Đi đến nội dung

Đi đến mục lục

NÓI CHUYỆN VỚI CHỦ NHÀ

Nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cai trị khi nào? (Phần 2)

Nước Đức Chúa Trời đã bắt đầu cai trị khi nào? (Phần 2)

Dưới đây là cuộc nói chuyện điển hình giữa một Nhân Chứng Giê-hô-va và chủ nhà. Hãy hình dung Nhân Chứng tên là Công đến thăm một người tên là Giang.

GIẤC MƠ CỦA NÊ-BU-CÁT-NẾT-SA—ÔN LẠI NGẮN GỌN

Công: Chào anh Giang, rất vui được gặp lại anh. Tôi luôn thích những cuộc thảo luận Kinh Thánh hàng tuần của chúng ta *. Anh có khỏe không?

Giang: Tôi khỏe, cảm ơn anh!

Công: Tốt quá. Lần trước, chúng ta đã thảo luận về lý do Nhân Chứng Giê-hô-va nói rằng Nước Trời bắt đầu cai trị năm 1914 *. Khi thảo luận, chúng ta đã tìm được bằng chứng then chốt từ lời tiên tri trong chương 4 nơi sách Đa-ni-ên của Kinh Thánh. Anh có nhớ lời tường thuật đó không?

Giang: Đó là giấc mơ của vua Nê-bu-cát-nết-sa về một cây cao lớn.

Công: Vâng, chính xác. Trong giấc mơ, vua Nê-bu-cát-nết-sa nhìn thấy một cây cao vươn đến trời. Rồi ông nghe thiên sứ của Đức Chúa Trời ra lệnh đốn cây ấy, nhưng phải để lại gốc rễ của cây trong đất. Sau giai đoạn “bảy kỳ”, cây sẽ mọc lại *. Chúng ta cũng đã thảo luận lý do lời tiên tri này có hai ứng nghiệm. Anh có nhớ ứng nghiệm đầu tiên là gì không?

Giang: Có phải là điều xảy ra với vua Nê-bu-cát-nết-sa không? Ông ấy bị mất trí trong bảy năm.

Công: Đúng vậy. Vua Nê-bu-cát-nết-sa bị mất trí tạm thời, vì thế sự cai trị của ông bị gián đoạn. Nhưng trong sự ứng nghiệm rộng hơn của lời tiên tri này, sự cai trị của Đức Chúa Trời đối với trái đất sẽ bị gián đoạn trong bảy kỳ. Như chúng ta thấy, bảy kỳ bắt đầu từ khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 trước công nguyên (TCN). Kể từ đó, không có vua nào trên đất đại diện cho Đức Giê-hô-va trong việc cai trị dân ngài. Tuy nhiên, cuối bảy kỳ, Đức Chúa Trời bổ nhiệm một Vua mới cai trị trên toàn thể dân ngài, đấng ấy ở trên trời. Nói cách khác, việc kết thúc bảy kỳ đánh dấu sự bắt đầu cai trị của Nước Đức Chúa Trời ở trên trời. Chúng ta đã thảo luận xong về bảy kỳ bắt đầu khi nào. Vậy, nếu xác định được khoảng thời gian này kéo dài bao lâu, chúng ta mới biết thời điểm Nước Trời bắt đầu cai trị. Anh đã nắm được rồi phải không?

Giang: Vâng, nhờ anh tóm tắt mà tôi đã nhớ lại.

Công: Hay lắm. Vậy chúng ta hãy cùng xem giai đoạn kéo dài bảy kỳ. Tôi mới đọc lại đề tài này để nhớ những điểm chính nên sẽ cố gắng giải thích.

Giang: Vâng.

BẢY KỲ KẾT THÚC—NHỮNG NGÀY SAU CÙNG BẮT ĐẦU

Công: Trong sự ứng nghiệm đầu tiên liên quan đến vua Nê-bu-cát-nết-sa, bảy kỳ là bảy năm theo nghĩa đen. Nhưng trong sự ứng nghiệm rộng hơn liên quan đến Nước Trời, bảy kỳ hẳn phải dài hơn nhiều so với bảy năm.

Giang: Sao anh biết vậy?

Công: Một lý do, bảy kỳ bắt đầu khi thành Giê-ru-sa-lem bị hủy diệt năm 607 TCN. Nếu tính từ năm đó thì bảy năm theo nghĩa đen sẽ đưa chúng ta đến năm 600 TCN thôi. Nhưng chẳng có gì đáng kể xảy ra vào năm đó liên quan đến sự cai trị của Đức Chúa Trời. Mặt khác, như đã xem xét, khi Chúa Giê-su xuống trái đất nhiều thế kỷ sau đó, ngài cho biết bảy kỳ vẫn chưa kết thúc.

Giang: Ồ, đúng thế. Tôi nhớ ra rồi.

Công: Do đó, thay vì hiểu năm theo nghĩa đen, bảy kỳ hẳn phải là giai đoạn dài hơn.

Giang: Bao lâu vậy?

Công: Sách Khải huyền, liên kết chặt chẽ với sách Đa-ni-ên, giúp chúng ta xác định chính xác bảy kỳ dài bao lâu. Giai đoạn ba kỳ rưỡi, theo sách này thì tổng cộng là 1.260 ngày *. Vậy bảy kỳ, gấp đôi của ba kỳ rưỡi, tương đương với 2.520 ngày. Anh theo kịp điểm này chứ?

Giang: Vâng, tôi theo kịp. Nhưng tôi không hiểu làm thế nào điều này chứng minh được Nước Trời bắt đầu cai trị năm 1914.

Công: Được rồi, hãy xem liệu chúng ta có liên kết được không. Trong lời tiên tri của Kinh Thánh, đôi khi một ngày tượng trưng cho một năm *. Nếu áp dụng cách tính một ngày cho một năm, bảy kỳ sẽ có tổng số là 2.520 năm. Nếu tính từ năm 607 TCN thì sau 2.520 năm sẽ dẫn tới năm 1914 *. Theo đó, chúng ta hiểu năm 1914 là năm khi bảy kỳ chấm dứt, khởi đầu sự cai trị của Chúa Giê-su với tư cách là Vua Nước Trời. Điều đáng lưu ý là từ năm 1914, nhiều biến cố nghiêm trọng đã xảy ra trên toàn thế giới, các biến cố mà Kinh Thánh từng báo trước về những ngày sau cùng.

Giang: Những biến cố đó là gì vậy?

Công: Xem xét lời của Chúa Giê-su được ghi nơi Ma-thi-ơ 24:7. Liên quan đến thời điểm ngài bắt đầu cai trị trên trời, Chúa Giê-su nói: “Dân này sẽ đánh dân kia và nước này tấn công nước nọ; hết nơi này đến nơi khác có đói kém và động đất”. Hãy lưu ý là Chúa Giê-su đã báo trước về sự đói kém và động đất trong suốt thời gian đó. Rõ ràng, nhân loại chứng kiến rất nhiều vấn đề đã xảy ra trong thế kỷ vừa qua, phải không?

Giang: Đúng thật.

Công: Trong câu này, Chúa Giê-su cũng báo trước về chiến tranh trong thời kỳ ngài hiện diện với tư cách là Vua Nước Trời. Sách Khải huyền trong Kinh Thánh tiên tri về các cuộc chiến tranh không chỉ xảy ra cục bộ nhưng ảnh hưởng trên toàn thế giới trong kỳ cuối cùng *. Anh có nhớ thế chiến thứ nhất nổ ra khi nào không?

Giang: Năm 1914, chính là năm mà anh nói Chúa Giê-su bắt đầu cai trị! Trước đây tôi chưa từng nhận ra điều đó.

Công: Khi chắp nối mỗi phần của lời tiên tri về bảy kỳ với nhau cũng như những lời tiên tri khác liên quan đến thời kỳ cuối cùng, thì chúng ta thấy rất hợp lý. Nhân Chứng Giê-hô-va tin chắc rằng Chúa Giê-su bắt đầu cai trị với tư cách là Vua Nước Trời năm 1914, và những ngày sau cùng cũng bắt đầu vào năm này *.

Giang: Tôi vẫn cố gắng hiểu những chi tiết này.

Công: Không sao đâu. Như tôi đã nói, tôi cũng mất một thời gian mới hiểu rõ được. Nhưng ít nhất, tôi hy vọng là cuộc thảo luận này giúp anh nhận ra rằng mặc dù năm 1914 không được nêu cụ thể trong Kinh Thánh, nhưng Nhân Chứng Giê-hô-va căn cứ niềm tin về năm ấy theo Kinh Thánh.

Giang: Vâng, tôi ấn tượng điều này về anh, điều gì anh nói cũng luôn chứng minh qua một câu Kinh Thánh, không phải theo ý riêng. Nhưng tôi thắc mắc tại sao lại phức tạp đến thế. Tại sao Đức Chúa Trời không cho chúng ta biết trong Kinh Thánh về năm 1914 sẽ là năm Chúa Giê-su bắt đầu cai trị trên trời?

Công: Đó là một câu hỏi rất hay. Thật ra, có nhiều điều Kinh Thánh không nói cụ thể. Vậy tại sao Đức Chúa Trời để Kinh Thánh được viết theo cách mà con người phải nỗ lực mới hiểu được? Chúng ta sẽ nói về chủ đề này sau.

Giang: Vâng, được chứ.

Bạn có đang thắc mắc về một đề tài nào đó trong Kinh Thánh không? Bạn có tò mò muốn biết về niềm tin hoặc thực hành nào của Nhân Chứng Giê-hô-va không? Nếu có, bạn đừng ngại nêu ra điều đó khi gặp Nhân Chứng vào lần tới. Họ sẽ vui lòng thảo luận với bạn.

^ đ. 5 Qua chương trình tìm hiểu Kinh Thánh (miễn phí), Nhân Chứng Giê-hô-va thường có cuộc thảo luận Kinh Thánh theo trình tự với người khác.

^ đ. 24 Xem biểu đồ “Giấc mơ của Nê-bu-cát-nết-sa về một cây”.

^ đ. 30 Xem chương 9 của sách Kinh Thánh thật sự dạy gì?, do Nhân Chứng Giê-hô-va xuất bản.