BÀI TRANG BÌA | CHÚA GIÊ-SU CỨU CHÚNG TA—KHỎI ĐIỀU GÌ?
Cái chết và sự sống lại của Chúa Giê-su—Có nghĩa gì đối với bạn?
‘Hãy tin Chúa Giê-su thì anh sẽ được cứu’.—Công vụ 16:31.
Phao-lô và Si-la đã nói những lời đáng nhớ này với viên cai tù ở thành Phi-líp thuộc xứ Ma-xê-đô-ni-a. Vậy những lời này có nghĩa gì? Để hiểu đức tin nơi Chúa Giê-su liên quan thế nào đến việc giải cứu nhân loại khỏi cái chết, trước tiên chúng ta phải biết tại sao con người chết. Hãy xem những điều Kinh Thánh dạy.
Con người được sinh ra không phải để chết
“Giê-hô-va Đức Chúa Trời đem người ở vào cảnh vườn Ê-đen để trồng và giữ vườn. Rồi, Giê-hô-va Đức Chúa Trời phán dạy rằng: Ngươi được tự-do ăn hoa-quả các thứ cây trong vườn; nhưng về cây biết điều thiện và điều ác thì chớ hề ăn đến; vì một mai ngươi ăn, chắc sẽ chết”.—Sáng-thế Ký 2:15-17.
Đức Chúa Trời đặt người đàn ông đầu tiên là A-đam trong vườn Ê-đen, một địa đàng với vô số loài động vật hoang dã và cây cối xanh tươi. A-đam có thể tự do ăn trái của nhiều cây. Tuy nhiên, Giê-hô-va Đức Chúa Trời cho A-đam biết rõ ông không được ăn quả của một cây, rồi cảnh báo rằng nếu ăn thì sẽ chết.
A-đam hiểu lệnh cấm này không? Ông biết cái chết là gì; ông đã chứng kiến cảnh thú vật chết. Nếu A-đam được tạo ra để rồi cuối cùng phải chết thì lời cảnh báo của Đức Chúa Trời hẳn không có nghĩa lý gì. Thay vì thế, A-đam nhận thức rằng nếu vâng lời Đức Chúa Trời và không ăn trái của cây ấy thì ông sẽ không bao giờ chết nhưng được sống đời đời.
Một số người tin rằng cây ấy tượng trưng cho việc quan hệ tình dục, nhưng không phải vậy. Suy cho cùng, Đức Giê-hô-va muốn A-đam và vợ ông là Ê-va “sanh-sản, thêm nhiều” và “làm cho đầy-dẫy đất; hãy làm cho đất phục-tùng” (Sáng-thế Ký 1:28). Lệnh cấm đó áp dụng cho một cây có thật. Đức Giê-hô-va gọi đó là “cây biết điều thiện và điều ác” vì nó tượng trưng cho quyền của ngài để xác định điều gì là tốt, điều gì là xấu. Nếu không ăn trái của cây đó, A-đam cho thấy ông chấp nhận quyền của Đức Chúa Trời cũng như biết ơn Đấng đã tạo ra ông và ban phước dồi dào cho ông.
A-đam chết vì cãi lời Đức Chúa Trời
“Ngài lại phán cùng A-đam rằng: Vì ngươi... ăn trái cây ta đã dặn không nên ăn... ngươi sẽ làm đổ mồ-hôi trán mới có mà ăn, cho đến ngày nào ngươi trở về đất, là nơi mà có ngươi ra; vì ngươi là bụi, ngươi sẽ trở về bụi”.—Sáng-thế Ký 3:17, 19.
A-đam ăn trái của cây đã bị cấm. Hành động bất tuân ấy vô cùng nghiêm trọng. Đó là sự phản nghịch, ngang nhiên xem thường những điều tốt lành mà Đức Giê-hô-va đã làm cho ông. Qua việc ăn trái của cây đó, A-đam đã chối bỏ Đức Giê-hô-va và chọn lối sống độc lập, nên đã gánh lấy hậu quả thảm khốc.
Như Đức Giê-hô-va đã báo trước, cuối cùng A-đam cũng chết. Đức Chúa Trời tạo ra A-đam từ “bụi đất” và bảo rằng ông sẽ “trở về đất”. A-đam không đầu thai thành một hình thể khác hoặc sống trong một cõi khác. Khi chết, ông giống như bụi đất, nơi mà ông được tạo ra.—Sáng-thế Ký 2:7; Truyền-đạo 9:5, 10.
Chúng ta chết vì là con cháu của A-đam
“Bởi một người mà tội lỗi vào thế gian và bởi tội lỗi mà có sự chết, nên sự chết trải trên mọi người, vì hết thảy đều có tội”.—Rô-ma 5:12.
Sự bất tuân của A-đam, tức tội lỗi, dẫn đến hậu quả có ảnh hưởng sâu rộng. Khi phạm tội, A-đam đánh mất triển vọng sống đời đời chứ không phải đời sống bình thường 70, 80 năm. Hơn nữa, khi phạm tội, ông không còn hoàn hảo nên con cháu ông phải bị di truyền điều này.
Tất cả chúng ta là con cháu của A-đam. Vì thế, chúng ta buộc phải gánh chịu một thân thể không hoàn hảo với khuynh hướng phạm tội, rồi cuối cùng cũng chết. Phao-lô miêu tả tình trạng này khi viết: “Tôi thuộc về xác thịt, đã bị bán cho tội lỗi. Khốn khổ cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể phải chết theo cách này?”. Rồi chính Phao-lô đã trả lời: “Cảm tạ Đức Chúa Trời, ngài sẽ cứu tôi qua Chúa Giê-su Ki-tô, Chúa của chúng ta!”.—Rô-ma 7:14, 24, 25.
Chúa Giê-su hy sinh mạng sống để chúng ta được sống mãi mãi
“Cha đã sai Con đến làm Đấng Cứu Thế”.—1 Giăng 4:14.
Đức Giê-hô-va sắp đặt một phương tiện để chúng ta thoát khỏi hậu quả của tội lỗi và án chết vĩnh viễn. Bằng cách nào? Ngài phái Con yêu dấu xuống thế để làm người hoàn hảo như A-đam. Nhưng không giống A-đam, Chúa Giê-su “chẳng hề phạm tội” (1 Phi-e-rơ 2:22). Vì là người hoàn hảo nên ngài không bị ảnh hưởng bởi án chết và có thể sống mãi mãi với tư cách là người hoàn hảo.
Dù vậy, Đức Giê-hô-va vẫn để Chúa Giê-su bị kẻ thù giết. Ba ngày sau, Đức Giê-hô-va làm cho Chúa Giê-su sống lại ở thể thần linh để Chúa Giê-su được trở về trời. Sau đó, ngài trình lên Đức Chúa Trời giá trị sự sống hoàn hảo để chuộc lại những gì A-đam đã gây thiệt hại cho bản thân và cho con cháu ông. Đức Giê-hô-va chấp nhận lễ vật ấy, nên những người thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su có thể được sống vĩnh cửu.—Rô-ma 3:23, 24; 1 Giăng 2:2.
Do đó, Chúa Giê-su chuộc lại điều A-đam đã đánh mất. Ngài chịu chết để chúng ta có thể được sống mãi mãi. Kinh Thánh nói: “Chúa Giê-su... đã chịu chết, hầu cho bởi lòng nhân từ bao la của Đức Chúa Trời mà ngài nếm trải sự chết vì mọi người”.—Hê-bơ-rơ 2:9.
Sự sắp đặt này tiết lộ nhiều điều về Đức Giê-hô-va. Nếu theo tiêu chuẩn công chính cao của ngài thì người không hoàn hảo không thể tự cứu chuộc mình được. Tuy nhiên, tình yêu thương và lòng thương xót đã thôi thúc ngài đáp ứng tiêu chuẩn ấy dù phải trả giá cao, đó là ban Con ngài làm giá chuộc.—Rô-ma 5:6-8.
Chúa Giê-su đã được sống lại, người khác cũng sẽ được như thế
“Thật ra Đấng Ki-tô đã được sống lại, là trái đầu mùa của những người đã an giấc. Vì bởi một người mà có sự chết thì cũng bởi một người mà có sự sống lại. Như trong A-đam mọi người đều chết thì trong Đấng Ki-tô mọi người sẽ nhận được sự sống”.—1 Cô-rinh-tô 15:20-22.
Chắc chắn Chúa Giê-su đã từng sống và chết, nhưng có bằng chứng nào cho thấy ngài được sống lại không? Một trong những bằng chứng thuyết phục nhất là khi được sống lại, Chúa Giê-su hiện ra trước nhiều người tại những nơi khác nhau. Có lần, ngài hiện ra với hơn 500 người. Sứ đồ Phao-lô có nhắc đến điều này khi ông viết thư cho người Cô-rinh-tô, trong đó nói đến một số người chứng kiến vẫn còn sống, hàm ý rằng họ có thể xác nhận những điều đã thấy và nghe.—1 Cô-rinh-tô 15:3-8.
Điều đáng chú ý, khi viết Đấng Ki-tô là “trái đầu mùa” của những người được sống lại, Phao-lô cho thấy người khác cũng sẽ được sống lại sau này. Chính Chúa Giê-su cho biết: “Giờ sẽ đến, khi mọi người trong mồ mả nghe tiếng ngài và ra khỏi”.—Giăng 5:28, 29.
Để sống đời đời, chúng ta phải thể hiện đức tin nơi Chúa Giê-su
“Đức Chúa Trời yêu thương thế gian đến độ đã ban Con một của ngài cho họ, để ai thể hiện đức tin nơi Con ấy sẽ không bị hủy diệt mà được sống đời đời”.—Giăng 3:16.
Những trang đầu tiên của Kinh Thánh kể lại thời kỳ cái chết xuất hiện và địa đàng bị đánh mất. Những trang cuối cùng cho biết sẽ có thời kỳ không còn sự chết và Đức Chúa Trời sẽ khôi phục địa đàng trên đất. Sau đó, con người có thể sống hạnh phúc và thỏa nguyện mãi mãi. Sách Khải huyền chương 21 câu 4 nói: “Sẽ không còn sự chết”. Để nhấn mạnh lời hứa đáng tin cậy này, câu 5 cho biết: “Những lời ấy là trung tín và chân thật”. Đức Giê-hô-va hoàn toàn có thể thực hiện được những điều ngài hứa.
Bạn có tin “những lời ấy là trung tín và chân thật” không? Vậy, hãy tìm hiểu thêm về Chúa Giê-su và đặt đức tin nơi ngài. Nếu làm thế, bạn sẽ được Đức Giê-hô-va chấp nhận. Không những bạn cảm nghiệm ân phước dồi dào của ngài ngay bây giờ mà còn có hy vọng được sống đời đời trong địa đàng, nơi “sẽ không còn sự chết, than van, khóc lóc hay đau đớn nữa”.