụy tạo về Chúa Ba Ngôi vào 1 Giăng 5:7. Tuy nhiên, phần thêm này không có trong những bản chép tay cổ nhất của tiếng Hy Lạp, cũng như bản Peshitta. Điều này chứng tỏ rằng phần thêm vào 1 Giăng 5:7 quả thật đã bóp méo Kinh Thánh nguyên bản.

Rõ ràng, Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã bảo tồn Lời ngài như đã hứa. Trong đó, ngài đảm bảo với chúng ta: “Cỏ khô, hoa rụng; nhưng lời của Đức Chúa Trời chúng ta còn mãi đời đời!” (Ê-sai 40:8; 1 Phi-e-rơ 1:25). Bản dịch được biết đến với tên gọi Peshitta đóng vai trò quan trọng trong việc truyền tải chính xác thông điệp Kinh Thánh cho nhân loại.